“Hé gương cho người đọc” là tập phê bình văn học mới nhất của nhà giáo, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy do NXB Phụ nữ giới thiệu với bạn đọc. Cuốn sách đánh dấu tác phẩm thứ 10 về phê bình của Đỗ Lai Thúy kể từ “Mắt thơ” (tập phê bình phong cách Thơ mới) xuất bản lần đầu năm 1992…

“Hé gương cho người đọc” bao gồm 10 bài viết, trong đó ngoài bài mở đầu là “Đọc trong không gian văn hóa đương đại” giống như cánh cửa để bước vào không gian phê bình của tác giả thì còn lại là 9 chân dung văn học trung đại: Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du – Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Tú Xương, Tản Đà. Những gương mặt, những tác phẩm tưởng đã quen thuộc nhưng lại vẫn đầy mới mẻ, gợi nhiều bâng khuâng, ngẫm ngợi…

Nói như tác giả thì “Văn bản giống như giếng thần không bao giờ cạn nước. Người đọc các thế hệ đến soi mình vào gương giếng ấy không chỉ thấy màu xanh vĩnh cửu của bầu trời, mà còn cả khuôn mặt mình thay đổi theo thời gian. Nhưng văn bản thì không có sẵn… mà ít nhất cần một bàn tay vén màn, phủi bụi của phê bình. Nhà phê bình với tư cách là một “siêu người đọc”, bằng những cách đọc khác, sẽ làm mới những tác phẩm cũ, hoặc quen thuộc, mở thêm các không gian thẩm mỹ”.

Bạn đọc có thể hỏi vì sao lại là văn học trung đại và tại sao lại là những gương mặt kể trên? Với nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, “văn học trung đại Việt Nam từ giữa thế kỷ XVIII do ảnh hưởng của văn hóa đô thị, dù là phương Đông, trung đại, cũng đã tạo ra được một thời đại văn chương với những quan niệm, thể loại, tác giả mới. Khảo sát các nhà thơ từ Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Dương Khuê đến Tú Xương, Tản Đà cho thấy một xu hướng vận động của văn chương Việt… Chính điều này làm cho văn học Việt Nam trung đại có khả năng chuyển đổi hệ hình bước vào thời hiện đại, mở ra một thời đại khác”.

Có thể nói, “xu hướng”, “khả năng” chuyển đổi của một giai đoạn văn học Việt Nam mà tác giả đề cập đã được làm sáng tỏ qua những bài viết về các chân dung văn học trong tác phẩm. Đó là “Nguyễn Gia Thiều đối thoại với bóng”, “Phạm Thái lược gương kiểu mới”, “Truyện Kiều, phòng thử nghiệm những cách đọc”, “Xuân Hương khúc khích”, “Tản Đà, con cá và cánh diều”…

Nhưng để cùng bạn đọc làm sáng tỏ những điều ấy, Đỗ Lai Thúy – nhà phê bình nhưng đồng thời cũng là nhà giáo đã cung cấp cho độc giả một tư thế, một điểm nhìn có khả năng bao quát tốt vấn đề mà ông định nói. Bài viết mở đầu “Đọc trong không gian văn hóa đương đại” cung cấp rất nhiều luận điểm để người đọc bám vào đây đến gần hơn với tâm hồn, mỹ cảm, những vấn đề lịch sử, thời đại gắn liền với các văn nhân đã sống cách nay chừng 3 thế kỷ.

Đỗ Lai Thúy phân tích cụ thể 9 tác giả từ thành phần xã hội (quan binh, quan lại, bình dân đô thị – nữ; bình dân – đô thị hiện đại) đến nguồn ảnh hưởng chủ yếu (Phật giáo, dân gian, tư tưởng Lão – Trang, tư tưởng thị dân, tư tưởng thị dân hiện đại) và thể loại sáng tác chủ yếu (ngâm khúc, truyện Nôm, Đường luật, hát nói, đa thể loại…). Rồi ông chỉ ra hai hướng vận động “cũng là con đường hiện đại hóa của văn học Việt Nam”, thứ nhất là từ quan lại đến bình dân, thứ hai là từ nông thôn đến đô thị. Cả hai chiều kích đều hội tụ lại ở Tản Đà – nhà nho bình dân đô thị với tư tưởng thị dân hiện đại.

Tác giả cũng đề cập sâu về sự chuyển động của phê bình văn học Việt Nam như từ phê bình tiểu sử sang phê bình văn bản, rồi từ phê bình văn bản sang phê bình (của) người đọc… Trong đó, vai trò của người đọc được xem như đặc biệt quan trọng. Bằng cách chưng cất những khái niệm lý luận phức tạp, hàn lâm, với văn phong giản dị, cuốn hút, Đỗ Lai Thúy mang đến cho người đọc cảm hứng mới không phải chỉ với tác giả, tác phẩm mà thực chất là với văn hóa, tâm hồn dân tộc.

Theo Hà Dương – Hà Nội mới online
Exit mobile version