Hát Xoan được UNESCO chuyển từ danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cập sang danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhận loại vào năm 2017.

Hát Xoan chứa đựng nhiều giá trị văn hoá cổ

Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.

Theo sử sách ghi lại thì hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, là di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Gốc của hát Xoan ở vùng Phú Thọ, sau đó lan tỏa tới các làng quê thuộc đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường Xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở 2 xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ).

hat xoan – tu
Biểu diễn hát xoan trong lễ hội cổ truyền – Phú Thọ.

Ca nhạc của Xoan là ca nhạc biểu diễn với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, ngâm thơ và ca khúc; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp.

Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng duyên dáng, trữ tình.

Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca. Sức sống của hát Xoan chính là ở sự kết hợp của loại hình hát lễ nghi với hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ yêu thích.

Ngày 24/11/2011, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 (UNESCO) họp tại Bali-Indonesia công nhận là Di sản văn hóa hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Ngay sau khi được UNESCO vinh danh Hát xoan, tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại-hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2020” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 2058/QĐ-TTG ngày 07/11/2013.

Đồng thời tỉnh Phú Thọ đã triển khai và ban hành các chương trình, kế hoạch, chính sách và giải pháp cụ thể để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Ông Hà Kế San- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết về những nỗ lực và kết quả đạt được các cấp, các ngành của tỉnh Phú Thọ cũng như của cộng đồng các phường Xoan trong hơn 4 năm qua: “Việc đào tạo nghệ nhân truyền dạy và thực hành hát Xoan trong cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng nhất và được ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định tính bền vững cho sự bảo tồn lâu dài của di sản hát Xoan. Tỉnh Phú Thọ đã ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân Hát Xoan, qua đó đã phát huy được vai trò của các nghệ nhân lão thành để nhanh chóng đào tạo được các nghệ nhân trẻ, từng bước kế tục lớp nghệ nhân hiện nay.

31 bài ca Xoan cổ mà các nghệ nhân lão thành nắm giữ đã được cấp tốc trao truyền cho lớp nghệ nhân kế cận, nghệ nhân trẻ và được tư liệu hoá đầy đủ, xuất bản thành băng, đĩa CD, VCD và số hoá. 29/31 bài đang được thực hành thường xuyên; đã đào tạo được một đội ngũ nghệ nhân kế cận 62 người là lực lượng nòng cốt, có thể thay thế các nghệ nhân cao niên để tiếp tục truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị của Hát Xoan cho thế hệ mai sau…”.

hat xoan – tu
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Ngoài ra, Hát Xoan được đưa vào giảng dạy, giới thiệu ở Trường Trung cấp Văn Hoá Nghệ Thuật và du lịch Phú Thọ, Trường đại học Hùng Vương và 100% số trường cả 4 khối từ mầm non đến trung học phổ thông ở thành phố Việt Trì, góp phần nâng cao nhận thức cho giao viên, học sinh, dần hình thành thế hệ khán giả mới hiểu biết và yêu hát Xoan.

Những sinh hoạt văn hoá, âm nhạc gắn với không gian văn hoá hát Xoan được tăng cường; việc thực hành hát Xoan trong cộng đồng địa phương được phục hồi và đẩy mạnh, từ 13 Câu lạc bộ Hát Xoan (năm 2010), công chúng yêu hát Xoan với 298 hội viên, đến nay đã hình thành và phát triện được 33 câu lạc bộ (30 ở Phú Thọ và 3 ở Vĩnh Phúc) với 1.336 người tham gia sinh hoạt; thủ tục giao lưu, hát kết nghĩa lâu đời đã được phục hồi bởi phường Xoan An Thái và Làng Cao Mại, phường Xoan Thét và làng Sậu…

Hát Xoan lan tỏa sức sống trong cộng đồng

Song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan trong đời sống cộng đồng thì công tác tuyên truyền, quảng bá để người dân và cộng đồng cũng như bạn bè thế giới hiểu rõ hơn giá trị của di sản Hát Xoan.

Ông Hà Kế San cho biết thêm: “Việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo các không gian diễn xướng được tích cực triển khai. Có 19 di tích liên quan tới hát Xoan, đặc biệt Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới xã Kim Đức và đình An Thái xã Phượng Lâu – TP Việt Trì di tích cổ nhất gắn vớii sự ra đời hát Xoan đã và đang được phục dựng, tu bổ, tôn tạo và đưa vào sử dụng.

Năm 2015, Tỉnh Phú Thọ đã nộp hồ sơ cho UNESCO báo cáo định kỳ sau 4 năm bảo vệ di sản Hát Xoan.

Ngày 4/12/2015 hội nghị tại Namibia của Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003, sau khi xem xét báo cáo của Việt Nam, đã có Quyết định số 10.COM 19 ghi nhân và cho phép Hát Xoan Phú Thọ – Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp – là trường hợp ngoại lệ, đầu tiên trên thế giới được tiến hành lập hồ sơ gửi UNESCO trước ngày 31/3/2016 để xem xét chuyển từ danh sách di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cập sang danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhận loại vào năm 2017. Ngày 25/3/2016, hồ sơ “Hát Xoan Phú Thọ” đã được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam (bộ ngoại giao) gửi đến UNESCO theo đúng thời gian quy định.

Sự kiện này một lần nữa chứng tỏ rằng, với sự ghi danh của UNESCO, cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của cộng đồng, những người nắm giữ di sản – di sản hát Xoan Phú Thọ qua ngàn đời vẫn tiềm tàng và đầy sức sống trong đời sống đương đại và đã có đóng góp quan trọng trong sự đa dạng và đặc sắc của các dân tộc trong kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại./.

 

Nguồn VOV