Octavio Paz (1914-1998), nhà thơ Mexico, Nobel Văn chương năm 1990, được biết đến như một trong những đại diện lớn nhất của thơ ca thế giới thế kỷ XX. Nhưng cũng có thể coi ông là một nhà tư tưởng của thời kỳ hậu hiện đại với những suy tư độc đáo, bao trùm nhiều phạm vi từ nghệ thuật, lịch sử, truyền thông, các vấn đề về chủ nghĩa hậu thực dân. Tư tưởng của ông được thể hiện qua những bài tiểu luận với ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu liên tưởng và nhịp điệu. Nói khác đi, tính thơ tràn cả vào những tiểu luận ấy.

Nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông (31/03), Tia Sáng xin giới thiệu bài tản văn dưới đây như một ví dụ.

Nghệ thuật của những nền văn minh lớn trong lịch sử, bao gồm cả những nền văn minh châu Mỹ thời kỳ tiền Columbus, có khả năng khơi dậy trong chúng ta niềm ngưỡng mộ, sự hào hứng, thậm chí cả nỗi say mê, nhưng chưa bao giờ chúng có thể gây ấn tượng bằng một cây lao móc của người Eskimo hay một tấm mặt nạ từ vùng Nam Thái Bình Dương. Tôi dùng chữ “ấn tượng” ở đây không chỉ theo nghĩa chúng đem đến cho ta những cảm giác mãnh liệt, mà còn theo nghĩa từ nguyên của nó, “để lại một vết tích hay dấu ấn bằng một áp lực”. Đó là một ấn tượng mà ta tri nhận được ngay trên thân thể và thứ cảm xúc chúng ta trải nghiệm thực sự là một nỗi âu lo rất tinh tế. Không gian bên trong hay bên ngoài, thế giới ở bên dưới hay ở phía bên kia, trở thành một trọng lực khổng lồ áp xuống chúng ta. Mỗi tác phẩm là một khối thời gian rắn chắc, thời gian đứng lại, thời gian hùng vĩ hơn cả một ngọn núi, bất chấp thực tế nó là thứ không thể sờ chạm được, như không khí hay như tư tưởng. Có phải đó là vì đấy là những tác phẩm lâu đời, vì trọng lượng của ngàn năm chồng lên ngàn năm được nén lại thành một khúc, một mảnh nho nhỏ? Tôi không tin như vậy. Mỹ thuật của những người được coi là nguyên thủy không phải là thứ mỹ thuật xa xưa nhất mà chúng ta được biết. Ngoài dữ kiện nhiều vật thể trong số này mới chỉ được tạo tác gần đây, tôi không dám gọi bừa thứ nghệ thuật cổ kính nhất mà chúng ta có tri thức về nó, tức nghệ thuật của thời kỳ Đồ đá cũ, là nghệ thuật nguyên thủy. Những con thú được vẽ trên vách những hang động ở Pháp, Tây Ban Nha và một số nơi khác nữa tương đồng nhiều nhất, nếu như ở đây có thể được đưa ra phép so sánh, với những tranh vẽ hình tượng tuyệt vời trang trí trên những bức tường của các ngôi đền và cung điện từ thời bùng nổ cách mạng thành thị. Không chỉ có hình thức tương tự, những hình vẽ này còn có chức năng tương tự. Thuyết cho rằng những hình vẽ này là những sự mô tả bí hiểm liên quan đến những nghi thức săn bắn đã trở nên yếu thế hơn so với thuyết cho rằng chúng là một hình thức của mỹ thuật tôn giáo, vừa mang tính tự nhiên chủ nghĩa vừa mang tính tượng trưng. Các chuyên gia như André Leroi-Gourban tin rằng những hang động này có tính chất như là những thánh đường của con người thời Đồ đá cũ. Không, khoảng thời gian mà những sáng tạo của người nguyên thủy là biểu tượng sống động về nó không phải là thời cổ đại; hay đúng hơn, những tác phẩm này phát lộ một thời kỳ cổ đại khác, một khoảng thời gian còn có trước thời gian biên niên ký. Một khoảng thời gian có trước cả ý niệm về thời cổ đại: thứ thời gian nguyên thủy thực sự, thứ thời gian luôn luôn có trước, bất kể nó xuất hiện khi nào. Một con búp bê của người Hopi hay một bức vẽ của người Navajo không hề lâu đời hơn những tác phẩm ở hang Altamira hay Lascaux: chúng có trước những tác phẩm ấy.

Tác phẩm thủ công của người nguyên thủy đã hé lộ một thứ “thời gian trước thời gian”. Đó là một thứ thời gian như thế nào? Gần như không thể mô tả nó bằng ngôn từ và khái niệm. Tôi muốn gọi thứ thời gian này là một ẩn dụ nguyên thủy. Hạt giống đầu tiên mà bên trong nó chứa mọi thứ sau này sẽ trở thành một cái cây-rễ, thân, lá, quả và cả sự tàn rữa cuối cùng – đã kích hoạt một đời sống sẽ mở ra chỉ trong tương lai thế nhưng đồng thời lại đã là hiện tại. Chính xác hơn: nó là tình trạng sắp xảy ra của cái chưa được biết – không phải là một thứ đã hiện hữu mà đúng hơn là một mong đợi và  đồng thời, một nguy cơ đe dọa, như là sự trống rỗng. Nó là sự đột phá của cái bây giờ vào cái ở đây, cái hiện tại trong toàn bộ tính thực tế tức thời cũng như toàn bộ tình trạng quay cuồng, thù địch tiềm tàng của nó. Thứ khoảnh khắc này che giấu điều gì? Hiện tại chính là cái vừa được phát lộ, vừa bị che giấu trong những tác phẩm thủ công của người nguyên thủy, cũng như trong hạt giống và trong tấm mặt nạ: nó vừa là nó và vừa không phải nó, sự hiện hữu vừa tồn tại vừa không tồn tại ở đó trước chúng ta. Thứ hiện tại này chưa bao giờ xuất hiện trong thời gian lịch sử hay tuyến tính; nó cũng không xuất hiện trong thời gian tôn giáo hay thời gian chu kỳ. Trong thời gian trần thế và thời gian linh thiêng, những nhân tố trung gian – một thượng đế hay một khái niệm, một ngày mang tính huyền thoại hay một chiếc kim nhỏ trên mặt đồng hồ – đã giữ chúng ta tránh khỏi việc bị cái móng vuốt vĩ đại của cái hiện tại cào xé. Có một cái gì đó hoặc một ai đó đứng giữa ta và thời gian tàn nhẫn để bảo vệ chúng ta: tờ lịch mở ra một lối đi qua những bụi rậm ken dày của thời gian, thu hẹp đi cái mênh mông của nó. Tác phẩm thủ công của người nguyên thủy không thể xác định được niên đại, hay đúng hơn, nó có trước bất kỳ một mốc ngày nào trên bất kỳ một cuốn lịch nào. Nó là thứ thời gian có trước ý niệm “trước” và “sau”.

Hạt giống là ẩn dụ nguyên thủy: nó rơi xuống đất, xuống rãnh nứt trên mặt đất, và được nuôi dưỡng bởi vật chất của mặt đất. Ý niệm về sự rơi xuống và về sự chia cắt không gian được hàm ẩn trong hình ảnh của chúng ta về hạt giống. Nếu ta nghĩ rằng thời gian của loài vật là một thứ hiện tại liền mạch với tất cả tính thực tại của cái bây giờ vô tận, thì thời gian của con người sẽ là một thứ hiện tại bị phân chia. Sự chia cắt này là một sự đứt đoạn sâu sắc: cái bây giờ rơi xuống thành cái có trước và cái có sau. Vết nứt thời gian này báo hiệu sự ra đời của vương quốc loài người. Hình thức biểu hiện hoàn hảo nhất của nó là cuốn lịch mà mục tiêu của nó không phải là phân chia thời gian mà đúng hơn là bắc cầu nối khoảng cách mệt mỏi giữa hai vách đá của ngày hôm qua và ngày mai. Tờ lịch gọi tên thời gian và vì nó hoàn toàn thất bại trong việc thuần hóa cái hiện tại bất kham nên hóa ra nó lại làm xa cách cái hiện tại ấy. Một ngày trên tờ lịch che đậy cái khoảnh khắc nguyên thủy: cái khoảnh khắc khi người nguyên thủy bất ngờ nhận ra mình đang ở bên ngoài dòng thời gian tự nhiên hay dòng thời gian của loài vật, anh ta nhận ra mình là một kẻ lạ, một tạo vật đã bị rơi vào cái bây giờ không thể thăm dò được hiểu theo nghĩa đen hoàn toàn. Khi lịch sử loài người mở ra, vết nứt này ngày một lớn hơn, sâu hơn. Những tờ lịch, những thượng đế, những triết thuyết lần lượt rơi xuống cái hố thẳm vĩ đại này. Chúng ta, ngày hôm nay, tồn tại lơ lửng bên rìa vực, sự rơi xuống của chúng ta là một tình trạng sắp xảy ra bất cứ khi nào. Các thiết bị của chúng ta có thể đo được thời gian nhưng trí tuệ của chúng ta thì không còn có thể hình dung nổi nó nữa: nó trở nên vừa quá lớn và vừa quá nhỏ.

Tác phẩm thủ công của người nguyên thủy hấp dẫn chúng ta vì cái tình thế mà nó phơi bày có gì đó tương đồng với chính tình thế mà chúng ta ngày hôm nay đang tự cảm thấy: thời gian không có nhân tố trung gian nào, vực thẳm thời gian là thứ không thể đo được. Không phải là một khoảng chân không mà đúng hơn, thời gian là sự hiện diện của cái không thể biết, và do đó, nó là một sức mạnh tàn bạo tức thời. Trong suốt hàng ngàn năm, cái không thể biết này có một cái tên, có nhiều cái tên: các vị thần, các ký hiệu, biểu trưng, ý niệm, hệ thống. Ngày hôm nay, nó lại một lần nữa trở thành cái vực thẳm không tên, cũng như nó hoàn toàn không có tên trước khi lịch sử bắt đầu. Mốc khởi đầu và chung cuộc hóa ra lại giống nhau. Song người nguyên thủy là kẻ không phải chịu đựng tình trạng không được bảo vệ về tâm linh nhiều như chúng ta giờ đây. Khoảnh khắc hạt giống rơi xuống một rãnh đất, nó lấp đầy kẽ nứt ấy và nở ra sự sống. Sự rơi xuống của nó là một sự phục sinh; chỗ đứt đoạn trở thành vết sẹo và sự chia cắt trở thành sự tái hợp. Tất cả thời gian hiện hữu sống động trong hạt giống.

Một khúc ca tang lễ của người Pigmy – mà đối với tôi, nó mang một vẻ đẹp toàn bích, thanh khiết hơn rất nhiều những bài thơ cổ điển của chúng ta – đã thể hiện tốt hơn bất kỳ một tài liệu nghiên cứu nào cái thế giới quan này mà trong đó sự rơi xuống và sự phục sinh cùng đồng hiện:

Một con thú được sinh ra, nó đi qua lối này, và chết
Và cơn lạnh giá tột cùng tràn về
Cái lạnh tột cùng của đêm sâu, của màu đen thẳm

Một con chim bay qua lối này, chúng xoải cánh, rồi chết
Và cơn lạnh giá tột cùng tràn về,
Cái lạnh tột cùng của đêm sâu, của màu đen thẳm

Một con cá tung mình, nó bơi qua lối này, rồi chết
Và cơn lạnh giá tột cùng tràn về,
Cái lạnh tột cùng của đêm sâu, của màu đen thẳm

Một con người được sinh ra, hắn ăn, hắn ngủ
Và cơn lạnh giá tột cùng tràn về,
Cái lạnh tột cùng của đêm sâu, của màu đen thẳm

Bầu trời bùng cháy, cặp mắt của nó nhắm lại
Những ngôi sao ban mai lấp lánh
Cái lạnh ở bên dưới, ánh sáng ở phía trên.

Một người vừa đi qua lối này, người tù đó được tự do
Bóng của y tan ra, tan ra…

Hải Ngọc dịch từ “The Seed”, bản dịch tiếng Anh của Helen Lane trong Alternating Current, NY: Arcarde Publishing 1990.

 

Nguồn: Tia sáng