Nhà văn Nhật chia sẻ về công việc viết lách và những giấc mơ, nỗi ám ảnh thường trực của ông tại Festival sách quốc tế Edinburgh.
Haruki Murakami xuất hiện tại câu lạc bộ sách của tạp chí Guardian, trong khuôn khổ Liên hoan sách quốc tế Edinburgh ở Anh hôm 23/8. Tác giả có cuộc trò chuyện với người chủ trì của câu lạc bộ – John Mullan – và trả lời những câu hỏi mà các độc giả gửi cho ông.
Hiếm khi xuất hiện trước truyền thông hay nơi công cộng, nhưng Haruki Murakami vui vẻ, thoải mái và có phần hài hước trong cuộc trò chuyện với John Mullan bằng tiếng Anh. “Tôi từng sống ở Hawaii một thời gian nên tiếng Anh của tôi sẽ khác cậu đấy”, nhà văn “cảnh báo” người đối thoại. Tuy vậy, Murakami có một phiên dịch bên cạnh để giúp cuộc trò chuyện được suôn sẻ. Tạp chí Guardian đã tổng hợp những câu trả lời đáng giá từ cuộc gặp gỡ này.
“Tôi viết tiểu thuyết đầu tiên năm 1979. Từ đó trở đi, mỗi tiểu thuyết tôi viết ra đều dùng ngôi thứ nhất. Cũng có đôi lần tôi cố thử với ngôi thứ ba (lần đầu tiên là với Kafka bên bờ biển) và mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy không thoải mái, như thể tôi đang đứng ở bên trên mà nhìn xuống. Tôi muốn được ngang hàng với nhân vật của mình. Hoàn toàn bình đẳng”.
Cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki Murakami xuất bản năm 1994 ở Nhật. “Toru Okada (nhân vật chính trong tiểu thuyết) là mẫu người hùng của tôi. Khi còn trẻ, tôi muốn được giống như cậu ấy. Tôi chỉ muốn là một con người tĩnh lặng, sống một cuộc sống yên bình. Nhưng mọi thứ không còn được như thế. Cuộc sống rất kỳ lạ”.
Nhà văn Haruki Murakami.
Murakami giải thích, có rất nhiều chủ đề trở đi trở lại trong các cuốn sách được lấy từ chính cuộc sống của ông – con mèo, việc nấu ăn, âm nhạc và những ám ảnh. “Tôi ám ảnh với giếng. Voi. Tủ lạnh. Mèo. Và quần áo được là ủi. Tôi không thể nào giải thích”.
Nhân vật Toru Okada trong Biên niên ký chim vặn dây cót thường có sở thích chui xuống đáy một chiếc giếng cạn ngồi trầm tư mặc tưởng. “Giấc mơ suốt đời tôi là được ngồi dưới đáy một chiếc giếng. [Chứ không phải ác mộng? – John Mullan hỏi]. “Không”. “Tại sao?”. “Tôi không biết. Tôi nghĩ, thật thú vị là khi viết tiểu thuyết, bạn có thể tưởng tượng ra bất cứ điều gì. Do đó, tôi hình dung mình có thể ngồi dưới đáy một chiếc giếng, cô lập. Rất tuyệt”, Murakami nói.
John Mullan cũng đặt câu hỏi về việc những yếu tố trùng hợp thường xuyên xuất hiện trong các tiểu thuyết của Murakami, trong khi rất nhiều nhà văn cố gắng tránh xa điều này. “Những cuốn sách của Dickens đầy rẫy sự trùng hợp. Với Raymond Chandler cũng vậy, nhân vật Philip Marlowe của ông đụng phải rất nhiều xác chết trong City of Angels. Nó là chuyện thực tế, ngay cả ở Los Angeles. Không ai thắc mắc điều đó, bởi không có chúng, làm thế nào câu chuyện có thể xảy ra. Mặt khác, cuộc sống của tôi đầy rẫy những sự trùng hợp lạ lùng. Nó xảy ra trong những dấu mốc quan trọng của cuộc đời tôi”, Murakami trả lời.
Một số tác phẩm của nhà văn thường đề cập tới những điều khủng khiếp như bạo lực, lạm dụng tình dục. “Tôi đã rất sợ hãi khi viết chúng. Nhiều biên dịch thường nói với tôi, chúng rất đáng sợ. Nhưng viết ra chúng còn đáng sợ hơn. Tôi phải làm điều đó. Bạo lực và lạm dụng tình dục là những yếu tố thúc đẩy câu chuyện. Tôi không thích viết chúng nhưng tôi phải làm điều đó vì mục đích của câu chuyện”.
Nhiều ám ảnh trong đời thực được đưa vào tiểu thuyết của Murakami.
Nhà văn cũng chia sẻ lý do trong tác phẩm của ông thường có nhiều tuyến truyện: “Khi tôi viết một tiểu thuyết, nó chiếm của tôi một đến hai năm. Tôi viết ngày này sang ngày khác. Tôi mệt mỏi. Tôi phải đứng dậy, mở cửa sổ để đón không khí trong lành. Tôi viết một mạch khác của câu chuyện để cảm thấy thư giãn. Và tôi hy vọng độc giả cũng sẽ cảm thấy được thư giãn như thế. Ngoài ra, do sử dụng ngôi thứ nhất, tôi cần đến những yếu tố khác (để phát triển những tuyến truyện này): những lá thư, hoặc câu chuyện của ai đó”.
Nhiều người cho rằng, tác giả những cuốn tiểu thuyết dung lượng đồ sộ hẳn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào viết mỗi tác phẩm. Murakami thì không. “Tôi không có bất cứ ý tưởng nào cả – khi tôi bắt đầu viết – về những gì sẽ xảy ra. Ví dụ, với Biên niên ký chim vặn dây cót, điều đầu tiên mà tôi có là tiếng kêu của một con chim, tôi nghe thấy nó ở sân sau nhà tôi (đó là lần đầu tiên tôi nghe âm thanh đó và tôi chưa bao giờ được nghe lại từ đó. Tôi cảm thấy như nó là điềm báo cho điều gì đó. Và tôi muốn viết về nó). Điều tiếp theo là việc nấu món spaghetti – đây là những gì xảy ra với tôi. Tôi đang nấu món mì, và có người gọi tới. Vậy là tôi đã có hai chi tiết để bắt đầu. Tôi viết nó trong hai năm. Đó là hành trình rất thú vị. Tôi không biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo, mỗi ngày. Tôi thức dậy, ngồi vào bàn, bật máy tính… và nói với bản thân: ‘Để xem hôm nay có gì nào’. Thật sự rất thú vị!”.
Trước câu hỏi vì sao trong các tiểu thuyết của Murakami thường xuất hiện nhiều âm nhạc, nhà văn nói: “Nó đến rất tự nhiên. Khi viết tiểu thuyết, tôi cần âm nhạc, và các ca khúc tự động đến với tôi. Tôi học được rất nhiều từ âm nhạc: sự hài hòa, nhịp điệu và sự ngẫu hứng. Nhịp điệu rất quan trọng đối với tôi, tôi cần điều đó để duy trì người đọc dõi theo mạch viết. Thông thường tôi nghe nhạc khi viết, và âm nhạc trong các cuốn sách đến từ đó”.
Mặc dù nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của Haruki Murakami thường buồn, nhà văn tỏ ra ngạc nhiên trước nhận xét này. “Thật ư?”, Murakami hỏi. “Toru Okada hẳn là buồn vì cuộc hôn nhân của cậu ta”, John Mullan nói. “Mọi người đều như vậy” – Murakami đáp – “Tôi không chủ đích viết về những nhân vật buồn”.
Một số độc giả hỏi về vai trò của Murakami đối với các cuốn sách của ông được chuyển dịch sang tiếng Anh, nhà văn chia sẻ: “Tôi có thể đọc sách bằng tiếng Anh. Tiếng Pháp, Nga, Đức hoặc ngôn ngữ khác thì không. Khi một bản dịch tiếng Anh hoàn thành, họ gửi cho tôi bản thảo. Việc đọc chúng rất thú vị, vì tôi thường không nhớ mình đã viết thế nào nên không biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. Quan điểm của tôi là, nếu tôi cảm thấy thích thú, bản dịch đó là tốt. Đôi khi tôi phát hiện lỗi và gọi cho người dịch. Nhưng điều đó không đáng kể”.
Song Ngư
Nguồn: vnexpress.net