Tác giả nhận định này là Jay Rubin – dịch giả tiếng Anh phần lớn các sáng tác của nhà văn Nhật tại Mỹ. Ông cũng là người hâm mộ trang viết của Murakami.

Gần đây nhất, Rubin dành ra một năm rưỡi dịch tập đầu bộ 1Q84 – bộ tiểu thuyết được ấn hành làm 3 tập ở Nhật Bản từ năm 2009 đến 2010. Nhưng đến 25/10, tác phẩm này mới được xuất bản trọn bộ dày dặn tại Mỹ. Lễ ra mắt 1Q84 là một trong những sự kiện được chờ đợi nhất trong mùa sách thu tại Mỹ.

Bìa 1Q84 xuất bản tại Mỹ.

Bộ tiểu thuyết về lịch sử, tôn giáo, bạo lực và các mối quan hệ giữa người với người này được đánh giá là “không thể thiếu cho những ai muốn tiếp cận với nền văn học đương đại Nhật Bản”. Murakami rất nổi tiếng ở Nhật – nơi ông được coi là cây bút mang đến sự tươi mới cho dòng văn học siêu thực. Và không chỉ có vậy, ông là một tên tuổi toàn cầu.

Trang online của The New Yorker từng bị nghẽn khi đăng tải trích đoạn 1Q84 vì hàng triệu lượt độc giả vào đọc. Đến nay, nửa tháng trước khi ra mắt, cuốn sách này đứng đầu trong số 100 tác phẩm được đặt hàng trước nhiều nhất trên trang Amazon.

Rất ít nhà văn thu hút được độc giả như H. Murakami.

Năm 1998, khi Vintage Books xuất bản The Wind-up Bird Chronicle (Biên niên ký chim vặn dây cót) của Murakami, họ yêu cầu tác giả cắt bớt xuống còn khoảng 25.000 chữ. “Hồi đó, Vintage cảm thấy Murakami chỉ là một nhà văn vô danh, không đáng để họ xuất bản một cuốn sách dày như vậy.Tôi không biết tại sao họ lại đưa ra quyết định đó. Nhưng nhiều khả năng, nó bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường thôi”, Rubin nói.

Nhà văn Haruki Murakami.

Nhưng thành công này nối tiếp thành công khác nhiến Vintage cũng như nhiều NXB nước ngoài khác phải nhìn nhận lại về văn sĩ Nhật này.

“Bây giờ thì nhà xuất bản không chỉ đạo gì nữa. Murakami có thể làm mọi thứ ông thích. Nếu ông vứt bản thảo vào toilet, người ta cũng lôi lên mà xuất bản ấy chứ”, dịch giả người Mỹ bình luận.

Rubin trở thành người hâm mộ của Murakami khi một nhà xuất bản ở Mỹ nhờ ông đọc cuốn “Hardboiled Wonderland and the End of the World” (Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và chốn tận cùng thế giới) hơn 20 năm trước.

“Tôi nói với họ, bằng mọi cách, các vị phải xuất bản nó. Và nếu các vị không thích bản dịch đã có, bằng mọi cách hãy để tôi dịch. Tôi thực sự mê cuốn này”, Rubin kể lại. Nhưng Alfred Birnbaum đã chuyển ngữ cuốn sách. Tác phẩm này sau đó được Kodansha International xuất bản năm 1991. Rubin cho biết Hardboiled Wonderland đến nay vẫn là cuốn tiểu thuyết của Murakami mà ông yêu thích nhất.

1Q84 bản tiếng Nhật.

Rubin đồng thời cũng rất mê mẩn truyện ngắn của Murakami.

“Tôi nghĩ ông ấy viết truyện ngắn còn hay hơn tiểu thuyết. Chúng thật tuyệt, xuất sắc. Mọi người nghĩ thế là mâu thuẫn. Nhưng ông ấy tài năng ở cả hai thể loại. Murakami nói chung sinh ra để viết tiểu thuyết”.

Nhưng trước khi bị buộc phải đọc Hardboiled Wonderland, Rubin tỏ ra không mấy quan tâm đến Murakami. “Ông ấy bán được quá nhiều sách khiến tôi không có cảm giác muốn khám phá nữa”.

“Tôi nhìn qua sáng tác của ông và nghĩ, đây có lẽ là loại truyện về mấy cô mới lớn, mơ tưởng lên giường với hết người này đến người khác. Nếu vậy thì không còn gì chán hơn”, ông nói.

Nhưng thực tế là Rubin đã sai.

Tuy nhiên, Rubin không thích cách đặt tên sách 1Q84 của Murakami. George Orwell từng có tác phẩm nổi tiếng “1984”. Murakami nhại lại cái tên này vì chữ Q và số 9 trong tiếng Nhật có cách phát âm giống nhau.

Ngoài điều này ra, dịch giả người Mỹ rất tâm đắc với nội dung tác phẩm. Tại nhà riêng của mình ở Bellevue, Washington, Rubin dành riêng một tủ sách để chứa các sáng tác của Murakami.

Vậy điều gì khiến Murakami được độc giả Mỹ và phương Tây ưa chuộng như vậy?

“Tôi không biết”, Rubin cười đáp.

Có thể, Murakami đã định hướng khác rõ khi sáng tác. Văn của ông hướng tới độc giả toàn cầu và chịu ảnh hưởng của các nhà văn Mỹ.

“Ông ấy rõ ràng là rất mê văn chương Mỹ. Vonnegut ảnh hưởng mạnh mẽ vào văn chương của Murakami. Ông ấy còn nói rất nhiều về niềm đam mê của mình với các nhà văn như Truman Capote, John Irving…”, Rubin phân tích.

Hà Linh

Nguồn: eVan.