Trong lễ trao giải văn học Hans Christian Andersen hôm 30/10 tại Đan Mạch, tác giả Rừng Nauy đã có bài diễn văn sâu sắc nói về ý nghĩa của cái bóng.

Murakami

Nhà văn Haruki Murakami (đứng giữa) – Ảnh: Jacob Keinicke


“Giống như tất cả chúng ta, mọi xã hội, mọi quốc gia đều có bóng tối, và nếu có ánh sáng, có một khí cạnh nào đó sáng thì chắc chắn sẽ có một mặt tối. Nếu có một mặt tích cực, thì chắc chắn sẽ có một mặt tiêu cực, và ngược lại” – nhà văn Murakami phát biểu.

“Một thời điểm nào đó, chúng ta có xu hướng lảng tránh cái nhìn vào mặt tối – những phần tiêu cực của chúng ta. Họ cố gắng lảng tránh, tránh được càng nhiều càng tốt. Nhưng họ không biết rằng để một bức tượng xuất hiện dưới ba chiều thì phải cần có bóng tối. Ánh sáng không tạo được bóng tối thì không phải ánh sáng thật”, ông nói tiếp.

Vì thế Murakami khuyên chúng ta phải kiên nhẫn đối mặt với chính bản thân mình, và cẩn thận quan sát nó.
Bài phát biểu có tựa đề The Meaning of Shadows (Tạm dịch: Ý nghĩa của cái bóng) được ông lấy cảm hứng từ tác phẩm The Shadows của Andersen – câu chuyện kể về một người đàn ông đã gửi cái bóng của mình đi. Murakami gọi đây là một “câu chuyện đen tối và tuyệt vọng”.

Trong buổi lễ, nhà văn cũng chia sẻ với độc giả về quá trình sáng tác của mình. “Khi viết, các ý tưởng cứ tiến về phía trước theo cách riêng của nó. Tôi không vạch ra một kế hoạch nào”.

Murakami2

Murakami chụp ảnh kỷ niệm bên ngoài ngôi nhà của nhà văn Hans Christian Andersen
ở Odense, Đan Mạch – Ảnh: Henning Bagger


Tác phẩm của Haruki Murakami được đánh giá cao bởi “sự pha trộn táo bạo các câu chuyện cổ điển, văn hóa pop, truyền thống văn hóa Nhật Bản, chủ nghĩa hiện thực lãng mạn và lý luận triết học. Các tác phẩm của ông mang hơi thở của văn hóa phương Đông kết hợp với phương Tây, là lao động văn chương đích thực”.
Có những hình ảnh miêu tả cảnh quan thiên nhiên, yếu tố hiện thực kết hợp với sự kỳ diệu như câu chuyện cổ tích một lần nữa khiến chúng ta liên tưởng tới nhà văn Andersen. “Hai người có nhiều điểm tương đồng, mặc dù họ sống ở những nền văn hóa khác nhau và cách nhau hơn một thế kỷ”, Giáo sư Anne-Marie Mai, đại diện ban giám khảo cho biết.

Giải thưởng Hans Christian Andersen là giải văn học lớn nhất Đan Mạch, được đặt tên theo nhà văn chuyên viết truyện cổ tích nổi tiếng Andersen. Phần thưởng trao cho người chiến thắng là tấm séc 500.000 kroner (tương đương hơn 1.6 tỉ VNĐ). Trước đó giải đã trao cho “Nhà giả Kim” Paolo Coehlo (2007), JK Rowling (2010), Isabel Allende (2012) và Salman Rushdie năm 2014.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Haruki Murakami phải kể đến: Kafka bên bờ biển, Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, 1Q84, Nhảy nhảy nhảy, Cuộc săn cừu hoang và nhiều truyện ngắn đặc sắc khác. Độc giả Đan Mạch lần đầu tiên biết đến Murakami qua bản dịch tiểu thuyết A Sheep Chase Wild (Cuộc săn cừu hoang) vào năm 1996.

Lễ trao giải được tổ chức tại Odense, Đan Mạch, quê hương của nhà văn Andersen.

ĐÌNH PHƯƠNG theo Văn nghệ quân đội – dịch từ The Guardian