Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin đươc giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Quốc Vịnh.

Gồm các truyện sau:

1. Ngọc bút vẫn nở hoa

2. Hào quang của đất

3. Mối tơ vò

4. Cạm bẫy

5. Giấc mộng buồn

Nhà văn Đào Quốc Vịnh

Sinh năm 1955

Quê quán: Hà Nội.

Thời phổ thông, ông đang học cấp 3 thì nhập ngũ. Sau hai năm phục vụ trong quân đội, ông được xuất ngũ trở về địa phương, và theo cha đi làm thợ mộc.

Đầu năm 1974 ông quay lại học nốt chương trình phổ thông tại Trường cấp 3 Dương Xá, Gia Lâm Hà Nội, rồi thi vào khoa Văn Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội.

Vì đạt điểm thi cao, ông được gọi vào học tại khoa Lưu học sinh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nhưng vì những lý do của thủ tục hành chính lúc bấy giờ, ông nhận giấy gọi đại học và nhập học muộn hai tháng, nên phải chuyển sang học khoa tiếng Nga hệ đào tạo trong nước của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học ông được phân công lên làm giáo viên dạy tiếng Nga tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc, sau đó chuyển về công tác tại một đơn vị trực thuộc Bộ Nội Thương, sau thành Bộ Thương Mại và nay là Bộ Công Thương.

Vốn là một người yêu và khát vọng được dấn thân vào con đường văn chương từ khi còn cắp sách đến trường, nhưng vì những thăng trầm của cuộc sống mưu sinh, mãi đến khi đã ở độ tuổi xế chiều, bước sang phía dốc bên kia của cuộc đời, ông mới cầm bút. Ông sáng tác thơ, từ thơ lục bát, đến thơ tự do, thơ dành cho thiếu nhi.

Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 và tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình khi lấn sân sang sáng tác văn xuôi từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Nhưng dù là làm thơ hay viết văn, thì trong mỗi trang viết của ông vẫn mang hơi thở của cuộc sống đương đại, với những chất liệu sống ngồn ngộn mà một đời lăn lộn, làm nhiều nghề, đến nhiều nơi để kiếm sống nuôi thân đã chất chứa trong ông.

Cho đến nay, sau gần năm năm cầm bút, ông đã cho ra đời được tám tác phẩm văn học, trong đó có sáu tập thơ, một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết dành cho thiếu nhi, ngoài ra là những tác phẩm văn học thuộc thể loại thơ và truyện ngắn đăng rải rác trên các báo trung ương và địa phương.

Tác phẩm đã xuất bản:

Cây ngọc bút vẫn nở hoa – tập thơ, NXBHNV 2018; Tình thơ – tập thơ NXBHNV 2019; Ước mơ của em – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2020; Em yêu nhà mình – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2021; Trăng Thề – tập thơ NXBHNV 2022; Hào Quang của đất – tập truyện ngắn NXBHNV 2022; Những Đôi Mắt Khoảng Trời – tập truyện NXBHNV 2023; Nắng Trong Mưa – tập thơ NXB HNV 2023.

Khi nói về mình, ông từng viết, “ta như ngọn nến bỏ quên”.

Ngọn nến văn chương Đào Quốc Vịnh đã bùng lên ngọn lửa tận hiến và sẽ tiếp tục mang đến cho bạn đọc những tác phẩm thơ, và văn xuôi trong những dự án mà ông đang theo đuổi thực hiện.

Hào quang của đất

Khi còn bé, tôi thường được cha tôi dạy: “Có để cho con kho vàng không bằng để cho con pho sách”. Ý của cha tôi là mong muốn tôi chăm học, ham học để thành tài. Còn cha tôi sẽ làm tất cả để đạt được điều ấy.

Năm tháng trôi đi, càng lớn tôi càng hiểu vì sao cha tôi yêu cái học đến thế!

Các cụ tôi xưa đã mấy chục đời làm nghề dạy học. Cho đến đời ông nội tôi thì tai họa ập đến. Các cụ tôi lần lượt qua đời khi ông tôi còn bé, khiến tuổi thơ của ông trôi đi trong cảnh mồ côi, mồ cút, phải đi ở kiếm bữa nuôi thân. Năm 15 tuổi ông đã nhập môn làm nghề thợ mộc. Vốn thông minh và tài hoa, 17 tuổi ông đã trở thành một phó cả nổi tiếng khắp vùng.

Cha tôi ra đời và lớn lên trong một gia đình người thợ. Là con trưởng, 14 tuổi cha đã phải cùng ông tôi gánh vác công việc gia đình. 17 tuổi cha được ông nội cho lập riêng một hiệp thợ do cha làm thợ cả. Nhiều ngôi đình, ngôi chùa trong vùng còn in dấu bàn tay cha tôi với những tác phẩm điêu khắc mà gần một thế kỷ trôi đi vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật.

Cả tuổi thơ của cha tôi không một ngày cắp sách tới trường, vậy mà cha vẫn tranh thủ học chữ. Cha học cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Tôi thật bất ngờ khi cha không được cắp sách tới trường một ngày nào mà vẫn văn hay, chữ đẹp.

Năm ấy, khi tôi học xong cấp 1, vào độ nghỉ hè, cha nghỉ việc đưa tôi ra Hà Nội chơi. Nơi đầu tiên cha đưa tôi đến là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cha dẫn tôi di dọc những hàng bia đá xanh nằm trên những ông Rùa đá khổng lồ. Cha nói với tôi: “Đây là những hàng bia tiến sĩ con ạ”. Tôi nhìn theo tay cha chỉ, cảm thấy ngàn ngạt trong cổ, một cảm giác linh thiêng đến choáng ngợp trào lên trong tôi.

Dẫn tôi đến một tấm bia đá khắc chi chít những hàng chữ nho, cha xoa xoa tay lên mặt bia, đoạn bảo tôi: “Cụ tổ nhà mình đấy con ạ! Cụ đổ tiến sĩ từ đầu thế kỉ 15 kia. Vậy mà đến đời bố lại thất học con ạ”.

Tôi ngước nhìn cha, bất giác thấy mắt ông đẫm lệ. Lòng tôi trào lên một tình thương yêu cha đến tận vô cùng. Tôi nắm lấy vạt áo cha thầm nhủ: “Cha ơi con sẽ cố gắng học tập để không làm cha buồn; con sẽ học bù cho cha…”

Từ bấy giờ trở đi, tôi chăm học hơn. Và mỗi khi biết tôi được điểm tốt, hay mỗi khi nghe tôi thắc mắc về một điều gì đó mà tôi khám phá được sau một bài học, cha tôi đều cười rất to như thể cha đang mãn nguyện về sự đam mê học hỏi của tôi. Cha tôi cố gắng giải thích những gì tôi cần được giải đáp. Cha là chỗ dựa vững chắc cho tôi suốt tuổi ấu thơ.

Để có tiền nuôi tôi ăn học, ngoài những chuyến đi làm xa dài ngày, những ngày ở quê, ngoài thời gian làm ruộng, cha tôi vẫn nhận thêm việc về làm vào buổi trưa, buổi tối. Những ngày trời rét căm căm, mọi người thì áo choàng, áo đụp chống rét, riêng cha tôi vẫn mặc chiếc áo đông xuân cộc tay màu cháo lòng, lúc xẻ, lúc bào ướt đẫm mồ hôi.

Năm tôi đang học lớp 9 thì có lệnh tòng quân. Tôi buồn vì sắp phải xa nhà, xa cha mẹ. Mẹ tôi ngồi lặng đi cả buổi bên bậu cửa ra vào, không nói, không rằng, thỉnh thoảng lại thở dài một tiếng, rồi vén vạt áo lau lau hai bên khoé mắt. Thấy vậy cha tôi gắt lên: “Bà để con nó yên tâm mà đi, vài năm về rồi lại học tiếp”. Giọng cha tôi oang oang như thể ông đang rất vui. Nhưng tôi thấy rõ đôi mắt ông đỏ ngầu. Chắc cha tôi đã khóc nhiều vì thương tôi.

Sau ba năm tôi trở về làng. Bạn bè cùng lứa mỗi đứa mỗi nơi. Lũ con gái cùng học có đứa đã vội lấy chồng, có đứa đã kịp sinh con.

Nghỉ ngơi được một tuần, tôi vác đồ nghề theo cha đi làm thợ. Mẹ tôi vui lắm vì có thêm tôi về đi làm, kinh tế gia đình sẽ khá lên. Mẹ nói với tôi, mẹ mong cho tôi sớm xây dựng gia đình để mẹ có cháu bế. Cha tôi thì ngược lại, ông buồn lắm. Thỉnh thoảng ông ôm cây đàn tứ trong tay, vừa đàn vừa hát: “Liu điu lại nở ra dòng liu điu…” Ông tự ví mình như liu điu lớn đã nở ra tôi – một con liu điu con, một cuộc đời đầu tắt mặt tối lại sẽ nối tiếp một cuộc đời người thợ lận đận quanh năm, mà cứ ráo mồ hôi là hết tiền.

Làm thợ được 6 tháng vì thương cha, tôi bỏ nghề thợ mộc, quay lại trường cấp 3 tiếp tục xin học.

Các thầy cô giáo trong trường gặp lại tôi, thương tôi lắm. Từ thầy Tú Hiệu trưởng đến các thầy giáo, cô giáo các bộ môn, dồn sức phụ đạo giúp tôi ôn lại kiến thức, vì thế tôi đã dễ dàng thi tốt nghiệp cấp 3.

Khi đăng kí thi đại học, tôi đăng kí thi vào Đại học Tổng hợp. Cha tôi biết vậy, ông rất buồn. Cha bảo tôi: “Nhà mình bao nhiêu đời làm nghề dạy học, hèn nhất là đời bố, bố cũng dạy bao nhiêu người thành nghề…”. Cha tôi thích tôi làm nghề dạy học!

Tốt nghiệp Đại học, tôi được phân công lên dạy học ở một trường Đại học trên Việt Bắc, thấy vậy cha tôi vui lắm. Ông nói mẹ tôi sửa mấy mâm cơm làm lễ Tổ tiên, rồi mời các chú, các bác tôi đến ăn cơm tiễn tôi đi công tác. Trong suốt bữa cơm trưa hôm ấy cha tôi nhắc đi nhắc lại: “Bây giờ cháu nó đã làm nghề dạy học rồi, vinh dự cho họ nhà ta lắm…!”

Cha tôi khen tôi nhiều làm tôi thấy trong lòng hơi thèn thẹn. Có lẽ vì thế mà sau này, tôi thường đối chiếu những việc đã làm với những lời cha tôi đã khen, để cố gắng hơn sao cho cha mình không hổ thẹn vì mình.

Làm việc để xứng đáng với một lời khen khó lắm!

Còn nhớ ấy là hè năm 1979, lần đầu tiên tôi tham gia hỏi thi vấn đáp ở trường Đại học. Tôi “hắc” lắm, cứ đúng barem điểm mà “phang” khiến nhiều sinh viên bị điểm kém. Nhiều người xì xào điều nọ tiếng kia, chỉ có anh Hải tổ trưởng bộ môn là khác. Anh nói với tôi: “Nghiêm là đúng, nhưng thái độ mềm mỏng hơn sẽ tốt”. Tôi cảm ơn anh và nhận tiếp thu sự chỉ bảo của anh.

Một sáng chủ nhật, tôi đạp xe đến nhà một anh cùng bộ môn chơi .Nhà anh nằm trên tận đỉnh đồi. Đứng từ chân dốc nhìn lên chỉ thấy một màu xanh đen của sắn, không thể nhận ra trên ấy có một nếp nhà anh đang ở.

Cố gắng hết sức tôi mới đẩy được chiếc xe đạp cà tàng từ đường quốc lộ theo con ngõ hẹp dốc ngoằn ngoèo lên đỉnh đồi. Lên tới tận đỉnh đồi mới thấy phía sau vườn cây um tùm là một nếp nhà lá, tường đắp bằng đất, nơi anh V, đồng nghiệp của tôi sinh sống.

Thấy tôi lên chơi, chị Q, vợ anh V đon đả chạy ra, tay đỡ chiếc xe đạp của tôi, nói luyến thoắng: “Mời chú vào nhà chơi, chả mấy khi người Hà Nội lên rừng. Rồng đến nhà tôm… À, hôm nay anh chị có thợ đào giếng, trưa nay ở lại ăn cơm với anh chị cho vui”.

Tôi hỏi chị: “Anh V có nhà không?”. Chị vội đáp “có”, vừa chỉ tay về phía đầu nhà đằng Đông. Tôi nhìn theo tay chị chỉ, phía bên kia nơi đầu hồi nhà, một giàn tời bằng thép dựng lên. Ngồi bên đống đất to mới được đào lên bên miệng giếng là anh V. Anh ngước cặp kính cận dày như đít chai về phía tôi, cười gượng: “Chú lên chơi”. Đoạn gồng mình quay tời kéo xô đất từ độ sâu hàng chục mét lên, vừa thở hồng hộc vừa bổ miệng xô bồm bộp xuống đất, khoe: “Chú thấy hồ trên núi chưa? Anh cố đào cái giếng lấy nước ăn, nếu không lấy nước xa vất vả lắm!”.

Thả cái xô xuống giếng sâu, nơi có 3 người thợ đào giếng đang lầm lũi dùng cuốc chim cuốc từng cuốc một nặng nhọc xuống lớp đất pha sỏi, anh V chỉ cho tôi xem khoảng đất trước mặt chừng 200m2 đã được be bờ 4 xung quanh, nói: “Anh đang quy hoạch, đào một cái ao chỗ này thả cá. Ao trên núi, chú thấy lạ không?”

Tôi thán phục nhìn tay anh chỉ rồi bước đến bên miệng giếng. Miệng giếng rộng chừng 2m, nhìn những ngấn đất đã được đào, ước chừng cái giếng nước nhà V đã được đào đến chục lần mà chưa đến độ sâu có nước. Cúi nhìn xuống giếng, thấy anh V lắp đặt ba tầng quạt điện khá công phu để thổi gió xuống đáy giếng sâu, cung cấp không khí cho ba người thợ đào giếng, tôi thấy chóng cả mặt. Cái giếng nhà anh V được đào từ trên đỉnh đồi, để có nước, chắc là phải đào sâu hơn con đường nhựa dưới kia nơi chân dốc, dễ cũng phải đến vài chục mét!

Mặt trời lên tới đỉnh đồi, chị Q bảo chồng gọi thợ nghỉ tay ăn cơm trưa.

Tôi cùng chị Q dọn cơm, chờ thợ. Bất giác nghe thấy tiếng cánh thợ léo nhéo chọc ghẹo nhau, tôi quay lại và nhận ra cánh thợ đào giếng nhà anh V lại chính là mấy cậu sinh viên tôi cho điểm kém hôm đầu tuần.

Tôi lặng người đi. Bữa trưa ấy, vẫn với thịt gà, canh miến và rượu gạo nếp mà tôi thấy miệng mình khô khốc.

Chúng tôi uống rượu nói chuyện phiếm mà lòng vẫn nặng trĩu. Ba cậu sinh viên ngồi khúm núm, gắng đưa như gắp từng hạt cơm đưa vào miệng. Tôi bảo các em ăn nhiều vào. “Các cụ bảo nhất thổ nhì mộc. Đào đất mà đói thì không làm được đâu”.

Ăn cơm xong, ngồi thêm một chút, chuyện trò cho qua chuyện, tôi xin phép ra về. Trong đầu tôi cứ lởn vởn về cái giếng sâu đang đào dở và quy hoạch của anh V. “đào ao trên đỉnh núi.”

Tối đó tôi tâm sự với anh Hải, tổ trưởng bộ môn, để cầu cứu anh, mong anh tìm biện pháp nào đó để thi cử nghiêm đánh giá đúng mà sinh viên không phải khổ như thế.

Anh Nguyễn Quốc Phồn, một người hùng biện nổi tiếng của trường tôi, lúc ấy đã vẽ một thân hình gầy guộc gánh một đôi quang gánh nặng trĩu là đá mà răn học sinh: “Thầy nhắc các em rằng: các em đi học phải học cho giỏi, đừng bao giờ lùi bước để tự biến mình thành một trục đối xứng giữa hai sọt đá” – chả lẽ các em sinh viên của tôi lại phải thế hay sao!

Dạy học được 7 năm vì điều kiện gia đình quá neo đơn, cả cha mẹ đều đã già, tôi viết đơn xin chuyển công tác về xuôi. Tôi đã phải lăn lộn 18 tháng trời đạp xe khắp Hà Nội, đến các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp xin việc làm. Đến đâu  cũng phải dạy thử, rút kinh nghiệm, rồi qua tổ chức xem xét. Và vận may không đến với tôi… Các trường đều không có chỉ tiêu cho tôi làm việc.

Tôi nhớ như in lần làm thủ tục xin việc ở trường Đại học N. Sau khi được nhà trường giới thiệu xuống bộ môn để dạy thử, sát hạch chuyên môn. Bài dạy thử của tôi được đánh giá khá cao. Cả tổ bộ môn có hơn 20 người thì tất cả đều biểu quyết ghi biên bản đề nghị nhận tôi về dạy tại bộ môn. Tôi vui lắm. Vui vì vẫn giữ được nghề, lại làm gần nhà, có điều kiện chăm sóc cha mẹ.

Tôi bắt tay cảm ơn từng người. Ai cũng cười nói vui vẻ, xiết chặt tay chúc mừng tôi. Tôi sang phòng Tổ trưởng bộ môn cảm ơn. M – tổ trưởng bộ môn, người Hà Nội gốc, có thân hình chắc nịch. Anh lạnh lùng đưa bàn tay hộ pháp hờ hững bắt tay tôi, nói rất nhỏ: “Thế hả? Tối sang anh chơi”.

Tối ấy, tôi đạp xe từ quê sang Hà Nội. Trên ghi đông chiếc xe cà tàng đeo lủng lẳng hai túi vải căng phồng, một đựng mấy cân đậu xanh, một đựng mấy cân lạc nhân mẹ gói cho tôi mang cảm ơn anh M. Nhà anh nằm sâu trong con ngõ nhỏ ngay đầu phố Khâm Thiên. Gửi xe ngoài đầu ngõ, hai tay xách hai túi vải nặng, tôi dò dẫm tìm nhà anh trong con ngõ tối mò mò. Ra đón tôi, anh M vẫn giọng lạnh nhạt như buổi sáng: “Quà cáp làm gì em! Thôi đã của một đồng, công một nén thì cho anh xin và chuyển lời cảm ơn các cụ cho anh nhé”.

Tối ấy chúng tôi ngồi với nhau rất lâu. Anh M kể chuyện về chuyến đi thực tập gần đây tại Maxcơva. Chăm chú nghe anh kể chuyện, bất giác tôi không còn cảm thấy cái giọng lạnh lùng của anh nữa, thay vào đấy là một giọng nói đầy sức thuyết phục. Tôi thấy gần anh hơn, tự tin hơn giống như đang trở thành người thân thiết của anh.

Anh dừng lại, đoạn bất chợt bảo tôi: “Anh nói chuyện này em thông cảm nhé!”. Tôi như bị anh thu phục hoàn toàn, khẽ “vâng” một tiếng. Anh bảo tôi, về bộ môn này công tác có gì ghê gớm; lúc nào về chả được. Rồi anh kể cho tôi nghe cuộc sống của người tên là Bảo, học trước tôi một khoá, hiện đang công tác trên Công trường thủy điện Sông Đà: “Bảo khó khăn lắm. Anh muốn em giúp Bảo, được không? Anh muốn em nhường cho Bảo về công tác trước, sang năm em về muộn gì. Thế nhé!”. Vừa nói anh vừa đứng dậy, vỗ nhẹ vào vai tôi như một cái gì đó đã quyết. Tai tôi như ù đặc lại. Miệng tôi đắng ngắt. Chẳng còn cách nào cả, tôi chỉ còn biết lí nhí trong miệng: “Dạ, tuỳ anh thôi”.

Tôi thấy rời rã cả người, đứng dậy, xin phép ra về.

Sáng hôm sau, tôi đạp xe đến trường rất sớm. Các anh chị trong bộ môn xúm lấy tôi trách: “Sao em lại thế! Sao lại nhường cho cậu Bảo? Mấy năm mới có một chỉ tiêu…! Các anh các chị nghe anh M nói chính em tự nguyện nhường cho Bảo chỉ tiêu, đúng không?”

Tôi đã non nớt để đánh mất một cơ hội như thế đấy!

Sau lần thất bại ấy, tôi lại ra quyết tâm đến một trường Đại học khác tìm việc. Tôi lân la và tìm được một cậu bạn lớp trưởng một lớp khoá sau tôi. Cậu là tổ phó bộ môn ở trường Đại học T. Rồi tôi lại dạy thử. Lại được nhận xét và đánh giá cao về chất lượng bài giảng, lại được kiến nghị nhận tôi về làm giáo viên bộ môn. Công việc tưởng như đang thuận buồm xuôi gió thì lại có sự cố, buồn chẳng kém gì lần trước. Số là, cậu bạn tôi lại đi ti toe với ông trưởng phòng tổ chức rằng, tôi có ông cậu ruột là Thứ trưởng của Bộ chủ quản trường này. Bạn tôi không ngờ rằng cái tính ti toe thích khoe khoang của nó lại vô tình đánh mất cơ hội vào dạy học của tôi một lần nữa.

Cứ như thế, tôi bươn bả khắp các trường Đại học rồi ra về với một sự mệt nhọc, chán trường vì thất bại. Nơi nào tôi đến xin việc cũng không có chỉ tiêu. Cuối cùng tôi quyết định vào xin việc ở một trường Trung cấp mãi tận Như Quỳnh. Đến đây mọi thủ tục đều làm rất nhanh. Sau 15 ngày, hồ sơ đã được chuyển lên cơ quan chủ quản tương đương cấp Bộ. Tôi ung dung về nhà ngồi chờ giấy gọi đi làm. Chờ mãi vẫn bặt vô âm tín. Thời gian cơ quan cũ cho đi xin việc sắp hết. Gần một năm rưỡi trôi đi, không đạt kết quả gì, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Tôi đành liều đến gặp nhờ cậu tôi can thiệp. Nghe tôi nài nỉ trong thất vọng, cậu viết một lá thư cho Thủ trưởng cơ quan chủ quản trường nọ. Cầm trong tay lá thư của cậu, tôi mừng lắm. Chắc chắn là xin việc được rồi. Còn nhớ, vị Thủ trưởng cơ quan ấy đọc thư cậu xong, tươi cười niềm nở cầm bút phê luôn vào góc thư: “Kính chuyển anh G.! Tôi chưa rõ trường hợp này. Anh báo cáo kết quả giải quyết”. Đưa lại tôi bức thư của cậu, vị Thủ trưởng cơ quan vỗ nhẹ vào vai tôi: “Yên tâm nhé! Chú G sẽ gải quyết”.

Một tuần sau, theo hẹn tôi đến lấy kết quả và sững người vì nghe chú G trả lời gọn lỏn: “Thông cảm ngành mình năm nay không có chỉ tiêu”. Vừa nói, chú G vừa đưa trả lại tôi túi hồ sơ xin việc. Tôi lóng ngóng mở túi hồ sơ ra xem, bất giác giật mình vì trong túi hồ sơ có quyết định tiếp nhận tôi đã được Vụ tổ chức ký “tai”!

Buồn rầu đạp xe về nhà, tôi ngồi lặng bên cha, nghe cha an ủi: “Thôi, có chí thì nên con ạ. Bố già rồi, bạn hữu nhiều đấy nhưng mấy chục năm rồi, có nhờ vả cũng khó lắm”.

Cha tôi khe khẽ thở dài, nỗi buồn chôn kín trong lòng cha vẫn ào ra khiến tôi chuyếnh choáng. Lần đầu tiên tôi thấy cha chịu bó tay không giúp được gì cho tôi.

Nhìn mái tóc cha đã bạc, khuôn mặt buồn và đôi mắt trũng nhìn vào hư vô lòng tôi cảm thấy thương  cha hơn là trách cha.

Tôi đã từ giã nghề dạy học như thế đấy. Cuối năm ấy, tôi quyết định về làm việc tại một cơ quan thuộc ngành Thương mại. Công việc mới mẻ lại bắt đầu. Làm quen với công việc chừng một tháng tôi được điều xuống cảng Hải Phòng làm nhiệm vụ tiếp nhận hàng viện trợ của Liên Xô cho ngành Thương mại. Để phù hợp với nhu cầu công tác tôi phải học về Thương mại. Cha tôi vui lắm, nói: “Học thêm một chữ cũng tốt, có học nhiều mới dạy người được con ạ”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ tôi được cử đi học tiếng Trung Quốc để phục vụ nhiệm vụ mới. Bốn mươi tuổi mới bắt đầu cầm bút tập vẽ từng nét chữ Hán, cầm kính lúp soi từng nét chữ li ti trong từ điển, phải gắng sức lắm tôi mới vượt qua được bốn năm đi học đầy vất vả ấy.

Rồi lại yêu cầu mới khiến tôi phải đèn sách vào học đại học Luật, rồi học trên đại học ngành Luật quốc tế…

Cha tôi mất đã hơn chục năm nên không thể chứng kiến tôi đã rời ngành Thương mại về nhận ngôi trường Tiểu học bé nhỏ này như thế nào!

Làm xong cao học, sắp nhận nhiệm vụ mới thì gia đình tôi gặp một tai họa trời giáng. Con trai tôi, đứa con học giỏi nhất trường Việt Đức, với kết  quả 3 năm đạt giải nhất Vật lý, đồng đạt giải nhì toán cấp Thành phố không may gặp một tai nạn rất nặng. Hai năm trời bỏ việc đưa con đi chữa bệnh, chúng tôi đã khóc hết nước mắt vì thương con. Mỗi lần ngồi trên xe đi trên đường, nhìn lũ trẻ cùng lứa với con trai mình ríu rít bên nhau, trọc ghẹo nhau… lòng tôi đau như cắt. Ước ao lớn nhất của tôi là làm sao con trai qua khỏi, biết cầm cái búa, cái cuốc như bao người khác.

Rồi con tôi dần qua khỏi cơn hiểm nghèo, trở lại cuộc sống bình thường. Đúng lúc ấy người tiền nhiệm lãnh đạo ngôi trường này mời chúng tôi đến bàn giao lại ngôi trường cho tôi…

Sau hai mươi năm lưu lạc, trở lại với nghề mà lòng ngổn ngang những vui lẫn buồn. Nhưng tiếp xúc với con trẻ, dần dần tôi cảm thấy chúng thật là thân thiết với tôi. Lúc con trai tôi còn ở tuổi học tiểu học, do đặc thù công tác, gần như tất thảy sự chăm sóc con đều để một mình vợ tôi lo hết, ít có dịp được ngồi bên con, xoa đầu con để được ngửi cái mùi tóc khen khét vì cháy nắng của trẻ nhỏ. Bây giờ, sau khi đã qua quá nửa cuộc đời, đã làm nhiều nghề, sống ở nhiều nơi, nhiều nước, đã học qua nhiều trường Đại Học, trở lại với nghề, ngày ngày sống với trẻ thơ, nghe chúng trò chuyện, mách mao, kiện tụng để được tôi phân xử, tôi bỗng cảm thấy cuộc sống thật là ý nghĩa biết bao! Dường như quá nửa cuộc đời, đi khắp nơi, bây giờ tôi mới thực sự sống những ngày của một cuộc sống đích thực. Nhìn trẻ nhỏ nô đùa, tôi thường nghĩ đến các con tôi, thường kiểm nghiệm lại những gì đã làm được và chưa làm được cho chúng… Rồi tôi nhớ tới cha tôi, nhớ tới lời ông dặn dò từ khi tôi còn thơ ấu: “Có để cho con kho vàng, cũng không bằng để cho con pho sách”. Tôi bỗng hiểu vì sao cha mình đã lam lũ một đời người để nuôi tôi ăn học.

Ngày giỗ cha năm nay, tôi lại về bên mộ cha, đốt nắm hương trầm, quỳ xuống bên cha, nguyện với cha rằng “Suốt đời con sẽ nhớ lời cha dặn”.