Tọa đàm văn xuôi tại Hội nghị đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 9-2016.
Người trẻ nói về văn trẻ, bằng cái nhìn cùng trang lứa, thế hệ; với sự thẳng thắn, cởi mở và cả đồng cảm, sẻ chia. Đó là tinh thần bài viết của nhà phê bình văn học trẻ NGUYỄN THANH TÂM. Báo Nhân Dân xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Việc định danh nhà văn trẻ có lẽ chỉ nên được hiểu có tính tương đối về mặt tuổi tác, không hàm ý về năng lực chuyên môn. Như thế, những luận bàn về họ mới có được sự công bằng, khách quan. Người trẻ có một tài sản – như là thứ vốn của đời người, đó là tuổi trẻ. Tuổi trẻ là điều kiện, là yếu tố đầu tiên cho phép người ta có những ước mơ, dự định, hành động. Dám làm, có thể làm, có điều kiện để làm là khi người ta còn trẻ. Bởi vậy, nói về văn trẻ là nói về những việc làm trong sự hăm hở của tuổi trẻ trước các vẫy gọi của cuộc đời.
Nhìn nhận về văn học Việt Nam từ thế hệ các nhà văn trẻ, điều đầu tiên có thể cảm nhận được là sự nhập cuộc sôi nổi và tự tin. Tuổi trẻ luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong để tiến hành những kiến tạo xã hội. Trẻ, năng động, nhanh, hiểu biết xã hội, công nghệ,… họ sở hữu những kỹ năng, tri thức nền vượt trội các thế hệ cha anh. Chính họ tạo nên diện mạo của thời đại, thế hệ mình.
Văn trẻ Việt Nam đương đại đang đem đến những hy vọng cho tương lai của văn học nước nhà. Thế hệ trẻ hôm nay viết để hiện diện, đối thoại với chính mình và thế giới chung quanh. Họ cần phải viết như là một cách thức để cái tôi được thể hiện. Cũng chính trong khi viết, từ viết mà họ sống. Nguồn sống trẻ, điệu sống mới, nhịp đập khác khiến họ có những hiện diện và biểu đạt khác với các thế hệ cha anh. Họ khác với những người đi trước dù có thể vẫn rất truyền thống. Trong thơ, thấy lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh vẫn giàu tính truyền thống nhưng lại mang hơi thở của giới trẻ đô thị – một dạng lục bát thị dân. Vi Thùy Linh khá dịu dàng, ý nhị ở Khát, Linh; táo bạo, mạnh mẽ, bung thoát ở Đồng tử, Vili in love, Phim đôi tình tự chậm. Đoàn Văn Mật suy tư mà chơi vơi trong Bóng người trước mặt. Lữ Thị Mai mượt mà, yếu đuối những mơ cảm với Giấc. Nguyễn Phong Việt gợi cho ta những mộng mơ học trò ở Từ yêu đến thương, Sống một cuộc đời bình thường. Lương Đình Khoa và những hoang mang, mơ mộng tuổi trẻ trong Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người. Nguyễn Quang Hưng kín đáo, trầm tư cùng Chia ngũ cốc,… Trong văn xuôi, có thể gặp một Nguyễn Thị Kim Hòa giàu trắc ẩn, tha thiết; Đinh Phương huyền mị với lối viết “sương mù”; Hạnh Nguyên còn rất trẻ đã tạo dấu ấn riêng với những truyện ngắn nhiều ám ảnh về thế hệ mình. Các tên tuổi khác như Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch,… lại tìm thấy đời sống văn chương của mình trên mạng. Ở mảng lý luận phê bình, công chúng yêu văn học cũng đã quen biết với những tên tuổi như Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh,… Họ được nhắc đến với sự tin tưởng về một thế hệ phê bình mới có thể đồng hành cùng sáng tác. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu để có thể hình dung đầy đủ hơn về văn học của người trẻ. Đó là những tác giả trẻ ở TP Hồ Chí Minh, các vùng miền trong nước và hải ngoại hay những hoàn cảnh xuất hiện khác mà chúng ta ít có may mắn được đọc, được gặp, thậm chí viết về họ. Vì thế mà bức tranh văn học trẻ Việt Nam được phác thảo ở đây còn ít nhiều khuyết thiếu.
Văn học trẻ tạo nên những dấu ấn rất đáng hy vọng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn sáng tác của nhiều cây bút trẻ, có thể thấy những thành tựu của họ cũng phản ánh rõ diện mạo, giai đoạn mà họ đang thuộc về. Phần lớn các tác phẩm nằm ở thể loại thơ và truyện ngắn, tản văn; tiểu thuyết chưa thật sự gây chú ý trên văn đàn. Điều đó cũng là lý do để chúng ta tin rằng họ vẫn đang trên hành trình. Mặc dù vậy, qua các thể loại thơ, truyện ngắn, tản văn, các tác giả trẻ đã nỗ lực nói lên khát vọng sống và sáng tạo nghệ thuật của mình. Không chỉ ưu thế hơn thế hệ cha anh về điều kiện học hành, người trẻ còn được sống đầy đủ trong không gian công nghệ của thế kỷ 21, nơi mà in-tơ-nét cùng các thiết bị kỹ thuật số đã làm thay đổi đời sống con người, thay đổi phương thức viết và thói quen đọc. Quan trọng hơn hết, các tác giả trẻ dần tiến đến mô hình công dân toàn cầu. Kỹ năng sử dụng in-tơ-nét, vốn ngoại ngữ; những trải nghiệm văn hóa, lịch sử, tri thức liên/xuyên không gian, thời gian, biên giới,… đã tạo những tiền đề hết sức quan trọng để họ có thể tiến xa hơn trên con đường sáng tạo. Mặt khác, bối cảnh đất nước đang từng ngày đổi mới, tạo những cơ hội rộng mở cho người viết. Người đọc bắt gặp những khung cảnh xa lạ trong sáng tác của Hạnh Nguyên (truyện ngắn Những thiếu thời lơ lửng). Có khi, lại là không gian lịch sử trong sự quay về trầm tư của Đinh Phương (các truyện ngắn Chiều ký ức phủ gai, Chuyến trở về của cỏ); Nguyễn Thị Kim Hòa (truyện ngắn Hương thôn dã,…).
Có thể nói, trong một hình dung rất khái quát, văn trẻ Việt Nam đang có một lực lượng hùng hậu, nhiều tiền đề thuận lợi để tiến hành những cuộc bứt phá, dấn thân trong sáng tạo nghệ thuật. Nhìn lại thành tựu của văn trẻ, hình dung đôi nét về chân dung – diện mạo của họ, chúng ta có thêm niềm tin về những giá trị còn ở phía trước.
Nhân dân