Tháng 3/2012, tròn 20 năm kể từ ngày đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam cùng Trung tâm William Joiner, Đại học Massachusetts, Boston đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngôi nhà chung của tình hữu nghị, hợp tác và phát triển trong một lĩnh vực hết sức trừu tượng nhưng lại vô cùng chính xác về sức khỏe tinh thần của dân tộc, đó chính là văn chương. Kỷ niệm sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt này, một cuộc hội thảo mang tên: “Diễn đàn văn học Việt – Mỹ: Nhìn lại và phát triển” được tổ chức tại cố đô Huế. Một số hoạt động gắn liền với hội thảo: đưa cựu binh hai nước về thăm lại chiến trường xưa, viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thăm thành cổ Quảng Trị, trở lại Làng Vây, sân bay Tà Cơn…

Nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung (thứ 3 từ trái sang) và các nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ

Các nhà văn là cựu binh Việt Nam và Mỹ đã chân thành trao đổi, chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình, dường như mọi khoảng cách về địa lý, thời gian, sự trái ngược trong quan điểm đều bị xóa nhòa. Giữa họ, giờ đây chỉ có Tình bạn. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động nhớ lại những ngày đầu gian nan: “Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lúc đó (năm 1992), nhà văn Vũ Tú Nam – Tổng thư ký và nhà thơ Chính Hữu – Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban đối ngoại của Hội, các anh đã phải vượt qua nhiều giới hạn và tỏ ra vô cùng quyết đoán mở ra một trang mới làm phong phú và đa dạng hóa hoạt động đối ngoại của Hội. Phải là những người có cả một bề dày hoạt động cách mạng và văn chương, những người mà không ai có thể nghi ngờ về phẩm chất chính trị và nhân cách của họ mới có những bước đi táo bạn bắc một cây cầu hữu hảo đối với những người từng ở bên kia chiến tuyến. Trong cuộc hội thảo dữ dội và kì thú ấy, hai bên đã nói với nhau bằng ngôn ngữ trần trụi của những người lính nói với những người lính, để cuối cùng vỡ òa ra một nhận thức chung là không để bỏ lỡ mất cơ hội của thiện chí…” Còn nhà thơ Kevin Bowen – Tiến sỹ văn chương, cựu Giám đốc Trung tâm W. Joiner đã thốt lên: “Đó là một chặng đường tuyệt vời. Có thật nhiều điều để chúng ta chúc mừng. Đầu tiên tôi muốn chúc mừng cuộc đời của mỗi người có mặt tại đây… Các bạn, những người bạn lính của tôi, những người bạn văn dũng cảm của tôi, mong các bạn biết rằng mặc dù các bạn không bao giờ nhìn thấy cánh tay của tôi giơ lên, nhưng hãy biết rằng mỗi ngày, mãi mãi về sau, tôi sẽ giơ tay chào các bạn theo kiểu nhà binh.”

Nhà thơ Kevin Bowen trong bảo tàng Thành cổ Quảng Trị

Kết thúc một ngày hội thảo, hôm sau các cựu binh cùng nhau trở lại Quảng Trị, nơi 20 năm trước đã diễn ra trận chiến ác liệt kéo dài 81 ngày đêm trên thành cổ. Vừa dừng xe phía ngoài cổng thành, trời chợt mưa nặng hạt hơn dù một ngày trước đó Quảng Trị nắng nóng tới gần 30 độ C. Những mái tóc bạch kim và mái đầu điểm bạc của gần 40 người lính cũ chụm lại dưới chiếc ô mua vội. Tất cả lặng im đi bên nhau, bước chân không dám đặt mạnh, bởi trong lòng mỗi người đều nhói lên một nỗi xót xa: di tích này đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của đồng đội mình. Nhà thơ, dịch giả Carolyn Forché – người đã tích cực hoạt động trong phong trào phản chiến, đã khóc òa ngay trong bảo tàng thành cổ Quảng Trị khi nhìn những tấm ảnh trưng bày ở đó. Không ai có thể cầm lòng được khi hình dung những nụ cười trẻ trung, những ánh mắt trong veo kia đã vĩnh viễn hóa thân vào mảnh đất, vào hàng cây, vào từng cơn gió buốt lạnh như đang thổi về như nhắc nhở… Nhà thơ Kevin Bowen cố nuốt kìm nước mắt để miêu tả lại cho những người bạn trẻ Việt Nam sinh ra sau những năm hòa bình về một thành cổ Quảng Trị hoang tàn gạch đá và khói súng trong kí ức chiến tranh.

Đoàn nhà văn, nhà thơ cựu binh Việt Nam và Mỹ viếng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn

Rời thành cổ Quảng Trị, đoàn nhà văn tiếp tục đến nghĩa trang Trường Sơn. Lúc này đã sang đầu giờ chiều, mưa tạnh hẳn nhưng trời vẫn âm u. Phút mặc niệm trước tượng đài liệt sỹ không còn giữ được sự yên lặng khi con số 10.263 liệt sỹ đã nằm lại nơi đây, trong đó còn rất nhiều phần mộ chưa tìm được tên tuổi, quê quán, năm nhập ngũ… được đọc lên. Một tiếng nấc, rồi nhiều tiếng nức nở cùng òa lên.

Nhà thơ cựu chiến binh Phạm Hồ Thu giữa khu vực mộ liệt sỹ thành phố Hà Nội

Nhà thơ Phạm Hồ Thu sụp xuống khóc trước hàng mộ liệt sỹ Hà Nội. Mấy em bé người Pakô chạy lại cầm tay chị: “Bà tìm ai, để con dẫn bà đi…” “Bà tìm mọi người, các anh chị ấy đều nằm đây con ạ…” Lary Heinemann, tiểu thuyết gia người Mỹ đã có ba tiểu thuyết và một hồi ký liên quan tới chiến tranh Việt Nam, dừng lại trước hàng bia mộ đầu tiên, ông cúi đầu im lặng rất lâu cho đến khi một người bạn Việt Nam đến bên cạnh, họ ôm choàng lấy nhau, và khóc không giấu diếm.

Các em bé Pakô ngày ngày thắp hương trên mộ liệt sỹ nghĩa trang Trường Sơn

Những em bé Pakô dường như đã nhiều lần chứng kiến những giọt nước mắt như thế, bởi ngày nào cũng rủ nhau lên nghĩa trang tỏa đi thắp hương trên mộ liệt sỹ, chúng nhớ từng khu vực chôn cất theo quê quán liệt sỹ để chỉ dẫn chính xác cho người muốn tìm. Tôi, đứa con của một người lính trở về từ chiến trường Tây Nam bộ, lần đầu tiên đến nghĩa trang Trường Sơn, sửng sốt đến nghẹt thở trước bạt ngàn bia mộ sắp hàng nghiêm ngắn như khi các bác, các chú, các cô duyệt đội hình. Như một sự mách bảo từ tâm linh, tôi nhờ đám trẻ đưa đến khu mộ liệt sỹ Hà Tây cũ, chúng đốt giúp tôi một bó nhang rất to và hướng dẫn: “Cô thắp hương ở đài tưởng niệm trước rồi ra các bát hương dưới bia ghi tên liệt sỹ…”. Bấm máy ảnh ghi vội những hàng tên trên bia, tôi vừa chạy xuống hàng mộ vừa khấn thầm: “Các bác các chú ở làng Tòng Bạt (thuộc huyện Ba Vì – Hà Tây cũ, cũng là nguyên quán của tôi) nằm ở đâu xin chỉ đường cho con đến…” Vài phút sau dừng lại ở ngôi mộ của liệt sĩ cùng họ Phạm Quang với cha mình, tôi gọi về nhà, đầu kia mẹ tôi nghẹn lại: “Trời ơi, chú họ con nằm đấy mà sao bây giờ mới biết. Con thắp hương cho chú, nói là…” Mẹ không nói thêm được câu nào nữa.

Mộ liệt sỹ Phạm Quang Hạ

Tôi nhìn lên bia mộ, người chú này cùng năm sinh với cha tôi, nhập ngũ chưa đầy hai năm thì hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Cùng lúc đó tôi nhớ ra là mình còn có một người bác rể cũng đang nằm ở đây, lần này tôi tìm được bác nhanh hơn… Nắm nhang trên tay tôi ít dần, chỉ còn một nén nữa, tôi muốn dành cho người cuối cùng trong ba liệt sĩ ở làng mình, nhưng không tìm nổi. Có phải vì tôi không có mối liên hệ họ hàng nào với liệt sĩ này? (Sau này tôi mới biết bác ấy là người cùng làng nhưng khác thôn với chú mình, và đã được gia đình đưa về nghĩa trang quê nhà). Vừa lúc đó điện thoại của người cùng đoàn giục quay về, chiều đã muộn và xe chỉ còn đợi mình tôi.

…Đêm cuối cùng ở Lao Bảo (Quảng Trị), tiệc chia tay rất giản dị với những món ăn Việt Nam giờ đây đã trở nên quen thuộc với những người bạn Mỹ. Các nhà văn cựu binh cùng nâng cốc chúc nhau sức khỏe, sức sáng tạo và sự bình an trong trái tim. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thổi một bản nhạc rộn rã bằng cây sáo của nhà thơ Kevin Bowen, nhà văn Lary Heinemann và nhà thơ Văn Công Hùng đứng dậy cầm tay nhau nhảy múa nhiệt tình và ăn ý. Những tiếng vỗ tay hòa nhịp lan dần sang các bàn khác. Mọi người cùng hát, cùng uống cho một tương lai tốt đẹp phía trước. Những tiếng cười làm ấm lên cả một vùng núi non nơi biên giới…

Bài & Ảnh: Phong Lan

Nguồn: vanvn.net.