Thơ, là những sáng tác riêng lẻ tràn đầy xúc cảm. Nhà thơ người Italia, Salvatore Quasimodo từng quả quyết: “Thơ là sự mặc khải rằng người làm thơ tin rằng cảm xúc của họ chính là tiếng lòng của độc giả”.
Từ những bài thơ được đăng tải đơn lẻ, theo chân người làm thơ tới những vùng đất mới, ghi dấu những cung bậc cảm xúc, đến khi được tập hợp lại thành tập là một chặng đường dài. Những mảnh ghép của “sự mặc khải” đó khi tạo thành bức tranh tổng thể sẽ có một diện mạo mới.
Thơ đang mất dần chỗ đứng ở các trang báo. Trước đây, nếu không tính đến hai ấn phẩm văn nghệ được người yêu thơ biết đến nhiều nhất là Tuần báo Văn nghệ (với tờ phụ san Thơ nổi tiếng) của Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì còn có trang thơ của Báo Tiền phong Chủ nhật, thơ đăng trên Tuần san Thanh niên… Ở mỗi địa phương đều có một ấn phẩm báo/tạp chí văn học, nghệ thuật đăng tải thơ theo tháng, theo tuần định kì phát hành. Những năm gần đây, có vẻ như rất nhiều ấn phẩm đã né thơ để mở các chuyên mục tạp bút, tản văn. Đó là điều dễ hiểu vì thơ khó tạo được sức hút với công chúng hơn là những ghi chép có sự giao thoa giữa báo và văn, giữa những lời bàn luận và biểu tượng.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và tờ phụ bản Thơ nổi tiếng một thời (ảnh TL)
Trái ngược với thực tế đó, trong đời sống lại xuất hiện khá nhiều tác giả thơ có khát vọng được sáng tạo nghiêm túc. Họ nuôi dưỡng niềm đam mê bằng quan niệm sống, bằng cái nhìn nhân bản, vượt lên những định kiến lạc hậu để mong muốn thiết lập nên giá trị sống mới. Họ có thể chưa từng học qua các ngành ngữ văn, thậm chí làm những công việc ít liên quan đến văn chương nhưng vẫn mạnh mẽ trên con đường của mình. Đâu đó trong cuộc sống này, ta vẫn thấy trái tim mình đồng điệu với những xúc cảm của Nguyễn Phong Việt với những: Có một ngày nào đó một người hỏi một người thế nào là yêu thương/ một người kề sát tim một người và trả lời – Không biết!/ có một ngày nào đó một người hỏi một người thế nào là hối tiếc/ một người nắm lấy tay một người và trả lời – Đừng bước đi! (Có một chiếc xích đu ở đâu đó trong cuộc đời), là Nồng Nàn Phố của “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng”.
Trở lại với câu chuyện chính trong bài viết này. Những người làm thơ sẽ hứng khởi khi các sáng tác của mình được đăng tải nhiều trên các ấn phẩm. Họ lặng lẽ tập hợp chúng lại và dựng thành một tập thơ, tất nhiên trong đó còn có cả những sáng tác mới chưa được công bố. Đó được xem là cách làm tiện lợi nhất của nhiều người làm thơ hôm nay bởi hai lý do. Thứ nhất, cách làm ấy giúp người viết thăm dò được dư luận người đọc về thơ mình qua quá trình xuất hiện trên báo. Thứ hai, người viết sẽ có động lực để viết hơn khi tác phẩm của mình liên tục được đăng tải, được đón nhận và bản thân ít nhiều được người đọc biết đến. Vậy là, đã có rất nhiều tập thơ ra đời, người viết cùng với biên tập viên tạo nên một trật tự sắp đặt cho “đứa con tinh thần” của mình một trình tự, một hoặc vài bài giới thiệu với cái tên lời bạt, lời tựa…
Thế nhưng đã từng có người cầm bút nào đặt câu hỏi: Tập thơ liệu có phải là một tổng gộp các bài thơ không? Câu trả lời sẽ là không. Cho dù, tên một tập thơ chỉ xuất phát từ tên một trong những bài thơ nổi tiếng trong tập như: “Mưa Thuận Thành” (Hoàng Cầm), “Chăn trâu đốt lửa” (Đồng Đức Bốn), “Mùa phơi váy” (Hoàng Anh Tuấn)… Có thể là một cái tên giàu sức gợi chứ không gắn với một tác phẩm cụ thể.
Nhưng bản chất của một tập hợp sáng tác thơ phải thể hiện sự thay đổi về cảm quan và tư duy thơ. Hay nói theo cách đơn giản hơn, mỗi tập thơ phải có một diện mạo, một sự thống nhất chung với thông điệp mới mẻ. Trong đó, phải có cả những bài thơ dẫu không thật sự phù hợp với việc đăng tải trên báo về dung lượng và chất lượng để làm “xương sống” cho toàn tập.
Là quá lời khi tập thơ của ai đó bị gọi là tập hợp những bài thơ cắt ra từ báo hay tư duy hàng xén. Cũng không có một quy ước nào về việc thơ đã in trên báo/tạp chí thì không nên in thành tập. Tuy nhiên, để tạo ra một ấn phẩm văn chương thực sự thì người cầm bút phải có một suy nghĩ sâu sa và cụ thể về một hướng đi chứ không đơn thuần là những lắp ghép như thế. Tập thơ chính là thành quả của người viết, một tiếng nói đầy đủ rõ ràng nhất. Từ bài thơ được đăng báo đến tập thơ ra mắt công chúng đôi khi là một chặng đường dài, là nơi tác giả dũng cảm tập trung tất cả những ý tưởng cảm hứng của mình để đón nhận phản hồi của người đọc thơ hôm nay.
Lâm Việt
Tổ Quốc
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài