(Đọc Câu chuyện của Nàng Thê, tiểu thuyết của Võ Thị Xuân Hà, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

BÙI VIỆT THẮNG

Nhà văn kể một câu chuyện… thần tiên

“Ngày nay, khi phải hối hả lao vào cuộc mưu sinh, chúng ta chỉ bận tâm đến những vấn đề làm sao có được vị trí tốt trong xã hội, làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là để thỏa mãn những nhu cầu vật chất của bản thân… cho nên ít bận tâm chăm sóc, thậm chí quên đi đời sống tinh thần. Đã từ lâu chúng ta không còn liên lạc với bản thân mình. (…). Con đường tìm lại chính mình là hành trình theo tiếng gọi nội tâm sâu thẳm – con đường tâm linh” (Jack Kornfiel: Tâm đạo, hành trình tâm linh, những nguy cơ và triển vọng, Nxb Thời đại, 2010). Tôi dẫn nhận định này, thiết nghĩ sẽ tương thích với việc đọc và bình giá tiểu thuyết mới của Võ Thị Xuân Hà.

            Một trong những tập truyện ngắn gần nhất của Võ Thị Xuân Hà có tựa Chuyện của các nhân vật có thật trên đời (2019). Trong bài viết Người tương tư truyện ngắn (đăng trên báo Tinh hoa Việt), tôi đã chỉ ra cảm quan thực, giàu tâm lý của một ngòi bút truyện ngắn đến độ rất chín nên hoàn toàn tự tin khi viết. Hiện Võ Thị Xuân Hà vẫn là một trong số ít nhà văn chiếm giữ kỷ lục viết nhiều truyện ngắn nhất (trên 200 truyện có Ma Văn Kháng, Nguyễn Hiếu, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Vũ Đảm). Câu chuyện của Nàng Thê, nếu nói là bước ngoặt cũng đúng, nhưng chính xác hơn là ở chính giữa cái “sát na” (kiếp đoạn, một phạm trù thời gian theo cảm thức Phật giáo), ở đó cả tác giả, cả nhân vật phân thân. Diễn trình này tựa trên nền tảng cảm thức tôn giáo để phát hiện thế giới vạn vật (cả tự nhiên, cả con người) không phải vô thần mà là hữu thần, chất chứa luân hồi (như cách tác giả “rao” đó là twin flame – “linh hồn song sinh” hay “linh hồn phản chiếu”): “Trong sát na đó, tôi bỗng thấy yêu bản thân mình hơn bao giờ hết. Đã bao lâu tôi bỏ mặc bản thể mình, bỏ mặc trái tim mình. Đó có phải là điều Phật hằng dạy chúng ta? Đấng Tối cao có yêu bản thể Ngài không? Nếu Ngài không yêu bản thể chính mình, liệu Ngài có đủ sức mạnh và tình thương bao trùm nhân gian” (tr. 28). Đây có thể coi như “tự bạch” của Nàng Thê – nhân vật chính của tiểu thuyết.

Nhân vật Nàng Thê là sản phẩm thuộc trí tượng tượng hào hiệp, bay bổng, mãnh liệt của một ngòi bút văn xuôi giàu trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa (tiểu thuyết là “một câu chuyện bịa y như thật”). Sự chuyển dịch của sự viết từ giống như thật (theo hình thức vốn có của đời sống) đến kỳ ảo, như trong Câu chuyện của Nàng Thê, theo tôi nằm trong khung khổ của “văn chương kỳ ảo”, vốn không phải vừa mới xuất hiện trên văn đàn Việt Nam mà là sự “tái xuất” những mạch nguồn từ trong văn học trung đại. Đổi mới, rõ ràng là vận dụng (tiếp biến) sáng tạo truyền thống tốt đẹp vốn có. Nhân vật Nàng Thê, theo tôi, không giống các diễn viên điện ảnh hiện nay (trong phim truyện hay phim truyền hình) được khán giả nắc nỏm khen “diễn như thật” (như thật thì cần chi nghệ thuật). Cuộc sống của Nàng Thê trải bao tình huống, nhiều thăng trầm là sự “bày đặt” của nhà văn. Một sự bày đặt khéo léo, thông minh, dẫn dụ độc giả vào những mê cung tình ái không phân biệt rành rẽ thực hư. Nàng (Nàng Thê, Nàng Điển, Thủy Mạc,…), hay Chàng (Lưới Sông, Đức Vua Bạch Mã, Họa Sư, Nam Mộc,…) đều là những “đứa con tinh thần” do nhà văn “đẻ” ra trong mộng mị, hoan ca, phiêu bồng, bảng lảng, thần tiên, kỳ diệu, ảo mộng,… như một kiểu truyền kỳ hiện đại. Đọc Câu chuyện của Nàng Thê, không riêng tôi, phải từ bỏ lối “so đo” giữa tác phẩm với hiện thực đời sống, xem sự trùng khít đến đâu, khi đó mới tin vào chân lý. Ở trường hợp này, nhà văn đã vận dụng nguyên tắc sáng tạo tối cao “chân lý nghệ thuật cao hơn chân lý đời sống”. Tôi cảm nhận sâu sắc về sự tự do tuyệt đối bên trong khi viết của nhà văn. Lại càng suy ngẫm tuyên ngôn nghệ thuật của danh họa thế giới P. Picasso: “Tôi vẽ như tôi nghĩ chứ không phải như tôi nhìn thấy sự vật”.

 Nhà văn kể câu chuyện về sự bất tử của… linh hồn

Theo quan điểm vô thần (ngày nay người ta đang cực đoan chuyển từ vô thần sang hữu thần) thì không có cái gọi là “linh hồn”. Nhưng chắc chắn có những nguyên nhân sâu xa nào đó để văn hào Nga thế ỷ XIX N. Gogol viết nên kiệt tác Những linh hồn chết. Ngay trong thi phẩm Tây Tiến của Quang Dũng, tôi cũng tìm thấy linh hồn bất tử của những người lính đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” qua những câu thơ ám ảnh: “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Chữ “hồn” trong  ngữ cảnh này có ý nghĩa là “linh hồn” chăng?

Các nhân vật trong Câu chuyện của Nàng Thê người nào cũng mang đầy phần linh hồn dù là người sống thật nơi trần thế hay lên tiên giới sau há kiếp, đầu thai. Nhân vật Nàng Thê chết (ở cuối sat na/ kiếp đoạn 14) vì lấy thân mình che hòn tên mũi đạn cho Lưới Sông (bị coi là một phần tử chống đối lệnh san đê điều để sống thuận với tự nhiên của Đức Vua Bạch Mã), người đã cứu nàng khỏi hà bá. Đạo Phật răn “Sinh ký tử quý” (sống gửi thác về) – sống chỉ là trú ngụ giữa cõi trần/ cõi tạm, chết là trở về vũ trụ, thành cát bụi của thiên hà mới là vĩnh cửu. Nhưng đến “sat na” số 15 thì Nàng Thê vẫn như chưa chết vì sự bất tử của linh hồn. “Bên cầu Đoạn Hà, tôi nói với ông già Tiểu Ngục: Con cần phải đi khỏi nơi này. Con rất nhớ người ấy”. Người ấy là ai? Là Lưới Sông (người cứu mạng Nàng Thê)? Là Đức Vua Bạch Mã (chồng chính danh của Nàng Thê)? Hay nhớ cuộc sống trần thế (Nàng Điển thơ ngây bị hãm hại, những hài nhi bất hạnh bị quăng quật giữa bụi trần) dẫu nhiều bể dâu nhưng vẫn đáng sống? Nhưng đọc tiếp thì chúng ta hẳn hết ngạc nhiên vì: “Con tên Thê. Kiếp luân hồi của con hình như được tính khoảng sáu vạn năm, đã hàng vạn lần đổi kiếp… Tôi nói với ông: Con nhớ người ấy” (tr. 138-139). Điệp khúc “Con nhớ người ấy”, trong trường hợp này phát lộ mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm nhân vật Nàng Thê (giữa sinh – tử, thân – tâm, âm – dương, ảo – thực). Dĩ nhiên nỗi nhớ đến quặn thắt ấy trước tiên phải là nhớ người (sau mới nhớ cảnh, nhớ việc): “Người đàn ông tôi yêu/ Có thể chưa sinh ra trên đời/ Có thể là đã chết”. Nàng Thê rơi vào tình trạng phân thân “chọn một dòng hay để nước trôi” (giữa chàng trai của đời thường Lưới Sông và chồng là Đức Vua Bạch Mã, nhờ thế mà Nàng Thê thành Hoàng Hậu). Nhờ luân hồi mà Nàng Thê “sống lại” trong hình hài của cha sinh mẹ đẻ, đầu thai trong vai thành viên của một nhóm khảo sát do chàng kỹ sư thủy lợi phụ trách cùng tham gia tính toán thiết kế đồ án bảo vệ hồ nước.  Nàng Thê đã chia sẻ với anh về câu chuyện thầm kín của mình: “Chúng tôi không thể lấy nhau… Anh ấy ngủ dưới nước” (câu chuyện nhắc nhớ về chàng trai Lưới Sông, người thường ngủ dưới nước, hay đúng hơn trên chiếc thuyền của mình). Nàng Thê khác nào Tôn Hành Giả (trong trường thiên tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân) đi mây về gió, hóa thân hóa kiếp như những tia chớp sáng lòa (trong những sat na). Xây dựng nhân vật Nàng Thê, tôi đồ rằng, tác giả đã mở hết lòng mình cho cảm xúc về vũ trụ, thiên hà vỡ òa trên từng câu chữ, trang viết. Nhưng nghĩ chậm sau khi đọc lại thấy những câu chuyện trên trời ấy dường như vẫn có sợi dây (dù vô hình) nối với trần gian thế tục (cái “thường hằng”). Rõ ràng cảm thức tôn giáo như là “chính cương, điều lệ” mới chi phối cảm hứng viết của nhà văn trong trường hợp này. Tuy bay lên cõi vô cùng nhưng câu chuyện được kể lại có sợi dây mật thiết với cuộc đời, vì như lời truyền của Ngài: “Sứ mệnh của con không phải tìm nơi tràn đầy ánh sáng để trú ngụ. Con phải gánh vác nơi tăm tối, bần hàn, để làm sáng rỡ nơi đó” (tr.159).

 Nhà văn kể chuyện theo… phép lạ

            Tôi tạm hình dung, Võ Thị Xuân Hà khi kể chuyện giống như một tỷ phú, cùng lúc tung nhiều đồng tiền vàng lên, cứ thế mỗi người đọc nhặt lấy một trong số đó cất dành ngắm nghía. Mỗi phần (cả thảy 24 phần/ 24 sát na) của tiểu thuyết đều có giá trị độc lập. Chúng được xuyên thấu, nối mạch bằng một “sợi chỉ đỏ”, hay là một thứ “keo” vĩnh cửu. Hai mươi tư phần (24 “sat na”), mỗi sat na là một câu chuyện, gối nhau, cùng chuyển động không phải theo bột phát, mà theo sự bài trí có chủ đích của tác giả. Nếu thoạt nhìn thì cái vẻ ngẫu nhiên đã kín đáo chuyên chở cái tất nhiên. Nó tựa lối chơi đô – mi – nô, chỉ cần tác động vào một con cờ (đứng đầu) là cả hệ thống chuyển biến hợp lý. Cuốn theo chiều văn Võ Thị Xuân Hà, lên tiên giới hay xuống trần gian theo chân nhân vật Nàng Thê, tôi hình dung, nhà văn như một nghệ sỹ biểu diễn xiếc trên dây, khiến độc giả nhiều phen thót tim vì sự hồi hộp, bất ngờ đột ngột đến nghẹt thở. Nhưng quả thật đọc thú vị hơn mức bình thường khi lâu nay “thực đơn” của độc giả quá nhiều những món quen thuộc.

Từ trái sang: Nhà văn Đào Bá Đoàn và nhà LLPB Bùi Việt Thắng

            Nói trong Câu chuyện của Nàng Thê nhà văn vận dụng một lối kể chuyện mới lạ là còn nhờ vào một văn phong được cải tiến triệt để. Văn làm mới đưa đẩy câu chuyện được kể lại đánh mạnh vào trực giác của người đọc. Hơn một lần, tôi nhấn mạnh đến lối văn giàu trực giác của Võ Thị Xuân Hà từ Bầy hươu nhảy múa đến Cành phong hương. Văn trong Câu chuyện của Nàng Thê vừa giàu trực giác (những trường đoạn về sự tiếp xúc thân thể giữa người đàn ông và người đàn bà), vừa giàu tưởng tượng về những sự biến đẫm máu (Nàng Thê lấy thân mình che hòn tên mũi đạn cứu Lưới Sông), những phong cảnh kỳ ảo/ trác tuyệt, những biến thiên có một không hai của tự nhiên, hay lòng người hay tiên phật, cả ở trần gian lẫn thượng giới, được phóng đại hết kích cỡ. Một lối văn đánh mạnh (những cú knock-out) vào tâm trí người đọc khiến họ có thể không yên ổn, muốn vùng vẫy, thăng hoa, giải thoát những gì  trói buộc trần tục vươn tới cái thanh cao, trinh nguyên, trác tuyệt – TÌNH YÊU THƯƠNG LỚN

            Cũng trong Câu chuyện của Nàng Thê, tôi thấy tác giả đã vận dụng (có ý thức hoặc vô thức) văn phong của truyền kỳ (với tư cách một thể loại văn xuôi cổ điển thời trung đại, tiêu biểu như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, XVI) – lối văn kết hợp thơ và văn xuôi. Gửi gắm biết bao nỗi niềm, kể bao nhiêu câu chuyện thần tiên, nhân vật kể chuyện xưng “tôi” (Nàng Thê) như một “giao liên” mẫn cán đã mê hoặc, dẫn dụ người đọc thời kỹ trị vốn thông minh, tỉnh táo lạc vào cõi ảo, hóa thạch cảm xúc theo lối “phì đại”, “trương nở”. Câu chuyện của Nàng Thê để lại một ám ảnh nghệ thuật (tiêu chí thành công của tác phẩm) khiến ta khó thoát ra khỏi câu chuyện của một con người có tên Nàng Thê, suốt cuộc đời đi tìm tình yêu đích thực, được cá thể hóa cao độ theo phương pháp kỳ ảo nhưng mỗi hơi thở, cử động, cảnh ngộ, trạng huống, kết cục trải qua của nhân vật, người đọc cứ như “vận” vào mình. Từ đó, theo tôi, có thể phát sinh năng lực đồng sáng tạo giữa nhà văn và bạn đọc, nhìn từ lý thuyết tiếp nhận nghệ thuật.

Nguồn: Báo Văn nghệ