Trong những ngày thu lịch sử cả nước hân hoan chào đón Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh mồng 2/9, tại Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra một sự kiện đáng quan tâm, đó là cuộc hội ngộ của những nhà văn từng đi qua, khát khao đi qua cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc mình. Họ cùng ngồi lại với nhau trong Hội nghị lần thứ nhất của Uỷ ban Thường trực Hội Nh



Nhà văn Fadhil Thamir (Iraq) trao tặng quà kỷ niệm cho đại diện Hội Nhà văn Việt Nam

Văn chương, và sự đồng cảm

Tại đại hội tái thành lập ở Cairo – Ai Cập năm 2012 nhiều nhà văn đã chia sẻ, rằng họ không biết nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là ai. Nhưng Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ Việt Nam. Việt Nam là đất nước đã chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để non sông thu về một mối. Và đó là lý do mà họ dành lá phiếu bầu tuyệt đối cho nhà thơ Việt Nam – Nguyễn Quang Thiều để sau đó ông giữ chức Phó tổng thư ký thứ nhất. Một câu chuyện cảm động nữa được kể ra về lá phiếu bầu cho nhà thơ Việt Nam là để thay lời xin lỗi vì cha họ đã từng tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

Thử nhìn những nhà văn có mặt tham dự Hội nghị tại Việt Nam, đó là ông Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi: Mohamed Salmawy nơi đã và đang “trải qua một cuộc chiến khốc liệt nhất chống lại bạo lực và khủng bố, đang vật lộn để kiến tạo một nhà nước dân dự tự do, một nền dân chủ dựa theo hiến pháp đã được cuộc cách mạng năm 2011 thông qua”. Chưa hết “Ở Tunisia, Syria, Mali và các nước khác thuộc châu Phi, châu Á, người dân ở đó cũng đang đấu tranh cho những mục tiêu như vậy”. Các nhà văn bạn bè đến với Việt Nam, dù phải trải qua không ít khó khăn trong tình hình chiến sự không phải là bằng chứng để chứng minh sự dũng cảm hay một cơ hội văn chương, cơ hội giao lưu. Có lẽ nó lớn lao hơn, cao đẹp hơn, là để đi tìm tiếng nói lương tri, đi tìm sự đoàn kết, đi tìm những bài học từ các dân tộc khác có ý nghĩa cho chính bản thân mình và cho đất nước mình.

Trong cuốn hồi ký của nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Gia đình – Bạn bè – Đất nước có nhiều tái hiện chân thực các chuyến đi của Nguyễn Thị Bình sang nước ngoài để nói về cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ cũng như tinh thần đoàn kết của bạn bè năm châu. Việc làm của bà, tại thời điểm đó, đã có không ít người nghi ngại đặt ra câu hỏi: Liệu có mang lại điều gì không, có hiệu quả không? Nhưng Nguyễn Thị Bình vẫn kiên trì và tin rằng đó là một việc làm vô cùng cần thiết. Quả thật, thắng lợi của Việt Nam không thể không kể đến sự ủng hộ to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần của bạn bè quốc tế.

Trong tuyên bố của Ủy ban thường trực Hội Nhà văn Á – Phi tại Việt Nam có đoạn: Hội nghị ở Việt Nam đã có một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc châu Phi và châu Á, những dân tộc đã nỗ lực hết mình để giành độc lập tự do, họ đã noi theo tấm gương của Việt Nam và cuộc đấu tranh huyền thoại của Việt Nam để giành độc lập tự do. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã biểu tượng hoá cuộc đấu tranh giành tự do của mình bằng một con đường cao quý nhất. Với con đường đó, nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do và họ cũng đã giành được thành công trong việc xây dựng đất nước và phát triển nguồn lực để đảm bảo tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc mình. Và với con đường đó, Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh giành tự do cũng như là một tấm gương cho sự phát triển, thịnh vượng và hoà bình”.

Bên cạnh đó, các nhà văn Á – Phi còn bày tỏ sự ủng hộ các cuộc đấu tranh giành tự do ở các nước châu Á, châu Phi, Lên án sử dụng vũ lực và khủng bố chống lại người dân, xung đột tôn giáo, chủ nghĩa bè phái. Lên án các cuộc tấn công vào các địa danh tôn giáo và văn hoá vốn là di sản văn hoá thế giới đã từng xảy ra ở Ai Cập, Mali, Palestine và Syria…

Suy nghĩ về câu chuyện Tái lập và Tái thiết

Cùng ra đời năm 1957 với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Á – Phi cũng phải đối mặt với những thăng trầm nhất định, tưởng chừng sau khi chấm dứt hoạt động cơ hội để tái lập khó xác định ngày tháng. Thế nhưng sau những quyết tâm đáng kể của các nhà văn châu Á – châu Phi, Hội nhà văn Á – Phi đã hoạt động trở lại.

Vài năm trở lại đây, chúng ta hay nhắc đến câu chuyện hội nhập, mở rộng giao lưu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng sự tồn tại từ năm 1957 của Hội Nhà văn Á – Phi đã cho thấy nhu cầu về “toàn cầu hoá” trong văn chương đã có từ rất sớm. Đó là một tất yếu và có nền móng chứ không phải vì các lĩnh vực khác “toàn cầu hoá” mà văn chương phải theo gót.

Việc tái lập của một tổ chức luôn song hành thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là đã có một tiền đề từng tạo được tiếng vang trong quá khứ. Giống như một cỗ máy đã từng vận hành, tạm ngưng lại một thời gian, đến thời điểm thích hợp lại tiếp tục hoạt động. Những gì chưa phù hợp trong bối cảnh mới, hoàn cảnh mới sẽ khắc phục và được thay thế.

Còn khó khăn là làm sao để hoạt động hiệu quả như tiếng vang nó đã từng có trong bối cảnh nhiều biến động như hôm nay.

Ông Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi: Mohamed Salmawy cho hay, nguồn kinh phí hoạt động của Hội không dựa vào chính phủ của bất cứ nước nào mà dựa vào nguồn đóng góp lệ phí của Hội viên hàng năm, cùng với các nguồn tài trợ cá nhân, tổ chức hảo tâm quan tâm đến Hội Nhà văn Á – Phi. Chính vì thế hoạt động hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc, không áp lực. Và để thu hút thành viên Hội cũng sẵn sàng kết nạp các thành viên danh dự, những thành viên ngoài khu vực châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh nhưng có mong muốn tham gia trên cơ sở quan hệ cá nhân. Điều này đồng nghĩa, tất cả mọi người đều có khả năng trở thành thành viên của Hội Nhà văn Á – Phi rộng lớn dưới nhiều hình thức khác nhau nếu có khả năng tài chính lớn. Nếu như quá chú trọng thành phần này thì tài chính của Hội rủng rỉnh nhưng sẽ có nguy cơ biến Hội thành nơi mua danh. Việc mở rộng là cần thiết, nhưng nên chăng cần phải chặt chẽ hơn, cụ thể hơn để tránh tình trạng lợi dụng của nhiều đối tượng nhân danh văn chương cao quý.

Tại Việt Nam, vấn đề “xã hội hoá” văn chương đã từng có, từng được ủng hộ nhưng lại thường không bền, kết thúc rất nhanh vai trò của mình, thậm chí là đứt gánh giữa đường. Mà lý do muôn thủa vẫn là kinh phí để duy trì. Thế nên thành công của một tổ chức văn chương độc lập ngoài giải thưởng uy tín còn là sự tồn tại lâu dài. Tồn tại lâu dài, ổn định có lẽ là thử thách vô cùng khó khăn của bất cứ tổ chức nào hiện nay. Đó không phải là thước đo giá trị nhưng đó là một minh chứng, là một khẳng định cần thiết và quan trọng.

Vấn đề nữa, để giảm tải một phần chi phí hoạt động của Hội Nhà văn Á – Phi có nên kéo dài thời gian một nhiệm kỳ 4 hoặc 5 năm thay vì 3 năm khá ngắn ngủi như hiện nay?.

Thêm một giải thưởng văn học mang tên Hoa sen trong tương lai là thêm cơ hội cho các nhà văn Việt Nam. Thêm một cơ hội hân hoan. Thêm một thước đo nghệ thuật cho các nhà lý luận phê bình.

Tạp chí Hoa sen xuất bản một quý một lần bằng ba ngôn ngữ Anh, Pháp, Ả rập và một phiên bản bằng tiếng Việt cũng là cơ hội lớn cho việc giới thiệu văn học Việt ra nước ngoài. Công việc dịch thuật phía trước sẽ phần nào sôi động hơn

Việc mở rộng giao lưu văn học là cần thiết, nhất là với các quốc gia có nhiều điểm chung, có nhiều mối quan tâm chung. Thậm chí có ai đó cho rằng, nếu không tái lập Hội Nhà văn Á – Phi thì trong tương lai một tổ chức khác tương tự cũng sẽ ra đời. Mong rằng, với sự thịnh tình đã và đang có, Hội Nhà văn Á – Phi hoạt động, tồn tại ngoài ý nghĩa về văn chương nghệ thuật còn vì con người, vì những cuộc đấu tranh đầy nước mắt còn kéo dài.

Nguồn: Toquoc