Hành trình di cư của Yilmaz Pasha (ảnh), một công dân Syria, có đầy đủ mọi sắc thái: Lạnh, đói, kiệt sức, bị tra tấn bởi bọ hút máu, tuyệt vọng trong bóng tối, trong rừng sâu, hoàn toàn mất phương hướng và bị làm nhục.
Đó không phải là những gì Pasha hình dung khi anh lên kế hoạch. Loạng choạng trong màn đêm dày đặc, không ai trong số họ dám đốt lửa hoặc bật đèn pin để bàn bạc về việc sẽ đi tiếp thế nào. “Chúng tôi bắt đầu mò mẫm đi bộ xuyên rừng” – Pasha kể. “Chúng tôi nhìn thấy những con nai và một người đàn ông mặc bộ quần áo kỳ lạ, trong tay có một chiếc búa. Chúng tôi sợ hãi. Một khu rừng lớn như vậy, quả là quá nguy hiểm với chúng tôi”.
Pasha trước đó chưa từng tới Châu Âu. Là một nhà hoạt động người Syria, Pasha bị cả chính quyền và IS truy bắt. Hai năm trước, Pasha chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó mất 6 tháng để lên kế hoạch cho hành trình, nghiên cứu tuyến đường bằng cách sử dụng các trang Facebook dành riêng cho những người Syria sẽ di cư. Và giờ đây, Pasha và bạn bè lâm vào cảnh lang thang khắp các khu rừng dọc biên giới Serbia và Hungary.
|
Nhưng nhờ có mạng Internet, mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều: “Nếu bạn muốn biết điều gì đó, chỉ cần vào các nhóm trên Facebook, ở đó có các con số như số lượng của bọn buôn lậu, khách sạn thân thiện với người Syria, cùng nhiều câu chuyện của những người từng di cư”. Giống như vô số những người khác, hành trình mạo hiểm của Pasha bắt đầu từ một bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có thể nhìn thấy những hòn đảo của Hy Lạp, chỉ ngay bờ bên kia biển Aegea.
Vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ
Hai chiếc thuyền cao su màu đen đã được bơm căng đặt trên bờ biển. Những kẻ buôn người đòi mỗi người 900USD cho hành trình ngắn tới Hy Lạp: “Những kẻ buôn người nhìn ai cũng như một đồng Euro, chứ không phải con người”. Chúng gắn một động cơ vào mỗi thuyền và hỏi ai muốn làm “thuyền trưởng”. Bạn của Pasha tình nguyện, mặc dù anh ta trước đó chưa bao giờ lái thuyền. “Bọn buôn người nói với chúng tôi: Các anh biết đi xe đạp và xe máy. Yên tâm đi, lái thuyền cũng giống thế thôi”.
Lần đầu nổ máy, con thuyền tròng trành sang trái rồi xoay sang phải. “Thật đáng sợ. Đó là biển khơi chứ không phải trò đùa” – Pasha nói. Khoảng 55 người bị nhồi nhét trên thuyền đều không mặc áo phao, nhiều người không biết bơi, chỉ biết tuyệt vọng bám vào mạn khi con thuyền nhào lên lộn xuống trên biển.
Một giờ sau, họ đến đảo Lesbos của Hy Lạp, nơi Pasha nói họ được chào đón bởi những “người tuyệt vời”. Những người dân địa phương cho họ ăn bánh mì, táo và nước. Họ được đưa đến cảnh sát đăng ký và nhận giấy tờ để ở lại Hy Lạp trong 6 tháng. Nhưng hầu hết người di cư không muốn ở lại Hy Lạp, nước đang gặp khó khăn về kinh tế, mà họ muốn đi xa hơn về phía bắc, tới những nước giàu có hơn.
Đạp xe qua Macedonia
Trước khi lên đường, Pasha đã bán tất cả mọi thứ mình có, kể cả chiếc laptop, để có tiền.
Pasha dùng số tiền đó để mua thức ăn và giày đi bộ để sống sót trong suốt hành trình kéo dài trước mắt. Từ Lesbos, cả nhóm lên một chiếc phà đến Athens, sau đó đáp tàu đến một thị trấn gần biên giới Macedonia, tiếp tục hành trình khắp Châu Âu. “Chúng tôi chạy băng qua đường xe lửa vào rừng. Chúng tôi chờ cho đến khi thành một nhóm lớn và bắt đầu đi vào tăm tối. Lúc đó có khoảng 1.000 người” – Pasha nhớ lại.
Ở Macedonia, người di cư “bất thường” bị cấm sử dụng giao thông công cộng, nhưng có thể đi xe đạp. Vậy là một thị trường cung cấp xe đạp béo bở ra đời, đáp ứng nhu cầu của nhiều người tị nạn. “Khi đến nơi, người ta đã để sẵn xe đạp trên đường và hỏi bằng tiếng Anh: Người Syria hả? Dễ lắm” – Pasha nói.
Pasha và bạn bè mua xe đạp cho chặng tiếp theo, sau đó bán lại với giá bằng một phần nhỏ của 120 Euro bỏ ra ban đầu. Họ ngủ ở ngoài trời hoặc trong những toà nhà bỏ hoang – nơi trở thành những trạm dừng chân cho người di cư. Từ Macedonia, họ vượt biên giới đặt chân vào Serbia trong đêm, tất cả lại mò mẫm dò bản đồ đã được tải sẵn về điện thoại.
Bị quản thúc tại Serbia
“Chỉ cần đi theo đường xe lửa. Có đường màu đỏ giữa các nước, khi vượt qua đường đỏ đó nghĩa là đã vượt qua biên giới các nước” – Pasha giải thích. Nhưng ở Serbia, Pasha và những người bạn bị bắt. Họ khẩn cầu cảnh sát cho họ đi, nhưng chỉ nhận được những cái tát. “Thật là nhục nhã. Giống như ở Syria vậy. Tôi chỉ nhớ quân đội Syria cũng làm cách tương tự thế” – Pasha nói.
Họ được cho 72 tiếng để rời Serbia. Đến Belgrade, Pasha mới được tắm lần đầu tiên trong hơn 1 tuần, và ăn bữa ăn nóng đầu tiên là một chiếc pizza, trước khi chuyến xe buýt đưa anh ta và bạn bè tới gần biên giới Hungary. Giống như những người di cư khác, Pasha sợ bị các nhà chức trách Hungary bắt. Chỉ ít người muốn ở lại, vì họ biết rõ là không được hoan nghênh. Hungary đang xây tường rào để ngăn người nhập cư và dựng những tấm biển lớn ở khắp nơi với những thông điệp như: “Nếu các vị đến Hungary, các vị không được ăn cắp việc làm của người Hungary”. Người phát ngôn của Chính phủ Hungary cho biết, đây không phải là một chiến dịch chống nhập cư, mà là một nỗ lực để giáo dục người dân Hungary biết về nguy cơ do những người nhập cư gây ra.
“Cuộc sống tốt hơn” ở Đức
Tuy nhiên, ông Mark Kekesi, một điều phối viên tình nguyện từng làm việc với người nhập cư nói, điều đó chỉ làm gia tăng sự bài ngoại. Mọi người đều rủa những người nhập cư: “Những con khỉ đột này biến về nhà đi! Hoặc: Bọn Gypsie từ sa mạc, tại sao lại đến cướp thức ăn của chúng ta?”.
Sau khi bị lạc trong rừng 2 ngày, không có thức ăn, nước uống và nơi ngủ, cả chiếc bản đồ tải về trước đó cũng chẳng giúp ích gì, cuối cùng Pasha cũng tìm được đường, nhưng lại bị giới chức Hungary bắt ở thị trấn Szeged. “Họ đối xử với chúng tôi như những con vật. Họ tống chúng tôi vào một chiếc xe buýt lớn, sau đó là một căn phòng nhỏ, nhồi nhét 40 người, hầu như không thở được” – Pasha nói.
Pasha được lấy dấu vân tay và đưa về một trại khác. Nhưng giống như hầu hết những người khác lâm vào tình cảnh như vậy, Pasha gọi cho một kẻ buôn người bằng số điện thoại dùng cho trường hợp khẩn cấp, và được đưa qua Áo tới Đức trong một chiếc xe máy lạnh khá thoải mái.
Sau hành trình vượt biên 7 nước ròng rã 32 ngày, cuối cùng Pasha đến được đích là thành phố Freyung ở miền nam Đức. Giờ đây tất cả những gì Pasha có thể làm là chờ đợi xem có được ở lại hay không. Dù sao chăng nữa, số phận của Pasha còn may mắn hơn hàng trăm người tị nạn đã bỏ mạng trong hành trình vượt biển, trước khi đặt chân được đến “miền đất hứa”.
Theo Khánh Minh – Lao động cuối tuần số 36 (dịch từ CNN)