Thường dân
Đông thì chật, ít thì thưa
chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân
quanh năm chân đất đầu trần
tác tao sau những vũ vần bão giông.
Khi làm cây mác cây chông
khi thành biển cả, khi không là gì
thấp cao đâu có làm chi
cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.
Ăn của đất, uống của trời
dốc lòng cởi dạ cho người mình tin
ồn ào mà vẫn lặng im
mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.
Chỉ mong ấm áo no cơm
chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.
Hòa vào trời đất mà xanh
vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.
HÀNH TRÌNH CỦA MỘT BÀI THƠ
(Giải nhất cuộc thi thơ lục bát của Tuần báo Văn nghệ 2002)
Đợt mất ổn định ở nông thôn Thái Bình những năm cuối thế kỷ XX vừa qua đã giúp tôi ngộ ra nhiều điều về số phận cũng như bản chất của người nông dân nói riêng, thường dân nói chung. Đó cũng là cảm hứng khơi nguồn cho tôi viết bài thơ Thường dân. Ngẫm nghĩ mãi, tới đầu năm 2000 bài thơ mà tôi mong muốn mới hoàn thành. Tôi nhớ được khá chính xác thời gian trên vì khi đó cậu con trai út Nguyễn Nam của tôi chưa tròn một tuổi. Cái câu kết bài thơ được tôi nghĩ ra khi đang phải phơi quần áo cho con.
Bài thơ xong rồi, đọc lại thấy câu tứ đã hoàn chỉnh, nhưng trong tôi có cảm giác chộn rộn, bất an. Cái cảm giác ấy có từ khi tôi viết xong bài ký về làng quê sau ngày mất ổn định với cái tít là Xóm làng sau bão. Tôi đưa cho bài ký cho nhà thơ Kim Chuông lúc đó là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Thái Bình nơi tôi công tác đọc giúp. Đọc xong ông khuyên tôi: “Muốn yên lành, cậu đừng viết những gì gai góc”. Do vậy tôi cất biệt bài thơ đi, chẳng gửi in cũng chẳng đọc cho ai nghe.
Gần hai năm sau tôi mới đưa cho ông bạn nhà báo Thiếu Văn Sơn, chủ tịch Hôị Nhà báo Thái Bình đem in trên tạp chí Nghề Báo, một tờ nội san của Hội chỉ in phát cho hội viên. Nhà văn Đức Hậu chủ tịch Hội VHNT Thái Bình là người đầu tiên đọc được và khen: “Bài thơ của cậu có tầm, viết kinh đấy”. Ít ngày sau, nhà thơ Hà Cừ tổng biên tập báo Hải Dương chẳng biết đọc được khi nào đã đem về in trên mục Đến với bài thơ hay của báo. Thấy có vẻ yên và bài thơ nhận được sự đồng cảm của nhiều người, nhân dịp có thông báo cuộc thi thơ lục bát của báo Văn nghệ (đăng trên Văn nghệ Trẻ tôi chọn một chùm có bài Thường dân gửi đi. Bài thơ được đăng mấy hôm thì nhà thơ Quang Huy, một người có chân trong Ban giám khảo cuộc thi đã chọn bài thơ Thường dân cùng 4 bài thơ khác của các nhà thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Thanh Mừng, Phạm Thị Ngọc Liên và Phạm Minh Dương giới thiệu là những bài lục bát tiêu biểu trên báo Lao Động chủ nhật. Cũng bắt đầu từ đó các đơn thư ”đánh” bài Thường dân tới tấp gửi về Văn nghệ Trẻ. Chủ yếu là tố cáo Thường dân có nội dung sai phạm. Một số kiến nghị bài thơ in trên báo Lao động là phạm quy… Nhà thơ Đỗ Bạch Mai thư ký thường trực cuộc thi lúc bấy giờ đã phải gọi tôi lên Hà Nội điều trần những khúc mắc. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thời gian đó chưa biết tôi là ai cũng điện về Thái Bình cho nhà thơ Kim Chuông hỏi về tôi.
Khi chấm xong vòng chung khảo, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thông báo cho tôi biết, trong gần 4 vạn bài thơ dự thi, Thường dân là bài thơ duy nhất được 9/9 phiếu cho giải A. Nhưng Báo Văn nghệ đang cân nhắc có thể phải bỏ phiếu lại vì nhận được nhiều ý kiến gửi đến cho là bài thơ ”có vấn đề”. Nhưng các ông Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Ngô Văn Phú là những người trong ban giám khảo đã phản đối dứt khoát không họp lại. Sau đó, bài thơ Thường dân, Về làng của tôi cùng các chùm thơ của các nhà thơ Bình Nguyên, Kao Sơn đã được trao giải nhất của cuộc thi.
Cũng từ đó, bài thơ ngày càng được công luận chú ý tới. Tôi còn lưu giữ mấy chục tờ báo, tạp chí giới thiệu về bài Thường dân. Ở Trung ương không chỉ các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Nhân dân, Lao động, Tiền phong, Thể thao văn hoá, Văn nghệ Công an, Thanh niên… mà cả báo Khoa học đời sống, Tiếng nói Việt Nam, Đất Việt… Báo địa phương thì khắp các miền vùng cả nước như: Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Văn nghệ Thành phố Hồ chí Minh, Tuổi trẻ TP… Với báo mạng thì không kể hết. Vào Google tìm nguyenlong.thuongdan là có tới hàng ngàn kết quả. Có vài blog còn dịch cả bài thơ Thường dân sang Anh ngữ. Rất nhiều nhà thơ, nhà báo và các tác giả không chuyên đã viết lời bình và làm phỏng vấn tôi về bài thơ. Tiêu biểu là các bài của cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, của các nhà thơ Quang Huy, Kim Chuông, Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Hàn Chung… các nhà văn, nhà báo Đức Hậu, Khánh Phương (Báo Thể thao văn hoá), Phùng Nguyên (Báo Tiền Phong), Dư Hồng Quảng (Phú Thọ), Bích Ngân (Báo Tuổi trẻ), Nguyễn Thế Nữu (TC Hồn Việt), Nguyễn Thế Quang, Vũ Duy Yên… Nhiều báo huyện, báo… xã cũng đăng tải bài thơ. Ngày còn sống, cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có lần gọi cho tôi bảo bài Thường dân đã hoà nhập với thế giới và đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, nó được đăng cả ở tờ nội san Thanh Chương quê huyện nghèo nhà ông.
Được đăng tải như vậy nên Thường dân được rất nhiều người nhớ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài “Viết gì cho hôm nay” kể rằng ông rất ngạc nhiên khi một lần ngồi uống rượu với cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, ông này đã đọc thuộc cả bài Thường dân cho mọi người nghe. Các ông quan hàng Tỉnh, hàng huyện, hàng xã ở Thái Bình không mấy người là không thuộc bài thơ. Các ông Nguyễn Nhật Lai, nguyên chủ tịch huyện Hưng Hà, Đặng Tài nguyên chủ tịch huyện Kiến Xương rồi cả ông Nguyễn Hồng Chuyên chủ tịch Hưng Hà bây giờ kể, nhiều lần tiếp dân khiếu kiện các ông đã đem bài Thường dân ra đọc và giảng giải cho họ nghe nên có lần tránh được căng thẳng. Dân nhiều nơi trong nước truyền nhau bài thơ, nhưng phổ biến hơn cả có lẽ là ở Nghệ An và Phú Thọ. Năm 2004 đoàn văn nghệ sỹ Thái Bình có chuyến đi thực tế miền Trung, nhà thơ Lê Thái Sơn, chủ tịch Hội VHNT Nghệ An lúc bấy giờ điện nói nửa đùa nửa thật với nhà văn Đức Hậu là nếu không có tác giả Thường dân đi theo thì Nghệ An sẽ không đón tiếp đoàn Thái Bình. Các anh Chu Vĩnh Phương, Cao Bá Trang và một số người ở câu lạc bộ thơ Nghĩa Đàn đã thuê một xe ô tô ra tận Thái Bình thăm và chụp ảnh chung với tôi. Còn hoạ sỹ Đỗ Ngọc Dũng chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ kể rằng một dạo lúc nào trong túi ông cũng có hàng trăm bản photo bài thơ Thường dân để phát cho mọi người. Cụ Tô Tuấn Khải ở câu lạc bộ thơ huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng cũng viết thư cho tôi, bảo cụ đã phải chi tới 300 ngàn đồng tiền lương hưu phô tô bài thơ Thường dân để phân phát cho những ai yêu thích vv và vv…
Cho tới nay tôi đã nhận được hàng trăm bức thư và các bài thơ gửi từ nhiều vùng đất nước bày tỏ sự đồng cảm với bài thơ Thường dân. Có những chuyện cảm động như: ông Nguyễn Thế Phùng ở đài PTTH Thanh Hoá kể ông có ông chú ruột đã ngoài 80 tuổi có 5 con đi bộ đội nay đã trở về làm ruộng. Đọc xong bài Thường dân ông đã khóc và bảo bài thơ đã nói hộ tình cảnh nhà ông. Hay, nhà báo Bích Ngân viết trên báo Tuổi trẻ ”…trong chuyến đi thực tế của đoàn Hội nghệ sỹ sân khấu VN tại Tây Nguyên, đạo diễn Nguyễn Văn Bộ, chánh văn phòng Hội người đã tham gia đóng phim Bí thư Tỉnh uỷ, anh có duyên diễn trò làm mọi người cười suốt dọc đường. Nhưng khi đọc bài thơ Thường dân anh lại trang nghiêm như trước đó đứng cúi đầu trước đài tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ biên giới, khiến cả đoàn lặng đi xúc động. Người thì bấm vội điện thoại ghi âm, người thì yêu cầu đọc lại bài thơ… ”. Còn những chuyện vui thì nhiều. Vui nhất là năm 2004 cố Nhạc sỹ Trần Hoàn về Thái Bình chủ trì một lớp tập huấn. Ông đã đọc bài thơ nên khi gặp, ông gọi tôi là “Thường dân”. Có lẽ cũng từ đó mà nhiều người hay lấy tên bài thơ gọi thay tên tôi.
Kể từ khi bài thơ đoạt giải báo Văn nghệ tính đến nay đã 10 năm. Rất nhiều hiện người vẫn gọi tôi bằng cái tên Thường dân. Và mới gần đây, tháng 10, tháng 11 năm 2012, một số báo như Lâm Đồng, Hồn Việt vẫn tiếp tục giới thiệu thêm những lời bình mới về bài thơ, nhiều trang mạng vẫn liên tục tải bài Thường dân về. Có lẽ nói như chị Bích Ngân, báo Tuổi trẻ, là bài thơ được bạn đọc nuôi dưỡng rồi nó phổng phao cùng với rộng dài cuộc sống. Nên chục năm nay nó vẫn còn âm hưởng trong lòng bạn đọc.
Nguồn: Vannghetre