Sau tích tắc nghe tin ông, tôi chợt sững lại! Ông của tôi! Người mà tôi kính quý nhất sắp từ giã cõi đời! Tôi sắp mất ông! Mất vĩnh viễn! Mất trong sự đau thương tang tóc… Cả người tôi run rẩy, lơ lửng như một vật thể lạ rồi chuồi theo những âm thanh thoát qua cửa họng để về nơi ông tôi, đứng trước mặt ông, hiến lễ cho người sắp khuất: “Ông ơi! Con đây! Thằng Tú đích tôn của ông đây!”.

Từ khi bị trọng bệnh, ông tôi như kẻ lữ hành rơi vào kịch cuối của thân phận. Thế giới của ông là sự đau yếu, cô đơn, sợ hãi đến ngột ngạt. Có lẽ, sự hủy diệt phần bản gốc trí tuệ là thảm kịch khủng khiếp nhất của con người. Khoa học gọi đó là chỉ số IQ. Nhờ chỉ số IQ khôn ngoan nhưng cũng đầy xảo trá, lọc lõi mà anh nông dân đã trói nghiến chúa sơn lâm vào gốc cây. Rồi vừa đánh, vừa đốt lửa, vừa rin rít ca ngợi trí khôn thánh thần của mình: “Trí khôn của tao đây! Trí khôn của tao đây!”. Tuy nhiên, khi sức mạnh, phần tinh túy ấy đã bị tê liệt thì sự sống chỉ còn mong manh như ngọn đèn trước gió. Một cái bóng vật vờ hắt lại! Đó là sự bất khả tri của con người. Lần đầu tiên, tôi đã bàng hoàng khi chứng kiến sự tàn nhẫn, bất khả ấy. Đó là, ông đã quên tôi! Quên hẳn cái thằng đích tôn mà ông quý hóa nhất trên đời. Ông xóa tôi khỏi cuộc đời ông. Khi tôi gọi ông và xưng tên, ông chỉ “ờ, ờ” đáp. Ánh mắt mờ đục phẳng lặng. Phải nghếch ngác một lúc lâu, ông mới hỏi lại: “Thằng Cò à?”. Tôi chết điếng người! Một cái tên xa lạ. Cả làng tôi, có mỗi “thằng Cò” bị bệnh đao vẫn lang thang ngoài đường. Song, tôi không bỏ cuộc. Tôi ghé sát hơn, phụt vào tai ông như người ta phụt khí để thông một đường ống đang tắc: “Thằng đích tôn! Thằng Tú!”. Ông vẫn không mảy may. Lần thứ hai! Tiếp lần thứ ba, mặt hồ vẫn phẳng lặng xám xịt. Đến lần thứ tư, ông mới giật cười khùng khục, mồm há rộng, nước dãi ròng ra. Rồi ông xệu mặt khóc. Khóc hầng hậc từng hồi. Tay run lên lập cập. Những giọt nước mắt như chắt ra từ cuống tim khô héo, trắng như sương muối giá buốt. Song, có lẽ, phải trải qua khốc liệt, dâu bể, trần ai, phải trải qua cung bậc khóc, cười, lão, ấu, cái khêu đèn tưởng đã tắt mới vụt le lói.  Vẫn bộ dạng sầu thảm cùng cực, ông nhớ lại lời tôi một cách ngờ nghệch:  
–  Cu Tú…! Thằng đích tôn?

Chao ôi! Như một dòng sông băng đá tự nhiên vỡ ra gào réo cơn thác lũ trong lòng tôi! Tôi đau quá! Thời gian thật tàn nhẫn! Nó đã phá hủy cả những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại. Nó lấy cắp sức vóc trai trẻ, thời oanh liệt của ông! Hai mảng tối, sáng của bức tranh thời gian cứ quay cuồng trước mắt tôi. Một bên là u buồn, ảm đạm. Một bên tươi sáng, đẹp đẽ. Hai chục năm đã qua đi như một chớp mắt. Ngày ấy, ông là một cán bộ vừa được nghỉ hưu. Còn mới tinh tươm. Trẻ, khỏe, phong độ ngời ngời. Còn tôi, mới lên mười tuổi. Một già, một trẻ, tưởng hai cái mặt không chơi được. Vậy mà, lại thành chiến hữu khăng đáo của nhau. Tuổi thơ ấy đẹp đẽ vô cùng…

Ngày ấy, ông thường gọi tôi là “Thằng đích tôn!”. Vai vế “đích tôn” làm tôi oai oách lắm. Cái oai oách đã tâng lên niềm vui trong suốt tuổi thơ. Tôi ngấm ngầm xưng cái danh cao ấy. Sau này, tôi sẽ là thằng nối nghiệp ông tôi, bố tôi. Tôi sẽ là chi trưởng, rồi trưởng họ của cả một cái họ có nhiều thế lực, đông đến nửa làng này. Tuy nhiên, chỉ vì oai, sĩ diện hão mà tôi đã phải lao vào nhiều cuộc sinh tử với mấy thằng choắt choắt vai dưới tôi để gánh hậu quả. Chúng thường giễu: “Làm cứt gì cái thằng đích tôn… Đích tôn là cái thá nợ gì… Có mà “đít chó” thì có…”. Cả hai bên khùng lên rồi nhảy vào vật nhau, đấm đá đến trẹo chân, lồi tay, máu me đầy mồm. Khi lớn hơn, tôi hiểu, ông gọi tôi như thế để ngầm khoe với thiên hạ, để tự mãn với cái tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn nặng trịch trong đầu ông, trong nhiều người làng tôi. Họ nghĩ, nghĩa vụ duy nhất của thằng đàn ông là phải sinh một thằng con trai để nối dõi tông đường. Vì thế, nhiều gia đình không có con trai đã tan cửa, nát nhà vì đấng ông chồng ngấm ngầm đi kiếm một thằng cu với người đàn bà khác. Nhiều đấng khác thì chán đời rồi bê tha cờ bạc, rượu chè, đánh đập vợ con.

Chỉ cần con vợ đẻ tọt ra thằng có cái ngẩu như quả ớt chỉ thiên là lên đời, là được mở mày, mở mặt với thiên hạ, là được ngồi mâm trên, là “thằng bố mày” đéo kém cạnh bố con nhà thằng nào. Còn những ngữ thị tẹt kia, dù có xếp thành dãy bướm đẹp, bướm xinh, bướm hoa khôi, á hậu cũng vẫn là vô, thậm chí là vô phúc. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.  Mỗi lần ông cất giọng rổn rang, đầy uy lực gọi “Đích tôn của ông đâu rồi?”, niềm vui trong tôi lại dâng lên, ngún ngoẳn như thằng chó con. Chỉ cần đá tặc tặc ở đầu lưỡi, hoặc êu êu, cún cún thì dù thằng chó con ấy có đang ngủ vùi, lăn lóc trong đống rơm ấm sực cũng mắt nhắm, mắt mở, ngúc ngoắc cái đầu đầy rơm rồi phóng ra thật nhanh. Rồi xun xoe, ve vẩy, mông ngoáy tít, mắt sáng lên hong hóng một cách tinh quái. Hẳn nhiên, mỗi lần như thế sẽ được ông cho quà hay được chở đi chơi.

Nhớ nhất là những buổi chiều hè. Khi cái oi bức đã dịu hẳn, những tia nắng cuối ngày nhàn nhạt như chiếc khăn mỏng phủ hờ trên những thửa ruộng đã gặt còn trơ gốc rạ và hoàng hôn đỏ pha vàng như lòng trứng gà đang lặn dần vào những đụn mây xám thì hai ông cháu bắt đầu cuộc hành trình. Chiếc xe đạp thong thả từng vòng, từng vòng lăn trên con đường đồng rải cát phối đỏ rực như ai đó đã đánh tuột dải cầu vồng từ trên trời xuống, trông thật đẹp mắt. Vừa đi, cánh mũi vừa phập phồng vì mùi khói đốt rạ, mùi nướng muỗm, mùi lúa mới cắt còn sót đồng xếp bên rệ đường. Rồi cảnh trâu bò, con đủng đỉnh gặm cỏ, con chạy quẩng nhau. Thi thoảng, lũ châu chấu, cào cào lại vù vù như cánh quạt tạt ngang qua mặt. Lũ chim cắt, chim sẻ thi nhau chao lượn rồi đứng chèo bẻo trên lưng trâu. Dưới ánh mặt trời, dòng mương nước như một dải bàng bạc gợn sóng lấp lóa vắt ngang qua cánh đồng…

hành trình bt
Minh họa: Đào Quốc Huy

Bao nhiêu cảnh ứ dồn ra đến mê mẩn cho đến khi chiếc xe vọt lên bờ đê mới thôi. Sau này, đi nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảnh nào đẹp như bờ bãi sông quê tôi. Những buổi chiều ấy như có sức nặng chất chở lên tuổi thơ mà tôi không bao giờ quên được. Vẫn là những cảnh sinh hoạt đời thường như hình ảnh con trâu gặm cỏ, đồng bãi xanh rờn, con đò cắm sào chở khách, lanh canh tiếng gõ nhịp gọi cá, con diều sáo vi vút ngân nga… Khung cảnh thật bình dị nhưng nó đã chứa trong tôi những điều mới lạ, háo hức, muốn khám phá đến tận cùng. Hình ảnh bãi bờ mênh mang, dòng sông đỏ nặng phù sa ấy cứ chảy mãi, chảy theo kí ức tôi đi khắp chân trời, góc bể… Tôi biết ơn ông tôi nhiều lắm. Ông đã vun dần vào gốc cây tâm hồn tôi bằng những tình cảm yêu thương, sự đa sầu, đa cảm, tinh tế với đời sống và một tình yêu trong sáng nhưng cũng đầy mãnh liệt với gia đình, quê hương. Vậy mà… từ bao giờ, tôi như lãng quên dần. Lãng quên cả cái âm thanh rổn rang, ấm áp của người đàn ông mà tôi luôn tự hào, kiêu hãnh ấy. Nó bị lẫn vào những âm thanh hỗn tạp của thường nhật, bị lấn sâu và chìm khuất dần dưới lớp vỏ âm thanh của người đàn ông khác đang thắng thế làm chủ gia đình, làm chủ xã hội từ khi nào, tôi cũng không rõ nữa… Giờ đây, kí ức xưa dội về đẹp đẽ, trang trọng bao nhiêu thì tôi lại thấy nhức nhối, khổ sở vì bị lục vấn, giày vò, vì ân hận bấy nhiêu.

Tôi đã quá hồn nhiên, quá ích kỉ, ham chơi nên đã không chăm sóc ông. Tôi đã thờ ơ, vô tâm, a dua, bỏ qua những lời gắt gỏng thành điệp khúc về ông: “Ông già rồi! Ông không cần biết! Biết để làm gì?… Ông không phải nói! Không phải tham gia! Ông lẩm cẩm lắm rồi! Ông cứ ngồi yên một chỗ! Làm sao chỉ khổ con, khổ cháu!”… Giá mà, tôi sống chu đáo, sống rốt ráo hơn với ông. Giờ đã quá muộn! Những khoảnh khắc này là những khoảnh khắc “cuối cùng”! Lần gặp này là lần gặp “cuối cùng”! Ý nghĩ “cuối cùng” liên tiếp được đưa vào những mệnh đề không có cách giải đã đẩy tôi đến ngõ cụt của sự bế tắc và chỉ có một cách duy nhất thoát ra là phải về gặp ông ngay lập tức. Nếu không, một phút, kể cả một giây cũng sẽ là muộn. Nhưng, làm sao bây giờ? Có là chim tôi cũng phải bay qua quãng đường bắc nam dài hàng nghìn kilômét. Lực bất tòng tâm! Trong lòng tôi cứ cuộn như lửa cháy, như dầu đổ.   

Chiều hôm ấy, một buổi chiều mà, sống chừng nào, nhớ chừng đấy, vừa về đến đầu làng, tôi đã nghe thấy rùng rùng mặt đất tiếng trống, tiếng kèn đám ma. Hai đám tang liền! Anh Thiên, mới ngoài ba mươi tuổi bị tai nạn giao thông, chết thân thể chẳng còn nguyên vẹn, để lại một vợ, hai con tang tóc. Cụ Tư, nằm liệt một chỗ mấy năm nay, thối giường, thối chiếu, giờ mới “đi” được. Còn ông tôi, tưởng “đi” luôn từ hôm qua… May quá! Vẫn còn kịp… Tôi mừng rú lên! Như từ cõi chết trở về. Rồi gào lên trong lòng: “Ông ơi! Con về rồi đây! Cháu đích tôn của ông đây! Con về kịp rồi đây!”.

Lại thêm một cú sốc nữa! Bước qua cổng đã thấy trong nhà đang nhốn nháo như vừa xảy ra chuyện làm tôi tối sầm mắt lại. Cứ thế, tôi chạy thẳng vào giường ôm chặt lấy ông. Hồi hộp, lo sợ, rồi vỡ òa ra: Ông vẫn sống! Tim tôi như muốn lồng lên để ra khỏi khoang ngực. Chỉ tích tắc nhìn thấy ông, tôi cảm giác hạnh phúc đến tột độ, người lâng lâng, nhẹ bẫng như được sống lại sau hàng tháng ròng vật vã, khô kiệt trên sa mạc. Bao nhiêu yêu thương, ân hận, xót xa, tủi hờn… được xõa ra. Nhưng cũng ngay lập tức lúc ấy, cái ý thức trách nhiệm cao cả của “thằng đích tôn” trong tôi lại trỗi dậy. Bằng mọi giá, mọi cách, tôi phải níu giữ sự sống cho ông. Và tôi đã cố ép sát da thịt tôi vào da thịt ông, ép chặt nhịp tim tôi lên nhịp tim ông, dồn nhịp thở sang nhịp thở của ông, truyền nhiệt huyết đang sôi sục trong tôi cho ông. Dòng máu ấy, nhịp đập ấy, hơi thở ấy, cốt nhục, trí tuệ ấy, chính là của ông và ông đã truyền cho bố, rồi đến lượt tôi. Giờ đây, dòng lưu chuyển đang trào ngược lại. Thằng cháu đích tôn đang tái sinh sự sống cho ông. Nó tin rằng, tình thương sẽ cứu rỗi sự sống, cứu rỗi cả những linh hồn đã chết. Tình cốt nhục sẽ làm lay động Thượng đế. Trời Phật sẽ cứu khổ, cứu nạn… Vừa nhập thể cho ông, tôi vừa khấn thầm những lời ấy. Bỗng có tiếng reo lên:
– A! Ông đã tỉnh!

Hai mí mắt ông động đậy khẽ. Rồi như cố hết sức, nặng nề, chậm chạp, hai cánh cổng ấy vẫn chỉ nới được một đường như sợi chỉ to rồi thôi. Hai khóe miệng cũng mở ra như để cố hớp một chút không khí. Tất cả nín thở theo dõi rồi cùng vỡ òa niềm vui.
– Thằng cháu đích tôn về với ông có khác!
– Ông khỏe lại để đích tôn cơm bưng nước rót hầu hạ ông…

Khoảnh khắc ấy, chính tôi cũng không ngờ. Như một sự huyền diệu. Một giấc mơ không có thực. Lúc ấy, tôi đã tin vào phép siêu nhiên. Trong lòng tôi reo lên niềm vui đến tột cùng. Cuối cùng, trong thế giới hỗn độn của ông vẫn còn hình ảnh thằng đích tôn của ông. Ông đã đợi tôi! Ông vẫn quý hóa tôi! Vẫn chiều chuộng tôi! Ông vẫn bảo, thằng đích tôn nó ngoan với ông lắm. Thế nên, cuộc ra đi cuối cùng này, ông phải chờ sự có mặt của thằng đích tôn! Thật ra, ông tôi đã chết từ lâu, khi căn bệnh quái ác đã hủy dần cơ thể và những bản năng sống thấp nhất của con người. Ông chết khi bị chính xung quanh lãng quên dần và sống như một bổn phận. Và cái chết ấy đã thật sự kết thúc ở khoảnh khắc cuối cùng khi ông đột quỵ ngay thềm nhà! Vậy mà, trong tích tắc, ông đã tỉnh lại! Hình như, có một thế giới khác, thế giới tâm linh, thế giới của thần giao cách cảm! Tuy cách mặt khuất lời, nhưng tôi vẫn linh ứng được đầy đủ, trọn vẹn những suy nghĩ, tình cảm yêu thương của ông. Sống làm sao, chết làm vậy! Cả đời ông yêu quý tôi. Đến lúc chết, ông vẫn dành trọn tình cảm cho tôi. Chỉ là một cuộc ra đi! Ông vẫn quay về. Ông vẫn  luôn ở bên thằng cháu đích tôn của ông. Phải chăng, cái chết chỉ là một nghi thức cuối cùng của đời sống, theo quy luật có sinh, tất có diệt. Cát bụi lại trở về cát bụi! Sống chỉ là nhờ đậu, chết mới về nơi ta vốn sinh ra.

Rồi giây phút kì diệu ấy qua nhanh. Tia đồng tử vụt bay lên như một đốm sáng. Mắt tôi hoa lên như có ảo giác. Bóng ông sừng sững trước cửa nhà. Tiếng cười sang sảng như từ một thế giới khác xa xôi ảo vọng. Bỗng thoắt, cái bóng vụt mất. Tôi hoảng hốt quanh quất tìm ông. Rồi tôi sững lại trước khung ảnh của ông vẫn treo trên tường, xung quanh là những tấm bằng khen. Vẫn khuôn mặt ấy, ánh mắt ấy, nụ cười ấy. Ông tôi đẹp quá! Bất giác, tôi nhìn lại cha tôi. Sao cha tôi giống ông đến vậy? Vẫn nụ cười, ánh mắt, khuôn mặt ấy, như hai mà là một. Và cả ảnh của tôi trong ngày lễ nhận bằng tốt nghiệp cũng giống cha như đúc. Tại sao vậy?
– Cha ơi…!

Tiếng cha khóc gọi ông làm tôi sựng lại. Như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Cái thanh âm “Cha ơi” vừa đi từ đáy ruột rồi thoát qua vòm họng của tôi. Nó là tiếng nói của tôi. Tôi vừa cất lên lời ấy! Tôi vừa gọi ông của tôi là Cha. Tiếng gọi từ trong sâu thẳm trái tim và khối óc của một người con. Ông cũng chính là người cha thân yêu của tôi! Một người cha tôi đã yêu quý nhất trên đời! Một người cha đã cho tôi một ấu thơ vô cùng đẹp đẽ. Một người cha nhân hậu và hiền từ. Một người cha hi sinh và độ lượng… Nhưng, sao cuộc đời oái oăm đến vậy? Tại sao, khoảnh khắc này, khoảnh khắc tôi sắp mất đi tất cả, tôi mới nhận ra điều này? Tôi chưa kịp hạnh ngộ với điều bất ngờ, thiêng liêng quá đỗi ấy thì ngay lập tức đã ôm trọn sự tồi tệ khủng khiếp. Giờ đây, tất cả đã muộn! Tất cả, rồi sẽ trôi tuột một cách vĩnh viễn. Giờ đây, tôi chỉ có thể cất lên những tiếng gọi thảm thiết “Cha ơi!” mới có thể phần nào giãi bày, mong được tha thứ, mong được rộng mở đến giới hạn cuối cùng của sự yêu thương.

Rồi, như những gì bản năng nhất, trong sáng nhất, tuyệt vời nhất, tôi đã cất tiếng gọi “Cha ơi!”… Những âm thanh đẹp đẽ nhất trong cuộc đời tôi! Trong trái tim tôi! Tôi hi vọng, những lời ấy sẽ như những cánh diều của tuổi thơ tôi, hay một con thuyền nhỏ trong huyền thoại để cất cánh bay lên, chở ông tôi về miền Trúc tử. Những thanh âm ấy, sẽ huyền hoặc tất cả như không có một cuộc chia li nghìn thu vĩnh viễn! Như không có một cuộc tái sinh nào đẹp đẽ thiết tha như của ông tôi! Như không có bất cứ một điều gì xảy ra trong cõi hư vô này. Chỉ là một hành trình bất tận…

Tháng 3/2015
T.M.H
Exit mobile version