Tim O’Brien sinh năm 1946, là nhà văn Mĩ nổi tiếng, người đã từng tham chiến ở Việt Nam. Các tác phẩm của Tim O’Brien chủ yếu viết về các trải nghiệm cá nhân trong thời kì chiến tranh Việt Nam, cũng như tác động của chiến tranh đối với các quân nhân Mĩ đã tham gia cuộc chiến này. Các tác phẩm chính của Tim O’Brien là: Northern Lights, The Nuclear Age, July, July, Tomcat in Love, The Things They Carried… Ông đã được trao giải thưởng Sách quốc gia của Hoa Kì và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Trung úy Jimmy Cross mang những lá thư của cô gái tên Martha, sinh viên năm ba trường Mount Sebastian ở New Jersey. Đó không phải thư tình, nhưng Trung úy Cross đang nuôi hi vọng, vậy nên hắn cất chúng trong bọc ni lông dưới đáy ba lô. Cứ chiều muộn, sau một ngày hành quân, hắn lại đào hố cá nhân, rửa tay từ bi đông, mở bọc, nhón tay lấy mấy lá thư, rồi giả vờ suốt cả tiếng đồng hồ khi trời còn sáng. Hắn tưởng tượng những chuyến cắm trại lãng mạn trên vùng Núi Trắng ở New Hampshire. Đôi khi hắn liếm mép bao thư, biết lưỡi của nàng đã ở đó. Hơn bất cứ cái gì, hắn muốn Martha yêu hắn như hắn yêu nàng, nhưng thư của nàng gửi cho hắn chủ ý để tán gẫu, lảng tránh vấn đề tình cảm.

Nàng còn trong trắng, hắn gần như chắc chắn là vậy. Nàng học Anh ngữ tại Mount Sebastian, và nàng viết tuyệt vời về các giáo sư, bạn chung phòng và những kì thi giữa kì, về sự kính trọng nàng dành cho Chaucer cũng như cảm xúc lớn lao nàng dành cho Virginia Woolf. Nàng thường trích vài dòng thơ; nàng không bao giờ đề cập đến cuộc chiến và chỉ nhắn nhủ, Jimmy, cẩn thận nhé. Các lá thư nặng chừng 300 grams. Tất cả đều được kí là Love, Martha, nhưng Trung úy Cross hiểu rằng Love chỉ là một cách kí tên và không có nghĩa nhưng đôi khi hắn giả vờ về nghĩa của nó. Khi nhập nhoạng, hắn cẩn thận đút những lá thư vào ba lô. Chầm chậm và hơi đãng trí, hắn đứng dậy và di chuyển giữa toán của mình, kiểm tra vành đai phòng thủ, rồi khi trời tối hẳn, hắn trở lại hố cá nhân, nhìn bóng tối và tự hỏi liệu Martha có còn trong trắng.

Hành trang họ mang được quyết định chủ yếu do nhu cầu. Trong số những nhu cầu, hoặc nhu cầu thiết yếu, gồm có cái khui đồ hộp P-38, dao bỏ túi, viên nhóm lò, đồng hồ đeo tay, thẻ bài, thuốc chống muỗi, kẹo cao su, kẹo, thuốc lá, muối viên, gói Kool-Aid, bật lửa, diêm quẹt, đồ khâu vá, giấy phát lương, khẩu phần C, và hai hay ba bi đông nước. Gộp chung lại, những thứ này cân nặng chừng 5 đến 10 kí, tùy theo thói quen hay sức tiêu thụ của mỗi người. Henry Dobbins, to con, còn mang khẩu phần phụ; hắn đặc biệt khoái món đào ngâm xirô đặc đóng hộp rưới lên bánh trứng. Dave Jensen, kẻ thực hành vệ sinh chiến trường, mang bàn chải răng, chỉ nha khoa, và nhiều mẩu xà phòng cỡ khách sạn hắn thó ở Trung tâm Nghỉ dưỡng giải trí quân nhân ở Sydney, Úc. Ted Lavender, gã nhát, mang theo thuốc an thần cho đến khi bị bắn vào đầu ở phía ngoài làng Thần Khê vào giữa tháng Tư.

Do nhu cầu, và cũng vì quân lệnh, họ đều mang mũ sắt nặng chừng 2 kí rưỡi kể cả lớp lót và lớp nguỵ trang. Họ mang theo áo khoác và quần trận đúng chuẩn. Rất ít người mang theo đồ lót. Chân họ đi ủng, khoảng 1 kí – Dave Jensen mang ba đôi tất và một hộp bột thoa chân Dr. Scholl để phòng chứng bợt da chân. Cho đến khi bị bắn, Ted Lavender mang theo chừng 200 grams thuốc phiện hảo hạng, rất cần thiết cho hắn. Mitchell Sander, lính truyền tin, mang theo bao cao su. Norman Bowker mang nhật kí. Chuột Kiley mang truyện tranh. Kiowa, tín đồ Báp tít, mang cuốn Tân Ước có minh họa ba hắn tặng – ông dạy trường dòng ở thành phố Oklahoma, bang Oklahoma. Để đề phòng vận rủi, Kiowa còn mang theo sự nghi ngờ của bà hắn đối với người da trắng, chiếc rìu săn cũ của ông hắn. Nhu cầu quyết định. Bởi đất này lắm mìn và bẫy treo, theo quy định, mỗi người phải mang một áo giáp, ở giữa là một miếng thép bọc ni lông, nặng chừng 3 kí rưỡi, nhưng vào những ngày nóng dường như nặng hơn nhiều. Bởi bạn có thể chết thình lình, nên mỗi người mang một cuộn vải băng lớn, thường nhét trong đai mũ để dễ lấy ra. Do đêm lạnh và mùa mưa ướt át, mỗi người mang miếng bạt nhựa xanh lá cây dùng làm áo mưa hoặc làm tấm trải hay lều tạm. Với lớp lót có chần, tấm bạt nặng gần 1 kí, nhưng đáng giá đến từng gram. Tháng Tư, chẳng hạn khi Ted Lavender bị bắn chết, họ dùng tấm bạt của hắn để bọc xác hắn, khiêng qua đồng lúa, rồi đưa hắn lên trực thăng chở đi.

211210ha24201124150
Bộ đội hành quân                                          Ảnh: TL

Họ được gọi là bộ binh (leg)  hay lính trơn (grunt).
Mang cái gì đó là khuân (hump) nó, như khi trung úy Jimmy Cross khuân tình yêu của hắn dành cho Martha lên những ngọn đồi và qua mấy đầm lầy. Theo cách chuyển nghĩa của nó, khuân có nghĩa đi bộ hay hành quân, nhưng lại hàm chứa nỗi nhọc nhằn quá đỗi so với việc đi bộ đơn thuần.

Hầu như mỗi người đều khuân ảnh. Trong ví mình, Trung úy Cross mang hai tấm ảnh của Martha. Tấm thứ nhất chụp máy Kodacolor kí tên Love, mặc dầu hắn thừa biết rõ. Nàng đứng dựa bức tường gạch. Mắt nàng màu xám, bình thản, môi hơi hé mở khi nàng nhìn chăm chú vào ống kính. Đôi khi vào ban đêm, Trung úy Cross tự hỏi ai đã chụp bức hình đó, bởi hắn biết là nàng có nhiều bạn trai, bởi hắn quá yêu nàng, và bởi hắn có thể thấy bóng của người chụp trải dài trên bức tường gạch. Tấm ảnh thứ hai được cắt từ cuốn niên giám năm 1968 trường Mount Sebastian. Đấy là cú chụp hình di động – bóng chuyền nữ – Martha khom người ngang với sàn đấu, vươn tới, lòng bàn tay rõ nét, lưỡi căng, vẻ mặt chân thành, đầy cạnh tranh. Không thấy mồ hôi.

Nàng mặc quần đùi thể thao trắng. Chân nàng, hắn nghĩ, gần như là chân gái trinh, khô và không lông, gối trái cong và chịu hết sức nặng của nàng, khoảng dưới 50 kí. Trung úy Cross nhớ có lần chạm vào đầu gối trái đó. Hắn nhớ trong rạp hát tối đen, bộ phim đang chiếu là Bonnie và Clyde, Martha mặc một cái váy vải tuýt, và trong cảnh cuối cùng, khi hắn sờ vào gối trái nàng, nàng quay lại và nhìn hắn với bộ mặt buồn và nghiêm trang tới mức hắn phải rụt tay lại, nhưng hắn luôn nhớ đến cái cảm giác của cái váy vải tuýt, cái đầu gối bên dưới và âm thanh của phát súng giết chết Bonnie và Clyde, thật xấu hổ làm sao, chầm chậm và ngạt thở. Hắn nhớ lúc hôn từ biệt nàng nơi cửa kí túc. Đúng lúc đó hắn nghĩ, lẽ ra hắn nên làm chuyện can đảm hơn. Lẽ ra hắn đã nên bế nàng lên phòng nàng và trói nàng vào giường và sờ cái đầu gối đó suốt cả đêm. Lẽ ra hắn đã nên liều một phen. Bất cứ khi nào nhìn mấy tấm ảnh, hắn lại nghĩ ra những hành động mới mà lẽ ra hắn đã nên làm.

*
*   *
Hành trang họ mang một phần tùy thuộc vào chức vụ, một phần tùy thuộc vào chuyên môn chiến trường.
Là Trung úy, Trung đội trưởng, Jimmy Cross mang la bàn, bản đồ, sổ tay mật mã, ống nhòm, và một cây súng Colt 45 nặng chừng một kí rưỡi nạp đầy đạn. Hắn mang cây đèn hiệu và cả cái trách nhiệm về những mạng sống của thuộc hạ mình.

Là lính truyền tin, Michell Sanders mang máy PRC-25, nặng chết khiếp – 13 kí kể cả bình điện.
Là bác sĩ, Chuột Riley mang một túi vải bạt chứa đầy mooc phin, huyết thanh, thuốc sốt rét, băng vải, truyện tranh và tất cả những thứ khác mà một bác sĩ phải mang, kể cả kẹo sôcôla M&M’s cho những vết thương quá nặng, tổng cộng các thứ nặng gần 10 kí.

Do to con, nên xạ thủ súng máy – Henry Dobbins mang khẩu M-60, nặng 10 kí khi không có đạn; tuy nhiên nó gần như luôn luôn được nạp đạn đầy. Ngoài ra, Dobbins mang băng đạn chừng 5 đến 7 kí, quấn quanh ngực và vai.

Vì là binh nhất hoặc hạ sĩ nhất, đa số họ là bộ binh thường và mang súng trường tấn công M-16 chuẩn, vận hành bằng khí nén. Súng này nặng 3,7 kí không đạn, 4 kí khi băng đạn đầy 20 viên. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như địa hình và tâm lí, mỗi tay súng trường mang theo chừng 12 đến 20 băng đạn, luôn đựng trong dây vải đeo súng, thêm vào ít thì chừng từ 4 kí, nhiều thì đến 7 kí nữa. Nếu có, họ còn mang theo đồ bảo dưỡng M-16 – que thông nòng, bàn chải thép, giẻ lau súng và tuýp đựng dầu lau. Tất cả nặng chừng nửa kí. Trong số bộ binh, vài người còn mang súng phóng lựu M-79, nặng 3 kí không đạn, một loại vũ khí tương đối nhẹ nhưng đạn của nó thì nặng. Một trái đạn không thôi đã là 300 grams. Mang hết sức cũng chỉ được 25 trái. Nhưng Ted Lavender, nhát cáy, mang đến 34 trái khi hắn bị bắn chết bên ngoài Thần Khê, và hắn sụp xuống dưới sức nặng khủng khiếp, hơn 10 kí đạn, cộng với áo giáp và mũ sắt, đồ hộp, nước uống, giấy vệ sinh, thuốc an thần và mọi thứ khác, cộng với nỗi sợ hãi vô đối. Hắn chết thẳng cẳng. Không quằn quại hay lăn lộn gì hết. Kiowa, chứng kiến mọi việc, nói giống như xem tảng đá rơi, một bao cát lớn hay cái gì tương tự – chỉ bùm, rồi sụp xuống – không giống trong phim, nơi cái gã chết lăn lông lốc rồi lộn vòng kì dị rồi chổng mông lên – không giống thế, Kiowa nói, thằng con hoang tội nghiệp chỉ rụm cái rụp. Bùm. Sụp xuống. Chẳng gì khác. Đó là một buổi sáng đầy nắng giữa tháng Tư. Trung úy Cross thấy đau. Hắn tự trách mình.

Họ gỡ mấy bi đông nước và đạn của Lavender, tất cả vật nặng, và Chuột Kiley nói điều hiển nhiên, cha nội ngoẻo rồi, và Mitchel Sanders dùng máy truyền tin để báo một lính Mĩ chết trong khi thi hành nhiệm vụ và yêu cầu trực thăng. Rồi họ bọc Lavender trong tấm bạt của hắn. Họ khiêng hắn ra chỗ đồng khô, thiết lập bảo vệ, và ngồi hút hết cần sa của người chết cho tới khi trực thăng đến. Trung úy Cross lặng lẽ. Hắn tưởng tượng nét mặt trẻ trung mịn màng của Martha và nghĩ rằng hắn yêu nàng hơn bất cứ thứ gì trên đời, hơn cả thuộc cấp của mình, và giờ đây Ted Lavender đã chết, bởi hắn yêu nàng quá đỗi và không thể thôi nghĩ về nàng. Khi trực thăng đến, họ đưa Lavender lên máy bay. Sau đó họ đốt Thần Khê. Họ hành quân tới tối, rồi đào hố cá nhân, và đêm đó Kiowa cứ giải thích mãi rằng tụi mày phải ở đó, xảy ra nhanh lắm, thằng nhỏ tội nghiệp chỉ rụm xuống hệt khối bê tông. Bùm – sụp, như xi măng.

*
*    *
Hành trang họ mang thay đổi tùy nhiệm vụ.
Khi nhiệm vụ buộc họ lên núi, họ mang mùng, dao rựa, bạt và kem chống côn trùng.
Nếu là nhiệm vụ có vẻ đặc biệt nguy hiểm, hay nếu nó đòi hỏi đi đến một nơi họ biết là tồi tệ, thì họ mang mọi thứ có thể. Ở những nơi tác chiến nhiều mìn, dày đặc mìn Toe Popper và mìn nhảy, họ thay nhau mang máy dò mìn, nặng 14 kí. Với tai nghe và đĩa dò lớn, thiết bị này đè nặng lên vùng thắt lưng và vai, khó điều khiển, thường thì vô dụng vì những mảnh đạn trong đất, nhưng dẫu sao thì họ cũng mang theo, phần vì an toàn, phần khác vì ảo tưởng được an toàn.

Những nhiệm vụ khác phức tạp hơn và đòi hỏi thiết bị đặc biệt. Vào giữa tháng Tư, họ có nhiệm vụ tìm và phá huỷ hệ thống địa đạo phức tạp ở Thần Khê, phía Nam căn cứ Chu Lai. Để cho nổ địa đạo, họ mang nhiều thỏi thuốc nổ pentrite nặng nửa kí, mỗi người 4 thỏi, tất cả là 34 kí. Họ mang dây, ngòi nổ và thiết bị kích nổ chạy pin. Dave Jensen mang nút bịt tai. Thông thường, trước khi cho nổ tung địa đạo, họ được lệnh của cấp trên phải lục soát nó, quả là tin xấu, nhưng họ vẫn phải tuân lệnh tuy nhún vai miễn cưỡng. Vì to con, Henry Dobbins được miễn nhiệm vụ lùng địa đạo. Những người còn lại sẽ bốc thăm. Trước khi Lavender chết thì trung đội có 17 người, và bất cứ ai rút trúng số 17 thì sẽ bỏ hết đồ đạc, bò vào hầm với cây đèn pin trên đầu và khẩu súng lục 45 của Trung úy Cross. Những người còn lại sẽ tản ra cảnh giới. Họ ngồi hoặc quỳ gối, mặt quay khỏi địa đạo, lắng nghe lòng đất phía dưới, mường tượng mạng nhện và bóng ma, hay bất cứ thứ gì dưới đó – vách địa đạo siết lại – cây đèn pin hóa nặng khủng khiếp trong tay và tầm nhìn trong địa đạo, theo nghĩa chặt chẽ nhất, bị dồn ép lại từ mọi phía, kể cả thời gian, và cách bạn phải ngọ nguậy nhích vào – bằng mông và cùi chỏ – cảm giác ngột thở – và cách bạn thấy bản thân mình thấp thỏm về những chuyện kì quặc: Lỡ như đèn pin hỏng? Chuột có truyền bệnh dại không? Nếu bạn thét lên, âm thanh sẽ vang bao xa? Chiến hữu mình có nghe thấy không? Liệu họ có đủ can đảm để kéo mình lên không? Ở vài khía cạnh, dù không nhiều, sự chờ đợi còn khủng khiếp hơn chính cái địa đạo. Trí tưởng tượng là một kẻ giết người.

Ngày 16 tháng Tư, khi Lee Strunk rút số 17, hắn cười và lẩm bẩm điều gì đó rồi nhanh chóng chui xuống. Buổi sáng nóng và rất yên tĩnh. Điềm xấu, Kiowa nói. Hắn nhìn cửa địa đạo rồi hướng mắt qua cánh đồng khô về phía làng Thần Khê. Vạn vật bất động. Không một gợn mây hay chim chóc hay con người. Trong khi chờ đợi, họ hút thuốc và uống Kool-Aid, không nói nhiều, vừa thấy thông cảm cho Lee Strunk vừa thấy vận may của lá thăm. Ta được đôi lần, ta mất đôi lần, Mitchell Sanders nói và đôi khi ta đành phó mặc cho số phận. Đám lính mệt mỏi và chẳng ai cười.

Henry Dobbins ăn một thanh sôcôla nhiệt đới. Ted Lavender tọng một viên thuốc an thần và bước ra đi tiểu.
Năm phút trôi qua, Trung úy Jimmy Cross tiến đến cửa địa đạo, cúi người xuống và ngó nghiêng đường hầm tối. Rắc rối rồi, hắn nghĩ – chắc bị sập đâu đó. Và rồi bỗng nhiên, không hề mong đợi, tâm trí hắn lại hướng về Martha. Sức nặng và các kẽ nứt, sự đổ sụp nhanh, hai người bị chôn sống dưới tất cả sức nặng đó. Tình yêu đặc sệt, nhàu nát. Quỳ gối nhìn xuống hầm sâu, hắn cố tập trung vào Lee Strunk và cuộc chiến, vào tất cả hiểm nguy, nhưng tình yêu của hắn quá mạnh đối với hắn, hắn thấy tê liệt, hắn muốn ngủ vùi trong buồng phổi nàng và thở bằng máu nàng và ngột chết. Hắn muốn nàng còn trinh trắng, và không còn trinh trắng, cả hai cùng một lúc. Hắn muốn biết rõ ràng. Những bí mật riêng tư: Sao lại làm thơ? Sao buồn như vậy? Sao có màu xám ấy trong mắt nàng? Sao cô đơn đến thế? Không phải cô độc, chỉ là cô đơn thôi – cưỡi xe đạp qua trường hoặc ngồi một mình trong quán cà phê – ngay cả khiêu vũ, nàng khiêu vũ một mình – và chính sự cô đơn đó khiến hắn yêu nàng quá đỗi. Hắn nhớ có một buổi chiều đã bảo nàng như vậy. Cái cách nàng gật đầu và nhìn đi nơi khác. Và sau đó, nhớ lúc hắn hôn nàng, nàng nhận nhưng không đáp lại, mắt nàng mở to, không sợ hãi, không phải mắt gái trinh, chỉ bình thản và xa cách.

Trung úy Cross chăm chăm nhìn địa đạo. Nhưng hắn không ở đó. Hắn vùi mình cùng Martha dưới lớp cát trắng ở bờ biển Jersey. Họ ép sát nhau, và viên sỏi trong miệng hắn là lưỡi nàng. Hắn đang mỉm cười. Mơ hồ, hắn ý thức về sự yên tĩnh quá mức của ngày hôm ấy và những cánh đồng ảo não, nhưng hắn không thể buộc mình bận tâm về chuyện an toàn. Hắn ở ngoài chuyện đó. Hắn chỉ là một chú nhóc trong chiến tranh và trong tình yêu. Hắn 24 tuổi. Hắn chẳng thể khác.

Một lát sau, Lee Strunk bò ra khỏi địa đạo. Hắn chui lên cười nhăn nhở, bẩn thỉu, nhưng còn sống. Trung úy Cross gật đầu và nhắm mắt lại trong lúc những người khác vỗ lưng Strunk, đùa rằng hắn đã thoát khỏi tay tử thần.

Đồ giun, Chuột Riley nói, chui khỏi nhà mồ. Đồ quỷ nhập tràng chết tiệt.
Cả đám cười vang. Tất cả đều thấy nhẹ hẳn người.
Thành phố ma quỷ, Mitchell Sanders nói.

Lee Strunk phát ra một âm thanh ma quái buồn cười, một tiếng rên rỉ nhưng lại ngồ ngộ, và ngay lúc đó, khi Strunk đang phát ra cái âm thanh rên rỉ ngồ ngộ vang vang kia, khi hắn tiếp tục aaooooo, thì ngay lúc đó Ted Lavender bị bắn vào đầu trên đường đi tiểu về. Hắn nằm miệng há hốc. Hàm răng bị gẫy. Có một vết bầm đen sưng to dưới mắt trái. Xương má gẫy nát. Mẹ kiếp, Chuột Riley nói, thằng nhóc chết rồi. Thằng nhóc chết rồi, hắn cứ nói mãi, nghe có vẻ thâm thúy – thằng nhóc chết rồi. Tao bảo chết thật rồi.

Sau khi trực thăng đưa Lavender đi, Trung úy Jimmy Cross dẫn lính vào làng Thần Khê. Họ đốt trụi mọi thứ. Họ bắn gà, giết chó, họ vứt rác xuống giếng, họ gọi pháo binh nã và nhìn đống đổ nát, rồi họ hành quân nhiều giờ nữa trong chiều nóng, và rồi vào lúc nhập nhoạng, trong khi Kiowa diễn tả cái chết của Lavender, Trung úy Cross thấy mình run rẩy.

Hắn cố không khóc. Dùng xẻng đào hầm cá nhân, nặng 2 kí rưỡi, hắn bắt đầu đào hố ẩn.
Hắn cảm thấy xấu hổ. Hắn ghét bản thân mình. Hắn yêu Martha hơn đồng đội của mình và hệ quả là Lavender giờ đã chết, và đấy là thứ hắn phải mang như một viên đá trong dạ dày trong suốt phần còn lại của chiến tranh.

Tất cả những thứ hắn có thể làm là đào. Hắn dùng xẻng như một cái rìu, băm quật, cảm thấy vừa yêu vừa ghét, và rồi lát sau, khi trời tối hẳn, hắn ngồi dưới đáy hố cá nhân của mình và khóc. Khóc hồi lâu. Hắn khóc một phần vì Lavender, nhưng phần lớn là vì Martha và vì bản thân hắn, bởi vì nàng thuộc về một thế giới khác, không hẳn là có thật, và bởi vì nàng là sinh viên năm ba trường Mount Sebastian ở New Jersey, là thi sĩ, là gái trinh và hờ hững, và bởi vì hắn nhận ra nàng đã không yêu hắn và sẽ không bao giờ yêu hắn.

Hầu hết thời gian họ mang bản thân mình với tư thế đĩnh đạc, một kiểu nhân phẩm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có những lúc hoảng sợ khi họ hét lên hoặc muốn hét nhưng không được, khi họ quằn quại, rên rỉ, ôm đầu và nói lạy Chúa, lăn toài ra đất và vãi đạn loạn xạ, co rúm lại, khóc nức nở và cầu xin tiếng ồn chấm dứt và điên dại và hứa nhăng hứa cuội với bản thân, với Chúa, với cha mẹ họ, hi vọng không chết. Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi người đều trải qua những cơn như vậy. Sau đó, khi tiếng súng chấm dứt, họ nhấp nháy mắt và lén nhìn lên. Họ sờ soạng người mình, cảm thấy xấu hổ và nhanh chóng giấu đi. Họ cố buộc thân xác đứng lên. Như trong phim quay chậm, từng khuôn hình một, thế giới hiện ra theo logic cũ – im lặng tuyệt đối, rồi gió, rồi nắng, rồi âm thanh. Đó là gánh nặng của sự sống. Vụng về, họ chấn chỉnh bản thân, từng người một, và rồi cả nhóm, trở lại là lính. Họ sửa chữa những chỗ rò trong mắt họ. Họ kiểm tra thiệt hại, gọi trực thăng, châm thuốc, cố cười, hắng giọng và khạc nhổ và bắt đầu lau chùi súng ống. Lát sau, ai đó sẽ lắc đầu và nói, Nói thật, tao gần như són ra cả quần, và ai đó sẽ cười to lên, ý là kém thật, đúng vậy, nhưng rõ ràng gã kia đâu có ị ra quần, vậy là không kém, và dẫu sao thì chẳng có ai làm như thế rồi lại đi nói về chuyện đó. Họ sẽ nheo mắt nhìn vào ánh nắng chói chang đậm đặc. Có lẽ trong vài phút họ sẽ rơi vào im lặng, châm một điếu thuốc phiện và dõi theo nó được chuyền từ người này sang người khác, hít vào, giữ chặt nỗi xấu hổ. Sợ thật, ai đó có thể thốt lên. Nhưng người khác cười toe hoặc nhướng mày lên và nói, khốn thật, suýt nữa tao bị khoét một lỗ đít mới, suýt nữa.

Họ tìm chuyện tiếu lâm để kể.
Họ dùng từ ngữ mạnh mẽ để che đậy sự mềm yếu khủng khiếp. Thối gót, họ nói. Thăng, ngỏm, phựt, rồi đời. Nói như thế không hề độc ác, chỉ là trò diễn thôi. Họ là những diễn viên. Khi ai đó chết, đó không phải là chết thật sự, bởi vì theo cái lối kì quặc nào đó hình như mọi việc đã được đưa vào bản thảo kịch và bởi vì họ hầu như đã thuộc lòng kịch bản, hài hước trộn lẫn với bi kịch, và bởi vì họ gọi nó bằng nhiều cái tên khác, như thể đóng gói và hủy bỏ chính sự hiện hữu của cái chết. Họ đá vào xác chết. Họ cắt ngón tay. Họ dùng tiếng lóng nhà binh. Họ tán chuyện về gói thuốc an thần dự trữ của Ted Lavender và làm sao mà cái thằng nhóc khốn khổ đó không cảm thấy điều gì; cái cách hắn thanh thản vô biên.

Họ tự làm mình cười.
Họ bất khuất.
Họ mang toàn bộ gánh nặng cảm xúc của những người có thể chết. Nỗi buồn, nỗi sợ, nỗi ao ước và cả tình yêu – những thứ mơ hồ nhưng những thứ mơ hồ lại có khối lượng và trọng lượng đặc thù của chúng, chúng có sức nặng rõ ràng. Họ mang những kí ức hổ thẹn. Họ mang cái bí mật tầm thường của sự hèn nhát khó mà nén được, cái bản năng bỏ chạy hay đờ ra hay trốn nấp, và trong nhiều khía cạnh, đây là cái gánh nặng hơn tất thảy vì nó có thể chẳng bao giờ được đặt xuống, nó đòi hỏi sự cân bằng hoàn hảo và một tư thế hoàn hảo. Họ mang sĩ diện của bản thân. Họ mang nỗi sợ khủng khiếp nhất của người lính, đó là nỗi sợ xấu hổ. Lính giết và bị giết, bởi vì nếu không như vậy thì quá xấu hổ.

Đó là lí do mang họ đến cuộc chiến nơi tuyến đầu này, chẳng có gì xác thực, chẳng có mơ mộng vinh quang hay danh dự, tất cả chỉ để khỏi xấu hổ vì mất danh dự. Họ chết để không phải chết vì nhục. Họ bò vào địa đạo, băng qua chốt và thẳng tiến dưới hỏa lực. Mỗi buổi sáng, bất chấp chẳng biết sẽ ra sao, họ vẫn bắt đôi chân lê bước. Họ chịu đựng. Họ cứ mang vác. Họ không khuất phục để có sự lựa chọn rõ ràng rằng đơn giản chỉ nhắm mắt và ngã xuống. Quá dễ, thật vậy. Đi cà nhắc và ngã nhào xuống đất, mềm người ra, im lặng và đừng nhúc nhích cho đến khi đồng đội đến đỡ dậy, đưa lên trực thăng gầm rú và chúi mũi xuống và mang mày trở về với thế giới. Chỉ duy nhất vấn đề ngã xuống, nhưng chẳng có ai ngã. Thực sự, chẳng phải là can trường gì, mục tiêu không phải là làm anh hùng. Đơn giản là họ quá sợ trở thành kẻ hèn.

Nhìn chung, họ mang những thứ đó trong lòng, cố giữ cái mặt nạ điềm tĩnh. Họ khinh bỉ việc cáo bệnh. Họ cay đắng nói về những gã tìm cách giải ngũ bằng cách bắn ngón chân hay ngón tay. Đồ cặn bã, họ nói. Đồ thỏ đế. Đó là cách nói mỉa, hết sức khó chịu kèm chút ganh tị hay kinh sợ, nhưng dẫu thế, hình ảnh đó vẫn tự hiện trong mắt họ.

Buổi sáng sau khi Ted Lavender chết, Trung úy Jimmy Cross cuộn mình dưới đáy hố cá nhân và đốt những lá thư của Martha. Rồi hắn đốt hai tấm ảnh. Trời mưa đều đều khiến việc đốt khó khăn, nhưng hắn dùng diêm và bình đốt Sterno để nhóm ngọn lửa nhỏ, lấy thân mình che lại, và dùng mấy đầu ngón tay giữ hai bức ảnh trên ngọn lửa nhỏ màu xanh.

Hắn nhận thấy việc đó chỉ là làm bộ. Ngu thật, hắn nghĩ. Còn sướt mướt nữa chứ, nhưng chủ yếu là ngu.
Lavender đã chết. Mày không thể đốt trách nhiệm được.
Dẫu sao mấy lá thư đó đã ở trong đầu hắn. Và ngay cả bây giờ, dù cho không có mấy tấm hình, Trung úy Cross vẫn có thể tưởng tượng ra Martha đang chơi bóng chuyền vận quần soóc thể thao trắng và áo thun vàng. Hắn có thể thấy nàng đang di chuyển dưới mưa.

Khi lửa tàn, Trung úy Cross kéo tấm vải bạt che vai và ăn sáng bằng đồ hộp.
Chẳng có gì là bí mật lớn lao cả, hắn quyết định.
Trong những lá thư bị đốt, Martha không bao giờ nhắc đến cuộc chiến, ngoại trừ chỉ nói, Jimmy cẩn thận nhé. Nàng không để tâm. Nàng kí thư Love, nhưng đó không phải là tình yêu, và tất cả những dòng hay ho và kĩ xảo cũng không còn là vấn đề. Sự trinh tiết cũng không thành vấn đề. Hắn ghét nàng. Phải, hắn ghét. Hắn ghét nàng. Yêu, cũng có, nhưng đó là kiểu tình yêu đầy căm hận, nặng nề.

Buổi sáng trở nên ướt và mờ mịt. Mọi vật dường như tách chia nhau, màn sương và Martha và cơn mưa nặng hạt.
Sau rốt, hắn là một người lính.
Cười nửa miệng, Trung úy Jimmy Cross lấy bản đồ của mình ra. Hắn lắc đầu thật mạnh như thể làm sạch đầu óc rồi cúi về trước và bắt đầu hoạch định kế hoạch hành quân trong ngày. Trong vòng 10 phút, hay có lẽ 20 phút, hắn sẽ đánh thức các đồng đội và họ sẽ gói ghém và đi về hướng Tây, nơi mà bản đồ cho thấy miền quê xanh tươi, mời mọc. Mưa sẽ làm tăng thêm độ nặng, nhưng ngoài điều đó thì đây cũng sẽ chỉ là thêm một ngày chồng chất lên bao ngày đã qua.

Hắn vốn thực tế về chuyện đó. Lòng hắn như dậy lên cảm giác cứng rắn mới. Hắn yêu nàng nhưng hắn ghét nàng.
Sẽ không có chuyện mơ mộng nữa, hắn tự nhủ.
Từ đây về sau, khi hắn nghĩ về Martha ấy chỉ là để nghĩ rằng, nàng thuộc về nơi nào khác. Hắn sẽ chấm dứt sự mơ mộng hão huyền. Đây không phải là trường Mount Sebastian mà là một thế giới khác, nơi chẳng có những bài thơ đẹp hay là các kì thi giữa kì, nơi mà người ta chết bởi vì bất cẩn và ngu ngốc sờ sờ.
Thật nhanh, trong mưa, Trung úy Cross thấy đôi mắt xám của Martha nhìn lại hắn chăm chăm.
Hắn hiểu.

Thật buồn, hắn nghĩ. Hành trang con người mang trong lòng. Những thứ họ mang hoặc cảm thấy họ phải mang.
Hắn hầu như gật đầu với nàng, nhưng không.
Thay vào đó, hắn trở lại với bản đồ của hắn. Bây giờ hắn kiên quyết thi hành nhiệm vụ một cách dứt khoát và không một phút xao nhãng. Như thế cũng chẳng giúp được gì cho Lavender, hắn biết, nhưng từ đây, hắn sẽ xử sự đúng như một sĩ quan. Hắn sẽ chỉnh đốn viên sỏi may mắn của hắn, nuốt nó, có thể, hoặc dùng cái ná của Lee Strunk, hoặc chỉ thả nó trên đường. Khi hành quân, hắn sẽ áp đặt kỉ luật chiến trường nghiêm ngặt. Hắn sẽ thận trọng cử cảnh giới bên sườn, nhằm tránh việc tản ra hay tụ lại, để giữ cho lính của hắn tiến và giữ cự li đúng. Hắn sẽ yêu cầu vũ khí sạch sẽ. Hắn sẽ tịch thu chỗ thuốc phiện còn lại của Lavender. Cuối ngày, có lẽ, hắn sẽ gọi lính lại và nói thẳng với họ. Hắn sẽ chấp nhận sự khiển trách về chuyện đã xảy ra với Ted Lavender. Hắn sẽ cư xử như một người đàn ông về chuyện đó. Hắn sẽ nhìn vào mắt họ, giữ cằm ngay ngắn và sẽ ban hành quy trình hành động chuẩn bằng giọng điềm tĩnh, khách quan, giọng của một Trung úy, không để khoảng trống cho tranh luận hoặc thảo luận. Bắt đầu thực hiện ngay tức khắc, hắn sẽ bảo họ, họ sẽ không còn vứt bỏ thiết bị dọc đường hành quân nữa. Họ sẽ kiểm soát hành vi của mình. Họ sẽ cùng nhau dọn rác rưởi của bản thân và cùng giữ nó gọn gàng và trong một trật tự vận hành tử tế. 

Hắn sẽ không tha thứ sự bất nghiêm. Hắn sẽ chứng tỏ sức mạnh, tự mình giữ khoảng cách.
Trong số lính hẳn sẽ có sự càu nhàu và có thể tệ hơn, bởi ngày của họ dường như dài hơn và gánh nặng của họ nặng hơn, nhưng Trung úy Jimmy Cross nhắc nhở bản thân rằng nhiệm vụ của hắn không phải để được yêu mến mà là để chỉ huy. Hắn chả thiết cái chuyện yêu mến đó. Lúc này, đó không phải là vấn đề. Và nếu ai đó tranh cãi hay phàn nàn, hắn đơn giản sẽ mím môi và chỉnh vai cho đúng tư thế chỉ huy. Hắn có thể ban cho một cái khẽ gật đầu gọn ghẽ. Hoặc hắn có thể không. Hắn có thể chỉ nhún vai và nói, Tiếp tục đi, rồi họ sẽ quải gánh nặng lên vai và xếp thành hàng dọc và di chuyển về phía những ngôi làng, phía Tây Thần Khê.


Lê Huy Bách dịch (theo Văn nghệ quân đội)