Viết về tập truyện ngắn THỦY HỒ của TỐNG NGỌC HÂN
HÀNH TRANG ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Có những cảm giác xúc động và xót xa, khắc khoải và day dứt, đắng đót và tuyệt vọng… nhưng tất cả những yếu tố ấy không làm nên sự bi lụy, đau thương mà dường như nó lại càng làm đầy đặn thêm tình yêu thương đan xen với sự thấu cảm, bao dung dấy lên mạnh mẽ trong lòng người. Đó là cảm xúc khi ta đọc tập truyện ngắn “Thủy Hồ” của nhà văn Tống Ngọc Hân.
Tập truyện ngắn thứ 10 trong sự nghiệp sáng tác văn học của nữ nhà văn này như thường lệ vẫn đem đến cho độc giả ánh nhìn cảm quan về muôn mặt đời sống, về những góc khuất nhân tâm và nhất là về bản sắc văn hóa, tình cảm con người, hình ảnh thiên nhiên… của hai vùng đất mà chị từng sinh sống là Phú Thọ và Sa Pa.
Một Sa Pa không chỉ là một danh thắng khoáng đạt và huyền ảo như ta thường thấy, mà nó còn hiện lên với một không gian thật trong trẻo, đắm mê: “Một đám đông bu quanh mấy cô cậu người Mông bản địa đang hát múa. Sương mù lại vây lấy đám đông, chỉ còn tiếng khèn là sương không làm gì được. Càng mù càng đê mê, phấn chấn. Như thế gọi là chợ tình.” (Bên kia dòng sông mây). Rồi thì: “Thị trấn này có gì không? Cái hồ nước rộng mênh mông kia, từng rất đẹp, mặt nước lãng đãng sương khói và những chiếc thuyền câu nhỏ xíu như cánh nhạn ở đường chân trời.” (Thủy Hồ). Và nữa: “Càng đi thấy rừng dày hơn, trời rộng hơn và núi cao hơn. Tới đây, núi thành vách dựng. Sông biến thành suối. Nước suối trong như sương. Khói biến thành mây, mây chồng mây cao hơn thác nước.” (Tiếng vó ngựa xa). Tương tự như vậy, cảnh sắc miền đất trung du không chỉ hiện diện với những rừng cọ đồi chè quen thuộc, mà ta thấy có những hình ảnh đầy mới lạ, khác biệt: “Xoan ở rộc Hèn mùa này trút lá, những cành cây khẳng khiu trơ trọi. Bọn chào mào ở đâu kéo về “rét thật, rét thật” rinh ran suốt mỗi ban mai trước khi bay đi tìm khu vườn khác. Như thể chúng kêu là để cây cối sốt ruột mà nảy chồi.” (Rộc xoan). Và có cả một trung du mang sắc thái hiền hòa, không khác nhiều với những miền quê châu thổ: “Bãi bồi nằm giữa sông và lệch về phía Soi Hà nên dòng sông chỗ này hẹp. Hẹp nhưng lại rất sâu. Từ bến đò đi lên, hoa củ cải nở trắng. Những luống cải đường người ta ươm hoa làm giống có củ to nhô lên khỏi mặt đất cả gang tay. Tôi chạy xe chầm chậm giữa vùng hoa trắng thơm dịu mà có cảm giác như đang bay lên.” (Chị Dương). Các nhà văn xưa nay vẫn thường lấy chính bối cảnh, không gian nơi mình sinh sống, gắn bó để làm cái cốt lõi căn bản xây dựng nên tác phẩm. Tống Ngọc Hân cũng không phải là một ngoại lệ, chị đã sử dụng khá nhuần nhuyễn kỹ năng ấy khi đưa vào các tác phẩm của mình những hình ảnh đặc sắc nhất, quyến rũ nhất, ấn tượng nhất… để độc giả dễ dàng cảm nhận được sự quen thuộc, gần gũi, thấy cả bóng dáng của chính mình khi tiếp cận tác phẩm.
Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân ngồn ngộn hơi thở tự nhiên của đời sống. Những lát cắt vụn vặt bên đời đã được tác giả gom góp nhặt nhạnh lại và ghép thành những câu chuyện mang đầy tính triết lý nhân sinh, cũng như đã tạo hình nên những nhân vật mang cá tính biệt lập, nhưng cũng không kém phần sinh động, thú vị. Phẩm cách con người được tạo thành từ những điều giản dị, thậm chí là rất nhỏ nhặt, bé mọn trong đời sống. Cái thiện và cái ác đôi lúc trộn lẫn vào nhau trong một con người, nhưng sau đó lại được tách bạch, giải mã ra một cách rõ nét, minh định.
Một nhân vật Cả Sọt đầy cá tính và thủ đoạn, đầy những toan tính nhỏ nhen trong truyện “Hai chén rượu đầy”, nhưng rồi cuối cùng trước nguy cơ tan vỡ của hạnh phúc gia đình, cũng chính con người ấy đã nhận ra được điều hơn lẽ thiệt và kịp thời dùng chính cái sự khôn lỏi ấy của mình để giành giật lại trong một tình huống tưởng chừng như không thể cứu vãn. Cái sự khôn vặt đầy toan tính so đo ấy còn được thể hiện qua hai nhân vật là vợ chồng ông Quản trong truyện ngắn “Mùi rừng”. Ông bố và bà mẹ đã tìm đủ mọi phương cách, mánh khóe chỉ để với mục đích hoàn thành cái ước muốn quá ư bình dị, đó là… gả được chồng cho cô con gái đang có nguy cơ sắp bị ế. Chuyện thoạt nghe thì hẳn ai cũng nghĩ nó là văn chương hư cấu, bịa tạc. Nhưng hãy thử bình tâm nhìn lại, ta sẽ thấy những chuyện như thế thường ngày vẫn luôn hiện hữu ngay ở trong đường thôn lối xóm của mình.
Trong khi đó, nhân vật Vần trong truyện “Chân gỗ” lại nạn nhân của số phận nghiệt ngã. Nhưng vượt lên trên sự hằn thù, bỏ qua nỗi uất hận sâu sắc, Vần đã đem lòng bao dung, vị tha của mình ra để hóa giải cái vòng luẩn quẩn của những hoài nghi, ẩn ức suốt bao năm xen vào giữa tình anh em ruột thịt, tình chồng vợ tao khang và cũng là hóa giải cả nỗi đau luôn đè nén tâm can mình. Cũng một tuýp nhân vật lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã, trớ trêu như Vần, đó là Diu, cô sơn nữ đáng thương trong truyện “Cây sa mộc chết đứng”. Ông trời đã đổ xuống đầu Diu tất cả những gì tàn nhẫn, bi thương nhất. Thân tàn ma dại, người yêu lìa bỏ, người thân lạnh nhạt, xóm giềng hắt hủi,… nhưng không vì thế mà Diu khuất phục. Cô đã tự giành lại cho mình những gì tưởng chừng đã bị tước đoạt. Cách làm của Diu cũng giống như Vần, bỏ qua hết mọi ganh ghét, tị hiềm để đón nhận lấy những gì hạnh phúc, bình yên. Điều ấy như thể được khẳng định rằng, hạnh phúc không phải tự nhiên mà có, mà nó chỉ thực sự đến với những ai cần nó với một tâm hồn thật thanh sạch và một trái tim chất chứa những yêu thương, nhân hậu. Tất cả những cảnh ngộ, tính cách của các nhân vật ấy cho ta có cảm giác như đã gặp họ ở đâu đó quanh mình. Và họ từ đời sống thường nhật ngoài kia đã bước vào trang sách một cách thật tự nhiên, khiến ta thấy hoàn toàn thân thuộc.
Thủy Hồ của nhà văn Tống Ngọc Hân với 15 truyện ngắn là 15 câu chuyện kể về những cảnh huống éo le, những nỗi niềm day dứt, thậm chí là cả sự oan nghiệt, trắc trở đang diễn ra từng ngày, từng ngày trong xã hội hiện tại. Những câu chuyện sống động và đầy xúc cảm này, hẳn sẽ khơi gợi lên trong lòng người đọc những nỗi niềm suy tư, những duy nghiệm cho riêng mình. Để rồi mỗi chúng ta đều nhận ra một chân lý rằng: Hành trang đi tìm hạnh phúc trong đời này chính là sự yêu thương, sẻ chia…
Nam Định, ngày mùa hạ 2021
Trần Hồng Giang