Nếu các công trình nghiên cứu về lịch sử sinh vật (Nguồn gốc các loài – Charles Darwin), các công trình tâm lý học (Vật tổ và cấm kỵ – Sigmund Freud) đều khẳng định con người tiến hóa lên từ loài khỉ (tinh tinh) thì nghệ thuật cũng đã chỉ ra sự giáng cấp của con người trong viễn cảnh tương lai. Dù tiến hóa hay giáng cấp đều cho thấy mối quan hệ thân cận giữa người và khỉ trong thế giới đại đồng.

Tranh Đ.M.T

Trong lịch sử phát triển tư tưởng nhân loại, từ cái nhìn khởi nguyên, Abraham cho rằng Tất cả đều là một; với Chúa Jesu, Tất cả đều là tình yêu; với Karl Marx, Tất cả đều là kinh tế; với Sigmund Freud, Tất cả đều là sinh lý; với Albert Einstein trong thời đại hôm nay, Tất cả chỉ là tương đối; với một nhãn lực tổng hợp và bằng cái nhìn miên viễn Pierre Boulle đã đặt ra một giả thiết về tương lai loài người trong tác phẩm Hành tinh khỉ (*) (La Planète des Singes) và Tất cả sẽ ra sao?

Câu chuyện được viết lấy bối cảnh vào năm 2500 nhưng 700 năm sau (tức năm 3200) mới được kể lại như một huyền thoại về loài người đã từng tồn tại trên hành tinh Trái Đất. Cặp khỉ Jinn và Phyllis trong chuyến hành trình tuyệt vời trên vũ trụ đã bắt gặp một lọ thủy tinh chứa đựng những thông điệp mà Ulysse Mérou đã trải qua và kể lại, nhằm cảnh báo một tai họa khủng khiếp đang đe dọa giống người.

Nhà báo Ulysse Mérou cùng hai nhà khoa học lỗi lạc khác (Antelle và Levain) trong chuyến thám hiểm của mình đã đặt chân lên ngôi sao khổng lồ Betelgeuse có bầu sinh quyển hoàn toàn giống Trái Đất nên họ đã gọi hành tinh này là hành tinh Cô Em, trong ý nghĩa gắn bó mật thiết với Trái Đất. Song hành tinh Cô Em là hành tinh khỉ, kể cả cô gái có vẻ đẹp hoàn hảo Nova cũng không có ý niệm gì về quần áo, không biết nói, chỉ phát ra được một số âm thanh giống tiếng kêu của động vật, còn đôi mắt thì vô hồn… Ở hành tinh này chỉ có một quốc gia và nói chung một ngôn ngữ, với một nền văn minh cũng phát triển rực rỡ: có Sở thú của Thành phố (nơi nhốt 3 người vừa tới đây), có các viện nghiên cứu với đầy đủ Hội đồng Khoa học, nổi bật những nhà khoa học trẻ đầy triển vọng là cặp vượn Zira và Cornélius.

Theo thuyết tiến hóa trên hành tinh này và bằng những phát kiến thiên tài, Cornélius đã làm trỗi dậy trí nhớ không những của bản thân mà còn là trí nhớ của giống nòi đã hằn sâu trong ký ức, đã chứng minh rằng nguồn gốc của loài khỉ là loài người. Trong thời gian ở hành tinh Cô Em, Levain không may đã bị bắn chết trong một lần đi săn, còn vị giáo sư lỗi lạc Antelle đã bị loài khỉ thuần hóa, chỉ còn lại Ulysse. Nova, cô gái hoàn hảo về tỉ lệ cơ thể, được nhốt chung chuồng cùng với Ulysse, từ hồi anh bị bắt, đã có thai với anh và đến ngày sinh đẻ… Nghĩa là sắp có một thế hệ mới ra đời. Và các giáo sư vượn, khỉ, đười ươi ở hành tinh này ra sức phản đối, vì đứa con thế hệ mới sẽ phủ nhận hoàn toàn giả thuyết khoa học của họ về sự tiến hóa. Vì vậy họ tìm cách truy sát gia đình Ulysse. May mắn, với sự giúp đỡ của những nhà khoa học chân chính Zira và Cornélius, Ulysse và Nova đã tìm ra phi thuyền của mình và mong muốn trở về Trái Đất. Sau 700 năm, gia đình anh đáp xuống ngoại ô thành phố Paris, nhưng ở Trái Đất lúc này loài khỉ đã thống trị. Đau đớn và bất lực, gia đình anh vội vàng trở lại phi thuyền và kể lại câu chuyện anh đã trải qua như một thông điệp cảnh báo tương lai loài người.

Câu chuyện kết thúc nơi cuốn tiểu thuyết bắt đầu, cặp khỉ Jinn và Phyllis đọc xong báu vật vừa bắt được với một tiếng cười lớn và thái độ chế diễu. Chúng cho rằng đấy chỉ là câu chuyện của một con khỉ thích bông đùa, làm gì có con người từng tồn tại trên hành tinh này!

Hành tinh khỉ hoàn toàn là một tiểu thuyết viễn tưởng. Đặt vào bối cảnh những năm 60 – 70 của thế kỷ trước (XX), khi nhà văn viết tác phẩm này, khi nền văn minh châu Âu trước đây vẫn tự xem mình là trung tâm, nay lâm vào ngõ cụt khó có thể cứu vãn; và sự thắng thế của phong trào giải phóng dân tộc & thuộc địa, sự lên ngôi của các dân tộc thế giới thứ ba, cộng đồng da màu không còn bị kỳ thị (ít nhất pháp lý đã thừa nhận), đặc biệt là người da đen… thì tiểu thuyết của Pierre Boulle còn được đọc như một sự dịch chuyển trung tâm văn hóa nhưng với một giọng cười cợt, nhạo báng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một cách hiểu của một thiểu số người mang đậm màu sắc chính trị hẹp hòi. Thế giới đang ngày càng phẳng thì sự phá vỡ đại tự sự là điều tất yếu, sự nở rộ và việc thừa nhận nhiều nền văn minh, nhiều trung tâm văn hóa khác cũng chỉ là một cách nhìn khác về thế giới, cách nhìn tiến bộ hơn, trong hệ hình mới!

Trong bối cảnh thời đại ngày nay và từ đặc trưng của tiểu thuyết viễn tưởng, Hành tinh khỉ khơi gợi trong tâm trí người đọc về tương lai của loài người. Con người sẽ đi về đâu, bị hủy diệt, bị thay thế hay bị giáng cấp? Vì sao Pierre Boulle lại bi quan về tương lai và mất niềm tin vào phẩm tính người? Vì sao không là một loài khác mà là loài khỉ sẽ thống trị muôn loài trong cảm quan của tác giả? Có lẽ không phải cảm quan của Pierre Boulle là không có cơ sở. Khi khoa học kỹ thuật phát triển rực rỡ và ồ ạt, khoa học có thể làm thay con người tất cả mọi thứ, không chỉ trong lao động mà còn là tư duy và đời sống tình cảm. Con người sẽ trở nên lười biếng và thụ động, con người tự đào mồ chôn phẩm tính người của mình. Còn loài khỉ ham bắt chước, chịu động não, khỉ sẽ trở thành chủ nhân của xã hội văn minh tương lai?

Trong trường cảm quan về tương lai, khởi đi từ Hành tinh khỉ của tiểu thuyết gia người Pháp, Pierre Boulle, đạo diễn người Mỹ, Matt Reeves, với bộ phim bom tấn Sự khởi đầu của hành tinh khỉ (Dawn of the Planet of the Apes) lại đặt ra những vấn đề thời sự mang tầm nhân văn: xung đột giữa văn minh và tự nhiên, liệu con người có thể sống hòa bình với khỉ, với muôn loài? Khi con người tự mãn vào khả năng của mình, tin rằng mình có thể chinh phục được tự nhiên thì cũng là lúc mở ra cánh cửa khai tử của loài người. Con người sẽ bị kiến tấn công như trong tiểu thuyết Ngày của kiến (Bernard Werber), Tar Baby (Toni Morrison), hoặc hình ảnh đàn kiến đỏ giết chết đứa trẻ cuối cùng của dòng họ Buendia, vẫn chưa thôi ám ảnh chúng ta trong những dòng cuối cùng của tiểu thuyết Trăm năm cô đơn (G. Marquez) trước khi làng Macondo bị xóa sổ trên bản đồ lẫn trong niềm quên lãng…

Với Hành tinh khỉ, Pierre Boulle đã cảnh báo một thảm họa đáng sợ đối với loài người, chúng ta nên làm gì hôm nay? Năm Bính Thân (2016) như một nhắc nhở với mỗi chúng ta về ý niệm nguồn cội trong sự gần gũi về thân xác lẫn tư duy với loài khỉ. Các nhà văn trong cái nhìn tổng thể đã chỉ ra cơ may cho loài người và vạn vật trong thế giới đại đồng là chung sống hòa bình cùng nhau.

N.T.T
(SH324/02-16)

(*) Pierre Boulle (1963, Mai Thế Sang dịch), Hành tinh Khỉ, Nxb. Đà Nẵng

– Nguyễn Thị Tuyết –

Exit mobile version