(Tâm sự của một bác sĩ)

Mình là bác sỹ chuyên khám bệnh Nội tiết – Đái tháo đường, bệnh lý mạn tính cần theo dõi và điều trị lâu dài. Bệnh nhân của mình chủ yếu là người cao tuổi, một số ít là trẻ tuổi.Thông thường, mỗi tháng họ đến phòng khám một lần kiểm tra sức khoẻ sau đó được lĩnh thuốc uống hoặc thuốc tiêm insulin.

Họ đến với bác sỹ để được chăm sóc bệnh tật là chính nhưng trong khi chờ đợi đến lượt họ đã giãi bày những tâm sự về đời sống riêng tư với người đồng hành trên con đường đấu tranh với căn bệnh mà họ đang gánh chịu. Qua thời gian mình nhận thấy hạnh phúc của từng bệnh nhân đến đây chỉ là những điều giản đơn và rất đỗi bình dị.  

Trong số hàng ngàn bệnh nhân đến khám có một cụ già là nữ, lần nào cụ cũng đi khám bệnh một mình, trên khóe mắt luôn đọng nỗi buồn sâu thẳm.Mình được cụ kể là đến giờ cụ chưa xây dựng gia đình với ai, sống vò võ một mình, tự đi chợ, tự nấu ăn, tự chăm sóc khi ốm đau. Thời trẻ cụ cũng có một vài mối tình nhưng duyên không thành giờ vẫn phải sống cô đơn. Hạnh phúc với cụ chỉ là có thể tìm được một bờ vai để nương tựa trên quãng đường còn lại. 

Có vài bệnh nhân khác lần nào đi khám bệnh cũng được người thanh niên trung tuổi đưa đến, hỏi ra mới hay đó là anh xe ôm sống gần nhà. Các cụ đều có con cháu nhưng vì bận công việc nên thuê luôn người đưa đi khám. Các cụ nói với mình với giọng nói ngậm ngùi, ở đời “nước mắt chảy xuôi”, “một mẹ nuôi được mười con nhưng có khi mười con không nuôi nổi một mẹ”, với chúng tôi hạnh phúc là được đứa con mình mang nặng đẻ đau biết quan tâm đến người đã sinh ra chúng.

Có một bệnh nhân là đàn ông với khuôn mặt khắc khổ, ông chỉ 60 tuổi mà trông như đã ngoài 70.Xét nghiệm đường máu của ông lần nào cũng cao, chỉ số men gan tăng, mình khuyên nên vào điều trị nội trú nhưng ông nói ông không thể nằm viện được. Vợ ông mất sớm, mình ông nuôi mấy đứa con nhưng chúng đều nghiện hút giờ đã ra đi vì căn bệnh HIV/AIDS giờ đây ông phải đi quét chợ lấy tiền nuôi đứa cháu đích tôn. Với ông hạnh phúc chỉ là nhìn thấy đứa cháu lớn lên từng ngày và được cắp sách đến trường.

Có một bệnh nhân mình rất ấn tượng là cụ bị hỏng hai mắt được chuyển từ bệnh viện tuyến trung ương về. Cụ kể cụ bị biến chứng mắt do không được phát hiện bệnh Đái tháo đường sớm, giờ đây cụ phải tự mình tiêm insulin ngày 2 lần. Bạn có biết làm thế nào mà cụ lấy được thuốc không? Cụ nói rằng bác sỹ hướng dẫn tôi kéo đuôi xilanh đúng một đốt ngón tay là được lượng thuốc cần tiêm và tôi vẫn thực hiện đúng như vậy. Hạnh phúc với cụ là ước gì thời gian có thể quay ngược trở lại để mắt cụ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Có một cô bé 6 tuổi chậm phát triển trí tuệ cũng mắc bệnh đái tháo đường và tiêm insulin 2 năm nay. Hôm vừa rồi mình đang chọn hàng trong siêu thị chợt nghe có tiếng “A, a, a” ngẩng lên nhìn thấy bàn tay nhỏ vẫy vẫy thì ra là cô bé đó đi cùng với mẹ, mẹ bé nói cháu nhận ra bác sỹ và chào đấy. Bé vẫn được bố mẹ đưa đến học tại trường Hy vọng ngay cạnh bệnh viện mình. Hạnh phúc với gia đình của bé chỉ là bé có thể gọi được tên những người thân yêu.

Một vài bệnh nhân khác vừa bị Đái tháo đường vừa bị tai biến mạch máu não di chứng liệt nửa người đi lại khó khăn nhưng luôn được người bạn đời bên cạnh động viên chia sẻ. Mình hỏi hàng ngày cụ phải tiêm mấy mũi thế này cụ có thấy đau không?Cụ cười hóm hỉnh “không đau cô ạ”, ông (bà) ấy nhà tôi vì thương tôi nên tiêm nhẹ lắm.Hạnh phúc của chúng tôi là còn được sống để mỗi tháng lại được gặp cô.Mình nghe mà cảm động trào nước mắt.

Còn hạnh phúc của mình là Ngày 27-2 phòng khám của mình nhận được một thiệp hoa chúc mừng với dòng chữ chân thành “120 lần khám định kỳ tại phòng khám Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đức giang, tôi cảm thấy các thầy thuốc tận tình hòa nhã, xứng đáng lương y như từ mẫu. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam tôi kính chúc các bác sỹ, nhân viên mạnh khỏe hạnh phúc”.

Thu Huyền

(Nguồn: Bệnh viện đa khoa Đức Giang)

Exit mobile version