Sự ra đời của thơ mới được coi là cuộc cách mạng hy hữu trong lịch sử văn học dân tộc, làm thay đổi cả diện mạo quá trình hiện đại hóa văn học. Trong phong trào thơ mới “Bích Khê cũng như Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên đã đi xa hơn thơ mới, và thực sự họ đã góp công làm một cuộc cách mạng trong thơ Việt Nam vào đêm trước cuộc Cách mạng tháng Tám 1945” (1).

Những tên tuổi đã đi xa hơn thơ mới được kể trên là một nhóm, một trường phái, một dòng thơ mà ở đó cái gì cũng dữ dội, cái gì cũng thiết tha, cũng đắm say, cũng muốn đi đến tận cùng, cái tận cùng đầy tuyệt vọng chính ngay trong sự khởi đầu của nó, đó chính là Trường thơ Loạn. Trong Hàn Mặc Tử – Hương thơm và mật đắng, Trần Thị Huyền Trang đã căn cứ vào lời kể của nhà thơ Yến Lan cho rằng, sự khởi nguồn của Trường thơ Loạn gợi ra từ tập thơ Giếng loạn của Yến Lan, được Hàn Mặc Tử tuyên bố trong dịp ra mắt tập thơ Điêu tàn (1937) của Chế Lan Viên: “Lâu nay chúng ta làm toàn những loại thơ điên loạn, xem ra cũng có đủ nhân tố để xây dựng một trường thơ, trường thơ Điên loạn. Ừ, mà nó cũng đã có mầm mống từ lâu rồi (giơ tập thơ của Chế Lan Viên), cái tựa tập Điêu tàn này là tuyên ngôn thứ nhất của chúng ta. Rồi chúng ta sẽ có những tuyên ngôn bổ sung của Trường thơ Loạn” (2). Đọc tác phẩm của các tác giả trong Trường thơ Loạn, chúng ta dễ dàng nhận ra sự thống nhất về quan điểm trong một nguồn chung, có ảnh hưởng lẫn nhau trong ngôn ngữ và hình tượng, nhưng đều có những thi  pháp biểu hiện riêng và đã đạt được những thành tựu khác nhau, còn sống mãi trên thi đàn dân tộc. Đã có nhiều công trình nghiên cứu tương đối đầy đủ về đóng góp của từng người. Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, chỉ riêng về Hàn Mặc Tử đã có không dưới 150 công trình, bài viết, trong đó có đến 15 cuốn sách, nghĩa là ngót nghét có đến hơn dăm nghìn trang sách viết về nhà thơ tài hoa bạc mệnh này. Trên con đường đã chi chít những dấu chân ấy, chúng tôi chỉ xin ngước nhìn vai trò chủ soái của Hàn Mặc Tử trong trường thơ Loạn.

1. Phan Cự Đệ gọi “Hàn Mặc Tử là vị chúa trong trường thơ Loạn”(3), không chỉ căn cứ vào “tuyên ngôn thứ nhất” là lời tựa tập Điêu tàn mà còn dựa vào những quan niệm về thơ mà Hàn đã công bố trong lời tựa tập Tinh huyết (1939) của Bích Khê, lời bạt tập Một tấm lòng (1939) của Quách Tấn, lời tựa các tập Đau thương, Xuân như ý của chính tác giả và nhiều bài viết in trên các báo, một phần sau đó được sưu tập in trong Chơi giữa mùa trăng, như các bài Thơ, Quan niệm thơ, Ra đời… Thậm chí, theo thống kê của Mã Giang Lân, với tư cách nhà báo, Hàn đã viết nhiều phóng sự, bình luận, phê bình về thơ của Karl Marx, Uông Tinh Vệ, Louis Barthou, Joseph Conrad, về các tác phẩm Vua Hàm Nghi của Phan Trần Chúc, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, vận dụng cả lý thuyết so sánh để đối chiếu Từ Felix Arvers tới Phan Văn Dật, dịch tiểu thuyết của Rousseau, bàn cả về các vấn đề ngôn ngữ như Cách viết của người xưa, Danh từ quý phái… nhất là các bài lý luận cơ bản như Nghệ thuật là gì?, Khái niệm về thi ca (4). Thật ra, đây chưa hẳn là một trường phái, có tổ chức, có cương lĩnh, điều lệ với sự tham gia của nhiều người, mà chỉ là một nhóm nhỏ vỏn vẹn có bốn người có cùng sở thích, cúng quan niệm, cùng tập hợp nhau lại, cùng ra một tuyên ngôn… Tiền thân là từ nhóm thơ Bình Định (1936), được mệnh danh là Bàn thành tứ hữu gồm Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên. Nhưng sáng tác của Quách Tấn có thiên hướng hiện thực cổ điển, còn cả ba người còn lại thuộc khuynh hướng lãng mạn và ít nhiều tiếp cận các trường phái tượng trưng, siêu thực. Vì vậy, sau khi Điêu tàn ra đời với lời tuyên bố thành lập trường thơ Loạn, chỉ có ba người có mặt là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, sau đó có sự “đầu quân” của Bích Khê, trở thành bốn người, trong đó, phải nói rằng Yến Lan ít “điên”, ít “loạn” nhất trong trường thơ Loạn.

Hầu như chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (1937-1940), nhưng trường thơ Loạn đã tạo ra một giọng điệu thơ lạ lẫm, kỳ dị khiến cho nhiều người phải giật mình, đã để lại ấn tượng sâu đậm và có ảnh hưởng không ít trong dòng chảy của tiến trình thơ Việt. Lâu đài thơ của họ không nguy nga tráng lệ nhưng vụt cao chót vót nối tầng cao nhất của thiên đường với tận cùng địa phủ, từ đó tạo ra thứ ánh sáng huyền hoặc buộc người ta phải ngước nhìn vừa trầm trồ chiêm ngưỡng, vừa hốt hoảng hoang mang, “Vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh” (Tựa Thơ điên). Tất nhiên, đối với thơ Đường luật ở Lệ Thanh thi tập, Hàn đã có nhiều cảm xúc mới lạ so với các nhà thơ cận đại (chẳng phải ngẫu nhiên mà một bậc tài cao chí cả như Phan tiên sinh lại làm thơ họa lại mấy bài Thức khuya, Chùa hoang, Gái ở chùa của một cậu bé mới mười lăm tuổi!), nhưng nếu Hàn chỉ dừng lại ở Gái quê (1936), thì chưa có gì đặc biệt so với thi ca lãng mạn thời đó, phải đến Đau thương mới sừng sững một Hàn Mặc Tử như ta có hiện nay. Thật ra, đây chỉ là bước nối tiếp chủ nghĩa lãng mạn trong thơ mới, và quan trọng hơn, nó đã đặt bước chân của mình đến thềm của chủ nghĩa tượng trưng và đưa vào thơ những nét chấm phá đầu tiên của chủ nghĩa siêu thực. Chủ nghĩa tượng trưng có nguồn gốc từ tư tưởng triết học của Platon (427-347TCN), Kant (1724-1860), Schopenhauer (1788-1860), Nietzshe (1844-1900), cho rằng thi ca nhằm biểu hiện “những tư tưởng nguyên ủy”, nghệ thuật “có tính độc lập tuyệt đối”, “không cho phép thơ có mục đích nào khác ngoài việc mang lại mỹ cảm tuyệt đối trong lòng bạn đọc”. Cái hay, cái đẹp của thơ được quyết định bởi tính nhạc và âm luật của chính nó, như định nghĩa: “Những con chữ rạng rỡ lấp lánh, cộng thêm với tiết tấu và âm nhạc, đó chính là thơ” (5). Từ quan niệm và cách định nghĩa về thơ của Baudelaire, Hàn đưa ra quan niệm về hoạt động sáng tạo của nhà thơ: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng” (6). Vượt xa những nhà lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng không chỉ phản đối tái hiện hiện thực, mà còn tập trung biểu hiện nội tâm nhưng đẩy nó đến mức cao hơn là tượng trưng, ám thị, mộng tưởng; thơ không trực tiếp miêu tả đối tựng mà chỉ ám thị, bởi vì như Hàn nói: “Thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt” (Quan niệm thơ). Còn hoạt động sáng tạo, đối với Hàn: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật, và cũng có nghĩa là tôi đã mất trí, đã phát điên” (Tựa Thơ điên). Các nhà tượng trưng còn cho rằng: “Thơ phải mãi mãi là một câu đố, đó chính là mục đích của thơ văn” (Mallarme). Chính vì thế mà Hàn cho rằng đối với nghệ thuật, chỉ có thể gợi cho người ta cảm, chứ thể phân tích, lý giải cho người ta hiểu được, và cũng chính vì lẽ đó, nghệ thuật mới thi vị: “Giải nghĩa văn thơ thật là một vấn đề to lớn và phức tạp quá, và cứ theo lối thơ tôi làm đó thì phải giảng giải đến bao nhiêu trang giấy mà rốt cuộc chưa chắc người ta đã hiểu được tý gì. Nói như anh thấy một cành hoa mà mường tượng ra một mùi hương, thấy một làn trắng tinh mà hình dung được cái gì thanh sạch ở thế giới khác, thế là đầy đủ. Vì tất cả thi vị là ở đấy… Và như thế, sự cắt nghĩa đối với thơ là vô ích. Người ta cảm biết một cách tự nhiên” (7). Nói như vậy là nhà thơ đã bước một chân vào thế giới của những nhà siêu thực, mà những đại biểu xuất sắc tạo nên nền tảng triết học là Freud (1856-1939), Bergson (1859-1941), Croce (1866-1952). Bergson cho rằng thế giới hiện thực là những gì con người có thể nhìn thấy, sờ mó được, còn thế giới siêu thực chỉ cảm thấy được trong giấc mơ, trong tiềm thức, lúc đãng trí, lúc thần kinh suy nhược, lúc nổi loạn… Và, đây mới chính là đối tượng của nghệ thuật, chỉ qua cái mà người nghệ sĩ cảm thấy được đó, anh ta mới khám phá được điều sâu kín mà thiêng liêng, bí ẩn mà chính xác trong cuộc sống con người (8). Dẫu sao, phải hiện thực đến mức nào mới có thể vươn đến siêu thực. Dù chỉ là cái bóng mờ thôi, cũng phải chấp nhận một hiện thực đời sống đã có, làm cơ sở, để vươn đến cái hiện thực mà người nghệ sĩ tìm kiếm. Hàn cho rằng: “Văn chương không phải tự nhiên mà có, mà là sinh ra có liên quan mật thiết với tình trạng kinh tế, xã hội trong một thời đại. Hễ kinh tế, xã hội phát triển chừng nào thì văn chương càng phát triển mau chừng ấy” (Một cuộc cách mạng trong văn giới Việt Nam). Đó chính là quan niệm của chủ nghĩa hiện thực. Nhưng nghệ thuật có nguồn gốc từ đời sống xã hội, người nghệ sĩ phải tìm đến cái siêu thực và “muốn tìm cái tính cách thiêng liêng của nó, thì nên đóng vai nghệ sĩ quăng mình đi giữa các vũ trụ mênh mang nượt nà theo những nguyện vọng cao xa, thì sẽ thấy hình ảnh rõ rệt của nghệ thuật” (Nghệ thuật là gì?).

Là người nhập tịch sau, nên Bích Khê hầu như không có tuyên ngôn, tuyên bố gì, chỉ thể hiện những quan điểm đồng điệu của mình bằng thực tiễn sáng tạo, nhưng Chế Lan Viên là người nhấn mạnh, phụ họa, phát triển thêm ý tưởng của Hàn chủ soái: “Hàn Mặc Tử nói: làm thơ tức là điên. Tôi thêm: làm thơ là làm sự phi thừơng. Thi sĩ không phải là người. Nó là người Mơ, người Say, người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện tại. Nó xáo trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương lai. Cái gì nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy” (9). Chạm đến từng câu, từng chữ mang đầy sức nóng, ta mới thấy đàng sau lớp vỏ ngữ âm ấy là bầu nhiệt huyết của một thế hệ nhà thơ, người nào cũng trẻ, cũng mang đầy những khát vọng muốn đưa nền thơ ca nước ta phát triển đến đỉnh cao sáng lạn của nghệ thuật.

2. Điều đáng lưu ý là tuy nói Loạn mà không loạn, Điên mà không điên. Tuyệt đối không có sự bừa bãi, cẩu thả, mà được trau chuốt cẩn trọng từng câu, từng từ, nâng niu từng con chữ, nhằm thể hiện cảm xúc luôn khao khát được sống hết mình, được cảm nhận và thấu hiểu cuộc sống hết mình, đòi hỏi người nghệ sĩ phải sống bằng một trái tim nóng bỏng, phải mở lòng rộng rinh, lắng nghe tiếng thì thầm ở những nơi tĩnh lặng nhất tận đáy lòng mình, phải thét, phải gào cho thỏa những khát khao, ước mong về một thế giới đau thương, về cái đẹp, về tình yêu và cuộc sống. Điều đó thể hiện rõ thông qua sáng tác của các tác giả chủ chốt trong trường thơ Loạn như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê.

Trước hết, phải nói là những người đồng thanh tương ứng làm nên trường thơ Loạn là những tài năng nổi trội, cộng với quan điểm mỹ học có phần cưc đoan từ các trào lưu hiện đại phương Tây, nên biểu tượng, hình ảnh  của thơ tương đối giống nhau, nhưng ký hiệu – biểu đạt khác nhau nên biểu hiện thành hình tượng mỗi người mỗi khác. Họ nói nhiều đến trăng, hồn, máu, ma quỷ, u sầu, mộng mỵ… Âm hưởng chung là nỗi đau đớn, tiếc thương cuộc sống đã hoặc đang lụi tàn, khát vọng chiếm lĩnh cả vũ trụ bao la vào con tim nhỏ bé của con người, ước vọng làm chủ cả không gian, thời gian, cuộc sống và bước vào cõi hư vô bất tận. Nhưng do con đường đi đến những khát vọng ấy khác nhau, mà hình tượng thơ của họ cũng khác nhau. Chế Lan Viên đã đi đến thế giới Điêu tàn bằng cả lý trí và tỉnh táo, ở thế chủ động. Bích Khê lại vắt đến cùng kiệt tâm hồn mình để làm nên Tinh huyết Tinh hoa trong sự tương tác, hỗ trợ của Hàn Mạc Tử, vừa đứng ở tư thế chủ động tìm đến vừa do sự tương tác làm “bật nẩy thiên tài” tiềm ẩn trong anh. Hàn Mạc Tử dường như tìm thấy và đang đi đến với thế giới ấy trong sự triền miên, vĩnh viễn bị lưu giữ trong đó không bao giờ quay trở lại. Chế có những hồn ma vất vưởng, có không gian hoang lạnh, một thế giới bị lãng quên. Hàn cũng giống như Bích Khê coi cái chết là sự nảy sinh một thế giới khác, nó rực rỡ, sáng láng một cách lạ kỳ, nhưng cao hơn, với Hàn chết là về với “cõi siêu hình cao tột bực”, với “Tòa châu báu kết bằng hương kỳ vĩ / Của tình yêu rung động bởi hào quang”. Vì thế, chiếc đầu lâu là biểu hiện của sự chết chóc chỉ xuất hiện trong thơ Chế như là khối xương khô, gợi nhớ đến những đốm lửa ma trơi, đến cõi chết (Cái sọ người), hoặc trong thơ Bích Khê, trở thành bình vàng chén ngọc (Sọ người), không xuất hiện trong thơ Hàn. Với Hàn, cái chết chỉ được trình bày một cách gián tiếp thông qua linh hồn bất tử (Hồn là ai, Hồn lìa khỏi xác, Biển hồn ta, Siêu thoát, Thân thể, Rượt trăng, Lưu luyến, Sáng láng…). Ba hình tượng trăng, hồn, máu xuất hiện lặp đi lặp lại trong thơ Hàn trong mối quan hệ chặt chẽ: khi thì khạc hồn khi khỏi miệng, khi thì điên cuồng mửa máu ra, hoặc ngậm cả miệng ta trăng là trăng, cả ba dường như là những mảnh vỡ từ thân xác đau thương, từ tâm hồn sầu thảm, và không chỉ có thế, ngay cả khi làm thơ, Hàn cũng có cái cảm giác tan vỡ đầy khát khao ấy:

Ta muốn hồn tràn ra đầy ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Cho mê man chết điếng cả làn da

Cứ để cho ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh

Đừng nằm lại nguồn thơ ta đang siết

Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh.

(Rướm máu)

Có thể nói, trong các nhà thơ mới, và cả những người đồng điệu cùng trường thơ Loạn, Hàn Mạc Tử là người nói nhiều về trăng nhất, thậm chí, Hàn trở thành thương gia có một không hai trên thi đàn, là dốc hết tâm hồn đầu tư cho những chuyến buôn bán trăng “Ai mua trăng tôi bán trăng cho?”. Ngay cả đọc nhan đề các bài thơ đã thấy ông có hẳn một thế giới trăng: Trăng vàng, trăng ngọc, Vầng trăng, Say trăng, Sáng trăng, Rượt trăng, Ngủ với trăng, Một miệng trăng, Đà Lạt trăng mờ hoặc tập văn xuôi Chơi giữa mùa trăng… Nhưng trăng của Hàn không đầy chất nhục thể ôn nhu như “Vừa dâm tục ôm trăng vờ vật ngủ” như Chế Lan Viên, cũng không đài các quý phái trở thành ngọc trăng, vàng trăng, chén trăng, sữa trăng để thỏa mãn vị giác như “Chén trăng vừa tầm với/ Chàng ơi, vàng ròng đây/ Kề môi say ân ái” (Ngũ Hành Sơn) của Bích Khê, mà trăng của Hàn tương tri tương ngộ, đã xâm chiếm tâm hồn thi nhân từ thuở mới tập tành làm những bài thơ đầu tay, đã tích hợp, tương tác, vận động, thay đổi theo nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, nhiều giai điệu của tâm hồn: trăng vàng, trăng ngọc, trăng ngủ, trăng quỳ, trăng xuân, trăng mơ, trăng mật, trăng đêm, trăng ngã, trăng rụng, trăng lên, trăng ghen, trăng thơm, trăng choáng váng, trăng đắm đuối, trăng một nửa, rồi lại biến hóa thành sông trăng, vườn trăng, vũng trăng, buồm trăng, vải trăng, ánh trăng, bóng trăng, sáng trăng, nàng trăng, lá trăng, mùi trăng; thậm chí Hàn còn nhân cách hóa, thổi cho trăng cũng có tâm hồn đồng điệu “Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt”. Hàn còn có câu thơ nhất tự “Trăng, Trăng, Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một bài thơ, hoặc lại lại có cái lối ví von độc đáo một cách bất ngờ:

Mới lớn lên trăng đã thẹn thò

Thơm như tình ái của ni cô

(Huyền ảo)

Hình như chưa thấy ai có mảnh trăng riêng như Hàn, một mảnh trăng được phô diễn lẫn với máu huyết lai láng, nhầy nhụa, lại ít nhiều có mối quan hệ với nhục cảm ôn nhu, khêu gợi thèm muốn, có sự hóa thân để chung chạ, ái ân với nhiều khoái cảm, lạc thú. Nhiều người vận dụng cả y học vào để “chẩn đoán bệnh trăng” của Hàn, cho rằng do bệnh tật, đến mùa trăng sáng bệnh thường đau nhức dữ dội nên bóng trăng mới chảy tràn thấm đẫm cả trang thơ như vậy. Điều này dường như không đúng, bởi lẽ, ngay trong những bài thơ Đường luật khi mới làm thơ, Hàn đã tạo dựng nên những hình tượng trăng sống động, nghịch ngợm: “Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối” (Thức khuya), hoặc bóng trăng rạo rực nhất của Hàn là ở tập Gái quê, tập thơ mới đầu tay khi Hàn chưa mắc bệnh:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

rồi bỗng nhiên trăng cành, thoắt một cái nhảy tọt xuống nước:

Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

(Bẽn lẽn)

Nỗi buồn cũng là là nội dung mỹ cảm được thể hiện đậm đặc trong thơ của các nhà thơ trường thơ Loạn, được biểu hiện ở mỗi người mỗi khác cả về cảm quan lẫn tó chất. Nếu ở Bích Khê trải dọc theo thời gian, triền miên theo năm tháng trong nỗi dằn vặt không nguôi; ở Chế Lan Viên, nó như đã đông cứng lại, trĩu nặng sự chán nản mệt mỏi, thì ở Hàn nó luôn được phơi bày mọi cung bậc đau thương đến riết róng…

3. Trong tác phẩm kinh điển Thi nhân Việt Nam (1942) Hoài Thanh – Hoài Chân coi phong trào thơ mới là “một cuộc biến thiên vĩ đại” (10), đã mở ra một thời đại thi ca, thì trước đó một năm, trong Hàn Mạc Tử – thân thế và thi văn (Tân Việt, 1941) Trần Thanh Mại đã xem Hàn Mạc Tử là “người đầu tiên làm cuộc cách mạng văn chương ở thế kỷ XX” (11). Chế Lan Viên còn coi “Tử là đỉnh cao lòa chói trong văn học thế kỷ, thậm chí qua các thế kỷ” (12). Điều đó không chỉ thể hiện ở giá trị và sức sống của hình tượng nghệ thuật, mà trước hết xuất phát từ cảm quan và tư duy nghệ thuật của tác giả. Hàn không nhìn sự vật từ bên ngoài mà còn có cái nhìn nội cảm từ bên trong, soi sáng bằng một thứ ánh sáng khác, với cái “rung rinh ánh sáng” đã nhìn thấy bản chất tinh khiết, trắng trong huyền nhiệm của đời sống tự nhiên và thế giới tinh thần. Vì vậy, đối với ông thơ là sự sống của con người, là da thịt, là thân xác tích tụ nỗi đau đến tận cùng: “Thịt da tôi sượng sần và tê điếng/ Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên” (Hồn là ai). Từ cảm quan ấy, đã tạo ra những tư duy độc đáo và sức sống của hình tượng thơ:

Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại rồ dại!

Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta

Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại rồ dại!

Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta

(Biển hồn ta)

Người ta nói đối với thơ mới, cái gì cũng đi đến tận cùng, cũng phải đạt đến mức tột cùng. Nhưng cái giao cảm đến mức say đắm nồng nàn của Xuân Diệu, cái ngơ ngẩn tràn lan đậm đặc của Lưu Trọng Lư, cái chếnh choáng say sưa bằng tâm cảm nhiều hơn men rượu của Vũ Hoàng Chương, thậm chí cái bí hiểm, yêu ma, rùng rợn được tri giác bằng trí tuệ của Chế Lan Viên rồi cũng có lúc dừng lại. Nhưng với Hàn Mạc Tử thì những kích động tình cảm tột cùng, sự mê man quyến rũ, gào rú lên dường như mất cả lý trí thì không dừng được: “Đêm nay ta lại phát cuồng”, “Tôi điên tôi nói như người dại”, thành ra đẩy khát vọng đến mức “Tôi toan hớp cả váng trời/ Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe” hoặc “Tôi cắn lời thơ để máu trào”… Cũng chính vào thời điểm những năm bốn mươi của thế kỷ trước, Hoài Thanh cũng coi Xuân Diệu là nhà thơ“mới nhất trong những nhà thơ mới”, nhưng Hàn Mạc Tử đã đi xa hơn thơ mới, nghĩa là, cái gì cũng có một khuôn khổ nhất định, và thơ mới cũng thế. Xuân Diệu là người đi hết, đi đến tận cùng trong khuôn khổ của thơ mới, thì Hàn vượt xa ngoài cái khuôn khổ đó. Còn với Huy Cận, thời đó được coi là người mở hồn ra với vũ trụ, với không gian rộng lớn, những vẫn phải dừng lại ở một giới hạn nhất định trong sự trong sáng, thanh sạch, tạo cảm giác bình ổn, thanh thản thoải mái khi tiếp cận, hướng về. Nhưng Hàn không dừng lại trong cái vũ trụ hiền lành của Huy Cận, mà thoát ra ngoài vòng cảnh giới, nơi “Không một tiếng gì nghe động chạm/ Dầu là tiếng vỡ của sao băng” (Đà Lạt trăng mờ), nơi thi sĩ có thể “tắm gội ở trong nguồn ánh sáng” thiêng liêng, ở đó có cả máu và hồn, thể hiện khát vọng đến mức siêu thoát:

Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng

Là hồn đừng nghĩ đến hồn trong

Cứ để mặc hồn ngoài bay lưởng vưởng,

Ngao du khắp cõi trí mênh mông

(…)

Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan vỡ

Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa

(Hồn lìa khỏi xác)

Từ những cái quá khuôn khổ, vượt lên trên cái bình thường ấy, có thể thấy đóng góp lớn nhất của Hàn Mạc Tử so với thi ca đương thời và rọi đến cả hôm nay, ấy chính là việc đã mở rộng biên giới của thi ca, cả về cảm quan hiện thực, đối tượng phản ánh, cảm xúc tình cảm, cảm thức sáng tạo và cả ngôn từ, xét cho cùng cũng là nhằm tạo sức sống cho hình tượng. Hình tượng là cái người ta có thể hình dung ra, tưởng tượng ra đằng sau cái lớp vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ. Vì vậy hình tượng chính là bản chất trừu tượng của một sự vật. Với Hàn, không chỉ dừng ở mức lạ hóa mà là sự độc đáo từ tư duy đến hình tượng. Những câu tả trăng thanh thoát, vừa hiện thực vừa hư vô, cũng thấm đượm cái tận cùng của tâm cảm cùng ngoại giới:

Ánh trăng quá mỏng không che nổi

Những vẻ xanh xao của mặt hồ

Những nét buồn buồn tơ liễu rủ

Những lời năn nỉ của hư vô

Không gian dày đặc toàn trăng cả

Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng

Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diểu

Nàng xa tôi quá nói nghe chăng?

(Huyền ảo)

Một hình dung khác về trăng, khó bắt gặp ở những thi nhân khác, cho dù Xuân Diệu có lúc đã từng kêu lên “Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá/ Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”… nhưng với Hàn, không chỉ xa rộng mà thi nhân đã nhập cả hồn vào trăng, hay nhập trăng vào hồn. Khi đã nhập vào trăng, biến thành trăng, khi “Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm/ Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực” (Hồn là ai) thi sĩ vẫn mô tả được hình vóc của trăng, sự biến đổi từ vóc dáng như một cơ thể, đến khi vỡ thành từng vũng, rồi cũng phải mửa máu ra:

Người trăng ăn vận toàn trăng cả

Gò má riêng thôi lại đỏ hườm

(…)

Gió rít từng cao trăng ngã ngửa

Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô

Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra

(Say trăng)

Không chỉ đối với trăng mà còn nhiều hình tượng khác như hồn, máu, nỗi đau, tan rã, rên xiết, khát khao, ánh sáng, bóng tối… đều trở thành những hình tượng sống động làm dậy cả câu thơ, xuất phát từ những ký hiệu – biểu đạt của thơ. Điều cần lưu ý là hầu hết những hình tượng được lặp đi lặp lại một cách nhất quán, làm nên thế giới nghệ thuật của thơ Hàn, vừa biến hóa đa dạng, vừa là sự tích hợp của tất cả những biểu hiện của cảm xúc tâm hồn, vừa lay động, lung linh, chói ngời theo từng cấp độ tình cảm, từng mô hình, dạng thức của câu thơ, của cấu tứ bài thơ.

4. Đối với Hàn Mạc Tử, mà rộng ra là với trường thơ Loạn, cái gì cũng đi đến tận cùng: sống, sáng tạo, và cả tình yêu đều đi đến tận cùng. Hàn tự thú nhận rằng: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt cả sự sống…” (Tựa Thơ điên). Một người đã sống trải qua mọi cung bậc của tình cảm, mọi nỗi buồn, niềm vui của đời sống như vậy thì quả là dù Hàn chỉ dừng lại ở tuổi hai tám, nhưng công việc mà Hàn làm được, trong đó có hoạt động thực tiễn (nhóm thơ Bàn thành tứ hữu, dòng thơ Loạn, làm báo), nhất là sáng tạo nghệ thuật, dường như dài đến gấp bốn, năm lần khoảng thời gian vật chất mà ông có mặt trên đời. Nếu căn cứ vào hệ quy chiếu của các tác giả Thi nhân Việt Nam, thời thơ mới chỉ “năm sáu mươi năm mà như năm sáu mươi thế kỷ” (13), thì hai mươi tám năm sống của Hàn đã làm nên những việc của một người có thể sống cả trăm năm không làm nổi. Lại nghĩ về ba trong bốn người chủ chốt trong trường thơ loạn, tôi cứ đắn đo mãi không biết mình nghĩ có đúng không: với mỗi người thì thời gian sống và thành tựu về chất lượng nghệ thuật tỷ lệ nghịch với nhau…

Trong đời Hàn đã trải qua đến sáu người tình, trong đó có người chưa gặp mặt mà chỉ mới nhìn qua ảnh đã yêu như Võ Thị Thanh Huy, Trần Thị Thương Thương, Lê Thị Ngọc Sương, nhưng đọc thơ trữ tình của Hàn có thể thấy được,  mỗi mối tình là một vạn kiếp. Với ai, Hàn cũng chân tình, thật lòng và tha thiết:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,

Ai biết tình ai có đậm đà

(Đây thôn Vỹ Dạ, viết cho Hoàng Cúc)

Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm

Nhớ thương còn một nắm xương khô

(Muôn năm sầu thảm – Mộng Cầm)

Quý như vàng, trọng như ngọc trên đời

Mai, Mai, Mai, là Nguyệt Nga tái thế

(Thắm thiết­ – Mai Đình)

Ta đề chữ Ngọc trên tàu lá

Sương ở cung thiềm rõ chẳng thôi

(Lại một người yêu đi lấy chồng – Ngọc Sương)

Thanh Huy hỡi nàng chưa là châu báu

Cớ làm sao phước lộc chảy ra thơ

Duyên làm sao cho Trí đến dại khờ…

Ta đã nuốt và hình như đã cắn

Cả lời thơ cho vãi máu nàng ra

(Bức thư xanh – Thanh Huy)

Bây giờ đây khóc than niềm ly hận

Hỡi Thương Thương người ngọc của lòng anh

(Cẩm châu duyên – Thương Thương)

Cõi sống và cái chết của Hàn Mạc Tử quả là buồn nhiều hơn vui, nên đọc thơ ông đằng sau những cảm giác hoang mang, sửng sốt, cái còn đọng lại là nỗi buồn, một nỗi buồn triền miên về phận người trước cõi đời truân chuyên bất hạnh. Điều lạ là từ khi Hàn Mạc Tử mới qua đời, Hoài Thanh đã nói rằng, “Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi thấy đều bất nhẫn.” (14). Thế những, như đã nói, có ngót nghét đến hơn 5000 trang sách viết về Hàn. Ngay cả quê hương của Hàn ở đâu cũng tốn không ít giấy mực để bàn cãi. Có thể nói, về Hàn Mặc Tử,  nói mãi vẫn còn chưa hết. Chế Lan Viên đã từng tiên đoán, như một lời cam đoan khi Hàn Mạc Tử qua đời rằng: “Tử là một thiên tài. Tử mới chính thật là thiên tài trên cái nghèo đói của đất nước này / Tử không có tăm tiếng. Tử không được nâng chiều, nhưng đó chỉ là bây giờ mà thôi. Chứ mai sau, tôi xin hứa với các người rằng, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử.” (15). Chính thời đó Chế Lan Viên đã gọi Hàn Mạc Tử là thiên tài. Chúng ta ngày nay yêu quý Hàn Mạc Tử, đọc và nghiên cứu về ông, trên một phương diện nào đó, cũng là cách góp phần chứng minh cho lời tiên đoán của Chế mà thôi.

————

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ CHÚ THÍCH

(1) Lời giới thiệu Tuyển tập Thơ Bích Khê, Hội Nhà văn Việt Nam- Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi xb 2006, tr.5-6

(2),(3) Dẫn theo Hàn Mặc Tử- Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục 2007, tr. 370-371, 350

(4) Mã Giang Lân, Hàn Mặc Tử, thơ và những lời bình, Nxb Văn hóa thông tin 2000, tr.148

(5),(8) Xin xem Phạm Phú Phong, Tiến trình văn học, Nxb Đại học Huế 2012, tr. 123, 135

(6),(7),(9),(11),(12) Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn 1998, tr. 151-152, 248, 804,552, 513

(10),(13),(14) Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học tái bản 2006, tr.18, 16, 210

(15) Chế Lan Viên, Những kỷ niệm về Hàn Mặc Tử, báo Người mới, số 23, tháng 11. 1940

 

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version