Hai vị vua Mèo ngày xa xưa hùng cứ mỗi người mỗi phương, từng nổ ra chinh chiến. Trải qua bao thời gian, hậu duệ của các vị mỗi người mỗi phận. Chuyện đã hấp dẫn, nhưng ít ai ngờ lấp ló đằng sau việc đi tìm dấu xưa, lại có cụ Tô Hoài – nhà văn nổi tiếng vừa nằm xuống.


Dinh thự Vua Mèo ở Hà GiangDinh thự Vua Mèo ở Hà Giang

Chuyện về vị vua Mèo Vương Chí Sình – Vương Chí Thành thì rõ dài.

Lâu rồi, tôi có biết rồi quen cũng khá thân với một hậu duệ ông vua Mèo có tên là Vương Quỳnh Sơn. Vẫn biết ngày nay, người Mèo phải gọi là người Mông, nhưng trong bài này, xin mạn phép gọi theo lối xưa mới đúng.

Ông Vương Quỳnh Sơn gọi vua Vương Chí Sình bằng chú ruột.

Ông là người chứng kiến sự kiện chú mình tham gia khóa Quốc hội đầu tiên và khóa 2 và Lễ kết nghĩa anh em giữa Bác Hồ và ông chú ruột, được Bác Hồ đặt tên mới Vương Chí Thành thay cho Vương Chí Sình. Lại đích mục sở thị việc Bác Hồ thân trao thanh kiếm báu do chính tay Người đề tám chữ trên nắp kiếm cho vua Mèo Vương Chí Thành Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ.

Chàng trai Mèo Vương Quỳnh Sơn sau này đã được phân công cắt cử nhiều việc. Cũng cần nói thêm một chút, thời điểm cao nguyên đá Đồng Văn xảy ra tình trạng bất ổn cuối những năm 50 đầu 60, ông Vương Quỳnh Sơn với vai trò trưởng một dòng họ Mèo nổi tiếng đã được trao nhiều việc trọng đã không quản hiểm nguy góp phần xuất sắc để bình ổn tình hình.

Nhà văn Tô Hoài

Khi đã có tuổi, ông liên tục nhiều năm ở cương vị Cố vấn cao cấp của UBDT Trung ương sau này là Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Với vốn tri thức khá rộng do nghị lực tự học hiếm có, lại thông thạo một số ngoại ngữ nhất là một số ngôn ngữ dân tộc anh em, trong cương vị chuyên viên cao cấp của mình, khi còn hoàn toàn khoẻ mạnh cũng như khi tuổi đã cao sức đã yếu và cả khi đã nghỉ hưu, ông Vương Quỳnh Sơn liên tục có những chuyến công tác dài ngày ở những vùng cao vùng xa, vùng sâu.

Năm xa ấy tôi viết loạt bài về hậu duệ vua Mèo Vương Chí Sình trong đó có Vương lão đồng chí- Vương Quỳnh Sơn.

Rồi bất ngờ, tôi tiếp được thư của cụ Tô Hoài chu đáo gửi theo đường bưu điện.

Hà Nội ngày 16 tháng 1 năm 1999

Anh Xuân Ba

Tôi đã đọc loạt bài Cháu Vua Mèo của anh. Các bài cho tôi biết thêm nhiều về sự tích Đồng Văn

Có một chi tiết này gửi anh tham khảo. Trước kia, vùng Đồng Văn và Mèo Vạc có 2 Vua Mèo, theo tập quán người hùng cứ một vùng gọi là vua, không phải là vua cả đất nước như ta quan niệm. Vương Chí Sình ở Đồng Văn. Dương Trung Nhân ở bên Mèo Vạc. Vương thuê người ở Vân Nam sang xây dinh cơ. Nay trụ sở Ủy ban xã Sà Phìn và cửa hàng nhà mậu đóng vài gian ở đấy. Dương cũng thuê thơ Vân Nam sang xây dinh cơ ở Mèo Vạc. Dinh cơ Vương toàn đá, to đẹp hơn nhà Dương. Nhà Dương ở trên núi bên Mèo Vạc, có một đường ống xây bằng đá dẫn nước xuống cánh đồng. Tôi đã đến cách đây nhiều năm, chắc nhà Dương giờ không còn.

Khoảng năm 1950, hai vua có xích mích rồi đem quân đánh nhau. (Quỳnh Sơn có trong đám quân của Vương, nhưng chắc nay hỏi anh ấy sẽ bảo: không biết) Dương thua phải bỏ đất chạy sang Tàu rồi về Hà Nội, ở Hà Nội đến năm 1954 thì di cư vào Nam.

Vợ Dương có người di cư sang ở Canada hoặc ở Pháp có thể vì tình hình và sự tích trên.

Tô Hoài

Gặp ông Vương, tôi có trao đổi lại nội dung thư của nhà văn Tô Hoài. Ông không nói gì nhưng cặp mắt nhỏ sắc ánh lên những tia lạ?

Bẵng đi lâu lâu, một bữa ông nhắn tôi cùng ngược Hà Giang một chuyến…

Chuyến leo cao nguyên Đồng Văn Mèo Vạc ấy khá ấn tượng. Riêng một tuần ở Đồng Văn được Vương lão đồng chí tận tình dẫn chuyện rồi mục sở thị suốt mấy ngày biệt thự đá nhà Vương Chí Sình ở Sà Phìn. Ghé Lũng Táo chơi nhà em gái ông Vương nơi có kho binh lương nhà Nguyễn trước khi đến cột cờ Lũng Cú. Về Phó Bảng Phó Cáo. Rồi xe chót vót trên đỉnh Mã Pí Lèng ngó xuống dòng sông Nho Quế mỏng mảnh như sợi chỉ bạc hun hút để sang Mèo Vạc.

Bút tích của nhà văn Tô Hoài

…Thị trấn trên cao nguyên đá có tên là Mèo Vạc thoắt thành phố thị bao giờ? Cũng chả phải đám người xuôi thời cơ chế thị trường tinh ranh chiếm chỗ những đầu mối thương mại mà từ lẩu lâu dân cũ Mèo Vạc ối người đã thạo việc giao thương. Bằng cớ việc xây cất giao thiệp bên này có nhỉnh và hoạt hơn bên Đồng Văn? Ông Vương dẫn vào ngủ đêm ở nhà khách ủy ban thị trấn.

Nằm chuyện một chặp thì ông Vương có khách. Ngoài hành lang âm sắc Mông lao xao. Hình như khách lạ của một cuộc gặp mới? Tôi ngó ra chỉ thoáng thấy một người đứng tuổi, da rất sáng dáng cao lớn, sơ mi màu vàng, nhang nhác một dạng phong lưu? Ông Vương trở vào nói tôi cứ ngủ đi đừng đợi, ông đương có việc.

Đêm đó ông Vương không về. Có người gọi dẫn đi ăn sáng. Ra quán phở ngoài thị trấn thì đã thấy ông ngồi đó tự hồi nào với mấy người. Hình như đêm qua Vương lão đồng chí không ngủ? Nhà ông Vương này phải công nhận có tài bặt thiệp và mặn chuyện. Đối tượng nào dẫu lạ ông cũng lai rai chuyện dài dài nữa là lên xứ cao nguyên đá đây toàn người nhà, người quen? Không thấy vị khách áo vàng đêm qua?

Lùa nhanh bát phở, ông Vương lại vùn vụt đi cùng mấy người nọ. Ông đưa tôi một gói giấy bảo mang về nhà khách mà đọc. Trưa ông mới về.

Giở ra thì một lá thư.

… Mineapolis ngày 18-03-1995.

Kính gửi ông Vương Quỳnh Sơn, Ban Dân tộc Trung ương, 80 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội.

Kính thưa anh. Em là Dương Đạo con trai thứ hai của ông Dương Trung Nhân. Em rất cảm động sau gần nửa thế kỷ em được đọc thư anh viết cho anh trai của chúng em.

Trước hết em và tất cả gia đình bên này xin thành thật cảm tạ anh đã gửi lời chia buồn khi cha chúng em Dương Trung Nhân tạ thế. Cha em mất lúc 82 tuổi tháng 8-1994 ở tiểu bang Minnesota. Cha chúng em để lại Mỹ quốc hai vợ (vợ hai và vợ ba. Vợ cả mất năm 1989), 12 con (6 trai, 6 gái), 40 cháu và 27 chắt.

… Em và mọi người trong gia đình em rất lấy làm sung sướng nghe lời của anh là chúng ta nên thương nhau. Chúng em cũng luôn nghĩ như anh. Những cái chuyện mà đã xảy ra giữa hai gia đình họ Vương và họ Dương chúng ta trước đây cách đây nhiều năm dù sao cũng là một chuyện buồn. Trước khi mất, cha em cũng nói rằng hai họ Vương và Dương là như một gia đình. Chúng ta nên xoá những sự buồn của quá khứ để yêu thương giúp đỡ nhau xây dựng một cuộc đời mới văn minh.

Cha em cũng muốn trở về thăm quê hương một lần cuối trước khi nhắm mắt nhưng già yếu quá rồi sợ đi về không đến được quê. Chúng em, người thì ở Mỹ người ở Pháp ai cũng đều mong rằng một ngày gần đây gia đình anh và gia đình chúng em sẽ có điều kiện gặp gỡ hội ngộ, giúp đỡ nhau xây dựng một cuộc đời mới mở mang cho con cháu sau này. Em luôn chống lại sự chiến tranh chỉ có phá hoại cho loài người mà ủng hộ sự phát triển giữa các dân tộc… Cuối cùng em xin anh hãy thông cảm cho em vì không rành lắm tiếng Việt. Xin chúc đại gia đình ta may mắn.

Mr. Yang Dao (Dương Đạo)”.

Chuyện của Vương lão đồng chí dàn kín một buổi chiều ở nhà khách Ủy ban.

Ông Vương bất ngờ nhắc đến nội dung thư cụ Tô Hoài gửi tôi năm nọ rồi gật gù cái nhà ông lão này tinh gớm!

Chuyện ngược về những năm xa tít thuở hai Vương hùng cứ Đồng Văn và Mèo Vạc.

Dương Trung Nhân sinh 1912 là con trai của thổ ty Dương Tụ Nghĩa. Với chính sách chia để trị người Pháp đã nghĩ ra bao mưu kế sâu hiểm trong đó có việc bày đặt ra các thổ ty, thủ lĩnh…

Dinh vua Mèo ở Hà Giang

Để khẳng định quyền lực của mình không thua kém so với nhà họ Vương, họ Dương cho Dương Tụ Nghĩa đứng đầu đã dùng mọi cách để củng cố sức mạnh của mình. Giống như vua Mèo Vương Chính Đức (thân sinh Vương Chí Sình), Dương Tụ Nghĩa cũng xây dựng riêng cho mình một đội quân riêng để bảo vệ lãnh thổ do mình cai quản, đồng thời uy hiếp dòng họ láng giềng.

Để chứng tỏ mình không thua kém vua Mèo Vương Chính Đức, Dương Tụ Nghĩa cùng con trai Dương Trung Nhân cũng tiến hành xây dựng một dinh thự bề thế không kém dinh thự vua Mèo ở Sà Phìn. Chuyện như nhà văn Tô Hoài nhắc… Những tay thợ giỏi nhất từ Vân Nam, Trung Quốc đã được tuyển đến, xây một ngôi nhà bằng đá và gỗ quý ngay ở Mèo Vạc, với một cái hồ treo ngay trên vách núi, trồng sen và nuôi cá.?

Sau khi Dương Tụ Nghĩa qua đời, vua Mèo Dương Trung Nhân tiếp tục nối nghiệp cha, thực hiện âm mưu thống lĩnh toàn bộ vùng Đồng Văn.

Dẳng dai gần suốt một thế kỷ, họ Dương và họ Vương đã coi nhau như kẻ thù. Giữa hai gia tộc thường xuyên xảy ra những cuộc giao tranh cả lớn cả nhỏ. Cuộc giao tranh lớn nhất diễn ra vào những năm 1940, khi thế lực người Pháp đã suy yếu dần.?

Thời thế đổi thay. Mây bay nước chảy. Dương Trung Nhân đã đưa gia đình về Hà Nội rồi vào Sài Gòn. Sau 1975, xa hơn, tít tận bang Minesota ở Mỹ.

Ở vị thế trưởng tộc họ Vương, người đại diện cao nhất dòng vua Mèo Đồng Văn, ông Vương Quỳnh Sơn nhiều năm đã bền bỉ làm cái việc hòa giải…

Mà cung cách của việc hóa giải mối hiềm ấy nó lạ và độc đáo chỉ có Vương lão đồng chí đây mới đương nổi? Chép ra phải một cuốn sách tày tặn?

Sáng sớm bữa sau, tôi với Vương lão đồng chí phải ghìm nhịp thở để leo một con dốc ngược lên địa điểm có ngôi biệt thự họ Dương.

Tất tật đã sạch bách. Hồ cá thả sen chỉ còn là cái vũng võng vãnh nước. Giọng ông Vương trầm là lạ đương nói về cái ông trắng trẻo áo vàng đêm qua chính là một người con của Dương Trung Nhân mới ở Mỹ về thăm. Không nói được tiếng Việt nhưng tiếng Mông thì hắn thạo lắm.

Bên nền dinh thự nhà Dương, cụm đá bồ côi mà ông Vương đương ngồi kia có khi nhà văn Tô Hoài từng ghé những năm tít xa?

…Ông Vương sau lần ngược cao nguyên đá ấy đã có chuyến thăm Hoa Kỳ. Chuyện ông tiếp tục hạnh ngộ với những con cháu hậu duệ nhà họ Dương và cả cuộc ngồi với Vàng Pao, tôi xin khất một dịp khác…

Chỉ hiềm cái nỗi, lão Vương đồng chí nay đã là người thiên cổ.

Và bây giờ đến lượt cụ Tô Hoài.

Nguồn: Tiền phong