Chuyên mục truyện hay tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu truyện ngắn ĐÒ PHIÊN của nhà văn Tống Ngọc Hân Nhà văn Tống Ngọc Hân Sinh 1976 Quê: xã Đông Lĩnh, Thanh Ba, Phú Thọ. Đã xuất bản gần 20 tập truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Có lẽ là một trong số các nhà văn trẻ đoạt được khá nhiều giải thưởng trung ương và địa phương. Nhà LLPB Phùng Gia Thế: “Tống Ngọc Hân sinh ra, lớn lên, học sư phạm ở Phú Thọ, mưu sinh gắn bó với Lào Cai hơn hai mươi năm, rồi lại trở về sinh kế tại quê nhà. Như thế, khi có “duyên” với văn chương thì cũng là lúc chị có “phận” với hai miền đất. Một trung du, một sơn cước vừa gần gụi, vừa xa xăm, khốc liệt nhưng mơ mộng, và luôn chất chồng những khổ đau, thương nhớ. Không phải ngẫu nhiên, đọc truyện ngắn Tống Ngọc Hân, thấy dằng dặc một miền trung du khắc khoải. Bát ngát gió đồng chiêm. Vạt nắng chiều. Mâm cơm độn. Những cành xoan khẳng khiu trơ trọi. Con đường đất đỏ. Hoang hoải tiếng cà cộ kêu. Cơn mưa phùn ẩm ướt. Những gương mặt nát nhàu. Xen giữa trung du, là những câu chuyện sơn khê ám ảnh, về những thân phận người, chính xác hơn là về những thân phận người bất hạnh khổ đau. Có thể thấy, Tống Ngọc Hân là người say mê sự kiện. Truyện của chị, do thế, luôn đầy tính “chuyện”. ”
HAI VIÊN SỎI TRẮNG
Truyện ngắn Tống Ngọc Hân
Ngày tra hạt, nhà Sang vui hơn cả tết vì có Siu đến thăm. Siu chọn ngày tra hạt để đến là cô ấy muốn ra mắt bà con họ hàng nhà Sang, ra mắt nương rừng, thần linh thổ địa. Siu muốn tất cả biết mối duyên tình đẹp đẽ của hai người đã đến độ chín. Siu còn muốn những cô gái khác trong bản biết rằng, Sang như mũi tên đã nằm trên cánh cung, chuẩn bị bay vút lên một bầu trời mới, một cánh rừng mới. Sang sẽ đi ở rể bản Va chỉ trong mùa xuân này.
Sáng sớm, những con bù nhìn giang rộng sải tay, quần áo chỉnh tề, đứng ở bìa nương. Những cây cung cuốn vải vàng đặt trên chạc cây nửa kín nửa hở. Có cả những cái mặt nạ mo nang vẽ bằng than củi treo lủng lẳng trên cành. Tất cả là để muông thú sợ mà tránh ra. Để những hạt giống gieo xuống đất được nảy mầm, lớn lên an toàn. So với người Mông ở bản Va thì người bản Y Tả còn giữ rất nhiều nhiều tập tục cũ mà gái vùng khác về đây làm dâu cần phải biết nhiều hơn. Nhà Sang chuẩn bị rất kỹ từ mâm cơm cúng thần linh đến việc dọn dẹp nhà cửa, bí mật loan báo tin vui đến khắp họ. Mẹ Sang còn chuẩn bị cho Sang cây gậy chắc bằng gỗ vàng tâm, phần trên của gậy, chỗ tay cầm, cuốn vải nhung đỏ rất bắt mắt. Bà chuẩn bị cho Siu một cái giỏ mây đựng hạt mới tinh có quai đeo ngang lưng bằng lụa màu xanh lá cây. Sang cùng bố, mẹ và em trai ra nương trước. Siu và ba đứa em gái, em dâu đi sau. Để chim rừng không chú ý mà kéo về. Mùa gặt qua lâu rồi, chúng đói, chúng dòm ngó và đợi chờ ngày tra hạt. Những hạt lúa hạt ngô dành làm giống thường chắc mẩy. Những con chim chuyên ăn vụng hạt giống rất tinh khôn. Khi Siu cởi giày và xà cạp, lội xuống suối Bo, đến những viên sỏi trắng muốt lành hiền còn phải ghen tỵ mà lảng đi. Cua cá cũng ngạc nhiên nấp vào khe đá. Thì nói gì đến bọn con gái Y Tả. Chúng nó thì thào rỉ tai nhau rằng phen này ông Chấu sạt nghiệp, cõng nợ cưới con đến hết đời. Con gái nhà người ta đẹp thế này, đời nào người ta cho con ông đi tay không đến ở rể. Siu đặt chân tới nương, đeo giỏ hạt lên hông thì bù nhìn hay cung nỏ, mặt nạ đều trở thành thừa thãi. Vì chim muông ngẩn ngơ hết cả. Còn Sang, cây gậy trong tay anh giống như ống sáo, giống như cây khèn, mỗi một lần chạm đất, đất như ngân lên. Sang chọc lỗ, Siu bỏ hạt. Đều đặn thuần thục như thể họ là vợ chồng từ mấy kiếp rồi. Như thể họ cùng nhau thể hiện vũ điệu mùa xuân trong lễ hội xuống đồng đầu năm mà những đôi trai gái vẫn đắm say trình diễn. Người ta nói không ngoa chút nào. Rằng gái Mông bản Va vốn có tổ tiên là con gái Giàng xuống hạ giới thăm thú non sông. Vì mê mẩn cảnh đẹp núi rừng, thác nước, suối, hoa mà quên hạn phải về trời. Giàng giận. Cái niềm giận ấy còn mãi, đày đọa mãi những cô gái đẹp bản Va khiến tình duyên long đong. Những cô gái làm dâu khác xứ phần lớn bất hạnh vì nỗi ghen tuông vùi dập. Để tránh rủi ro, mấy chục năm gần đây, người Mông lấy rể nhiều hơn. Dù nhà Sang không đến nỗi thiếu tiền cưới vợ cho con và nhà Siu không phải không có con trai, nhưng ông Lường đã quyết bắt rể về ở trong nhà cho chắc, thì Siu phải thuận thôi.
Trong ngày hội Sải Sán, mũi tên tình ái đã bắn trúng tim của hai kẻ xa lạ, lần đầu gặp gỡ. Trước khi gặp Siu, Sang từng theo đuổi vài cô, từng rung động vài lần nhưng không đâu vào đâu cả vì đó là những cô gái học rộng hiểu cao, không chấp nhận cuộc sống lam lũ ở bản. Còn với Siu, Sang là mối tình đầu của cô. Sang hơn Siu năm tuổi. Chiếc lá xòe ra hôm qua cũng đã xanh hơn chiếc lá của ngày hôm nay, nói gì năm năm. Sang hẳn nhiên khôn ngoan hơn, từng trải hơn rất Siu nhiều. Không thứ gì khiến con người ta trưởng thành nhanh hơn những đổ vỡ. Bố mẹ Siu không chê Sang ở điểm nào. Ông Lường còn nói với con gái rằng. Mười lăm tuổi tao đã yêu mà hai mươi hai tuổi mới lấy mẹ mày. Mẹ mày là mối tình thứ ba đấy. Tao thấy trai ở bản này không đứa nào lại thằng Sang đâu. Còn ở xa thì tao không biết.
Vợ chồng ông Chấu thì cứ như có con chim hót, con công múa ở trong lòng. Người yêu thằng Sang, con dâu tương lai của ông bà đẹp quá. Những ngón tay búp măng trắng nõn thoăn thoắt thả hạt. Miệng cười như hoa, mắt to, mũi thẳng, má ửng trái đào, đúng là dòng dõi nhà Giàng có khác. Bản Y Tạ cũng có đứa con gái rất đẹp thích thằng Sang nhà ông bà. Bố mẹ nó cũng ưng thông gia với ông bà. Nhưng thằng Sang lại không muốn. Nó là con ngựa hoang, chỉ thích dạo đồng xa. Mỗi lần ông bà nhắc đến tên Mỵ là nó lại giãy nảy lên. Hai mươi tuổi ông bà đã nhắc nhở nó chuyện vợ con, nhưng cho đến bây giờ, hai bảy mùa tra hạt, nó vẫn trơ ra đấy, ương ngạnh như cành sa mộc, gió thổi thì rạp xuống, gió qua lại ngẩng lên. Em nó thì lấy vợ có con rồi.
Bữa trưa vào lúc mặt trời tròn bóng, ba mâm cơm trải dưới nền nhà quây quần vui vẻ. Đang lúc cả nhà nói những lời đẹp đẽ về mùa màng, về chuyện học hành tương lai của những đứa em gái thì chị họ của Sang đi vào, loan báo. “Anh Xìu đánh chị Hà đau lắm phải đi bệnh viện”. Ông Chấu vội để chén rượu xuống mâm hỏi lớn: “Sao mà đánh, thằng Xìu về khi nào?”. Chị họ của Sang nhìn Siu e dè không muốn nói nhưng bố Sang giục thì chị ấy kể. Đại ý là anh Xìu đi làm vắng chị Hà ở nhà tằng tịu người khác, nay anh Xìu đột ngột quay về rình bắt được hai người ở trên lều nương nên đánh cả hai bị thương nặng. Giờ anh Xìu bỏ trốn rồi. Cả nhà buông đũa ngơ ngác. Chị họ chạy đi, ông Chấu cũng vội đứng dậy. Vì bố anh Xìu là anh trai của bác ấy. Sang lướt qua một đàn em gái, nói lạnh tanh như răn đe: Hư hỏng thế, anh Xìu đánh là đúng rồi. Lời nói trong hơi men của Sang như con rắn. Ra khỏi miệng Sang, con rắn đã chồm lên người Siu, nó không cắn nhưng thân mình nó thít chặt cổ Siu khiến cô ngạt thở, môi tím tái. Siu gồng người, gỡ con rắn ra khỏi cổ mình. Cô đứng dậy, bước ra thềm. Bóng nắng đã dài ra. Dài hơn cái lúc ông Chấu lao ra khỏi nhà chạy về phía cuối bản. Siu run rẩy dựa lưng vào cột hiên. Cô nhìn thấy anh Xìu trong con người Sang, dù một thoáng thôi. Thế mà tay chân Siu run rẩy lóng ngóng. Những hạt giống niềm tin vừa mới đây còn đầy ắp lòng cô, giờ đã như cái giỏ thủng, hạt rơi xuống suối lũ. Bước chân Siu như người vượt suối lũ tìm bờ.
Lần thứ năm Sang đến bản Va đứng trước cổng nhà người yêu. Những chiếc lá giập nát khản hơi, tiếng khèn môi biến thành tiếng khóc mà rào đá im phăng phắc, rêu lốm đốm xanh, lá vàng vương vãi. Siu không ra cửa sổ nhìn mặt Sang một lần. Em cũng biết là tôi lỡ lời mà. Men rượu đã xui khiến tôi nói thế. Tình đời đầy rẫy những phụ bạc đã khiến tôi nói thế. Sang muốn nói với người yêu mà không thể. Vì Siu đã rào kín mọi nẻo đường như con chim sợ cánh cung giả, sợ cả bù nhìn. Chị Hà từng là cô gái đẹp nhất bản Y Tạ, giống như Mỵ bây giờ. Khi anh Xìu cưới chị Hà, trong lòng Sang cũng đầy ao ước sau này có được vợ đẹp như người anh họ. Nhưng chỉ ba năm sau ngày cưới, trong khi anh Xìu đi làm xa nhà, một lần đem cho bọn trê ít hạt dẻ rừng, Sang tình cờ bắt gặp chị Hà đang trong vòng tay một người đàn ông khác. Tất nhiên là Sang giữ kín bí mật này, tự nhủ sống để dạ chết mang theo. Anh Xìu biết chuyện chị Hà phản bội anh bởi cái tai, cái mắt và cái miệng dân bản chứ không bởi Sang. Vì anh tin chị chứ không tin lời đồn thổi nên mới có ngày hôm nay. Sang đã nói ra điều không nên nói trước mặt Siu. Sang cứ ngỡ, khi hai người yêu nhau, cả ý nghĩ và thân xác thuộc về nhau thì không điều gì có thể chia cắt. Vậy mà Siu lại cố chấp đến thế. Hạt giống em tra ngày nào giờ đã lên bông, đã gặt hết, đất đã vào vụ mới, còn người, sao nỡ dửng dưng.
Ngày thứ năm đã cạn. Em gái Siu đem ra cho Sang bức thư chỉ vẻn vẹn một dòng. “Nước suối đã chảy, đá đừng đợi”. Sang ra về với niềm cay đắng chất chứa. Những con sóc nhỏ trên bờ rào đá liến thoắng gì đó rồi ánh mắt tròn xoe cảm thông của chúng cũng lẩn vào nắng. Sang đội cái nắng hanh hao tháng tám trên đầu mà ngỡ như cả bầu trời đã chuyển sang tiết đông lạnh tê tái. Sang rời bản Va bằng con đường tắt xuyên rừng. Con đường của vắt, muỗi đói và rắn rết chứ không dám đi đường thẳng.
***
Sang khoác túi lên vai đầy dứt khoát, như người đi tìm miền đất hứa trong một cảnh phim. Trong cái túi vải chàm có ba bộ quần áo, một ít tiền, cây đèn pin, cái bật lửa và con dao nhỏ. Sang sẽ đi thật xa mảnh đất này. Ngày nào đó, Siu tha thứ, tìm đến Y Tạ, Siu sẽ không gặp được Sang đâu. Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu kỷ niệm chất đầy năm tháng, Siu quên được thì Sang cũng quên được.
Suối Bo là ranh giới tự nhiên giữa Y Tạ và đất của người Tày. Qua suối là Sang thoát khỏi sự xét nét tò mò của những cặp mắt ngược xuôi trên đường. Qua đất của người Tày là đến đường lớn. Con đường dẫn tới phố huyện. Sang sẽ đi tiếp. Tới đâu cũng được. Miễn là nơi ấy, không ai biết Sang là ai. Sang ra đến giữa suối thì nghe tiếng con gái gọi trúng tên mình. Anh Sử ơi. Sang sững người, Sử là tên thường gọi của Sang lúc còn bé. Sang ngoái cổ nhìn lại thì thấy Mỵ đang gùi một sọt măng ống từ rừng chui ra. Sang định bước tiếp thì Mỵ lại gọi. Anh Sử đi đâu đấy, quay lại em nhờ chút nào. Sang thấy tiếng Mỵ trong hơn tiếng suối và mềm hơn sợi nước. Sang quay lại bờ, gỡ sọt măng trên vai Mỵ xuống, lơ đễnh hỏi. Em lấy măng xa thế? Măng đã lên cây rồi sao em còn chặt? Mỵ mân mê cán dao trong tay và nhí nhảnh. Măng rừng xa vừa già vừa đắng. Nhưng hết rau rồi thì đắng cũng phải ăn. Anh chưa trả lời em mà. Anh đi đâu thế? À, tôi ra huyện có tí việc. Mỵ nháy mắt tinh quái. Không phải. Nếu ra huyện anh sẽ đi đường lớn, sẽ đi xe máy, chứ không đi đường của người đi lấy măng lấy nấm. Sang thấy chả cần phải che giấu nỗi chán chường mệt mỏi đang hiển hiện trên khuôn mặt mấy ngày đêm không biết giấc ngủ là gì với đứa chơi thân với em gái anh, hiểu anh chân tơ kẽ tóc. Anh đi làm. Mỵ gặng. Anh Sử làm ở đâu, cho em đi theo với. Không, anh cũng chỉ biết là sẽ đi làm thôi, chưa biết là sẽ làm gì, ở đâu cả. Mỵ bướng bỉnh. Anh đừng đi, anh định đi trốn chị Siu à? Sao phải trốn người không trọng tình? Sang biết, Mỵ đang tấn công mình một cách tự tin và quyết liệt. Định nói gì đó thật phũ phàng để Mỵ từ bỏ ý định nhưng Sang lại im lặng. Sang hiểu rõ sự cô đơn trống trải trong tim mình. Trong tim Sang giờ có cả một khu rừng vắng vẻ xa lạ mà Mỵ là ánh trăng can đảm lọt vào. Tại sao anh lại từ chối Mỵ? Ít ra thì Sang cũng cần có một người bạn đồng hành. “Được, nếu muốn đi cùng anh thì em về chuẩn bị và xin phép bố mẹ đi. Anh sẽ trở lại thành phố nơi trước đây anh làm việc”. Mắt Mỵ ngời lên sung sướng, đôi mắt vốn đã rất đẹp từ lúc Mỵ còn là đứa trẻ hay khóc nhè. “Em sẽ đi cùng anh, nhưng là về nhà. Anh đừng rời xa Y Tạ lúc này. Nếu anh cần thời gian để quên người ta thì anh cứ lấy cả thời gian của em mà quên. Em có thể cho anh một năm, hai năm và nhiều năm. Vì đằng nào em cũng đã đợi anh lâu rồi”. Kìa Mỵ, đừng khóc. Anh còn một ít thời gian riêng tư. Anh sẽ thu xếp được. Nước chảy được cứ chảy, đá không chảy được đá ở lại.
Mùa xuân lại về trên bản Va. Những đứa bạn gái của Siu lưng địu con, tay dắt chồng kĩu kịt về hội xuống đồng. Siu vẫn như bông hoa nở trên vách đá cao nhất, chênh vênh nhất, chưa ai với tới. Ông Lường đã mất hết sự kiên nhẫn rồi. Ông trở nên lạnh nhạt với cả bạn bè cũ của Siu như thể chúng nó có tội. Cái tội không thúc giục con gái ông lấy chồng đi. Bạn bè mà như thế à? Đã gần hai năm kể từ ngày đứa trai Mông Y Tạ không đặt chân tới đây, thì cũng bằng ấy thời gian ông Lường khắt khe với con gái hơn. Ông bảo làm đàn bà con gái, xấu thì đỡ, chứ đẹp thì phức tạp lắm. Vì thế, khi Siu nói sẽ đi chợ phiên Y Tạ mua ít hạt giống rau thì ông Lường khấp khởi mừng. Ông đẻ ra mày mà ông lại không biết à? Mày nghe nói thằng Sang cưới vợ, thì mày bán tín bán nghi. Muốn đến tận nơi xem lời đồn có thật không. Ông thì ông không tin thằng Sang đã quên được con gái ông. Chúng nó có mâu thuẫn gì sâu sắc đâu. Chỉ là thấy con gái bản Va nhiều đứa lấy chồng đã thân tàn ma dại cắp con về vì đòn ghen thì con gái ông sợ thôi. Không muốn để bố đoán non đoán già, Siu nói thật. Con là người chia tay anh Sang nên con đợi anh ấy cưới vợ rồi con mới lấy chồng. Nên con không tin vào lời đồn thổi. Tự con phải đi Y Tạ xem anh Sang lấy vợ chưa. Nghe thế, ông Lường dựng người lên. Ô hay cái đứa con gái tinh tướng ngang bướng này, chuyện chồng con của mình sao lại phụ thuộc vào cái thằng giời ơi đất hỡi. Sao lại phụ thuộc vào cái con gà rừng vui thì gáy, thích thì gáy. Thế năm mươi tuổi nó mới lấy vợ thì mày chết già hả con? Mày cũng ăn học hằng chục năm cái chữ nhà nước mà sao đầu mày chỉ loanh quanh ở bản làng thôi hả? Vẫn biết mắng mỏ con gái về việc muộn chồng là bất đắc dĩ nhưng đôi lúc ông Lường vẫn phải gào thét lên một trận. Ông còn nhờ người bắn tiếng đến bản Y Tạ với thằng rể hụt rằng mày mau cưới vợ đi để con tao còn đi lấy chồng.
Sang nghe chuyện Siu không yêu ai, cũng lòng riêng canh cánh. Mỵ thì đã đến gần Sang hơn bao giờ hết. Lúc đầu Mỵ còn dừng chân ngoài nương ngó nghiêng những con bù nhìn, Mỵ khen lúa tốt, ngô tốt. Sau Mỵ đến tận ngõ thì thào nhỏ to với em gái Sang. Cuối cùng, Mỵ vào tận bếp ngồi nói chuyện với mẹ Sang và chào hỏi ông Chấu như thể cô là một thành viên trong gia đình. Cho đến một hôm, Sang từ đám cất nhà mới trong bản về, lảo đảo chệnh choạng. Sau ngày bị từ hôn, Sang biến thành cây rượu rồi. Sang tự nhủ cả trăm lần rằng uống nốt lần này thôi và tự nhủ hai trăm lần rằng say rồi ngã đâu thì ngã, đừng ngã vào vòng tay Mỵ. Nhưng hôm ấy Sang ngã xuống đệm nhà mình còn Mỵ cả gan mò vào tận chỗ nằm của Sang. Mỵ rót vào tai Sang những lời rất phải chăng. Anh mà không cưới em, thì chị Siu cũng sẽ chẳng lấy ai. Anh muốn người yêu của mình có một gia đình hạnh phúc, có một người chồng tử tế, hay anh muốn cô ấy chết già trong cô độc? Sang bấn loạn vì những lời ấy, nước mắt chảy ra như những giọt rượu móc nhỏ xuống cốc nứa. Ngoài vách, vợ chồng ông Chấu nghe được lời đứa con gái si tình thì bấm nhau đi ra. Lùa hết cả bọn trẻ con đi ra. Cá đã vào ao nhà ta, làm sao để nó bơi ra được. Cứ kệ chúng nó. Thế nào rồi gạo cũng thành cơm cho mà xem. Thế mà, ngang chiều Mỵ bỏ về, ấm ức như thể người đi bắt cá lội suối ướt hết cả tóc nhưng lại về không.
Sáng hôm ấy Siu dậy sớm, mặc bộ váy mới nhất, đẹp nhất và đeo vào cổ bộ vòng bạc sắm từ lâu rồi cô cất đi để dành. Đây là những thứ Siu chuẩn bị cho đám cưới. Thấy con gái đi chợ phiên Y Tạ với bộ váy áo ấy, ông Lường rất ngạc nhiên và dặn dò. Con gái ơi, nếu nó còn chờ con, thì nên mở cửa cho nó vào con ạ. Siu ngước mắt nhìn bố mà thấy xót lòng. Cô mong là Sang đã lấy vợ. Cô mong anh hạnh phúc. Nhưng nếu Sang vẫn chờ cô thì sao nhỉ? Giữa Sang và Siu là một lời thề. Hôm ấy là ngày tra hạt, Sang đón Siu về Y Tạ. Lúc dắt nhau qua suối, Sang bảo suối Bo có thể cạn nước, nhưng anh không bao giờ cạn yêu thương em.
Giờ đây, suối Bo cạn thật. Qua suối không ướt chân nhưng mắt Siu ướt. Em dâu Sang bán vải ở chợ Y Tạ. Muốn biết gì về Sang, cô chỉ cần đến chỗ em ấy. Phiên chợ đầu năm rất đông người, khu quán rượu, tốp năm tốp ba đang ngả nghiêng rót say vào nhau. Siu ngồi xuống một hàng bán hạt giống rau và lựa ít hạt cải rồi đi ngay. Siu sang hàng vải, mua một cái túi lụa màu đỏ nhỏ xinh, thả vào đó hai viên sỏi cô nhặt ở suối Bo rồi can đảm đến trước mặt em dâu Sang mà bảo. Chị gửi thứ này cho anh Sang. Rồi Siu nhanh chóng rời chợ.
Lâu lắm người ta mới thấy một ngày Sang đến chợ không uống rượu. Mặc ai nấy chào mời, những lời mời ngân nga đập cánh. Nhưng Sang từ chối hết. Chỉ có người tỉnh tìm thấy người say chứ người say làm sao tìm thấy người tỉnh. Có nhẽ vì say nên phiên chợ nào Sang cũng đến tìm Siu, mà không thấy. Nên Sang bỏ rượu rồi. Chợ phiên Y Tạ là phiên chợ họp sớm lớn nhất vùng này, chỉ mùng ba tết đã họp. Có hằng trăm cô gái đẹp, có hằng nghìn người phụ nữ áo váy lộng lẫy. Làm sao Sang có thể tìm thấy Siu? Đang ngơ ngác thì em dâu Sang gọi lại, đưa cho Sang cái túi lụa.
Siu ngồi nghỉ chân bên một tảng đá giữa suối, lo đễnh nhìn những cành hoa đào rừng bung nở rực rỡ trên bờ. Thi thoảng, vài cánh hoa tàn rơi xuống, nước liu riu cuốn trôi. Nếu Sang đã cưới Mỵ thì em dâu sẽ không đưa Sang cái túi lụa. Còn nếu Sang vẫn đợi. Thì mình đợi thêm chút nữa có sao đâu.
Hai viên sỏi trắng muốt bỏng rát trong bàn tay Sang. Chỉ có sỏi suối Bo mới trắng và tròn xoe như thế. Con suối dài, nhiều thác ghềnh, hòn sỏi lăn mãi, phiêu bạt mãi rồi sẽ tròn. Tình yêu cũng thế. Nhìn thấy Siu ngồi trên tảng đá giữa suối, Sang chợt nhớ đến truyền thuyết con gái nhà Giàng xuống hạ giới chơi xuân. Làm sao để giữ chân nàng đây? Sang đưa tay vuốt vội mái tóc vương đầy cỏ hoa rồi bứt một chiếc lá tươi ven suối làm khèn, tự nhủ. Nhẹ thôi…