Nhà văn Nguyễn Kiên đã đi xa bạn bè văn chương và bạn đọc nửa năm nay. Gần đây, trong khi sắp xếp lại di cảo của người chồng quá cố, phu nhân của nhà văn đã phát hiện hai bản thảo truyện ngắn nhà văn vừa kịp hoàn thành nhưng chưa công bố ở đâu, bà đã gửi đến báo Văn nghệ để “các chú tuỳ sử dụng” trước khi in ra sách. Xin trân trọng giới thiệu hai truyện ngắn này và xin cảm ơn bà quả phụ và gia đình nhà văn Nguyễn Kiên.

Theo thông lệ cứ vào một chiều cuối năm, báo Văn nghệ tổ chức bữa cơm tất niên. Hôm ấy sẽ có mặt đầy đủ mọi người trong cơ quan, những người đã nghỉ hưu, những người đang còn làm việc và những người đã cộng tác nhiều năm với toà soạn. Một năm của bao nhiêu công việc mà nhất lại là việc làm báo, nên gần như không ai nhớ đến ai… Vậy mà hôm nay trong không khí của một chiều cuối năm vẫn có những người âm thầm đếm những gương mặt của các nhà văn, nhà thơ, những vị khách năm nao ai đến, ai không đến… Những người cũ cứ thưa vắng dần, vẫn biết rằng không ai cưỡng lại được quy luật của tạo hoá nhưng sao lòng ta vẫn da diết buồn. Cách đây một năm, bữa tất niên ấy thiếu nhà văn Nguyễn Kiên. Ông là người ít khi vắng mặt mặc dù đến dự nhưng ăn uống của nhà văn mấy năm trở lại đây hầu như không còn là điều ông quan tâm. Ấn tượng lúc nhà văn chầm chậm lên tắc – xi về nhà trở thành kỷ niệm! Ông không bao giờ đến dự với báo Văn nghệ vào mỗi chiều tất niên nữa. Nhà văn Nguyễn Kiên đã từ trần vào đầu năm 2014…

Nhà văn Nguyễn Kiên

 

BỤI BAY MÙ MỊT

Ở một góc khuất nẻo cái thị trấn hỗn tạp, hầu hết là người tứ chiếng đến lập nghiệp này, Thược tìm gập được người bà con họ xa, vùng quê. Một bà bác họ xa lắm, xa tít mù nhưng ở nơi đất khách quê người, xa cũng thành gần, Thược gọi “bác Nhàn”, có lúc gọi “u Nhàn” rối rít.

Thược còn trẻ, mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Tài chính – Kế toán, về công tác ở nông trường được hơn một năm thì giải thể. Cô nghĩ, mình đang sức dài vai rộng, lo gì! Rồi mình sẽ chen lấn và xô đẩy, làm cho thiên hạ biết tay. Thược sống bám vào thị trấn, sục sạo khắp các ngõ ngách, tận dụng các mối quen biết, thử làm hết việc này đến việc kia. Đứng bán hàng. Đi giao hàng, nhận hàng. Làm môi giới… Nhưng mới chỉ là những vụ việc nhỏ thôi, chưa đáng kể gì. Người ta quen dần với cái hình ảnh Thược cưỡi trên chiếc xe đạp phượng hoàng cao lênh khênh, lưng áo đẫm mồi hôi, miệng cười toe toét… Thược nói với bà Nhàn, nửa tâm sự, nửa như khoe: “ U ơi, con sắp sửa mở cửa hàng. Cửa hàng nhỏ của riêng con. U mừng cho con chứ?” Bà Nhàn nói: “Ừ, ừ, …” và chỉ nói thế thôi, đã biết thế nào…

Cái cửa hàng của Thược ở ngay đầu phố rẽ vào con hẻm có nhà bà Nhàn. Một cửa hàng tạp hóa, với đủ loại mặt hàng thượng vàng hạ cám, từ gói thuốc chuột, mấy cái đinh đến gương lược và mấy cái khăn mặt…, có nhiều mối quen, lại dẻo mồm nên cửa hàng cũng đông khách. Lại có một anh chàng cao to, đẹp mã, bộ mặt lúc nào cũng tưng tửng, ra vẻ hiền khô săm sắn trông nom cửa hàng. Nhưng chỉ săm sắn mấy buổi đầu thôi. Rồi cứ chểnh mảng dần. Anh ta tên Hài, Hài phất phơ, quen biết Thược từ ngày hai người còn làm ở nông trường. Hài phất phơ vẫn phất phơ thế nhưng cũng được việc, có việc sốc vác anh ta cũng biết sốc vác. Thược thường cằn nhằn, gắt gỏng anh ta nhưng cũng gắn bó, không thể bỏ Hài. Thược có bầu, cái bụng đã lùm lùm, cao vượt mặt. Cô nói với bà Nhàn: “Chuyện tình duyên là cái số, số con là vậy, phải không u?”. Thược nhờ bà Nhàn, sửa mấy mâm cơm, mời dăm người bạn tới vui vẻ một bữa, thay cho chuyện cưới xin rềnh rang.

Thược mang cái bụng bầu cao vượt mặt, vẫn lăn lóc ngoài cửa hàng. Chồng cô, tức là anh chàng Hài đẹp trai, vẫn cứ phất phơ thế, anh ta vẫn đứng phục vụ cửa hàng nhưng chỉ thoáng cái là anh ta chuồn đi đâu mất. Họ cáu gắt nhau rồi làm lành, cáu gắt nhau rồi lại làm lành, cho đến khi Thược nằm xó. Thược lại bám vào bà Nhàn, làm khổ bà và cô coi như lẽ đương nhiên. Bà Nhàn chỉ là bà bác họ xa nhưng Thược đã gọi là “u Nhàn”; vả lại bà chịu khổ đã quen, lại rất thương cô cháu gái và quí thằng cháu còn đỏ hỏn. Thằng bé nặng trên bốn ký, bú sữa no là ngủ khì. Thược phải nằm nhà khoảng một tháng, sau đó cô có thể vất thằng bé chỗ bà Nhàn và đi công việc cả buổi.

Cái cửa hàng nhỏ ở đầu phố chỉ là nơi gặp gỡ, giao thiệp. Thược phải cố gắng giữ để các đầu mối được thông suốt và mở rộng. Đầu óc Thược luôn luôn cựa quậy, với rất nhiều toan tính âm thầm. Rằng ngày mai mình phải khác, không thể quanh quẩn như hôm nay. Từ nhỏ Thược đã là cô bé đáo để và hiếu thắng. Cùng chơi những trò chơi con trẻ với lũ bạn, Thược không chịu thua kém ai, nếu cần thì xông vào cấu véo, giành giật. Lớn hơn một chút, dù có bị đám con trai ngỗ ngược chèn ép, nó không bao giờ chịu khóc trước mặt chúng. Tao khinh! Tao khinh! Rồi chúng mày sẽ biết tay tao! Cái bĩu môi khinh bỉ và lời thách thức ngầm ấy, xảy ra một cách trẻ con, hồn nhiên, nó vẫn ngấm ngầm ở trong lòng Thược, chỉ có điều nó không còn hồn nhiên nữa, chỉ chờ dịp tuôn ra như một lời tuyên bố công khai.

Một buổi Thược nhờ chồng đi gặp một ai đó, có việc cần gấp nhưng Hài xách xe đi, mải la cà là anh ta quên khuấy. Thược tru tréo lên với Hài: “Anh là đồ vô tích sự. Sai có một việc như thế, mà anh biết không, việc ấy đẻ ra tiền đấy, tôi cần tiền, mà sao anh quên. Thế thì còn về đây làm gì? Về báo hại tôi à?”. Không ngờ Hài vênh mặt lên, khinh khỉnh nói: “Này, này, … không hiểu là tôi báo hại cô hay là cô báo hại tôi. Cô đừng có tinh tướng!”. Thược gào lên: “Tôi tinh tướng đấy! Chứ anh tưởng anh có thể sỏ mũi tôi, muốn lôi đi đâu thì lôi à?”. Thược nóng nảy ném ra trước mặt Hài lời tuyên bố huỵch toẹt: “Tôi sẽ không chịu ngồi chết già ở đây, ở cái thị trấn heo hút này. Tôi sẽ đi khỏi nơi này, đi để thi thố với thiên hạ xem rút cục thì ai hơn ai?”. Hài đột nhiên im lặng, anh ta lảng xa Thược và cười vu vơ. Thì cứ để Thược nói một mình tùy thích. Còn với riêng anh ta thì thế nào cũng xong, miễn là đời sống riêng của anh ta vẫn vui vẻ, không sứt mẻ đi đâu một tí gì. Hài còn trẻ, nhiều tài vặt, còn phất phơ và khối cô gái trẻ còn “tơ tưởng”, còn say mê anh, y như Thược hồi mới gặp đã say mê anh,… Cuộc sống hàng ngày trở nên nhạt nhẽo và nhàm chán. Hài không tha thiết gì đến cửa hàng, đến những tính toán xa xôi của Thược, không tha thiết với cả đứa con còn măng sữa. Anh ta bỏ đi phất phơ càng ngày càng nhiều hơn. Rồi anh ta đi biệt …

Lúc này thằng bé con Thược đã hai tuổi. Thằng bé ngoan, chỉ quấy khóc đòi mẹ từng lúc, nó đã quen hơi bà Nhàn, chịu sự chăm bẵm của bà Nhàn. Thược đã thôi cái cửa hàng nhỏ xíu ở đầu phố nhà, cô vứt thằng bé cho bà Nhàn (con nhờ cậy u, u giúp con; vả lại con biết là u thương thằng bé lắm!) rồi cô ra chợ thị trấn, mối manh buôn bán, lúc nhỏ, lúc to, kể cả với các đầu mối từ trên thành phố đánh hàng về. Cuộc tình duyên lỡ dở cũng khiến cô buồn một dạo nhưng nỗi thất vọng, cay đắng dần dần chuyển đổi thành một phản ứng bùng nổ và cô hoạt bát, tươi tỉnh. Thược lấy được phong độ xưa cũ, như ngày nào là gái chưa chồng. Cô di nát dưới chân mình cái xác của mối tình đã ra đi, cái xác của Hài ( mặc dù lúc này, ở đâu đó, anh ta vẫn sống nhăn) và cô nhổ toẹt bãi nước bọt: “Ta khinh ngươi. Rồi ngươi sẽ biết ta là thế nào!”

Năm sau thằng bé con Thược lên ba, cô gửi đứa bé lại cho bà Nhàn, một mình cô rời thị trấn lên thành phố. Cô cũng gửi lại một túi quần áo và một ít tiền để bà Nhàn nuôi thằng bé… “Con đi ít lâu, rồi sẽ có ngày con trở về đón cháu!”. Thược nói quả quyết, vẻ quả quyết của Thược có thể là thành thực nhưng khi Thược bước chân đi, định ôm thằng bé thì nó lại quay mặt đi, níu chặt lấy bà Nhàn.

Ở trên thành phố, đông đúc và xa ạ, Thược phải vất vả một thời gian. Cô rời xa dần những nơi chốn, những người cô quan hệ xa gần với cái thị trấn cũ kỹ và heo hút của cô. Đây là một quãng đời Thược phải vùi lấp nó vào trong xó tối và cô mưu tính đường đi nước bước cho chặng đường mới. Cô chuyển chỗ ở trọ, làm quen với nhiều người và những công việc mới, nhưng không có việc gì trụ được lâu. Gian nan lắm, nhưng càng gian nan Thược càng hăm hở. Rồi cô cũng tìm được cơ hội để cô có thể dựa vào và hơn thế, còn hi vọng có thể lợi dụng. Đó là Liệu, một người có thanh thế và giầu có nhưng vẻ bề ngoài anh ta hơi cục mịch, nặng nề. Họ quen biết nhau đã được một thời gian, đến hôm nay, tình cờ gặp lại ở giữa phố. “Thược, em vẫn khỏe chứ? Có gì mới mẻ và vui không?”. “Em chào anh, em vẫn khỏe nhưng chẳng có gì mới mẻ và vui thú. Em nhờ anh…”. Liệu lắng nghe, vừa chăm chú vừa ra vẻ hờ hững, và anh ta nói: “Hôm nay anh bận. Hay thế này, để lúc khác anh sẽ tìm gặp lại em. Có một công việc, nếu em thích nhưng cái đó là tùy em…”. Cái công việc mà Liệu nói đến ấy là đứng trông nom một cửa hàng ở một phố nhỏ nhưng buôn bán tấp nập. Cái cửa hàng này hẹp và nông choèn, nằm lọt giữa hai ngôi nhà lớn nhưng cũng riêng biệt và đủ tiện nghi. Thược không mong ước gì hơn, cô đến trông coi cửa hàng và ít lâu sau trở thành bồ nhí của Liệu, là bà chủ trẻ chứ không chỉ là người trông nom cửa hàng thuê. Dưới quyền Thược đã có vài con nhóc được cô lựa chọn và sai phái. Liệu thỉnh thoảng mới ghé lại cửa hàng chốc lát. Những cuộc mây mưa vui vẻ giữa hai người thường diễn ra ở những nơi khác, do Liệu sắp đặt trước. Liệu trở nên linh động và hoạt bát hơn, da mặt anh ta đỡ những vết nám, sần sùi và cái bụng đỡ chảy xệ. Còn Thược thì trở nên nhí nhảnh, cô cắt tóc ngắn, mái tóc ôm gọn khuôn mặt, chăm đi dưỡng da và xóa những vết nhăn… Dần dần Thược coi cái cửa hàng quần áo là của riêng cô, dù vốn liếng và mối manh ban đầu là do Liệu nhưng dần dần anh ta cũng để mặc cô lo liệu. Sau này Thược đã bỏ vốn riêng  của cô ra, góp chung vào.

Khi biết Thược có bầu với mình. Liệu nói: “Em có bầu thì phiền phức lắm! Thôi, bỏ đi!”. Thược nói: “Bỏ đi là thế nào? Nó là giọt máu của anh…”, “Đã đành là thế nhưng nó không thể có mặt trên đời này. Bỏ nó đi!”. Liệu vẫn nói ráo hoảnh. Anh ta ỷ thế mình là người chi tiền cho Thược buôn bán và những cuộc ăn chơi. Nhưng cũng vì những lý do đó, Thược cũng đang tìm cách mặc cả. Đó là một cuộc giằng co, với những tính toán riêng của mỗi người, mỗi lúc càng thêm căng thẳng. Cái bụng mang bầu của Thược đã nhô cao lùm lùm thì Liệu tránh mặt và vợ Liệu xuất hiện. Chị ta tên là Thìn, người đàn bà gân guốc, có khuôn mặt gẫy và đôi môi mỏng. Người đàn bà thao lược. Chị ta biết cách giữ chồng, biết tùy lúc có thể lờ đi, bỏ qua chuyện mèo chuột lăng nhăng của chồng, lúc nào thị phải nhảy vào can thiệp. “Thôi em ạ, tốt nhất là em im đi – Thìn nói với Thược bằng cái giọng nhẹ nhàng nhưng kẻ cả quyền uy – chị đã biết tỏng cả rồi, tức là biết rõ cái tổ con chuồn chuồn. Không thể như thế được. Không đời nào! – Thìn nhắc lại rành rọt với một nhát chém. Nghiêng bàn tay vào không khí.- Bây giờ em hãy đi theo chị, đến một ông bác sĩ sản khoa có phòng mạch tư, là chỗ thân quen. Phá một cái thai chưa được ba tháng, không đau đớn gì và cũng nhanh thôi. Rồi từ đó trở về, em sẽ có cả cái cửa hàng này và cả cái tiếng tốt là em không tơ vương gì đến anh Liệu. Bởi vì cả anh Liệu cũng đã hứa, sẽ thôi rồi, không còn tơ vương em…”. Sau chuyện bất ngờ như sét đánh này xảy ra, Thược hoang mang không sao bình tĩnh lại được. Cô tự nguyền rủa mình, sao mình ngu dại thế, mình dễ dàng chịu bó tay trước khuôn mặt gẫy và cách nói năng của Thìn. Mình cứ cum cúp nghe theo Thìn, để mẹ áp tải mình đến phòng mạch tư của ông bác sĩ sản khoa, nằm tênh hênh trước mặt ông ta. Mình phải chịu đau đớn đến ngất lịm, rồi mình mơ hồ tỉnh lại. Cái thai trong bụng mình, nó mới chỉ là một cục thịt, lẫn máu me lầy nhầy và người ta đã kín đáo vứt nó đi đâu rồi … Nỗi đau đớn thể xác dần dần qua đi, sự dằn vặt tâm lý, rằng mình thua cuộc, thua con mẹ Thìn mặt gẫy, thua Liệu, anh ta tránh mặt rồi biến êm, sự dằn vặt ấy chẳng đem lại lợi lộc gì, nó dần dần biến đi. Thược trở nên tỉnh táo, lạnh lùng, đầu óc cô sôi sục và bùng nổ cái ý nghĩ rằng không, mình không thua cuộc. Ít ra thì mình cũng có thêm một số vốn làm ăn, cái cửa hàng quần áo bị tai tiếng này đành phải dẹp bỏ thì cô đi chỗ khác, mở cửa hàng khác. Nếu may mắn, chưa biết chừng Thược còn có thể chung vốn mở công ty.

Lúc này thằng bé con Thược, thằng Thạch, đã lên chín tuổi. Năm Thạch lên ba, mẹ nó gửi lại cho bà Nhàn, nó bụ bẫm và lành như hòn đất nặn. Lớn lên thằng Thạch xa rời bà Nhàn, thành đứa trẻ ngổ ngáo, nghịch ngợm. Suốt ngày thằng Thạch bị lôi cuốn, chạy nhảy theo  lũ nhóc quanh con hẻm rồi tuôn ra đường phố ngoài thị trấn. Bà Nhàn đã già, mắt mờ chân chậm, không thể chạy theo nó. Bà già lập cập chạy dọc con hẻm, gọi thằng bé ời ời. Thằng Thạch về, thấp thoáng rồi nó lại biến mất. “Thạch ơi, cháu ở đâu?”. “Bà ơi, cháu ở đây! Cháu ở ngay bên bà…”. Thằng Thạch trả lời trơn tuột, theo thói quen nhưng mặt nó ngơ ngác, ngóng theo tiếng gọi mơ hồ từ ngoài đường… Mặc dầu thằng Thạch còn là đứa trẻ nhưng nó cũng có những suy nghĩ, những tâm sự rất trẻ con, chấp chới ở trong lòng. Những lúc nghịch ngợm, cãi nhau với bạn bè có đứa bảo nó: Ê, mày là đứa không có mẹ, mày biết gì! Thằng Thạch cãi, tao có mẹ. Bà tao (tức bà Nhàn) bảo thế. Mẹ tao ở trên thành phố, rồi có ngày mẹ tao về đây đón tao! Thằng Thạch vừa tin chắc vừa coi như đó là điều hão huyền, bởi vì ngay đến cái hình ảnh về mẹ nó, nó cũng không hình dung ra được.

Đến một ngày thằng Thạch, bỏ nhà bà Nhàn đi đâu mất. Nó theo người ta, từ thị trấn đi lên thành phố. Cũng chỉ là chuyến đi vu vơ thôi, với cái ý nghĩ vu vơ trong đầu, rằng may ra có thể tìm thấy mẹ nó, không thì nó cũng biết thành phố là thế nào. Nó giấu bà Nhàn vì nghĩ rằng nó chỉ đi trong chốc lát. Không ngờ nó bị lạc, thành ra cứ đi mãi, dù có muốn quay về với bà Nhàn cũng không thể quay về.

Ở trên thành phố Thược cũng có đôi lúc nhớ đến thằng Thạch, nó đã chín tuổi, không biết đã khôn lớn thế nào. Nhưng công việc, nhằm theo cái mục định Thược đặt ra, vẫn còn ở phía trước và tiếp tục lôi cuốn cô khiến cô không dừng lại được, không thể nghĩ đến thằng Thạch, đứa con cô đã bỏ rơi lại cho bà Nhàn, lúc này chắc nó vẫn yên ổn. Thược đã khác xưa, đang là trợ lý cho một giám đốc công ty, bản thân cũng có một chút vốn liếng góp vào. Thược đang chờ cơ hội thăng tiến. Một hôm, ông giám đốc công ty nói với Thược, có một khu đất ở tít xa chân núi vùng ngoại thành, có thể mở mang thành một khu du lịch sinh thái, cô cần đến xem trước rồi về báo cáo lại với ông. Thược tỏ ra sốt sắng, lập tức cô lên đường. Đó là cuộc đi tới nhưng cũng là cuộc trở về âm thầm với cái thị trấn heo hút xưa cũ, nơi từ đó cô đã ra đi. Thực bụng phải trở về vào lúc này chỉ là sự bắt buộc nhưng sau khi đã xem xét kỹ lưỡng cái khu đất có thể mở mang thành khu du lịch sinh thái ở ven chân núi, cô cho xe quay ra và dừng lại ở một góc đường thị trấn. Cô xuống xe đi bộ, nói với chú lái xe cứ chờ, cô chỉ đi chốc lát thôi.

Ở trong thị trấn bà Nhàn vẫn cứ chờ thằng Thạch, bà cứ chờ, cứ chờ… nhưng không một chút vân mòng. Bà già đi, người hom hem, xơ xác, cái nhìn ngây dại, thảng thốt. Bà ra khỏi nhà, ra khỏi con hẻm ngoằn ngoèo, rối cứ đi vô định, vu vơ … Tưởng chừng cứ đi vu vơ như thế sẽ tìm thấy thằng cháu, thực ra là thằng cháu hờ, mẹ nó bỏ lại cho bà. Bà tự ràng buộc mình vào thằng Thạch và nó cũng vậy, vậy mà nó bỏ đi, nó đi tìm mẹ nó hay là nó đi đâu. Bà Nhàn, bây giờ đã được người ta gọi là bà lão, hàng ngày cứ lang thang khắp đây đó chỉ một mực ngó nhìn vào trống không, tìm bóng dáng thằng Thạch.

Thược đứng chờ trước căn nhà tuềnh toành, xiêu vẹo của bà Nhàn ở trong con hẻm, một lúc lâu. Căn nhà xưa cũ, già nua, còn giữ lại những nét quen thuộc đối với Thược nhưng cô không dám bước vào. Cô đã đổi khác. Đã là người thành phố, một thiếu phụ ăn mặc lịch sự, người quen biết cũ ở trong hẻm cũng không nhận ra cô… Một bà lào hom hem, hốt hoảng từ căn nhà nhỏ xiêu vẹo, tối tăm đứng trước cửa nhà. Bà lão ngây ngô nhìn Thược. Thược lúng túng nói: “Bà Nhàn … u Nhàn. Con là Thược đây mà, bà không nhận ra con sao?”. Bà vẫn ngây ngô trước Thược như trước một người xa lạ. “Thằng Thạch đâu hả bả? Thằng Thạch đâu?”. Bà lão lắp bắp nhắc lại: “Ờ, ờ… Thằng Thạch đâu? Thằng Thạch đâu? Tôi phải đi tìm xem nó ở đâu, thằng bé còn dại lắm, Thạch ơi có nghe bà gọi không nào!”. Bà lão dường như quên hết chung quanh. Chỉ còn nghe tiếng gọi mơ hồ trong tâm tưởng và bà lão ù té chạy ra khỏi nhà. Chỉ còn lại mình Thược đứng trơ…

Thược lầm lũi đi ra khỏi hẻm ngoằn ngoèo, ra con đường lớn, nơi chiếc xe của công ty đang chờ. Trời đã xế chiều, trên đường lớn, người và xe đủ loại ngược xuôi, chen lấn nhau, rú còi, vượt lách. Mặt trời vàng nhòe trong khói bụi va bụi bốc lên mù mịt. Thược bơi trong đám bụi, ngập chìm trong bụi, cố vượt lên, nhoi lên phía trước … Thược cần phải dẹp bỏ nỗi niềm cay đắng trong lòng về việc để mất các con, một là cái thai con lầy nhầy máu huyết, một là thằng Thạch đã ra người… Thạch ơi, mẹ có lỗi với con, cũng như có lỗi với đứa em con, dù nó chưa ra đời, nhưng với con thì mẹ có lỗi nhiều hơn và có lỗi với bà Nhàn …

Nhưng biết làm thế nào? Mẹ phải chạy theo con đường của mẹ, giấc mơ riêng của mẹ, giấc mơ ấy dù có tối tăm nhưng mẹ phải bám chặt lấy nó, mẹ phải thi thố với đời… Thược vấp và cô dừng lại. Cô lảo đảo, mắt tối xầm nhưng rồi cô nhận ra chiếc xe con, màu sơn đen sang trọng và bóng loáng đang vẫn đỗ chờ trước mặt. Thược leo lên xe, thở dốc rồi ngồi đàng hoàng, nói thong thả với chú lái xe: “Ta đi thôi, chú. Đi về thành phố, đến thẳng chỗ giám đốc công ty để tôi báo cáo lại công việc. Nói chung, kết quả tốt lắm nhưng ta phải nhanh, quyết đoán, không được lưỡng lự, chần chừ.” Chiếc xe nổ máy êm ru, nhập vào dòng xe xuôi về thành phố và phóng nhanh trên đường.

 

BÀ CỤ VÀ CÔ BÉ CHÍCH BÔNG

Bà cụ sống một mình, chỉ có hai cô gái trẻ được coi là gần gũi. Đó chính là Cúc và Chích Bông. Cúc được ông con trai của bà cụ, một đại gia có nhiều tiền bạc và uy quyền, trên thành phố cử về trông nom bà cụ. Thực ra mối quan hệ giữa bà cụ và Cúc chỉ là mối quan hệ của người dưng, được thuê mướn nhưng lâu dần cũng có chút tình cảm. Còn mối quan hệ giữa bà cụ và Chích Bông, hoàn toàn do tự nhiên hình thành. Chích Bông là cô bé hay cô gái, gọi thế nào cũng được, sống lang thang ngoài xóm chợ. Là nơi đông vui nhất của cái thị trấn xa xưa kia vốn chỉ là xóm trại, bám vào đầu đê. Nhà bà cụ bây giờ lọt thỏm vào giữa khu phố, chỉ có một nếp nhà bình thường nhưng lại bỏ hoang vắng và khu đất vườn rộng thênh cũng bỏ hoang vắng. Bà cụ chỉ ở trong một gian buồng thuộc dãy nhà ngang, kề bên là gian bếp, với cái máng hứng nước mưa vào cái bể có mái vòm xây cuốn. Chích Bông thường vào đây quét vườn cho bà cụ. Nó chạy nhảy tung tăng, đôi khi còn la hét om sòm và nó tắm thoải mái bằng nước mưa đựng trong bể. Chích Bông làm như mình đã lớn, cứ mặc nguyên quần, cái quần đen bạc phếch và nó dội ào từng gáo nước mưa, đầu tóc nó ướt dượt, cả người cũng ướt dượt, nó nhắm mắt, vuốt đầu, chân dẫm lạch bạch và kêu toáng lên: “Ôi nước mưa mát quá, mát quá!”. Bà cụ ngồi sưởi nắng ở đầu hiên, đôi mắt hấp hay, cái miệng móm mém cười cười: “Ờ, ờ … tắm nước mưa thì phải mát chứ!”.

Bà cụ đã ngoài bẩy mươi, tuy không có bệnh tật gì nhưng già cả và chậm chạp, đầu óc lúc nhớ lúc quên, tính nết thất thường. Chỉ Chích Bông làm được việc khiến bà cụ vui thích vì những trò trẻ con do nó bày đặt ra một cách rất trẻ con, chỉ là tùy hứng, không có ý định gì rõ rệt, chỉ là vui thôi. Nó hiện ra rồi biến mất, rất bất ngờ, không hẹn trước bao giờ. Với Cúc thì lại khác. Cúc lặng lẽ và kín đáo, cô trông nom bà cụ, để mắt theo dõi bà cụ, dường như theo một chương trình đã định trước, bà cụ có ốm đau gì không? Có gì khác thường không? Có nhắc nhở gì đến ông con trai ở trên thành phố không? Thường nhớ và thường quên điều gì? Vì vậy mà Cúc thường xuyên  va chạm với bà cụ, dù chỉ là những va chạm nhỏ nhặt, không đâu. Chẳng hạn như trong gian buồng kín bưng, bà cụ để lộn tùng phèo những vò lọ, thúng mủng và các thứ đồ đạc linh tinh, nhưng Cúc đụng đến cái gì, sắp xếp lại cái gì là bà cụ la lên ời ời: “Thôi, thôi … Cháu cứ để mọi thứ nguyên như thế. Mặc bà. Sắp xếp lại chẳng nghĩa lý gì, chỉ là theo ý cháu thôi!”. Vậy thì thôi, Cúc không đụng chạm đến cái thế giới riêng của bà cụ. Bà cụ cứ việc đi quanh quẩn, lẩm nhẩm một mình rằng ngày bà cụ còn nhỏ tuổi như Chích Bông và như Cúc bây giờ, ở chỗ này chỗ khác còn hằn dấu vết của cái xóm trại, nhà cửa lưa thưa, lối mòn đứt nối, chi chit hố trũng và chuôm ao. “Tao lội bì bõm, đi kéo vó tôm, – bà cụ nói.- Cái vó tôm bé tẹo, bằng vuông vải màn, lại rách nữa, chỗ nào rách thì buộc túm lại. Sang thì có ít cám rang, gọi là thính, để nhử. Nhiều khi không có thính nhử, chỉ thả vó không vậy mà cả buổi cũng được một mớ tôm, tép vun…” Rồi chuyện mò cua, bắt ốc. Mò cua thì phải chờ lúc lớn lên hơn tí nữa, dám thò tay vào hang cua, lôi con cua ra mà không sợ nó giương càng nó cắp. Bắt ốc thích hơn. Ốc vô số kể bu quanh các cọc tre quanh bờ ao, các bụi dong trà và những đoạn cầu ao khấp khểnh. Ốc vặn, ốc đá vỏ hơi xanh, rồi ốc bươu, ốc nhồi to đùng… Nhưng chỉ có một thời. Sau này, cái thị trấn mọc lên đã chiếm cứ cả một vùng ven sông, chỉ còn lại cái cửa ngòi chạy ngoằn ngoèo sau chợ đầu thị trấn, nơi ấy còn lại dấu vết sông nước với cái vó bè có bộ gọng vó cao lênh khênh thuở xưa mà bây giờ chỉ bà cụ nhìn thấy trong tưởng tượng. Nhưng bà cụ không ngờ Chích Bông cũng nhìn thấy, dù rằng Chích Bông tưởng tượng lại theo tưởng tượng của bà cụ mà thôi … Một hôm Chích Bông từ đâu chạy về, nhấp nháy với Cúc: “Em vừa lội ra quãng cửa ngòi, quãng ấy bây giờ nông sờ, chỉ có tre nứa mục, gỗ mục và rong rêu, chẳng có một chút dấu vết gì của cái vó bè ngày xưa. Nhưng em lại mò được mớ ốc. Đây, mớ ốc…”. Chích Bông xoay người, chiềng ra cái rổ con sứt cạp, trong đó có mớ ốc vặn, lẫn ốc đá và mấy con ốc bươu lẫn với cỏ rác, nước còn nhỏ tong tỏng. Đầu Chích Bông lấm bùn và cũng ướt dượt. Bộ quần áo ngắn cũn cỡn nó mặc, dính vào da thịt, tưởng chừng nước đang bốc hơi. Bà cụ dỏng tai lên nghe ngóng. “Chúng mày đang thì thầm chuyện gì thế? Luộc ốc hả? Tao có cái xoong kia, cho ốc vào rồi bắc lên bếp đi…”. Chích Bông canh xoong ốc luộc. Cúc đi lấy gừng, giã gừng, pha nước chấm. Còn bà cụ đi tìm mấy cái gai bưởi, ăn ốc luộc phải nhể bằng gai bưởi rồi dầm con ốc vào bát nước chấm mới đúng cách. Rồi đi tìm mấy cái ghế con, xếp quanh cái mẹt… Bà cụ trở nên hứng khởi khiến Chích Bông hứng khởi theo và lôi cuốn cả Cúc vào.

Đạc là viên quản lý tự phong ở khu chợ, là khu đông đúc và hỗn tạp nhất của thị trấn. Nó gồm mấy dãy lều, quán bao quanh một bãi rộng và mấy dãy phố nhỏ, nhà cửa chen chúc, lô nhô. Khu chợ không chỉ nuôi sống gã mà còn phát hiện và đào luyện gã. Gã có cái tai là có thể cảm nhận được điều khác lạ trong lúc mọi người đều coi như không có gì khác lạ, đáng quan tâm. Ví như cảnh chợ búa ồn ào, thì xưa nay vẫn ồn ào thế nhưng nó cứ mỗi lúc càng to lên, lan rộng ra, mịt mù trời đất. Gã đang đi liêu xiêu trước các hàng quán liêu xiêu ở trong chợ, dãy hàng vải, hàng tạp hóa hoặc hàng gà vịt, hàng rau quả… thì trời đất bỗng tối xầm, gió nổi lên ào ào, cuốn cát bụi và các loại rác rưởi xoáy cuộn lên. Người trong chợ kêu la, hò hét, xô nhau chạy, rồi lại có một đám đông khác chen ngang hoặc chạy ngược chiều, họ cũng hò hét, họ dẫm đạp, xô đẩy, họ nhắm mắt chạy, lại vừa đuổi vừa chạy, náo loạn xoay tròn. Gã vừa hào hứng vừa run sợ trôi vào, bị cuốn vào cái vòng xoáy dữ dội ấy. Nghe quanh quẩn có người reo to “ A, a, a” tiếng reo phấn khích, của một ai đó, cũng có thể là một số người nào đó, vừa tách bạch vừa lẫn lộn trong đám đông phiên chợ. Rồi cái tiếng “A, a, a” ấy lịm tắt, đồng thời cơn gió thổi ào ào qua đám đông cũng lịm tắt, bãi chợ ngơ ngác trong im lặng giây lát rồi hồi tỉnh lại. Đạc cũng hồi tỉnh lại nhưng cái hình ảnh chếnh choáng như bị bùa mê thuốc lú bởi cơn gió thổi ào ào qua đám đông phiên chợ đọng lại trong tâm tưởng gã, ám ảnh gã. Gã không hoàn toàn mê lẫn, có học hành và đôi chút hiểu biết, có lăn lộn và từng trải. Hình ảnh cơn gió quái đản bốc lên giữa đám đông phiên chợ thị trấn chính là một biểu tượng của cuộc sống đang diễn ra, còn bản thân gã là người trong cuộc, đang chìm ngập, đang dính líu vào.

Đạc hăm hở đi tìm Cúc, hỏi thăm công việc của Cúc. Họ gặp nhau ở chỗ hẹn ở ngoài chợ thị trấn. Cúc nói: “Em chẳng thăm dò được gì ở bà cụ. Đúng là bà cụ có ông con trai làm lớn ở trên tỉnh nhưng chuyện ấy không liên quan gì đến bà cụ … Buồn cười, cụ chỉ vui vì một bữa ốc luộc”. Đạc nói: “Bà cụ nói không liên quan thì ta phải thắt buộc vào cho nó liên quan. Cô không làm được thì để đấy tôi làm!”. Cúc không tranh cãi với Đạc, chỉ lặng lẽ để mặc anh ta.

Đạc kiếm cớ đến nhà thăm bà cụ, nói vòng vo một hồi thì đụng nói chuyện đến con ngòi gần khu chợ, trước đây thông thoáng, thuyền nhỏ có thể đi vào. Bà cụ ậm ừ rồi nói: “Tuy nó là con ngòi nhưng trước đây cũng có bên lở, bên bồi. Chỗ đầu dốc chợ nhìn xuống là bên lở, ngày xưa có cái vó bè đậu ở đó, để kéo cá. Tôi nhớ đến cái vó bè có bộ gọng vó cao lênh khênh, – bà cụ nói, – bởi vì năm đó hai mẹ con tôi ở tổ trồng rau, thằng con tôi chơi thân với thằng cháu ông lão trông vó bè. Hai đứa chênh nhau đến dăm tuổi nhưng thằng cháu ông lão, quen sông nước, đã một lần cứu thằng con tôi, cao lớn lộc ngộc, khỏi chết đuối. Thằng con tôi sa vào cái hút xoáy, bị sặc nước, không ngoi lên được. Thằng cháu ông lão, bé thế mà khôn ngoan, chỉ bơi quanh, chờ thằng con tôi không còn vùng vẫy loạn xạ, mới giáng cho nó cái tát rồi mới luồn tay nâng đầu nó, dìu vào bờ. Ôi chao, câu chuyện nhớ đời, đến bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn run sợ. Vẫn nhớ đến ông cháu ông lão vó bè, ông lão chắc đã mất, còn thằng cháu ông lão, không biết bây giờ ở đâu? Chuyện đã xưa cũ rồi, lâu lắm rồi…” À, ra thế, lâu lắm rồi đã có một chuyện xảy ra như thế. Đạc nghe, cái đầu tinh quái của gã cựa quậy, và gã nói với bà cụ: “Bà mẹ ơi, con cũng là đứa trẻ bơi lội cùng đứa cháu ông lão vó bè ngày xưa đấy. Lúc bấy giờ con là đứa bé nhất bọn, chỉ mới tập tọc biết bơi chó thôi. Hôm nào ông con trai làm lớn của mẹ ở trên tỉnh về thăm mẹ, mẹ cứ giới thiệu con với ông ấy, con sẽ nhắc lại câu chuyện ngày xưa rồi con sẽ dẫn ông ấy đi tìm tung tích người cháu ông lão vó bè thuở nào, từng cứu ông ấy một phen thoát chết đuối. Bọn trẻ lau nhau chúng con, dù sao cũng có thời gian tuy ngắn ngủi nhưng là bạn cùng chơi nghịch, tức là cùng hội. Cùng hội thì phải có tình, phải nhận ra nhau, phải nhớ đến nhau chứ!” Câu chuyện được bịa đặt, gần như là tùy hứng, ngẫu nhiên nhưng khi được nói ra, ngay cả nét mặt, giọng nói của Đạc cũng thay đổi, chúng biểu cảm trơn tru khiến Đạc cũng không ngờ. Bà cụ tin theo lời Đạc nhưng trái với cái ước ao, mong ước của bà cụ, cuối cùng bà cụ lại kêu lên với Đạc: “Ừ, nếu chú muốn thì chú cứ thử xem. Còn tôi, tôi không dám chắc với chú điều gì. Cái ông con trai do tôi dứt ruột đẻ ra ấy, ông ta vẫn là con trai tôi, như ngày nào nhưng đồng thời ông ấy cũng là con người khác, không dính líu gì đến tôi. Ông ta chỉ quan tâm đến những điều đang diễn ra hôm nay, của riêng ông ta, với riêng ông ta thôi. Còn thì ông ta hờ hững, vô tình tuốt”… Bà cụ nén một tiếng thở dài, mặt cúi xuống rồi mở to đôi mắt, nhìn thẳng vào Đạc, nói ra một thôi dài: “Hai mẹ con tôi có xảy ra câu chuyện thế này, chuyện nhỏ thôi, kéo dài cả năm nay rồi, để tôi kể chú nghe. Ông con trai tôi muốn đưa tôi lên sống trên thành phố, trên ấy có nhà cửa, vợ con ông ấy, mọi sự đều sẵn sàng. Tôi giãy nảy lên, tao không đi đâu cả, tao tuy sống ở đây chỉ có một mình nhưng quen rồi, vả lại tao cũng có bạn bè của tao chứ! Ông con trai tôi nói: Thì con cũng biết vậy nhưng bà già rồi, sắp lên lão tám mươi rồi, tám mươi là quý lắm, con phải làm lễ mừng thọ cho bà chứ! Ông con trai tôi vẽ ra cho tôi một cái lễ mừng thọ thật to tát, không chê vào đâu được. Tôi vấn khăn, áo dài nhiễu đỏ, quần nhiễu đỏ, ngồi chính giữa phòng khách, ông con trai tôi nhấp nhổm kề bên. Tôi chỉ có việc ngồi, không cần nói gì cả, ai đến thì gật đầu chào, lui ra lại gật đầu chào. Thế thôi … Khách khứa đến chật nhà nhưng hầu hết là khách của ông con trai tôi, họ trò chuyện với nhau, ngồi bàn tiệc thì họ nâng chén mời nhau, không cần gì đến tôi (Tôi có thể lui vào phòng riêng, nằm nghỉ vì là bà cụ đã chẵn tám mươi tuổi thì phải mệt chứ!) ối chao, chỉ cần kể lại câu chuyện thì tôi đã phát chán ngán đến bã người ra rồi. Tôi không trách ông con trai tôi. Nó đã phải hặm hụi quá nửa đời người, bây giờ mới được thiên hạ xưng tụng, nó có công to việc lớn của riêng nó, phải lo toan, tính toán theo cái chức phận của riêng nó, tôi không biết và cũng không thể biết. Nhưng tôi phải có đời sống của riêng tôi, cái mong muốn và ý thích của riêng tôi chứ. Thế là tôi trở thành một bà già lẩm cẩm, ương gàn, cố tình phá bĩnh, không chịu nghe theo sự đặt để của con trai. Tôi vẫn ở một mình trong ngôi nhà cũ. Con trai tôi thỉnh thoảnh có về thăm tôi, đưa tiền và mua quà bánh cho tôi nhưng mẹ con chuyện trò đểnh đoảng, nhạt nhẽo, như là bất đắc dĩ… Nói thực tình, hai mẹ con không ai muốn thế nhưng sự đời sui nên thế. Cứ nhìn khắp thiên hạ mà xem, nó chan chan ra đấy. Biết nghĩ đến nhau thì gần gũi, thân thiết. Không còn biết nghĩ đến nhau nữa thì xa cách, lạnh lùng. Nhưng thôi, tôi chỉ biết nói đến thế thôi…”. Bà cụ bỗng dừng lại, khuôn mặt già nua của bà cụ bỗng phẳng lặng và bà cụ rì rầm “Chú Đạc ạ, chú còn trẻ, còn sống nhiều, biết đâu chú chẳng biết nhiều hơn cái bà lão đã kề miệng lỗ này. Nói quá với chú, hóa ra thừa. Tôi không nói nữa, chỉ còn biết niệm Phật. Nam mô A-di-đà Phật thôi”.

Vì sống ở khu chợ nên những trận lốc cuốn cứ bất ngờ nổi lên, làm đám đông hỗn loạn, trở thành nỗi kinh hoàng đối với Chích Bông. Nó bé nhỏ, côi cút, chỉ ra sức làm để kiếm miếng ăn. Ai thuê mượn nó việc gì, hoặc nhờ cậy nó việc gì, nếu thấy nó đứng tay không, nó cũng làm. Các ông bà hàng rau quả, các ông bà hàng gà vịt, hàng cá, các hàng thúng mủng, giần sàng và đủ các loại hàng lặt vặt khác, chuyên chạy quanh, ngồi ké. Nó dọn dẹp chỗ này, chỗ khác, thu xếp loanh quanh, nhặt nhạnh những đồ thải loại, rửa ráy những chỗ vấy bẩn… Cắm mặt xuống mà làm, mồ hôi chảy tràn trên mặt, chảy tràn trong lưng áo, có hôm mồ hôi đọng thành vũng dưới chân nó. Mặc cho người ta hò hét, la rầy, nó chỉ im lặng làm. Không biết do đâu và từ bao giờ, nó được gọi theo tên con chim, là Chích Bông nhưng ở ngoài chợ, chưa bao giờ nó được làm con chim kêu líu ríu và bay nhảy.

Một buổi chiều oi bức rồi đột nhiên trời nổi cơn giông. Cơn gió khan, mạnh mẽ, ào ạt khiến bụi đất bay mù. Chích Bông cũng chỉ là hạt bụi, là nhánh cây khô, là cái lá vàng… bị cuốn đi, xoay tròn, tơi tả. Nó chạy và bị gió thổi, ngã sấp. Nhưng không phải chỉ có một mình chích Bông. Còn có nhiều người trong chợ. Và Đạc, viên quản lý chợ. Đạc túm tóc Chích Bông, loạng choạng lôi nó đứng lên. Gã nói, trong tiếng gió giật mạnh: “Chích Bông, mày nghe tao nói đây. Mày nghe theo tao, thì đời mày rồi cũng sẽ khấm khá, chứ không khốn nạn như hiện giờ…” – Đạc gào lên nhưng gã ngừng lại giữa chừng, miệng há ra, run run co giật. – “Tao có nói thì mày cũng giữ thói ương bướng, không chịu nghe tao, tao mặc xác mày!”. Đạc nhổ toẹt một bãi nước miếng rồi lại đi vòng quanh, nhìn xăm xoi vào bãi đất trống.

Trước lúc cơn giông nổi lên, Đạc đã đi quanh bãi đất trống nhiều vòng. Gã lảm nhảm và không ngừng tìm kiếm. “Ta cứ tìm, tìm mãi thì phải thấy… Bà cụ có ông con trai bây giờ là đại gia, là ông lớn ở trên thành phố, hồi xưa ông ta còn nhỏ xíu còn phải bám gấu váy mẹ. Chú nhóc, về sau này là ông ta, ông lớn, một lần suýt chết đuối ở vũng nước cửa ngòi. Gần đó có cái vó bè của hai ông cháu, neo đậu. Thằng cháu ông lão vó bè, thạo sông nước, liền bơi đến gần thằng nhóc đang sặc nước, giáng cho nó cái tát rồi mới dìu nó vào bờ… Chuyện lâu lắm rồi và là chuyện của trẻ con. Cũng không ai biết. Nhưng mình biết vì mình ngày ấy, còn bé hơn ông ta nhiều, nhóc tỳ, bé nhất bọn, cùng bơi lội ở vũng nước cửa ngòi. Mình nhận mình là người chứng kiến, chứng kiến nên nhớ lâu, bây giờ vẫn rành rành. Hễ cứ trông thấy ai vớt được, mò được gì từ cửa ngòi nước, chỗ ngày xưa đậu cái vó bè, là mình nhớ. Nhưng mình ngậm miệng. Đợi dịp nào gặp được ông lớn, cứ đợi mãi rồi cũng có dịp chứ, mình mới mở miệng… Hà, hà, thưa ông anh, chắc ông anh còn nhớ cái lần xa xưa ông anh suýt chết đuối, riêng em thì nhớ lắm, nhưng chỉ chờ dịp này để kể lại với ông anh thôi. Để vui thôi, vui mừng, quý hóa lắm. Ông anh bây giờ lớn, khác xưa nhiều, còn em vẫn như xưa, bé xíu, chỉ mong được ông anh sai bảo, em xin cúc cung tận tụy”… Đạc uốn éo, vừa mềm nhũn, vừa có chút chớt nhả, cố tình gợi ra sự quen biết từ xa xưa, hướng về con người tưởng tượng mà gã đang cần cầu cạnh. Thì vừa lúc cơn lốc ập đến, gió nổi ào ào, cuộn xoáy lên, xô Đạc vào vùng tăm tối, suýt nữa ngã nhào. Đạc tóm được Chích Bông, chính nó cũng bị gió thổi ngã dúi. “A, Chích Bông, mày mò mẫm ở đây, có thấy cái bơi chèo… Cái bơi chèo gẫy, chỉ còn một mẩu, vừa được ai vớt lên từ chỗ cửa ngòi?” Chích Bông nói: “Cái bơi chèo nào nhỉ? Tôi không biết gì cả!” Đạc túm láy ngực áo Chích Bông, mắm môi lại, quát: “Thế thì mày cút xéo đi, cho khuất mắt tao. Để tao đi tìm cái bơi chèo…”. Đạc hục hặc, đẩy Chích Bông ra xa. Cơn gió giật vẫn giật liên hồi, mù mịt bụi ngoài bãi đất trống của ngòi.

Đã đến ngày Cúc từ biệt bà cụ, từ biệt cảnh sống heo hút nơi đây, về lại thành phố. Rồi tháng sau, đúng kỳ hạn ông chủ lại bảo thì Cúc lại xuống. Như vòng quay của cái kim đồng hồ. Đó là công việc, thế thôi. Nhưng quay đi quay lại mãi rồi cũng có chút tình cảm. Trước lúc ra bến xe, Cúc dọn dẹp loanh quanh ngồi chơi với bà cụ giây lát ở đầu hiên. Bà cụ nhón một miếng trầu ở trong bọc ra, nhai trêu trạo “…Ờ, thôi cháu đi! Mỗi tháng cháu về đây ở với bà già lẩm cẩm này dăm ba bữa, thế là đủ. Để chứng tỏ cháu làm tròn phận sự do ông chủ cháu sai bảo. Còn ông chủ cháu, tức là ông con trai của bà già lẩm cẩm này thì chứng tỏ được rằng nó có hiếu, nó không quên mẹ nó. Tôi nói thực lòng đấy, chứ chẳng giận dỗi, trách móc gì đâu. Mà có trách móc cũng chẳng được. Bây giờ nó là đại gia, là ông lớn, nó có công chuyện của nó, lo nghĩ của nó, không liên can gì đến mình. Tôi không theo nó lên thành phố đâu. Lên thành phố chán lắm. Cả đời mình là người nhà quê, hặm hụi ở nhà quê… Bây giờ vẫn là nhà quê, một mình, nhiều lúc cũng chán lắm. Nhưng quen rồi. Quen rồi thành ra cũng có cái vui…”. Bà cụ nhổ toẹt cái bã trầu, ngửa mặt lên, cười ngơ ngẩn. Cúc nắm tay bà cụ, lắc lắc. “Ừ thôi, cháu đi. Đi đi kẻo lỡ chuyến xe”.

Cúc đi rồi, bà cụ đứng ngẩn ngơ ngoài cổng, nhìn ra con đường lớn dẫn tới khu chợ của thị trấn. Giờ này con đường nửa làng nửa phố vắng người qua lại, chỉ có những cành cây gẫy và đám lá rụng, dấu vết của trận lốc xoáy mới xẩy ra, làm cả thị trấn rung rung, bụi bay mù mịt. Bây giờ trời vẫn còn ong ong nhưng đã hoe hoe nắng… Chích Bông hiện ra trước mặt bà cụ, như là nó đứng ở đó, cái mặt nghênh nghênh, từ lúc nào. “Cháu vừa gặp chị Cúc. Chị ấy đứng nói chuyện với cháu một lúc, vỗ vai cháu, vừa đi rồi. Chị ấy nói, cũng có thể chị ấy còn trở lại, cũng có thể không, đấy là quyền của ông chủ, không phải quyền của chị. Ông chủ có quyền sai bảo và hỏi chị: Mày về chuyến này thấy tình hình của bà cụ có gì đổi khác không? Có gì đáng lưu ý không? Chị nói “không” thế là đủ. Thôi, chị đi đây…”. Bà cụ kéo nó lại gần, như muốn ôm choàng lấy nó, không cho nó cựa quậy. “Nào, nào … đứng yên. Sao đầu tóc và mặt mũi mày lại lấm lem thế kia?”. Chích Bông lúc lắc cái đầu tóc ngắn ngũn, mặt ngẩn ra: “Cháu không biết. Lúc nào cháu cũng lấm. Hay là tại cái cơn lốc quẩn lúc nãy, cơn gió mạnh quá và cứ xoay tít mù. Cháu cũng bị xoay tít mù, bị ngã dúi dụi…”. Bà cụ nhìn trời đất, cây cối rồi nhìn Chích Bông. “Thôi không phải nói nữa. Đi vào trong bể nước mưa kia với bà…”. Cái bể nước mưa có cái nóc bể xây cuốn, quí hóa. Bà cụ lôi Chích Bông vào, dúi vào tay nó cái gáo. Nó kiễng chân, múc gáo nước mưa, dội ào… Đầu tóc nó ướt dượt. Cả người nó với bộ quần áo ngắn ngũn cũng ướt dượt. Ôi mát quá. Nó dội ào thêm gáo nước nữa. Rồi nó giậm chân, vung tay, lúc lắc mái đầu. Bà ơi, bà nhìn cháu đây này. Cháu vỗ cánh và cháu bay lên. Cháu là con chim Chích Bông mà. Bà cụ phì cười, theo tiếng cười khanh khách của nó: “Ừ, ừ… cháu là con chim chích bông khốn khổ của bà. Rồi cháu sẽ bay lên”…

Exit mobile version