Một ngày kia, trời sắp tối, thấy tân khoa Vũ tạo sĩ[162] (người Hà Hoàng, họ Vũ) đến chỗ tôi ngụ. Nguyên phụ thân ông ta là Hiến Phó cùng đến kinh với tôi. Vũ tạo sĩ thường lui tới với tính cách nghĩa điệt[163]. Tôi hỏi rằng: “Quý hầu đến có việc gì lúc trời tối này?” – Đáp rằng: “Quốc sư Tào quận công bị bệnh kiết lỵ, sai đến mời”. Tôi toan hỏi chuyện ông ta thì lại thấy bà vợ quan phủ Duy Tiên[164] cũ là người cố hương, và cũng là người ngoại tộc[165] của tôi đến đón tôi đi. Bà nói: “Phu nhân quốc sư thượng thư họ Nguyễn bị bệnh đã lâu, sai tôi đến mời”. Tôi cười bảo hai người rằng: “ Ngôi có tôn ti mà lễ có cấp bậc. Các quan đều là đại thần trong nước hiện nay, một lúc cùng cho vời tôi, chẳng biết phải đến nơi nào trước, nơi nào sau, xin quý hầu, quý bà xử định”. Tôi cùng hai người ấy luận bàn thì hai người ai cũng vì tình chủ nhân mà kêu nài. Tôi nói: “Không phải thế! Người thầy thuốc lấy điều hoãn cấp[166] làm trước sau. Nay thấy Tào quận công bệnh thế trầm trọng, lẽ tất nhiên là việc cấp. Phu nhân Văn quốc sư bị đau liên miên đã lâu, có cơ hoãn. Tôi xin ngày mai trước hết đến với Tào quận công, ngày hôm sau sẽ đến thăm Văn quốc sư[167]”. Tôi bảo bà vợ tri phủ rằng: “Quý bà nê n về bẩm lại như vậy, chẳng phải tôi dám lơ là biếng nhác”. Bà ta nói: “Nếu vậy thì ngày kế tiếp sẽ sai người đến đón”. Bà cáo biệt, đi khỏi. Tôi nói với ông Tạo sĩ rằng: “Dinh quan Quốc sư cách đây rất xa, ban ngày nóng bức, lúc gà gáy sáng nên dậy khởi hành”. Đêm hôm ấy tôi dặn năm tên người nhà đến đón. Vừa nói xong đã thấy năm người lính khỏe mạnh đeo quân phù đi đêm đến đợi. Tôi lên thuyền đến Trấn Vũ[168] thì noi theo bờ trái Tây Hồ mà đi, gần đến ngọ thì tới nơi. Kẻ hầu vào bẩm, rồi mời tôi vào phòng ngủ. Tôi bắt mạch, biết Quốc sư bị đau vì ăn phải đồ lạnh. Tôi mới biện chứng[169] và viết đơn thuốc. Quốc sư coi xong than rằng: “Lão sư nói lên bệnh tình thật là mảy may không sai, đơn thuốc rất thích đáng (vị quan này cũng học tập nghề thuốc)”. Nhân đây ông khen quan Điển quận có trí sáng suốt biết người, thật chẳng phụ cái công tiến cử vậy, khen tôi thông hiểu y lý, một sớm được cửu trùng biết đến, cũng chẳng phụ cái công học tập của mình. Tôi chẳng dám nhận là đúng. Ông sai con là quan Kiệu hữu[170] mời tôi vào nhà riêng hậu đãi và bằng lòng để tôi ra về. Lúc tôi xin vào chào biệt thì ông cho chước miễn. Em ruột quan Quốc sư là Bàn Quận công lại đón mời tôi hỏi thăm bệnh tình nguời ốm. Tôi nói: “Mạch không có vị khí, cái thế không còn xa nữa”. Ông nghe nói vậy thì chỉ thở dài. 


Chùa Trấn Quốc

Hãy nói khi tôi đến nơi này thì thấy ở cửa dinh mấy chiếc quan thuyền[171] buộc ở góc Tây Hồ. Tôi mới nói với Bàn Quận công rằng: “Ngày hôm nay nắng lắm, nếu theo đường bộ trở về thì rất mệt nhọc , xin cho một chiếc quan thuyền để dùng cho tiện”. Ông ra lệnh cho sáu người thủy thủ sẵn sàng chèo thuyền để tiễn hồi[172]. Tôi được lệnh ra khỏi dinh lên thuyền mà về. Một lúc sau thuyền đến giữa hồ, lướt qua mặt một hòn núi đá. Màu trời sắc nước long lanh trên mặt hồ, có đám le đàn bay nhảy nơi góc bến. Cạnh đê tại mấy nơi Ly cung, thụ sắc âm u hoặc ẩn hoặc hiện; trong vùng là một dãy lâu đài, hoa cỏ tốt tươi phô lục khoe hồng. Gác chuông chùa nọ, tiếng vang như giục mặt trời lặn; thuyền đánh cá kia, câu hát dường tiễn bóng chiều tà. Tôi ở trong thuyền, khoái ý khôn xiết kể, bỗng thấy ở đằng xa một nơi điện các[173] nguy nga, tùng bách rợp đất; chèo thuyền thẳng tới mới biết đó là chùa Trấn Quốc[174]. Tôi sai chèo vào. Tôi bước lên bờ, ngồi trên ghế đá một mình, cạnh một cổ thụ. Tôi đưa mắt coi đây đó một cách nhàn nhã, bỗng thấy thổn thức trong lòng, hai hàng giọt lệ từ từ tuôn rơi. Bọn người nhà tôi kinh ngạc hỏi duyên cớ. Tôi nói: “Thuở thiếu thời tại Kinh, tôi cùng với mấy người bạn kết làm thi xã, có ước với nhau là cứ về mùa xuân và mùa thu thì cùng đến Hồ Tây tìm thú vui. Mỗi khi đến lại chuẩn bị rượu uống và đồ nhắm, thuê ba, bốn chiếc thuyền đánh cá ra giữa hồ mà du ngoạn, tiếng sáo tiếng ca vang dội tứ phía. Đêm khuya anh em vào chùa Trấn Vũ ngủ lại, có khi năm ba ngày mới ra về. Đau lòng thay! Khách và bạn nay chẳng còn thấy ai nữa, cho nên ngày hôm nay thấy cảnh động lòng. Như về phía tây mấy gốc cây già, bên nước hồ một dải rùng trúc, trước mặt là nước hồ, sau lưng là gác chuông, tất cả còn như xưa. Nay trông thấy vật lại tưởng nhớ người; nếu ruột gan là sắt đá cũng phải mềm đi vậy”. Tôi gạt nước mắt, xuống thuyền để về nhà. Nhưng trong dạ trăm mối u sầu vương vấn, không tự cầm được, tôi mới ngâm một bài thơ để tả nỗi lòng: 

Tây hồ nhất biệt tam thập xuân 

Phục khóa khinh chu quá lãng tần 

Cách ngạn lâu đài sơn thượng lập 

Thượng phương tiếu ngữ thủy trung văn 

Ly cung thụ sắc phân tàn chiếu 

Trấn vũ chung thanh loạn xuất thần 

Phong cảnh y y tiền dạng tại 

Không ta bất kiến cựu thời nhân 

Ba mươi năm cách biệt Hồ Tây

Cưỡi sóng đè thuyền trở lại đây

Bờ nọ lâu đài trên núi dựng

Người đâu cười nói dưới hồ này

Chuông rền Trấn Vũ vang lùm cỏ

Bóng ngả Ly cung[175] hẩng sắc cây

Phong cảnh vẫn là phong cảnh cũ

Người xưa nào thấy buổi hôm nay

Khi đi đến quán Trấn Vũ thì lên bộ mà về. Sáng sớm hôm sau, thấy người của Văn Quốc sư đến mời đi. Tôi bảo người ấy đi trước, rồi bước theo sau. Tôi đến nơi kia, thấy cái dinh xưa của cha tôi và chú tôi thì tâm tình buồn bã, xuống cáng ngó trông. Hồ núi như xưa, nhưng cỏ hoa thuở trước nay đã thuộc về người khác. Tôi mới ngâm câu tứ tuyệt hoài cổ như sau:

Phú quý giai vi ảo 

Huân danh bản tự chân 

Bách niên lưu tính tự 

Duy hữu khẩu bi văn 

Phú quý đều là ảo

Công danh mới thực chân

Trăm năm lưu tính tự

Miệng thế để bia văn

Lại đi một cung đường nữa thì đến dinh quan Quốc sư. Người đi hầu vào bẩm. Người con quan Quốc sư là quan Thiêm binh bước ra nghênh tiếp, đưa tôi vào tư thất, rồi lại mời tôi vào phòng phu nhân nằm để bắt mạch. Coi bệnh xong, tôi đi ra ngoài, thăm quan Quốc sư. Tôi biện luận về gốc bệnh, trình lên ngài xét, nhất nhất đều được như ý ngài. Tôi được quà tặng rất hậu hĩ trước khi ra về. 

Một ngày kia, quan trấn An Quảng[176] đến chỗ tôi ngụ, mời tôi về làng thăm bệnh cho mẹ. Nguyên vị quan này cùng tôi có tình nghìa đậm đà với nhau. Ông có cố bệnh, chẳng thể tới Kinh, đã nhiều lần mời đón tôi. Nhân vì vợ người cháu tôi ở Kinh bị bệnh hộ sản nguy kịch, tôi phải dốc lực chữa trị, tôi đã thưa thực cả với ông, cái đó chẳng nói làm gì. Đến đây bệnh tạm bớt, tôi mới giao cho người học trò của tôi coi sóc thuốc thang, rồi báo cho tôi biết bệnh tình. Vị quan biết được như vậy thì mừng rỡ vì trông cậy được vào tôi, ông vội đến trú sở của tôi để mời tôi. Tôi nói: “Đã đành rằng đi thì đi, nhưng còn có việc khác nữa, không biết có đi được không?”. Ông ta kinh ngạc, hỏi có việc gì. Tôi đáp: “Tôi đến kinh thành đã năm tháng nay, đường về làng cũ[177] cũng chỉ mất nửa ngày thôi mà không được đi, huống chi lần này vừa đi vừa về cũng phải mất đến bốn, năm ngày!”. Ông t anói là sẽ đến dinh quan Chính Đường, nói thác là có việc gấp, khẩn khoản xin thương tình, xem có được không. Rồi ông ta cáo biệt mà ra đi. Một hồi lâu, tôi thấy ông quay trở lại, sắc mặt vui mừng, bảo với tôi rằng: “Việc xong rồi, đại quan có hứa sẽ vãng phản trong bốn ngày”. Vì thế tôi vội vã thu xếp hành trang. Tôi đã khiến người em họ đem lính bản dinh đi theo, chờ tại ngoài cửa. Tôi lại sai gia nhân và học trò giữ nhà. Tôi cáo biệt vị quan này ra đi, qua đò sông Nhị Hà. Khi đến bến sông Bát Tràng[178] thì trời tối đen, rất khó đi. Tôi thấy binh lính mệt nhọc, mới đi ngủ. Sớm hôm sau lại khởi hành, vào khoảng giờ Ngọ thì đến Nha Thôn. Tôi trông ra xa, bỗng nghĩ xứ này coi sao như quen thuộc. Tôi cho bọn hành nhân nghỉ ngơi, rồi chống gậy đi du lãm quanh bốn phía, thấy trong thôn dân có cái chòi xanh giống như xưa. Trước chòi là khoảnh đất cao, nơi đây xưa có đại quân đóng đồn. Đi qua cái núi đá cao, chỗ cái cầu nhỏ bắc qua khe thì có một con đường tiếp giáp một bên cầu m à tẽ ngang. Đó là dấu vết đổ nát của một cái lũy thuở trước. Tôi lại còn hỏi các bô lão thì đều nói như thế. Nguyên thuở xưa, giặc Bắc cuồng bạo, người bạn thân của tôi phụng mệnh đi đôn đốc việc binh, đóng quân tại đó. Đêm đến giặc kéo đến bổ vây. Giặc thì đông đảo quá mà quân ta vừa ít, vừa yếu. Nhưng giặc từ xa đến, thế chưa ổn định. Vả lại cái thế lao dật[179] đã rõ, phải đánh gấp; nếu chậm trễ thì tình hình bên nhiều bên ít phơi bày ra, quân mình ắt rối loạn mà không địch nổi. Bên ta mới chia quân noi bốn đường thừa lúc đêm tối xung kích. Hai quân hỗn chiến, đều tử thương rất nhiều. Nhớ nơi xưa đây chỉ là đồng ruộng mà nay thì chùa miếu xây cất huy hoàng. Trong làng, gà gáy chó cắn, bốn bề nông phu ca hát. Sao mà phục hồi chóng vậy! Lại nhớ xưa quê hương tôi đã trải hơn hai mươi năm binh lửa, vật tán nhân ly, thế mà ngày nay trù mật hơn xưa. Than ôi! Chỉ có một mình tôi đây là lòng phấp phỏng không vui, khôn tự cầm giữ, mới ngâm một bài thơ tả khúc nhôi rằng: 

Ức tích Hồng Châu khởi chiến qua 

Kim Đôi hỗn đấu huyết thành hà 

Đương niên bộc cốt lưu thanh chủng 

Cô lũy đồi ngồn xuất bạch sa 

Oán quỷ nãi thời văn dạ khốc 

Hành nhân kim nhật thính nông ca 

Cố hương hoàn tụ giai như thử 

Duy hữu Văn thôn bản ngã gia 

Nhớ xưa binh lửa ngất Hồng Châu[180]

Dòng nước Kim Đôi[181] máu một màu

Thuở trước xương tàn mồ đã lắm

Bây giờ lũy cũ cát vùi sâu

Đêm nghe quỷ khốc ai cùng oán

Ngày lắng nông ca chậm lại mau

Đoàn tụ cố hương như thế đó

Văn thôn nhà cũ dựng từ lâu

Ngày hôm ấy đi gấp, canh tư đến dinh quan trấn Hàm Giang[182]. Tôi ngừng ở ven bên ngoài nghỉ ngơi. Ngày hôm sau tôi vào dinh coi bệnh. Vì giao tình sâu đậm, nên khi cáo biệt (Phu nhân là vợ quan trấn Hưng Hóa). Phu nhân khước từ chẳng nhận, còn muốn giữ tôi ở lại. Tôi nói: “Chuyến đi này có hạn ngày, chẳng dám lưu lại”. Phu nhân hậu tặng tôi. Tôi từ biệt ra đi. Xảy gặp em họ quan trấn Hưng Hóa[183]. Ông này trước kia với tôi giao tình thân thiết, dắt tôi về nhà, một mực không cho ra đi. Tôi ngủ lại một đêm, cùng nhau kể lể tình xưa, đến sáng hôm sau tôi từ giã mà về kinh. Tôi bảo bọn người đi theo rằng: “Trước đây tôi phải đi gấp là sợ có lệnh triệu, ngày nay trên đường về, tôi cho phép nghỉ ngơi”. Họ được lệnh rất vui mừng, thủng thẳng mà tiến bước. Phải mất hơn hai ngày mới trở về nhà trọ. Quan An Quảng nghe biết sự việc. Tôi nói: “Tôn phu nhân mạch hòa bình, điều trị chẳng khó, quân hầu chẳng nên lo sợ điều gì”. Ông ta mừng rỡ khôn xiết, nói rằng: “Cả nhà tôi trông cậy bác. Mẹ tôi sớm được yên lành thì dẫu có ngàn vàng đền đáp cũng chưa xứng. Tôi sẽ cố gắng báo cái ơn tri ngộ[184] này”. Hai người cười nói một lúc rồi cùng nhau cáo biệt (khi này quan trấn An Quảng có việc công về kinh đã mấy tháng rồi, nay mới về trấn). 

————————-

[162] Tạo sĩ: người đỗ khoa thi võ.

[163] Nghĩa điệt: cháu nuôi đối với chú.

[164] Duy Tiên: một huyện thuộc tỉnh Hà Nam.

[165] Ngoại tộc: họ mẹ.

[166] Hoãn cấp: thư thả và vội vã.

[167] Văn Quốc Sư: Thời loạn Kiêu Binh có Quốc sư Nguyễn Hoãn. Ông quán làng Lan Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Đỗ tiến sĩ khoa Quý Hợi (1743); làm Thái phó, tước Viên quận công. Ông có trông coi việc làm quốc sử.

[168] Trấn Vũ: Tên đền thờ đức thánh Huyền Vũ, ở phía bắc thành Thăng Long và trông ra Tây Hồ.

[169] Biện chứng: biện luận và phân tích chứng bệnh.

[170] Kiệu hữu: quân Kiệu thuộc cánh hũu. Kiệu và Nhương là tên hai cơ binh trong hàng ngũ Kiêu binh, tức là quân Tam phủ.

[171] Quan thuyền: thuyền thuộc công quyền.

[172] Tiễn hồi: đưa trở về.

[173] Điện các: đền thờ thánh có nhà lầu.

[174] Chùa Trấn Quốc: nguyên chùa tên gọi Trấn Bắc, thuộc phường Yên Phụ, huyện Vĩnh Thuận, được dựng lên từ đời Trần. Đến đời Hậu Lê, niên hiệu Vĩnh Tộ (1628) đời Lê Thần Tông, chùa được tu sửa lại, đổi tên là Trấn Quốc. Năm 1639, chúa Trịnh Tráng trùng tu lại chùa và đổi tên lại là Trấn Bắc.

[175] Ly cung: tên một cái cung của của nhà vua.

[176] An Quảng: vùng đất Quảng Yên, thuộc miền trung du Bắc Phần.

[177] Làng cũ: làng Liêu Xá, tỉnh Hải Dương, quê cũ cùa Lãn Ông.

[178] Bát Tràng: tên làng thuộc tỉnh Bắc Ninh, gần Hà Nội.

[179] Lao dật: mệt mỏi và nhàn hạ. Ý nói đem quân nhàn hạ đánh quân mệt mỏi, theo câu chữ Hán thường nói là dĩ dật đãi lao.

[180] Hồng Châu: tên đất thuộc tỉnh Hài Dương.

[181] Kim Đôi: địa danh.

[182] Hàm Giang: tên trấn thuộc tỉnh Hải Dương, quê quận công Đinh Văn Tả và cháu xa đời của ông là Đinh Nhạ Hành.

[183] Hưng Hóa: một khu vực thuộc tỉnh Phú Thọ, ở hữu ngạn Đà Giang. Năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu tục gọi Sử Nhu, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, đánh Pháp ở đồn Hưng Hóa, tức là nơi đây.

[184] Tri ngộ: biết mình mà hậu đãi mình.

– Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Thượng kinh ký sự –