Gặp vài bận và nhõn có một chuyến đi Sơn La với cụ Nguyễn Tuân nhưng công nhận làng viết nước Nam mình gần đây cứ như thiêu thiếu đi sinh khí ấm áp xôm tụ của cái thời dung chứa những dạng đấng, bực cỡ cụ Nguyễn? Đã đành cái tài bầu nên danh lẫn uy nhưng có lẽ chả phải ai đó có tí tài đều phát lộ uy cùng danh?

Nhà thơ Tuân Nguyễn

Từng thân cận người nhà cụ Nguyễn, gần gặn lâu năm với ông con giai cụ, nhạc sĩ kiêm quan chức ngành giao thông Nguyễn Xuân Đào và những người khác có cả ái nữ cụ, Nguyễn Thị Giang nay là chủ nhân của hai Bảo tàng tư nhân, một của cha mình Nguyễn Tuân và chồng mình, Nguyễn Tư Nghiêm.  Những sự gần gặn ấy, thú thực cũng có cái ý, biết đâu sẽ phát lộ vài chi tiết kém tắm để dẹp bớt đi những tấm áo khoác sặc sỡ của huyền thoại quanh nhà văn Nguyễn Tuân? Bởi chả có ai vĩ đại trong con mắt của người hầu phòng… Nhưng khốn thay, càng tìm càng nghe với càng gẫm, càng bồi tụ ló dạng thêm một Nguyễn Tuân cứ lững lững, cộm cán?

Đơn giản, tên của cụ chẳng hạn?

Cái tên nhà văn Nguyễn Tuân không biết có ám chút gì vào chàng trai trẻ Nguyễn Tuân quê Phú Yên khi tập kết ra  Bắc? Mà Nguyễn Tuân của Tuy Hòa Phú Yên  dẫu trẻ nhưng đâu phải vô danh tiểu tốt? Nguyễn Tuân lớn lên trong cái nôi âm nhạc là đại gia đình bên ngoại. Ông ngoại Nguyễn Tuân vốn là thầy dạy nhạc trong cung đình Huế. Nguyễn Tuân có mấy ông cậu ruột đều là những tay đờn ca nhạc cổ tiếng tăm…  Ngay từ bé, Tuân đã tự tạo ra những chiếc sáo bằng tre lồ ô, tấu lên nhiều ca khúc làm mê mẩn bao người.

Năm 16 tuổi, Tuân ra Quảng Ngãi học được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây cùng các nhạc cụ hiện đại. Năm sau (1948) Nguyễn Tuân đã có sáng tác đầu tay Chiều trên cầu Bồng Sơn khá nổi tiếng. Nhưng sau này,  Tây Nguyên mới là mảnh đất cho Nguyễn Tuân bay bổng.  Một Nguyễn Tuân đóng khố cởi trần, cái tẩu thuốc luôn lệch một bên mép, đeo gùi, chân đất, cà răng- căng tai. Một Nguyễn Tuân tài săn bắn, nói thạo tiếng Ê đê, M’Nông, Gia rai, Bana…  mê cuồng dân ca dân vũ Tây Nguyên. Một nhạc sĩ Nguyễn Tuân cuối những năm bốn mươi thế kỷ trước đã là người sưu tầm hàng ngàn bài dân ca, điệu múa dân gian, từng viết hàng trăm ca khúc tiếng dân tộc.

Ấy thế mà đặt chân đến đất Bắc, đã từng biết lại nghe thêm những này khác về danh tiếng nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Nguyễn Tuân nổi tiếng ấy đã lẳng lặng cải cái tên khai sinh và lấy nhạc danh mới. Cứ như một thứ tình cờ, một chuyện vui vậy! Nhạc sĩ Nguyễn Tuân khổ người thấp đậm, ông nói mình như… Nhật lùn, Nhật lai nên lấy cái tên Nhật Lai. Sau này có nhiều ý kiến cho rằng, nghệ danh nhạc danh Nhật Lai ấy Nguyễn Tuân có từ hồi trụ bám ở mảnh đất Tây Nguyên chứ không phải sau khi tập kết ra Bắc?

Cái vốn Tây Nguyên của Nguyễn Tuân tiếp tục sinh lời. Những giai điệu da diết rộn ràng như có lửa trong các nhạc phẩm, ca khúc khi ấy của Nhật Lai  Suối đàn T’rưng, Chim Pông Kơle, Gửi Việt Bắc, Về buôn xưa, Xê Băng Hiêng hành khúc ca, Giữ lấy màu xanh, Tiếng hát M’Nông Tibri,. Mặt trời Ê đê, Tôi gặp mẹ tôi…

Có người nói rằng, phải là dân là người trong nghề trong giới nghiên cứu mới cảm, mới thấy hết giá trị và tài năng những đóng góp của Nhật Lai trong lao động nhọc nhằn dùng âm nhạc Tây Nguyên làm phương tiện để tiếp cận với âm nhạc hiện đại. Tài năng Nhật Lai phát lộ trong chất dân gian cùng với sáng tạo bác học trong hàng loạt ca kịch, ca cảnh, nhạc múa  A ma Trang Lơn, Hơ bia, Bài hát Nữ thần mặt trời… Đỉnh cao của Nhật Lai về địa hạt Opera Bên bờ Krôngpa viết năm 1968 đã bầu lên một Ắ hậu một Nhật Lai sau Hoa hậu Đỗ Nhuận trong lĩnh vực nhạc kịch.

Biên ra như thế để cũng có cái ý phải nên công bằng lẫn vinh danh một nhạc sĩ tài danh từng có tên là Nguyễn Tuân này. Bởi trước nay cứ nhắc đến Nhật Lai là người ta vụt nhớ và nhắc ngay, và cứ như Nhật Lai chỉ sáng danh mỗi một ca khúc thôi thì phải?  Những giai điệu lẫn ca từ mượt mà da diết bầu lên ca khúc Hà Tây quê lụa . Đã ám vào một thời và hậu thế những dập dìu Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc. Hà Tây cửa ngõ Thủ đô áo giáp chở che ngàn năm bền vững ngăn bầy quạ Mỹ vẩn đục bầu trời…

Nhớ thêm sự kiện hy hữu xảy ra mùa đông năm 1970 với trận tập kích Trại giam giặc lái Mỹ ở Sơn Tây. Trận tập kích Sơn Tây thất bại nhưng liền ngay đó  cũng bặt vắng luôn Hà Tây quê lụa mở đầu cho chương trình của Đài phát thanh Hà Tây. Bặt luôn cả ca khúc này vẫn thường phát trên đài. Cái lý đơn giản của thời ấy, cửa ngõ thủ đô mà sơ sểnh như thế thì nguy! Phải nhiều năm sau Hà Tây… mới được trở lại cho đến bây giờ. Bặt đi địa danh Hà Tây của Xứ Đoài nhưng mãi còn ca khúc của Nhật Lai?

Nhà thơ Tuân Nguyễn

Nhạc sĩ Nhật Lai

Sông Hồng bỗng xanh màu Đa Nuýp /Nhạc bồng bềnh trôi tới các vì sao /Trời lung linh khẽ chao mình theo nhịp /Những con người nước lạ phải lòng nhau

Những câu thơ găm vào trí nhớ một thời của nhiều nam thanh nữ tú ấy là của Tuân Nguyễn.

Những năm xa ghé nhà thi sĩ Phùng Quán ở Hồ Tây thấy trên bàn thờ có bát nhang thờ hai người mà ông bà luôn thắp hương nói là thiêng lắm. Anh hùng LS Võ Thị Sáu trong trường ca nổi tiếng Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo của Phùng Quán. Người thứ hai có khuôn mặt khôi ngô, đeo kính cận dày cộp. Phùng Quán cho biết là người bạn đồng hương, đồng đội, tri âm, tri kỉ.

Người đó là Tuân Nguyễn.

Sau này có nhiều sách viết về nhà thơ Tuân Nguyễn trong đó có dẫn câu của nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo  Tuân Nguyễn sinh ra ở đời là để đóng cái vai trò này: Khi có ai đó muốn kêu lên ‘Trời ơi sao mà tôi khổ thế?’, thì nhìn vào Tuân Nguyễn sẽ thấy mình chưa phải là người khổ!

Nguyễn Tuân quê ở Thừa Thiên. Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, biết cả chữ Hán, lại có năng khiếu văn chương.  Chàng trai Nguyễn Tuân lên chiến khu gia nhập Vệ Quốc đoàn  chiến đấu ở Trung đoàn 101 với Phùng Quán, rồi Trung Lào trong những năm 1950, 1951, 1953, những năm ác liệt nhất. Rồi trở thành sinh viên Đại học sư phạm. Kính cẩn trước cái tên nhà văn Nguyễn Tuân, chàng trai Nguyễn Tuân cải tên thành Tuân Nguyễn.  Tuân Nguyễn đọc sách trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Mê Đotoievsky, nghiện Đốt. Viết  trường ca, viết nhiều phóng sự về nông thôn, viết được hai chương gần 100 trang tiểu thuyết Người mơ mộng. Một thời nhiều người làm quen với Chó Bim lông trắng tai đen của Tuân Nguyễn dịch.


Tuân Nguyễn về làm phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam. Ngày 21/10/1964, 31 tuổi, tài năng đương độ chín. Đùng cái, Tuân Nguyễn bị bắt ngay tại cơ quan Đài. Tại sao Tuân Nguyễn bị bắt? Câu hỏi ấy gần nửa thế kỷ nay từng làm bối rối nhiều người? Hóa ra lại đâm đơn giản như những lời bộc bạch của Phùng Quán đại loại, trí thức là những người có đầu óc suy nghĩ độc lập, luôn có tư duy phản biện đối với những ấu trĩ, non nớt phi nhân văn này khác. Họ không nói được trong cuộc họp thì nói trong cuộc rượu, hoặc ghi những suy tư của mình vào nhật ký. Ai bị phát hiện ra những lời nói mang tư tưởng “ngược” ấy đều bị quy vào tội “xét lại”, “chống đối”, “phản động” và bị bắt tù mà không cần xử án.

Vẫn chuyện Phùng Quán. Tuân Nguyễn trong đợt học tập nghị quyết 9, cậu ta xin bảo lưu ý kiến, bị cơ quan đưa ra kiểm điểm vì những luận điệu ủng hộ chủ nghĩa xét lại Liên Xô, cậu ta làm thơ ca ngợi Khrushchev… Vào thời gian ấy, những chuyện như thế là chuyện chết người cả”.

Phóng viên Tuân Nguyễn có một phóng sự về một công trường thuỷ lợi tại Nông trường Quốc doanh Rạng Đông, Nam Định, tố cáo bọn có chức có quyền trong các phòng ban thông đồng với ban chỉ huy công trường nghiệm thu khống khối lượng đào đắp để ăn chặn tiền nhà nước. Bài viết bị trưởng phòng cho là “không có lập trường”, nói xấu cán bộ thuỷ lợi, bôi nhọ xã hội chủ nghĩa.

Chuyện của nhà văn Đoàn Minh Tuấn “Những sinh hoạt hàng ngày trong gian khó, Tuân Nguyễn đều ghi vào nhật ký, kể cả lên giá một cốc siro một hào thành một hào mốt, cùng với những suy nghĩ về thời cuộc. Tuân Nguyễn bị người cùng Phòng  mang nộp cuốn nhật ký  cho tổ chức. Cuốn nhật ký của Tuân Nguyễn ghi cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, những chuyện riêng tư và một số nhận định của mình về thời cuộc của đất nước…
Sau khi bị bắt, Tuân Nguyễn lần lượt qua các trại cải tạo ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). May Tuân Nguyễn được lấy làm thống kê đi khắp các đội sản xuất để ghi số liệu, thời gian rỗi thì miệt mài học tiếng Nga, tiếng Hán, làm thơ…

Sau 4 năm cải tạo, Tuân Nguyễn được hướng dẫn làm bản tự kiểm để được tha. Khốn thay, để viết kiểm điểm, Tuân Nguyễn lại viết lá đơn tố cáo ban giám thị ăn hối lộ, đút lót… Thế là Tuân Nguyễn bị chuyển qua trại Bá Thước  làm công việc khai thác gỗ rất nặng nhọc thêm gần 6 năm nữa. Khi được tha, anh khoác ba lô về, loanh quanh mấy tháng trời không biết đi đâu, về đâu, làm gì. Buồn chán, lại khoác ba lô quay trở về trại Cẩm Thuỷ rồi lại về Hà Nội sống nương tựa vào bạn bè… Anh đi đánh véc-ni, đi đổ thùng nhà cầu ở ga Hàng Cỏ kiếm sống.

Chuyện có một người con gái tự nguyện đến với Tuân Nguyễn cuối năm 1974 có nhiều chi tiết cộm cán của một cuốn tiểu thuyết. Đó là cô Phương Thúy con gái ông Nguyễn Đức Phiên, tức Hoài Chân, một trong hai tác giả Thi nhân Việt Nam lừng danh. Chị Thuý làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Phương Thúy về ở với Tuân Nguyễn trong gian buồng 6 mét vuông gần Ga Hàng Cỏ mà nhà thơ Phùng Quán tả trong lễ cưới Có nơi nào trên trái đất này /Mật độ nhà thơ như ở đây? /Ba thước vuông sáu nhà thơ ngồi /Ba phải đứng vì không đủ chỗ…

Sau năm 1975, họ dạt vào lô K, cứ xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh. May nhờ bạn bè giúp, Tuân Nguyễn được đi dạy học ở Trường Nghiệp vụ Bộ Văn hoá ở Thủ Đức.  Trong bản khai lý lịch để được đi dạy, thời gian 9 năm 7 tháng đi tù, Tuân Nguyễn được hướng dẫn khai là “nghỉ chữa bệnh”.

Nhưng tai họa cùng số phận chẳng buông tha… Ngày 25/4/1983, trên đường đi lấy báo về cho vợ bán, Tuân Nguyễn đã bị một chiếc xe đang lùi tông phải. Tuân Nguyễn bị chấn thương sọ não. Lúc hấp hối đã thều tháo: “Đừng bắt tội người lái xe… Tôi là người có lỗi”

… Có lẽ đành khất bạn đọc vào một dịp khác cái đoạn vợ Tuân Nguyễn, bà Phương Thúy hiện đang sống trong Trung tâm dưỡng lão Phật Tích Bắc Ninh như thê nào. Và nữa, bà Phương Thúy từng tác giả  bài thơ Cô gái sông La mà nhạc sĩ Doàn Nho phổ nhạc…

Trời mô xanh bằng trời Can Lộc…

Và nữa, cũng lâu lâu  làm cái việc để ý tìm hiểu qua những người thân của cụ Nguyễn lần nhiều nhạc sĩ trong đó có ông thổ công lẫn ma xó Nguyễn Thụy Kha. Nhưng tôi chưa thấy ai nhắc đến một cuộc gặp gỡ nào đó của nhà văn Nguyễn Tuân với nhạc sĩ Nguyễn Tuân tức Nhật Lai cùng nhà thơ Nguyễn Tuân tức Tuân Nguyễn lúc sinh thời?

Nguồn Văn nghệ

Exit mobile version