Có 2 cuốn sách thuộc dòng khảo cứu – tư liệu đáng chú ý vừa ra mắt nửa cuối năm 2016: Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại và Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ hồ Gươm.
Cuốn sách Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại |
Cuốn sách Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại – công trình lịch sử – dân tộc học – xã hội học của Lương Đức Thiệp, được Công ty sách Tao Đàn thực hiện bản tái bản sau hơn 70 năm do NXB Tri Thức ấn hành.
Tác giả nghiên cứu khởi từ nhận thức về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam khi ở cạnh nước Trung Hoa mà không bị “tan chìm trong khối dân tộc Hán”.
Sách làm rõ những đặc tính cốt yếu của dân tộc, khái quát sự hình thành xã hội Việt Nam “từ sơ thủy”, cung cấp cái nhìn tham chiếu về những đặc tính của cộng đồng bao gồm giới bình dân, giới trí thức, mô hình tổ chức xã hội.
Trong khi đó, Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ hồ Gươm (NXB Trẻ) là bút ký trích từ những sổ tay ghi chép của nhà báo Phan Quang trong những năm 1949 – 1955.
Đây là tư liệu gốc từ những va chạm trực tiếp của một nhà báo trong kháng chiến chống Pháp: mối quan hệ giữa tác giả với văn nghệ sĩ, nhà báo đồng nghiệp và cả lãnh đạo cao cấp.
Những ghi chép về các vụ án, hành trình chiến dịch, đặc biệt là cuộc cải cách ruộng đất mà tác giả chứng kiến thật cần thiết để người đọc hôm nay hiểu rõ về một thời đã qua của cách mạng Việt Nam.
Lam Điền – TTO