Chuyên mục NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐỜI tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu HAI NGƯỜI LÍNH BÁO VỤ của tác giả Trần Nguyên Phúc
Tác giả Trần Nguyên Phúc
Sinh năm 1950
Quê quán: Bạch Đằng, Tiên Lãng, Hải Phòng
Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hải Phòng
Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng
Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
CHÂN SÓNG MIỀN MƯA, tập thơ, NXB Hải Phòng,2000
CỬA ĐẠI BÀNG, tập thơ, NXB Hải Phòng,2007
MÂY LỮ HÀNH, tập thơ, NXB Hội Nhà văn,2016
TÌM CON CÁ LỘI, tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2021
Có thơ trong các tuyển tập NGHÌN NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI, NƯỚC NON MỘT DẢI, BIỂN GỌI…và nhiều tác phẩm in trên các báo tạp chí TW và địa phương
Bộ đội nghỉ hưu
HAI NGƯỜI LÍNH BÁO VỤ
Truyện ký: Trần Nguyên Phúc
–
…Tiểu đoàn Thành Tô chúng tôi hầu hết là dân Hải Phòng. Đơn vị được điều động bổ sung cho chiến trường khu V. Chúng tôi đến Quảng Ngãi sau chiến thắng Ba Gia- Vạn Tường. Qua 4 tháng hành quân bộ xuyên dọc Trường Sơn, chúng tôi đến vị trí tập kết suối Cầu Giây (Tây Tư Nghĩa). Ở đây chúng tôi chuẩn bị vật chất, củng cố lực lượng, đồng thời khẩn trương chuẩn bị địa hình cho chiến dịch xuân Mậu Thân sắp mở. Qua bao tháng ngày vất vả mưa lũ, chúng tôi lần lượt thay nhau “đổ”. Những cơn sốt rừng dai dẳng vật ngã bao chàng trai lần đầu qua Trường Sơn ấy.
Vào một buổi sáng, bộ phận chuẩn bị chiến trường về đến thổ([1]) mía đầu thôn An Tráng thì bị trực thăng đổ quân chụp xuống đội hình chúng tôi. Bầy quái vật bằng kim loại biết bay này được tô vẽ rất Mỹ: Đầu bờm sư tử, hàm răng nhe ra trắng toát, mắt trợn tròng, vây và đuôi cá mập đỏ choét… Chúng bay làm nhiều tốp, nhiều độ cao khác nhau, ước có đến gần trăm chiếc, thành một tuyến dọc sông Trà. Không gian bỗng chốc náo loạn. Tốp chụp quân xuống đội hình chúng tôi là tốp thứ 5, tức là chúng tôi đã bị chặn đầu khóa đuôi, giữa thổ mía. Đội hình hôm ấy chúng tôi gồm nhiều đơn vị, nhưng là đại biểu đi thực địa nên không đông và như vậy dễ dàng bị chúng xé nhỏ. Chỉ một loáng sau, tôi đã bị lạc giữa rừng mía lút đầu. Không biết tâm trạng tôi lúc ấy thế nào, chỉ nhớ là tôi vấp ngã liên tục. Một viên đạn tiểu liên AR15 từ trên máy bay đã găm vào đùi tôi, xé toạc ống quần kali Tô Châu, máu tứa ra ướt đẫm. Tôi choáng váng, có một cái gì đấy ức nghẹn lên cổ! “Quân chó đẻ! Quân ăn cướp!”. Tôi nguyền rủa lũ giặc trời.
Tôi tuông trong bãi mía được một đoạn nữa thì vấp ngã dúi dụi. Đầu tôi đập lên báng súng AK, nẩy đom đóm mắt. “Quyết không để địch bắt!” ý nghĩ ấy tiếp cho tôi một sức mạnh đến ngạo mạn. Tôi đã mang cả trang bị của mình chạy thục mạng trong bãi mía, bất chấp vòng lượn của lũ trực thăng đang xiết lại.
Nhưng rồi sự gắng gượng cũng tới giới hạn của nó. Tôi ngã chúi xuống. Toàn thân run lên. Mồ hôi túa ra như tắm. Máu cứ rỉ ra theo ống chân xuống bàn chân, nhớp nhúa. Vết thương không kịp băng đã tháo đi của tôi nhiều máu quá! Tôi bỗng thấy rùng mình ớn lạnh nơi xương sống. Đầu óc tôi bắt đầu hoang mang.
“Sập… oành! Sập… oành! Sập… oành!”. Một tràng rốc – két chát chúa xé không khí. Chiếc máy bay trực thăng “cá-lẹp” mỏng như con kỳ nhông, xiết một đường đạn căng chói mắt. Rồi “choác, choác, choác !…”. “Tróc, ầm ! Tróc, ầm!”… đạn tiểu liên AR15 và cối cá nhân M79. Nghĩa là bộ binh Mỹ đang lùng sục, săn đuổi phía sau tôi. Quyết liệt và lặng lẽ, tôi bò lên phía trước. Bãi mía xanh um là thế, bây giờ tan tác không còn che khuất nổi bóng người!
Tôi trút bỏ hết ba lô, tư trang trong bãi mía, chỉ còn giữ lại khẩu súng, mặc dù nó rất vướng. Tôi nghiến răng, bò tới. Có tiếng nước réo! Ôi! Sông Trà! Con sông vô tội bỗng trở nên tàn nhẫn đối với tôi. Một thứ hàng rào vô hình đã chặn bước chân tôi lại! Lao ra sông là giơ đầu cho chúng nó bắn. Ngược theo bờ sông lên ư? Bờ sông toàn cát trắng! Xuôi ư? Cũng cát trắng rợn người! Đạn bộ binh Mỹ loạn xạ xé không khí. Tôi đang trong tâm trạng rối bời ấy, thì đột ngột một túp lều nhỏ hiện ra, giữa lùm mía rậm!
– Nhà! Tôi buột miệng kêu lên như thế. Hy vọng lóe lên!
Người đàn bà luống tuổi, mái tóc hoa râm búi ngược, vẻ mặt linh lợi, vừa ló đầu khỏi cửa, chợt nhận ra tôi lăm lăm khẩu súng AK. Bà rú lên, lùi lại.
“Người mình!”. Tôi thoáng nghĩ và yên tâm, gượng chống khẩu AK đứng dậy. Khi định thần, người đàn bà thều thào:
– Mô Phật! Chú mần răng thế ni?
Người ngợm tôi lúc ấy có lẽ trông khốn khổ lắm. Rét run lên. Quần áo tua tuộc, lấm như vùi, máu bết vào, đỏ lòm. Không biết người đàn bà lúc ấy nghĩ gì, bà quay đi, cánh tay áo sẽ chùi nước mắt, khiến tôi chạnh lòng. Bằng một động tác thật lẹ ([2]) đầy sức thuyết phục, bà khoát tay xốc nách tôi, dìu tới:
– Vô đây! Vô đây! Lẹ lên em! Mỹ nó đạp tới bây chừ!
Bất giác tôi ứa nước mắt, người đàn bà xa lạ này đã gọi tôi bằng “em” như mẹ tôi vì cưng chiều con vẫn âu yếm gọi thế!
Nhưng rồi tôi nghi ngại nhìn bà, nhìn ngôi nhà. Vào đây ư? Đúng ra, đây chỉ là cái lều trống hoác, có mấy tấm tranh che tuềnh toàng lên chiếc hầm kèo đơn độc giữa thổ mía! Không ổn! Chúng nó tới thì không có đường mà chạy; mà chúng đang sục sạo phía sau mình. Tình huống xấu nhất “mạng đổi mạng” thì sẽ giết oan bà ta mất!
Thế là tôi đánh liều hỏi đường lên núi, theo phương án hai:
– Thưa bà còn có con đường nào rút lên Nghĩa Lâm nữa không?
Bà tròn mắt kinh ngạc:
– Ướ trời! Cái Hòn Tròn thế ri([3]), hắn đui mô? Đi mô qua mắt hắn được.
Rồi quay vào trong hầm, bà gọi:
– Huyền! Coi lại chỗ ghè gạo cho má, con!
Và đi về phía tôi, bà nói như ra lệnh: “Thôi vô đi! Không Mỹ tới thì chết cả bây chừ! Chưn cẳng rứa, còn đòi chạy răng được!
Một thoáng do dự. Tôi ngước nhìn. Bầy trực thăng không ngớt phành phạch trên đầu. Có mấy chiếc “Cần cẩu bay” H34 lạch bạch cẩu những khối bê tông đến, chúng lắp ráp lô- cốt. Hai chiếc L19 è è rền rĩ như khoan vào óc, nghiêng nghé chỉ điểm cho một tốp phản lục F4 đang lồng lộn ném bom vào trong làng. Tre nổ lốp bốp. Tro than đầy trời. “Có lẽ nó đụng lực lượng du kích”- Tôi thoáng nghĩ. Đạn bộ binh rộ lên “loác choác, loác choác” trong thổ mía. Bỗng có một cái gì đấy rất lạnh trong khoảng khắc xối lên đầu tôi. Tôi sởn gai ốc. Lẫn trong mớ tạp âm hỗn độn ấy, tiếng “Xì sồ” mỗi lúc một rõ. Mỹ tới!
Thực ra lúc ấy tôi vẫn đủ sức để vùng ra khỏi vòng tay bà mẹ mà chạy; nhưng tâm trạng lo âu của người lính mới thiếu từng trải, đã làm tôi khuỵu xuống. “Chạy đâu bây giờ ?”- Tôi lo ngại. Thôi hẵng tạm vào đây, ít ra thì cái hầm này cũng là chiếc áo giáp, tốt hơn là phơi mình giữa bãi mía. Đến nước cùng thì hai quả lựu đạn chày và ba băng đạn AK này cũng đủ để đổi mạng với chúng nó!”. Ý nghĩ liều mạng này diễn ra rất nhanh trong đầu tôi.
Tôi nghiêng người, ôm súng lách vào cửa hầm. Phía cuối hầm, nơi có ngách chữ chi thông ra cửa sau, bà mẹ vần cái ghè([4]) gạo sang một bên, đoạn nhấc 4 hòn gạch xi măng kê đáy ghè ra, để lộ một miếng ván vuông được ngụy trang bằng lớp cát tự nhiên, mỏng. Tinh ý mới nhận ra cái nắp hầm chìm (sau này tôi mới biết, hầm chìm là một phương thức phổ biến của đồng bào miền Nam). Bà dỡ nắp hầm cho tôi chui xuống:
– Đừng sợ nghen em! Có gì cứ mặc qua([5]) trên này!
Một luồng ánh sáng mờ hắt xuống. Có một tấm ván hẹp kê trong góc hầm, trên có chiếc chiếu ni lon gấp gọn. Căn hầm có lẽ thường xuyên có người ở, vì ít hôi hám; dấu hiệu này làm tôi yên tâm. Bà mẹ cúi đầu đưa xuống cho tôi một bi đông nước và một lọ dầu “con sóc”.
– Thoa vào màng tai cho khỏi trúng lạnh! Bà nhắc tôi.
Tôi chỉ kịp nhận biết có thế rồi tất cả tối như bưng. Mệt lắm nhưng tôi không dám nằm. Nằm là ngủ thiếp đi mất. Chui dưới này chắc gì đã yên thân? Mở khóa an toàn, tôi đặt súng nằm lên ván. Sờ thắt lưng kiểm tra hai quả lựu đạn. “Chúng mày mà dỡ được nắp hầm thì tao cũng lia được một băng!”. Nghĩ thế nhưng dù sao vẫn phải dỏng tai nghe. Chao! Những phút giây nặng nề tưởng như nằm dưới mồ! Dù người đàn bà kia tỏ ra rất khôn khéo, song như vậy vẫn chưa đủ làm tôi yên tâm. Cứ nghĩ đến chuyện người ta nằm hầm cả năm mà phục! Sự yên ắng để tôi suy nghĩ ấy cũng chẳng được bao lâu. Tiếng chó sửa nhặng lên, gắt mấu, cái tiếng ồm và rè của thứ chó Tây. Rồi “rình rịch… độp! độp! độp!”… Những âm thanh mờ đục rung qua vách hầm. Và bây giờ là tiếng “lồ xồ” man rợ, tiếng một thằng Mỹ nói tiếng Việt đã sõi:
– Có Việt cọng ở đây không? Thưa bà. Nó chỉ nói được “cọng”.
– Mô có! Tiếng bà đáp lại.
– Bà nên biết điều, những con bẹc giê này không để bà yên thân đâu!
– Các ông không tin thì vô mà tìm! Bà nói như quát.
– Cứng cổ hả? Đợi đấy!
Thằng Mỹ nổi khùng. Tiếng suỵt chó. Con chó hắt hơi rồi ho lên sù sụ. Tiếng thằng Mỹ lầu bầu, loảng xoảng… bộp bộp… roạt roạt! Chúng nó đập phá. Bỗng “choang” một tiếng, âm thanh khô khốc dộng lên đầu tôi, kế đến là “xòa… xòa… xòa”…
Em bé khóc thét lên: “Má ơi má! ổng đập cái ghè gạo rồi!”.
Tiếng bà mẹ la lên rần rần:
– Trời phật quỷ thần ơi! Các ông làm ăn bất nhơn thế ni mà coi được à? Hạt gạo nuốt vô miệng mà đạp xuống đất! Trời ơi là trời!…
Tiếng kêu xé ruột, thảng thốt đến chói óc (Sau này tôi mới rõ, chính cái lớp gạo tung tóe và tiếng kêu thất thanh ấy đã chặn chúng lại, ngụy trang cho cái nắp hầm khỏi bị phát hiện. Một điều đặc biệt là cái ống thông hơi nhỏ của hầm chìm được dẫn thẳng tới chân một cây cột nhà bằng tre gai đã được đục rỗng bên trong. Và để chống chó đánh hơi, bà mẹ đã rắc một lớp ớt bột dày trước khi xoa cát và vần ghè gạo lên. Điều rất lạ là tôi không bị sặc. Có lẽ vì cái nắp hầm rất khít và tôi đã xoa dầu).
– Mẹ kiếp! Con mụ này già mồm dữ hè! Coi chừng cái đầu! Giọng thằng Mỹ xỏ xiên và khê lạnh.
Khi tiếng động khô khốc dộng lên đầu tôi, tôi bắt đầu run thật sự! Thôi! Chắc chuyến này thì nó tóm cổ mình mất, nó đông thế kia mà? Hình như nó quây kín cả cái nhà (?) ý nghĩ liều thân không biết biến mất từ lúc nào. Tôi bỗng rùng mình nghĩ đến ngọn roi điện, bầy chó béc-giê và cái “trung tâm chiêu hồi” quái gở mà tôi đã bò dưới hàng rào để quan sát nó đêm qua.
Không khám xét được gì, địch rậm rịch kéo đi.
– Xéo cả rồi! Bà mẹ buông thõng một câu.
Im lặng. Như cánh buồm đứt hết dây lèo, cơn buồn ngủ sụp xuống mí mắt tôi. Trong cơn mê mệt, tôi thấy con chó béc-giê nhảy sổ tới, lũ lính đỏ như gà chọi đang thét đuổi “vi-xi”([6]). Tôi co cẳng đạp, tấm dù hoa trên mình rơi tuột xuống đất.
Tôi đã ở lại trong căn hầm ấy suốt trận càn. Mặc dù những ngày sau đó chúng không sục vào căn nhà này nữa. Song chúng vẫn chốt giữ cái thổ mía có con đường thọc vào thị xã Quảng Ngãi. Mỗi sớm, bà mẹ đưa theo xuống hầm cho tôi cái ăng -gô cơm và bi đông nước. Đêm đến, bà dỡ hầm cho tôi lên. Bà rửa vết thương cho tôi bằng nước muối và băng lại, rất lẹ. Tôi ngạc nhiên thấy bà làm không kém gì y tá của chúng tôi.
Sau tôi mới biết, căn hầm ấy bà vẫn nuôi thương binh và bà vẫn thường rửa vết thương cho anh em. Cả làng này là một trạm trung chuyển thương binh lên căn cứ. Chồng bà đi hoạt động cách mạng đã gần ba chục năm nay. Căn hầm được đào từ sau ngày miền Nam đồng khởi, để giấu ông và đồng chí từ căn cứ về bắt liên lạc hoạt động. Vì đào dưới tầng đất ba gian, ở nơi khô ráo lại có người coi sóc nên vẫn chưa sập.
Gia đình bà đông con. Anh con lớn hiện là bí thư chi bộ thôn. Bốn người con trai tiếp theo đã đi lực lượng giải phóng, hai anh đã hy sinh. Bà còn người con trai đang công tác tại miền Bắc; hai người con gái là Chín Thủy đã đi bộ đội giải phóng, theo các anh Quân khu bộ lên núi cách đây 6 tháng và Mười Huyền này. Mặc dù đã 9-10 tuổi, nhưng có lẽ được mẹ cưng nên cứ bi -bô “Anh có gặp chị Thủy em hôn (không)? Chị ấy đi giải phóng trên núi xanh ấy. Chị tệ lắm ri, hẹn Tết về mà trông hoài hổng thấy!”.
Tôi an ủi bé:
– Anh chưa gặp chị Thủy bao giờ. Nhưng chắc rồi thế nào cũng gặp. Anh sẽ bảo Thủy về cho em!
*
Thủy đứng dậy với chiếc khăn quàng trong túi xách tay treo trên cây cột sau võng. Ở núi cao lạnh sớm, đỉnh Hòn Tầu về mùa hạ vẫn có mây mù.
Đoạn lại tiếp tục ngồi xuống chỗ cũ, em hỏi:
– Thế khi ấy anh Phú có tin là sẽ gặp em không?
– Không có cơ sở duy tâm nào cả, nhưng anh nghĩ mình còn nhiều duyên nợ với gia đình này, thế nào cũng quay trở lại và chắc chắn sẽ gặp cô gái. Nhưng gặp ở giữa chiến trường Quảng Nam- Đà Nẵng này thì quả là anh không ngờ. Hôm gặp em ở ranh Cây Cốc trong phiên việc năm ngoái, anh cứ bán tín, bán nghi mãi. Anh mà là nhà văn thì anh phải viết cái chuyện này mới được!
Thít lại chiếc khăn quàng màu lam vào cổ, Thủy khẽ sít sa:
– Anh kể thế mà em nghe đã nín thở rồi. Giá không có chiến tranh, hẳn anh đã vào Đại học Văn rồi nhỉ?
– Không! Viết văn là một việc cao cả nhưng cực nhọc lắm. Hết chiến tranh thì anh sẽ về đi cày. Anh muốn được góp phần trực tiếp thay đổi bộ mặt quê hương sau chiến tranh. Khi đất nước tiến lên, sẽ cày bằng máy. Còn bao nhiêu vùng đất hoang chưa khai phá kia mà. Biết đâu, một ngày nào đó anh trở lại Sông Trà. Lúc ấy, có thể Thủy đã xây dựng với anh kỹ sư vô tuyến nào đấy, “mắn ra khi đã tay bồng tay mang” ra đón anh. Kể thế thật thì hay đáo để!
Thủy cười rũ, giơ ngón tay trỏ về phía tôi, làm bộ răn đe:
– Thôi đi ông ơi! Đang còn chiến tranh đây nè!
– Biết thế – tôi cự lại – ai bảo chiến tranh thì ngừng lại? Đánh Mỹ gần hai mươi năm rồi mà không có người kế tiếp thì đánh thắng làm sao được!
– Thì cứ cho là như rứa! Nhưng em đang sốt ruột muốn nghe đoạn cuối của câu chuyện ấy cơ! Khi nào anh ở nhà má em đi?
– Thủy cũng có vẻ cay cú nhỉ! Ừ thì kể…
*
– “Em biết đấy, má rất chiều anh”- Tôi đã nói tiếng “má” với Thủy thật tự nhiên. Chính tôi cũng không hay biết là mình đã chuyển cách xưng hô khi gọi bà ấy- Bé Huyền cũng rất mến tôi. Vế thương của tôi vẫn còn đang loét. Nhưng tôi rất muốn đi tìm đơn vị. Xa đồng đội có khác nào nghé lạc đàn. Tôi khẩn khoản đòi đi. Má bảo hễ có lực lượng trên bám xuống là má sẽ gửi đi theo, chứ liều lĩnh đi một mình là má không chịu- “Việc của em có người thay rồi. Em về cũng chỉ đi dưỡng bịnh thôi”- Má đã nói thế không cãi vào đâu được. Chiều chiều, má đi gặp du kích để nắm tin, nhưng chưa có lực lượng xuống. Sang ngày thứ 10, địch rút. Vết thương của tôi đã khô miệng. Có đoàn quân y của tỉnh đội xuống lấy thương binh, má gửi tôi theo đoàn. Bấy giờ tôi mới biết tin trong trận càn ấy, đơn vị tôi còn bị thương hai người nữa. Một đồng chí trúng đạn rốc két hy sinh thì của đơn vị khác. Đại đội 1 súng 12ly7 phối hợp du kích Nghĩa Thắng bắn rụng 5 máy bay UH1A, trong đó có thằng thiếu tá Mỹ chỉ huy cuộc càn bị gẫy cổ ngay trên máy bay. Địch rút sau buổi chiều thằng Mỹ chết.
Chia tay má, tôi thành thật xin lỗi má về phút dao động ấy, má ôn tồn bảo tôi:
– Em đừng ngại. Ngày qua([7]) mới đi đấu tranh cũng như em khi rồi. Lần đầu tiên sáp vô kẻ thù, lại hung ác như thằng Mỹ, ai chẳng một lần do dự. Nhưng hiểu rõ bản chất của nó và biết mình chết cho ai; khi xung quanh còn hàng vạn quần chúng sẵn sàng sáp vô thì mình sẽ đứng vững và xông lên được! Thôi kìa… anh em tới rồi đó. Đi mạnh giỏi nghen em! Lần sau có xuống, ghé vô nhà. Có gặp con Thủy, nói qua mạnh.
Bà xiết chặt tay tôi như tác phong người lính. Bàn tay chai sần và ấm nóng tiếp lửa cho tôi đi tới.
*
“Thôi giải lao đã anh! Hàng tiếng đồng hồ rồi còn gì. Để em chế thêm nước sôi. Anh uống nước đi cho ấm bụng”.
Thùy rót thêm nước vào ăng- gô và chắt ra cho tôi một chén nước trà đặc sánh. Ở chiến trường, cách uống trà cũng “dã chiến”: Trà hãm trong ăng -gô và uống bằng bát (chén) sắt! Tôi khẽ vặn mình, vươn vai thở sâu mấy cái. Câu chuyện vòng vo cũng làm cho tôi thấy mỏi mệt. Tôi đốt một điếu thuốc Salem – chiến lợi phẩm mà anh em bộ binh vừa cho lúc chiều. Mắt đăm đăm nhìn ra khoảng không trước lán. Dưới kia, con sông Thu Bồn đang gầm réo. Tôi chợt nhận ra rằng: Có một Thu Bồn tằm tơ êm đềm thì cũng có một Thu Bồn ghềnh thác dữ dằn, mặt nước đầy vơi còn đáy sông thì không ai nhìn thấy được!
Đợi cho tôi đốt tàn điếu thuốc, Thủy bảo tôi trở lại câu chuyện cũ:
– Anh Phú nhớ dai thiệt đó! Em mà rứa là mụ mị rồi!
– Thôi thôi! Đừng “mẹ hát con khen” làm gì. Sốt rét đã gậm nhấm trí nhớ rất nhiều. Nhưng kỷ niệm sinh tử đã trở thành máu thịt thì làm sao quên được! – Tôi đáp.
Dường như sự thay đổi công tác của tôi có gây ra cho Thủy thắc mắc:
– Theo em hiểu, trước khi cầm ma-níp, anh có thời gian dài làm pháo thủ. Vậy mà anh mới kể đoạn Mậu Thân thôi. Em muốn biết sau đó anh có gặp má em nữa không? Nghe hồi trong năm nó càn dữ lắm…
*
… Quả thật Thủy nói đúng. Trước khi vào nghề báo vụ, tôi đã có hơn 4 năm làm lính cối 82. Bây giờ tôi không còn nhớ được từng trận đánh. Là người lính, mấy ai từng đếm trận. Công việc tẻ nhạt ấy chỉ dành cho trợ lý của cơ quan tác chiến. Khác với chủ lực, bộ đội địa phương chúng tôi hoạt động suốt năm để giữ thế chiến trường. Những năm tháng lăn lộn dọc sông Trà, Đại đội cối 82 của chúng tôi đã dặt chân lên hầu khắp Quảng Ngãi; có mặt suốt các chiến dịch: Mậu Thân 1968, Đông Xuân 1968-1969, Hè Thu 1969 chống “bình định đặc biệt”, “bình định cấp tốc”; rồi “Mỹ nết”, “Ngụy nết”…
Đại đội tôi đã nhiều lần được phân công về đóng quân ngay trong xóm bãi có bà mẹ đã nuôi giấu tôi năm xưa. Má lên xin với đại đội cho khẩu đội tôi về ở nhà mình. Căn nhà vẫn ở trên khuôn đất cũ nhưng được cất lại to hơn. Bé Huyền cũng không bi bô như trước nữa. Em khôn lên nhiều:
“Anh hứa với em đi, anh dạy chúng em bài hát, bài mô cũng được. Kỷ niệm sinh nhật Bác, chúng em thi văn nghệ ở xã”.
Tôi chỉ lõm bõm về nhạc, dạy em bài “Mơ gặp Bác Hồ” vậy mà em thích lắm, tíu tít khoe: “Má ơi, em có bài hát mới đây nè!”.
Tôi vẫn chưa biết thêm tin tức gì của Thủy, nên má có ý đợi. Có lúc vui má bảo: “Tao có con Thủy đó, đứa nào thương thì tao gả, chẳng kể Nam- Bắc”. Má cứ nói xa gần thế, mà có lúc tôi cũng thấy nao nao. Rồi lại tự mình sỉ vả: “Rõ là ba ba ấp bóng, nào đã biết người ta mập, ốm([8]) thế nào!”.
Vào những buổi chiều, tình hình còn êm, chúng tôi lại xuống Sông Trà bắt cá bống. Đặt ống trúm hoặc giăng lưỡi câu chùm. Cá bống Sông Trà đặc biệt nhiều và to, kho kỹ với tương và mật thì thôi rồi, ăn quên chết! Có những đêm đi pháo kích về, dựng pháo giữa bãi cát, cứ ngồi thế mà ngắm trăng cho tới hừng đông. Bóng trăng đẹp nhất là rơi vào lưỡi bờ xe ([9]), bị cái bánh xe thông minh ấy cán ra vô số mảnh châu ngọc. Cuộc đời tưởng thế êm xuôi, nào ngờ tôi lại suýt chết một lần nữa…
*
… Khoảng mùa hè năm 1971, địch cố sống chết bình định Tây Tư Nghĩa một lần nữa. Chúng đưa pháo lên Núi Bé và tăng cường thám báo, biệt kích cho Hà- Thành (quận lị Sơn – Hà). Sân bay Hà Thành được mở rộng phạm vi và cường độ hoạt động. Xem thế thì đủ biết chúng “thực thi” ý đồ chiến thuật “trên đe dưới búa”. Núi Bé sẽ là búa. Còn Hà Thành – cái chuồng “cọp rằn” đồ sộ(10) này làm đe. Chúng sẽ không “đập” mà “ép”. Kể làm sao xiết nỗi đau thương của đồng bào mình những ngày này! Chắc em không quên đợt bom B52 của Mỹ vắt ngang từ Nghĩa – Thắng sang Sơn – Lộc, chết 49 người cùng một lúc? Máy bay dọn đường, xe tăng chà, kéo theo máy ủi, nó quyết cày tróc lóc quê mình.
Ba thứ quân của ta hiệp đồng chặn chúng nó lại. Giành giật với địch từng bờ đất, từng chòm nhà. Khẩu đội tôi đã nằm hầm và ăn gạo rang trừ bữa với du kích Nghĩa – Thuận cả tháng. Trong một trận đi phối hợp với đại đội 4 của Tiểu đoàn 83 bộ binh, khẩu đội tôi đã bị một loạt bom của chiếc máy bay khu trục Sít- cai- rây- đơ hất ngã. Tôi bị đất vùi đi, ngất xỉu. Cũng may, tôi ngã trong tư thế phủ phục, nên mặt mũi không bị xây xước, và chỉ bị tức thở nhẹ thôi. Khi tỉnh dậy, một cảnh tượng đau lòng hiện ra trước mắt tôi. Khẩu cối bị lật nghiêng, kính ngắm văng đi mất. Ba pháo thủ phụ ở trong hầm ếch cũng đang lổm ngổm bới đất bò ra. Khẩu đội trưởng và pháo thủ số 1 bị hất lên bờ công sự, cả hai đều tắt thở. Đồng chí pháo thủ số 1 bị một mảnh bom lớn lia đứt 2 đùi; còn khẩu đội trưởng bị một hòn đá bằng cỡ gáo dừa đập trúng đầu, cái mũ cối vỡ roác. Bốn anh em tôi lúc ấy, sống dở, chết dở xúm lại moi khẩu pháo và dựng nó dậy. Còn hơn 50 quả đạn trong hầm mà không còn kính ngắm. Lũ bộ binh Trung đoàn 4 Ngụy bám đít xe tăng, lợi dụng pháo ta ngừng, đang lóp ngóp lội qua nhánh sông Cùng tràn tới. Tình thế bức bách. Tôi thoáng nghĩ: “Mình đi trước, lại nhiều tuổi hơn anh em, vậy phải gánh lấy phần nặng nhất”. Tôi mím môi nâng bổng nòng pháo lên ngang mặt, dộng xuống. Cố gắng đứng cho thật thẳng. Vận dụng tư thế bắn ứng dụng không kính ngắm. Hai bàn tay ôm ngang gờ nòng, mũi bàn chân mở ra. Hai tay từ từ đưa nòng pháo ra trước mặt. Lấy một góc chuẩn. Góc chuẩn của tôi là 77 độ. Tôi bảo anh em: “Các cậu tập trung đạn lại đây, giã cho nó đích đáng. Bao giờ tớ bỏng tay thì thay nhé!”.
Loạt đạn ấy chúng tôi đã kịp thời chi viện cho bộ binh đánh lui đợt tấn công thứ 5 trong ngày của địch. Chúng cụm lại bên kia sông Cùng, đợi viện binh, bỏ lại hàng loạt cái thây sấp ngửa trên bãi cát. Trên trời địch tăng cường máy bay hoạt động. Khẩu đội 2 cũng vừa kịp thời đến thay thế khẩu đội tôi rút về củng cố. Tôi không ngờ mình đã bắn liên tục hết số đạn cối đó mà không cần người thay và quá trình bắn chỉ đổi chỗ 4 lần. Loạt đạn bắn ứng dụng ấy có hiệu lực đến nỗi anh em bộ binh sướng quá, hét lên rầm rầm: “Hoan hô cối! Hoan hô cối!”.
Tôi đã vác cái nòng cối nóng bỏng ấy chạy theo giao thông hào về đại
đội. Nắng miền Trung nóng như thiêu như đốt, mồ hôi túa ra. Dựng được
cái nòng vào hầm đại đội, tôi lao ra bờ sông, chỗ ấy có vụng nước xoáy vào
tận chân tre. Hơi nóng dồn lên mặt hầng hậc. Tôi bỗng thấy choáng váng.
Đau xối lên mỏ ác. Tôi lấy tay ôm ngực gập người xuống. Khó thở quá.
“Có lẽ mình chạy gấp đấy thôi!” – Tôi nghĩ. Rồi bật ho lên mấy cái. Nong nóng nơi cổ họng, ậc… ậc… máu thốc ra. Một cảm giác ớn lạnh khi nhìn
thấy máu mình trào ra từ miệng. Tôi loạng choạng. Cũng may có nhành tre
già ngáng lại, suýt nữa thì quăng xuống nước.
– Cậu làm sao thế? Quang nuôi quân vừa kịp quăng đôi thùng gánh
nước, hớt hải chạy lại bế thốc tôi vào hầm.
– Không… không sao… mình chóng mặt… đấy… cho mình ra cửa !…
Hình như tôi đã đi ra ngoài tầng khí quyển, nó lửng lơ chới với một cách lạ
lùng lắm.
Không biết ai đã báo cho bà má. Bà lật đật chạy đến tìm Ban chỉ huy
Đại đội, đòi gặp tôi:
– Chú ấy đâu? Chú ấy đâu? Liệu có sao không?
Khi ấy tôi đã tỉnh hẳn, tôi nói vọng ra:
– Không sao đâu má ơi! Chiều con về chặt mía cho má đấy!
– Cha cái thằng ói cơm còn nói dóc. Đâu? Bị ở đâu? Có đau lắm không con?
Bà kéo cái bọc võng xuống, ngó rất lâu vào mặt tôi. Có lẽ đây là lần đầu tiên bà gọi tôi là “con” thật cảm động như vậy!
*
“Chẳng nói thì em cũng đã rõ, tôi bước vào đời báo vụ sau cái lần bị
sức ép bom ấy” – Lúc này địch đã cày ủi được một phần Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm và gần hết xã Nghĩa Thuận. “Tát dân” mấy xã này lập khu dồn Gò Su, dưới chân Núi Bé. Bằng “chiến thuật cuốn chiếu”, gặm dần, địch đã
lấn của ta một số đất đã giải phóng. Lực lượng ta tạm thời rút sang bên kia
sông Trà Khúc, tiếp tục củng cố; chuẩn bị đập vào đầu não của địch. Bao
giờ chúng ta cũng chủ động tấn công, cả những khi tạm thời khó khăn thất
bại. Chắc em sốt ruột về mẹ phải không em? Tất nhiên bà mẹ không thể
sống “hợp pháp với chúng nó được. Lũ ác ôn của cái xã này, thoát chết
trong kỳ giải phóng, bây giờ lại bò về Núi Bé, nó dòm mặt chỉ tên những
người “liên can cộng sản”. Bà phải lánh theo du kích. Bà vất vả nhiều, vừa
coi sóc thương binh vừa cơm nước giúp anh em. Đêm đêm, bà lại cùng anh
em trinh sát vô khu dồn làm công tác “phụ vận” và móc nối cơ sở. Bà mất
thêm một người con trai vào thời kỳ này. Anh ấy đi theo tiểu đoàn 406 đặc
công của Quân khu đánh vào Hà Thành. Bé Huyền được gửi sang Sơn Tịnh
cho một người bác ruột. Hôm tôi ra đi có gặp bà trên trạm đón tiếp của
Tỉnh Đội. Bà về dự Đại hội Phụ nữ tỉnh. Tóc bà bạc thêm và mắt xuống
quầng. Duy có miệng cười vẫn tươi lắm và giọng nói vẫn rành rẽ như xưa.
Tôi không biết lấy gì an ủi bà. Rốt cuộc thì ngược lại, bà bảo tôi:
– Sông có khúc quanh, tạm thời quặn lại để chảy xiết hơn ra biển. Cách
mạng cũng vậy thôi, ý đồ tới lớn lắm, em ạ!
“Phải rồi, bà cũng là một chiến sĩ, chiến sĩ lớp cha anh dày dạn của
chúng mình. Tôi làm sao vỗ về nổi cây thông già đầy sương nắng ấy!” – Tôi tự nhủ.
*
Dọc đường ra Quảng Nam, tôi cứ thắc mắc mãi: – Tại sao cấp trên lại
điều tôi đi lúc này? Tôi nhớ nụ cười hiền hậu của chính trị viên hôm tôi lên
đề nghị xin ở lại: “Gắn bó với chiến trường là tốt, nhưng muốn thắng Mỹ
thì phải chiến đấu lâu dài. Bây giờ Đảng giao cho nhiệm vụ và thử thách
đồng chí trên một trận tuyến mới: Trận tuyến thầm lặng không tiếng súng!
Đồng chí đã làm tốt trong cương vị pháo thủ thì nay càng phải làm tốt trong
cương vị mới này”. Tôi nhớ đồng đội sống chết có nhau. Tôi nhớ căn hầm
bà mẹ đã giấu tôi năm ấy. Tôi nhớ gương mặt của bà, tuy đã luống tuổi,
dấu vết thời gian đã đi qua một thời nhan sắc, vẫn còn giữ lại những nét
tươi tắn, phúc hậu. Ai có thể ngờ rằng người mẹ ấy đã hơn 30 năm tần tảo,
gan góc nuôi chồng, nuôi con và hoạt động. Tôi thầm cảm ơn bà mẹ, đồng
chí, đồng bào đã che chở, dìu đỡ tôi vượt qua gian khổ ác liệt để trưởng thành. Bất gỉác tôi nhớ phút chia tay bà lần cuối ở hội trường trạm đón tiếp của Tỉnh Đội:
“Nam- Bắc chi em, các em đã sống chết với đất này thì
cũng là con của miền Nam rồi!”.
*
– Đêm nay Thuỷ để anh quay ra-gô-nô cho em làm việc nhé. Tay quay
của anh cũng không đến nỗi tồi đâu. Đài trưởng mà hạ cấp xuống làm quay
viên, bảo đảm quá đi chứ, phải không đồng chí nữ đài trưởng?
– Anh thì lúc nào cũng khôi hài được!
Thuỷ cười và nguýt tôi một cái rõ dài. Có lẽ mươi năm sau vẫn chưa tan độ dài cái nguýt thân tình kỳ lạ ấy!
Đêm ấy, chúng tôi mắc võng bên nhau trong căn hầm tổ đài của Thuỷ.
Câu chuyện đã gợi lại cho 2 đứa những kỷ niệm cũ. Thỉnh thoảng tiếng pháo
cầm canh của địch từ Đức Dục lại ì ầm vọng về. Còn ngày mai nữa, tổ đài của
chúng tôi mới vào vị trí tập kết và chỉ lên máy làm việc khi bộ binh bắt đầu nổ
súng. Chúng tôi liên lạc với đài canh của Sư đoàn vào các đầu giờ.
Làm việc xong, Thuỷ chong đèn làm một vuông khăn nhỏ. Em bảo tôi:
“Rứa là anh Phú cũng là người nhà em rồi. Anh còn được má cưng hơn cả em, em ghen đấy! Má cũng tộianh nhỉ. Bề ngoài bả([1]) bỗ bã thế mà hay tủi lắm. Có lúc em nghĩ dại: Rủi có làm sao thì cực cho má quá trời, mất
mát 3-4 đứa con rồi còn gì! Xong chiến dịch này em xin phép thủ trưởng
cho về thăm má. Gần 6 năm rồi xa quê, nhớ quá chừng! Anh Phú có đi với em về trỏng([2]) được không?
– Chắc chắn là anh sẽ về – tôi nói – nhưng để khi khác. Em biết đấy,
thông tin là mạch máu của chiến dịch. Ở dưới trung đoàn, các anh còn thiếu
người. Chưa ai thay anh mà đi được.
Khuya lắm, hai anh em vẫn không sao chợp mắt. Thuỷ bảo tôi:
– Có lẽ anh Phú cũng không ngủ được nhỉ, để em đi kiếm chút gì anh
em ăn khuya nhé. Anh cũng nên ôn lại cái “lệ” cũ một xý (tí) chứ?
Thuỷ bắc cái ăng-gô lên bếp, chất lửa. Củi dự trữ đã hong khô, bắt lửa
rất nhanh. Thuỷ đi dỡ cái gùi hàng, lấy ra một gói cà phê bột, thứ cà phê đã
nghiền kỹ của Mỹ. Miền Nam cũng có cà phê rất ngon, nhưng chất độc Mỹ
đã “Mỹ hoá” cà phê rồi! Em mở gói, xúc bột vào cái ly lớn, thêm vào đấy
chút sữa bột và chế nước. Dùng thìa quấy cho tan rồi đậy nắp ly lại. Em lấy
kẹo và không quên bóc mời tôi gói thuốc “Ru bi – Queen” mới cứng.
Tôi hỏi:
“Con gái mà cũng tích trữ những thứ này ư Thuỷ?”.
Thuỷ cười, vẻ bí ẩn:
– Anh ngạc nhiên à? Tiểu đoàn em là tiểu đoàn vận tải, chuyên móc
hàng, chuyển hàng phía trước cho Cục Hậu cần. Ngoài các mặt hàng thiết yếu
như gạo, đạn, thuốc men ra, chúng em còn mua cả những thứ hàng cao cấp và
hàng “quốc cấm” nữa. Nói chung thì đều là “quốc cấm” đối với địch cả.
Tôi buột miệng:
– Chiến tranh cũng có nhiều điều kỳ thú nhỉ. Ăn hàng Mỹ, đánh Mỹ! Thế là hậu cần của ta lại ở phía trước đấy!
Thuỷ cười dẫn chuyện:
– Em giao nhiệm vụ cho anh là phải giải quyết gọn cái ly này. Thuốc lá
thì nên hạn chế. Còn em thì chỉ nghiền([3]) cái món đặc sản của quê em này
thôi!
Thuỷ chỉ vào gói kẹo gương([4]). Em gỡ cho tôi một lát và dành cho
mình một lát, đưa vô miệng nhai rất ngon lành. Có một nét nào đó hao hao
giống bé Huyền. Tôi nhấm nháp hương cà phê. Lấy một chút nước đặc sánh
quết lên điếu thuốc lá, đợi cho điếu thuốc thấm đều và se khô mới quẹt lửa
hút, chậm rãi nhả từng vòng khói tròn; ngả người lên võng một cách khoan
khoái. Thấy vậy, Thủy khẽ lắc đầu:
– Chịu cánh con trai các anh đấy! Có thế mà cũng say sưa được!
Quả thật, cô gái không nghiện thuốc nên không thông cảm hết cái thú
kỳ cục này! Thành thực mà nói, dân báo vụ chúng tôi thức đêm nhiều nên
sinh cái tật rất khoái những thứ này. Chỉ vì cái tệ ấy mà mỗi lần địch càn
ráp gắt mấu, chúng tôi lại phải hút lá rau-tàu-bay hoặc lá rau-ranh khô.
Tôi cứ ngồi như vậy theo cái tư thế nửa nằm nửa ngồi, lặng lẽ xem
Thuỷ thoăn thoắt đưa kim. Thuỷ chỉ ăn chừng 3-4 lát kẹo gương rồi đùn
khéo cho tôi:
“Anh “chi viện” cho em với, em ít ăn được ngọt, thế là đã([5])
lắm rồi”.
Bây giờ tôi mới có dịp ngắm kỹ Thủy hơn. Thủy có đôi môi tươi tắn và
hàm răng nhỏ đều trắng bóng. Đôi lông mày cong dướn lên như hai cánh
én, xanh như một nét vẽ; trên đôi mắt to, loáng ướt. Khuôn mặt trái xoan,
nền nã với bím tóc dày tết buông trước ngực. Giữa chiếc cằm nhỏ, xinh xắn
có một vệt lõm chia chiếc cằm ấy làm đôi, tạo cho gương mặt một nét thật
riêng. Bộ đồ bà ba đen rất hợp với làn da trắng. Có lẽ dấu vết chiến tranh duy
nhất trên người cô gái này là màu da hơi xanh vì sốt rét. Bàn tay Thuỷ có
một nét nghề nghiệp khá đặc biệt, những ngón tay thon nhỏ mà đầu ngón
tay thì có vẻ hơi bẹt. Ấy là trong nghề với nhau, nhìn soi mói mới thấy
được, chứ nhìn thoáng qua thì nó cũng bình thường như những bàn tay khác.
Sở dĩ tôi chú ý đến chi tiết này là vì dân báo vụ chúng tôi rất quý bàn tay
ma-níp. Điều mà chúng tôi sợ nhất là bàn tay ấy bị tàn tật hoặc cố tật!
Biết có người để ý đến mình, em vờ cúi xuống vuông khăn, khẽ liếm
môi (không biết sao thế?). Nhưng khốn nỗi, muốn giấu khuôn mặt đi mà
cúi xuống thì cổ áo trễ nải. Và nhịp tim rộn ràng lại như phô ra một khuôn
ngực căng đầy. Thuỷ luống cuống, đỏ bừng khuôn mặt, em giục:
“Anh ngả lưng đi cho đỡ mệt. Em ráng làm cho xong cái khăn này để
kỉ niệm anh. Mai mốt anh đi có cái mà dùng. Các anh cơ động luôn, mồ hôi vuốt mặt!
Bận trước anh đi, em cứ trông hoài. Không biết có gặp lại anh
nữa không? Chim trời, cá nước. Thấy B52 đánh bên Quế Sơn dữ quá, tụi
em lại “tham-mưu-con”: “Chắc là trung đoàn đang ở đấy, trung đoàn chủ
công của Quân khu mà!”.
“Cái đêm anh đi rồi, em trằn trọc không sao ngủ được. Nghe cách nói
xác đáng, đích thị khác thường của anh, em cứ mường tượng rằng, con người này với gia đình mình có một mối liên quan mệnh hệ lắm. Có lẽ tâm
trạng con gái lâu không biết tin nhà nó thế thôi. Nhưng mà có một cái gì đấy cứ làm em bồn chồn, lo lo không nói ra được. Ôi! Bom đạn thế…”
Tôi lặng người đi. Lần đầu tiên trong đời, có một người con gái nói cho
tôi nghe về nỗi nhớ của họ đối với mình một cách kì cục thế! Vậy mà bấy
lâu nay tôi cứ tưởng rằng, chỉ có mình tôi nhớ mong hão huyền đấy thôi.
Thật không có gì hợp lý hơn lúc này là cứ nhắm mắt vào ngủ đi, thế là ổn
cả. Đêm đã quá khuya. Cả hai cùng im lặng. Lửa reo, trời tối đen làm cho
ngọn lửa càng thêm ấm sáng, lồ lộ một người con gái Trường Sơn phả mùi
hương rừng là lạ. Bất giác, tôi quàng tay sang em, bàn tay tôi chạm vào một
vầng ấm nóng. Cảm giác đê mê lạ lùng tràn ngập người tôi. Trời ơi! Tim
tôi đập như muốn vỡ! Thủy giật thột, khẽ co người lại, nằm vặn vỏ đỗ trên
cánh võng, nén tiếng thở dài. Em nói ú ớ như mê ngủ:
– Anh ơi! Chiến tranh… có con thì… cực lắm! Em khẽ gạt tay tôi ra.
Nhưng khi hơi thở đã quá gần, lý trí khó thắng nổi bản năng sinh tồn. Em
từ từ thả lỏng người chờ đợi… Lửa tắt. Chỉ còn than hồng âm ỉ trong đêm…
*
Hừng đông. Tôi lại cuốn võng hành quân. Thuỷ đã lên máy rồi. Em gỡ
cáp ra và dặn với theo:
– Anh Phú nhớ gửi thư cho tụi em đó nghen!
Tạm biệt Thuỷ, tổ đài chúng tôi nhằm hướng đồng bằng đi xuống. Phía ấy
là Đà Nẵng, thành phố cửa biển, nằm trên bờ sông Hàn thơ mộng. Tôi bỗng
nhớ quê tôi. Cũng thành phố cửa biển như thế, nhưng được mệnh danh là
thành phố Hoa Phượng Đỏ, xa quê mấy năm rồi, nhớ quá! Dọc hành lang,
chốc chốc lại thấy những cụm nhà tăng, bộ đội cười nói râm ran, có mấy hội
tú-lơ-khơ “tiến lên” là có vẻ cay cú nhất. Mùa chiến dịch đã bắt đầu.
*
Những ngày sau đó, chiến sự ác liệt diễn ra. Trung đoàn tôi liên tục cơ động; hết Quảng Nam, Quảng Đà, miền Tây, miền Đông. Đài của tôi đi
theo mũi tiền phương của trung đoàn. Công việc túi bụi, từ tương-cà-mắm-
muối đến những mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ tổng đều qua vô tuyến. Đêm nào
cũng thức. Tổ đài có 4 anh em thì vừa phải trực máy, đào hầm, lại phải
tham gia gác với anh em cảnh vệ. Tổ đài còn phải rút người ra đi cõng gạo
mới có ăn. Rồi đi cáng thương, tải đạn. Phía trước cần thì dốc ra hết. “Trăm
thứ bà rằn”, cái lúc mệt quá lại văng ra cái câu vô tội vạ ấy. Chẳng còn
thời gian đâu mà nghĩ đến Thuỷ nữa.
Bỗng một hôm, cậu truyền đạt có cái răng khểnh của trung đoàn, quần ống cao ống thấp chạy tới, toét miệng cười vừa nghịch vừa duyên, gọi tôi:
– Anh Phú có thư! Thư của “em phương xa” nhé!
Tôi buông xẻng, chùi hai tay vào vạt cỏ bờ công sự, gỡ nhẹ bức thư ra đọc. Thực ra, nó chỉ là tờ giấy gấp tư, đựng trong cái bì nhỏ hơn túi áo
ngực, đã nhàu nát. Cứ theo ngày tháng đề trong thư thì đến nay đã 3 tháng
rồi; những con chữ nhỏ lít sít, em viết bằng bút bi màu tím nên vẫn không
nhoè. Dòng chữ đầu em viết rất nắn nót:
‘‘Anh Phú rất đỗi nhớ thương của em!
“Rứa là đã 6 tháng rồi kể từ buổi ấy anh đi. Nhớ cái đêm anh em mình
đốt lửa thức với nhau trong căn hầm của Tổ đài trên đỉnh đèo Yên Ngựa,
anh đã kể cho em nghe quãng ngày anh chiến đấu trên quê hương em; về
trường hợp ngặt nghèo và thương tích anh mang trên mình buổi ấy. Cũng từ đấy anh đến với gia đình em. Em không nghĩ đến điều hàm ơn. Trong hoàn
cảnh chiến tranh này, cuộc chiến đấu làm cho bao nhiêu con người xích
lại.
“Sau những năm dài đằng đẵng xa cách gia đình, lần đầu tiên được
nghe kể chuyện quê nhà. Em tưởng như được sống lại những ngày bên má,
bên các anh và bé Huyền yêu mến của em. Cảm ơn anh đã mang đến cho
em từ quê hương khói lửa – nguồn tình cảm ấm áp thân thương ấy! Nhiều
lúc em tự hỏi, tại sao lại có những người con từ miền Bắc xa xôi mà cũng
thương yêu, sống chết với quê mình đến vậy?
“Từ buổi gặp anh trong phiên việc và những phút ngắn ngủi được sống bên anh, em bỗng nhận ra ở anh những nét thân thuộc của người cật ruột.
Từ đấy, em lặng lẽ dõi theo bước anh đi vào chiến dịch. Ở mũi nhọn của
cuộc chiến đấu, em biết các anh vất vả nhiều. Em càng thương kính anh
gấp bội phần. Mỗi khi tiền phương súng nổ, em lại ngóng về nơi ấy. Em biết rằng ở đấy có anh!
Em mong anh có nhiều sức khỏe. Dù trong hoàn cảnh nào, em cũng gắng xứng đáng là đồng nghiệp và đồng chí của anh.
Đứa em nhỏ quê hương.
Nghe nói tôi có thư, anh em bỏ cuốc xẻng xúm lại:
– Thế nào?
– Thế nào?
– Thư của “em bé” nào thế, chắc là “ướt át” lắm đây!
Đợi cho tôi đọc xong bức thư, Mão ta nhanh tay chộp lấy, đọc lướt qua rồi tọc mạch, cười phá lên:
– Biết mà! Mình biết mà! Bà này mê ông Phú chứ chẳng chơi. Cái dạo sang nhờ máy ở Ranh Cây Cốc, ông bà ấy đã ăn ý nhau lắm rồi. Cứ trông mắt bà ấy là mình cũng đủ biết. Đài trưởng nhà mình củ mỉ cù mì thế này chứ mà duyên lắm nhá!
Cậu Duyên thì bao giờ cũng chín chắn hơn:
– Cái miệng văn công ông Mão không tin được! Trăm nghe không
bằng một thấy. Cứ phải xem trong cái thư thế nào đã.
Cậu Đoàn quay viên hơi nặng tai, nhưng với mục “theo dòng thời
cuộc” này thì không thể làm ngơ được, cũng có “chính kiến” chứ, cậu ta
hăng hái thêm vào:
– Em à? Em yêu thì có! Cứ y như tiểu thuyết ấy!
Bẩy thủng thẳng dóng một:
– Hừ, tẩm ngẩm tầm ngầm, đá thầm chết voi! Phen này thì voi chỉ có kềnh!
Lộc chống cán xẻng ở tận cuối đường hầm, cũng hỏi với lên:
– Thế nào, cô bé có xinh gái không? Lọt “mắt xanh” tiểu đội trưởng
các cậu, chắc là cũng kháu lắm đấy, kén vợ bậc nhất mà!
– Khỏi phải bàn, cứ là “A hoa”, mà lại là báo vụ hoa khôi của Cục Hậu
cần đấy nhé – Mão quả quyết.
Tôi đứng lặng nhìn anh em. Một cảm giác vui sướng trào lên trong
lòng tôi. Tôi biết anh em tán cho vui thế thôi, chứ thực ra tài cán của tôi và
Thủy nào có đến thế. Tôi biết mình vừa xấu trai lại vụng về, có đâu mà dám
“kén vợ bậc nhất” như anh em nói! Ôi những người đồng đội của tôi! Mới
sáng nay còn phải ăn cây búng báng([6]) trừ bữa, bây giờ đang gập người đào công sự và lát nữa lại gò lưng quay “đầu trâu”([7]) cho tôi làm việc. Vậy mà họ vẫn cứ hồn nhiên như đang sống giữa chốn phồn hoa đô hội. Hình như bom đạn và gian khổ chẳng hề làm thui chột sự lạc quan yêu đời của họ! Nhưng trong tình hình này, tập trung đông là không có lợi. Thế là tôi phải dùng đến quyền tiểu đội trưởng của mình giải tán họ:
– Thôi, phân tán đâu về đấy tiếp tục củng cố công sự. Trời quang mà
yên ắng thế này là dễ xơi B52 lắm đấy!
Tôi đưa mắt nhìn theo tuyến hào hình cánh cung ôm lấy chỉ huy sở.
Nắng lọc qua tán lá rừng non, vương lên mặt chiến hào đất đỏ, như dệt gấm thêu hoa lên một vùng trận địa. Nhớ Thuỷ quá đi thôi!
*
Bẵng đi một thời gian khá dài. Tôi không được tin tức gì của Thuỷ cả.
Nghe nói, Thuỷ đã về Đài kiểm tra của Cục Hậu cần Quân khu 5, ở tít mít
trên cứ xanh. Nhưng cơ duyên lạ lùng lại cho tôi gặp Thuỷ một lần nữa.
Sự thể như thế này: Vào trung tuần tháng sáu năm 1974, tôi đi với Tổ
đài đánh vào quận lỵ Tiên Phước (Quảng Nam), một vùng có nhiều đồng
lầy ẩm thấp. “Vắt Phước Hà, ma Phước Lãnh”, câu ca ấy gợi về một thời
đen tối đẫm máu của Quảng Nam. Trong thời kỳ Mỹ – Diệm “tố cộng, diệt
cộng”, lũ ác ôn chặt đầu và xâu dây kẽm gai hàng loạt người yêu nước, đẩy
xuống những cái hầm sâu như giếng mà trước đây đồng bào thiểu số đào để bẫy thú rừng. Chúng tôi hành quân qua những trảng cỏ không dân, đầy
không khí chết chóc ấy. Bọn biệt kích, thám báo rập rình đây đó. Mìn
clâymo, mìn lá… có thể sát thương bất cứ lúc nào.
Thật đáng buồn cho tôi là đang kỳ hành quân theo chiến dịch ấy thì vết thương cũ tái phát, sưng tấy lên. Vết loét nhanh chóng chuyển sang màu tím bầm và rỉ ra thứ nước màu máu đỉa. Tôi bị rớt lại sau đội hình. Lính
15W mà lệt bệt thì không được. Và tôi được đưa về cấp cứu ở Bệnh viện
Quân khu này. Những ngày qua, tôi có cảm giác như một chiếc bánh mì bị
đặt lên lò sấy vậy. Những cơn sốt liên miên như vắt kiệt nước trong người
tôi. Đầu óc tôi quay cuồng, cứ thiếp đi là mê sảng. Người tôi đét lại, da nứt
nẻ, trước tiên là những chỗ sâu kín. Huyết tương và máu cứ ứa ra từ những
kẽ nứt ấy. Khi tiểu tiện, đại tiện thì máu tươi lẫn vào phân và nước tiểu, xót
như xát muối ớt vậy! Mỗi lần đi tiểu là một lần kinh động lục phủ ngũ
tạng. Phải quỳ gối xuống, một tay vịn lấy thành giường, mắm môi mắm lợi
chắt ra từng chút nước vàng đục như máu bầm, vào cái bô mà chị hộ lý
mang đến. Toàn bộ lớp biểu bì bong ra như rắn lột. Sau này tôi mới biết là
mình bị viêm cầu thận và viêm da do nhiễm chất độc của Mỹ rải xuống.
Mỗi lần tắm và thay quần áo cho tôi, đồng chí hộ lý lại ứa nước mắt. Bác sĩ
chủ nhiệm khoa ký lệnh mang nệm cao su bơm hơi cho tôi nằm. Theo tôi
biết, cả bệnh viện dã chiến này chỉ có dăm chiếc. Thức ăn chính của tôi
lúc ấy là sữa loãng hoặc nước cháo không muối.
Hai hôm nay, tôi thấy đỡ hơn. Tôi bắt đầu ăn được cơm và ngồi dậy
được. Vào cái lúc không đáng để cho người thân phải lo âu ấy thì cô gái
đến. Khi tôi chống gậy sang phòng xét nghiệm để thử máu thì bất ngờ gặp
Thuỷ ở đó. Sự tình cờ trớ trêu này buộc tôi phải luôn luôn đóng kịch với
mình. Tôi quàng tấm dù hoa kín cổ và kiếm chuyện khôi hài, cười nói như
không. Cố tỏ ra khoẻ khoắn để người khác khỏi chạnh lòng. Nhưng tôi có
biết đâu rằng, càng đóng kịch càng phơi bày sự gầy guộc, càng làm cho
người khác đau lòng. Đến nỗi Thuỷ đã gục vào vai tôi khóc nức nở ngay ở
phòng xét nghiệm, mặc các đồng chí xung quanh:
“Thôi anh đừng nói nữa. Em biết là đánh Mỹ thì phải có hy sinh; nhưng chẳng thà là hy sinh chứ đau đớn thế này thì cực quá !…”
Sáng nay, hội đồng giám định y khoa của Bệnh viện đã họp, quyết
định đưa một số thương binh về miền Bắc điều trị, tôi cũng nằm trong danh
sách đó. Nhớ lời Thuỷ hẹn, tôi trở lại nhà chị Hà người đồng hương Quảng
Ngãi của Thuỷ, là vợ của anh Hồ, chính uỷ Bệnh viện, ở khu nhân viên phía ngoài gần con đường ô tô lên Khâm Đức. Thuỷ đang vác gạo từ kho lên giúp chị Hà nấu cơm. Thấy tôi đến, Thuỷ gọi với lên:
– Anh đợi em chút xíu, em vào ngay đấy.
Bước lên bậc tam cấp, Thuỷ với chiếc khăn mặt ướt phơi ở dây trước
cửa, vừa chùi tay, rũ bụi. Em vuốt nhẹ món tóc xoã trên trán, hỏi vồn vã:
– Thế nào, được chứ anh?
– Được! Bác sĩ quyết định đưa anh đi ngay chiều nay. Anh định đến chia tay em trước lúc lên đường. Bác sĩ bảo phải đi gấp kẻo mùa mưa đến,
xe không chạy được. Thế là sau hai năm xa nhau, gặp em lần này có lẽ là lần
cuối ở chiến trường. Em có cần mua sắm gì không? Ra ngoài đó, anh sẽ
tìm cách gửi vào cho em…
Nghe đến đấy, mặt Thuỷ như có luồng gió lạnh quét qua, bỗng tái đi
một cách ái ngại. Nhưng rồi lại trấn tĩnh được ngay, Thuỷ gạt đi:
– Thôi nói gì chuyện mua sắm! Em tự túc cũng tạm đủ dùng. Đơn vị phát cho nếu thiếu thì em xin má. Chỉ mong anh đi được bình yên. Mùa mưa đến thì lạnh lắm, anh đi chẳng may có làm sao thì…
Mới nói đến đấy, Thuỷ đã rân rấn nước mắt. Tôi không muốn gạt ngang luồng suy nghĩ ấy. Không ngờ sự yên lặng càng làm Thuỷ tức tưởi, nấc nghẹn, gục xuống bàn. Chiếc mù xoa đẫm nước mắt, khiến tôi hơi hoảng.Tôi lay vai em:
– Thuỷ lạ thật! Anh có bị chúng trói gô cánh khỉ đưa lên máy bay chở sang Oa sinh tơn đâu mà em khóc? Anh về với quê hương kia mà! Sao em
không nhập viện?
Cái câu chọc tức kể cũng hơi ác ý ấy không ngờ lại hiệu nghiệm. Thuỷ
ngẩng lên, lau khô nước mắt, gượng cười:
– Em có đau đớn gì đâu mà nhập viện! Em chỉ lên chụp X quang để
lấy phim thôi. Thấy em còn xanh, bác sĩ bảo em sang thử máu để kiểm tra
kí sinh trùng sốt rét. Nếu ông bác sĩ ấy không “quá chu đáo” thế thì chắc
em không gặp anh. Giữa cái bệnh viện hàng nghìn người này, mà em lại ở mãi ngoài khu tạm trú.
Nghe Thuỷ nói thế tôi càng ngờ ngợ. Hình như cái điều tôi nhận xét khi mới trông thấy em lúc nãy là đúng, tôi hỏi:
– Nhưng Thuỷ làm sao mà phải chụp X quang mới được chứ?
Thuỷ cười héo hắt, như một sự lấp liếm đáng thương:
– Có chi mô anh! “Nhà giàu phải gai bằng thuyền chài đổ ruột” đấy thôi!
Thế thì đúng rồi, cái điều tôi ngờ ngợ ấy là đúng, tôi nói gần như quát:
– Cô đừng giấu tôi! Nếu như tôi không lầm thì cái tay gõ ma-níp của cô có “vấn đề”.
Thuỷ giật nảy người như bị khảo. Biết mắng em như thế là vô lí nhưng
không biết làm sao tôi lại hành động như vậy. Mặc cho Thuỷ tái đi, tôi vẫn
nói tiếp:
“Khi nãy trông thấy cô vác gạo, tôi đã để ý rồi. Đúng là tôi không
lầm! Tôi biết cô thuận tay phải, vậy mà cô lại dùng tay trái túm lấy miệng bao gạo xốc lên vai và cũng vác bằng vai trái, giấu giếm nhau mà làm gì!”.
Sau này nghĩ lại, tôi ân hận và tự giận mình là đã mắng oan em. Hình
như em không giận mà ngược lại, mắt sáng lên, nhìn chăm chắm vào mặt
tôi, làm tôi đâm ra lúng túng:
– Anh đã biết cả rồi, em chẳng cần phải giấu làm gì nữa! Em không có
ý lấp liếm tội ác cho giặc Mỹ, nhưng em không muốn anh đau buồn thêm
trong lúc đau đớn này! Quả là cánh tay phải em bị gãy. Nhưng em nói để
anh yên tâm, vết thương ấy đã lành từ lâu rồi. Em vẫn phát được điện, hơn
nữa lại phát được nhanh và chính xác. Thôi cũng chẳng kể vòng vo làm gì,
đại thể là trong cái đợt B52 quét dọc sông Trường, em đã bị nó quật ngã ở
đấy. Khi linh tính báo cho em điều bất hạnh có thể xảy ra, thói quen nghề
nghiệp khiến em đứng dậy với cái nắp để đóng máy lại. Trong tích tắc ấy thôi, một loạt bom từ phía sau hầm đã hất em ngã dụi. Cái khoảnh khắc
khủng khiếp ấy diễn ra nhanh đến nỗi em chẳng còn nhận biết gì nữa. Em
không biết giải thích vì sao em không chết; và vì sao chỉ gãy cánh tay phải.
Mấy đứa bạn em nó bảo, khi bới hầm ra thấy em nằm nghiêng bên cái máy
đã bẹp rúm. Có lẽ cái máy có vỏ hộp rất cứng ấy đã là đòn kê cho em khỏi
bị xà hầm nén bẹp. Và chắc rằng khi bị xô ngã, em đã chống cánh tay phải
xuống trước.
Thuỷ dừng lại lấy hơi – Và bây giờ đến lượt tôi ứa nước mắt. Có cái gì
đau nhói lên ngực, giống như lần tôi ho ra máu bên sông Trà vậy.
– Những ngày nằm viện là những ngày căng thẳng nhất đối với em –
Thuỷ nói tiếp – Cánh tay bó bột cứ ngay thuỗn như khúc gỗ. Em phải dùng
muỗng xúc cơm bằng tay trái, lóng ngóng đến tức cười. Nhưng không hề
gì, điều làm em sợ nhất là phải bỏ nghề! Em cứ nghĩ dù chuyển sang công
tác khác em cũng cố gắng làm được, và cũng là phục vụ cách mạng. Song
bản thân em ở cương vị thông tin vô tuyến bám máy, em sẽ phục vụ có hiệu
quả hơn. Em đã qua thực tế, ít nhiều cũng có chút vốn nghề nghiệp. Anh ở
trong ngành thì anh biết, nghề của chúng mình phải nói là khổ, thức khuya
dậy sớm là thường. Tuổi ăn tuổi ngủ mà nhiều đêm chẳng được chợp mắt tý nào. Người ta bảo “chiến đấu trên mặt trận thầm lặng” mà đúng. Mặc dù
chúng ta có đổ máu. Lại còn sa sẩy nữa, mà sa sẩy là tổn hại tới sinh mạng
bao nhiêu con người. Thế nhưng em không muốn ra ngành. Em có cảm
giác hình như đời em sinh ra là để làm báo vụ. Máu thịt đời em đã gắn bó
với nó rồi!
Tôi kinh ngạc nhìn Thuỷ, không ngờ em đã lớn lên nhiều đến thế. Bây
giờ thì em đã suy nghĩ và hành động y như má! Tôi muốn kêu lên thán
phục, nhưng tôi không có thói quen khen ai “vỗ mặt” bao giờ. Tôi tìm một
cái ly, rót trong phích của chị Hà để đưa em ly nước. Thủy giơ hai tay đỡ
lấy để lên bàn, ngay trước mặt. Em nhìn qua làn nước trong suốt ấy, chậm
rãi nói tiếp:
– Để em kể hết cho anh nghe. Em đặt quyết tâm rèn luyện tay phải.
Không phải chỉ để phát tín mà thôi. Trong suốt cả đời người, tay phải làm được nhiều hơn và mạnh hơn. Anh có biết tay em lúc ấy nó thế nào không? Tức cười lắm. Cổ tay cứ như bằng khớp gỗ ấy, các ngón tay thì cứng ra, cầm nắm vật gì rắn là thấy tê dại, em không nhấc được vật nặng. Em chứa nước nóng vào túi cao su để chườm. Rồi tập rung cổ tay, tập cầm nắm, co duỗi, tập uốn dẻo. Cứ như văn công luyện nghề ấy. Em phải đóng cửa lại, tập mải móng thế. Rồi em ra viện. Suốt ngày ôm lấy cái ma-níp.
Thủ trưởng xuống hỏi nguyện vọng. Em bảo cứ để em ở nghề, ổng
động viên em: “Đảng uỷ rất hoan nghênh và ủng hộ quyết tâm của đồng chí, có đề đạt gì không?”.
Rồi em phát được tín hiệu. Lúc đầu, tín hiệu còn vỡ lắm, cứ như gà mổ thóc. Thế là làm lại từ đầu. Khác với lần học trước chân tay còn lành lặn,
bây giờ “kém phẩm chất” rồi. Lại còn những tiếng chê bai nữa chứ. Nhưng
em không muốn bị coi là tàn tật. Nên em tập riết. 30 nhóm… 50 nhóm rồi 70… 80. Đến một hôm em thấy cổ tay mình rung rất nhịp nhàng trở lại: 100… 110 rồi 120 phát/phút !([8]) Em sướng muốn phát khóc lên! Thế là em đã thắng! Em chạy ùa ra rừng hét toáng lên đến nỗi mấy con gà rừng giật mình bay táo tác.
Không biết có đúng như vậy không, nghe Thuỷ kể đến đoạn ấy thì tôi
vừa phục vừa buồn cười. Không rõ Thuỷ bị “nhiễm” cái tính lãng mạn ấy từ
bao giờ.
Tôi nói đùa:
– Này Thuỷ ơi ! Lấy chồng đi thôi chứ! May ra anh còn kịp hút điếu thuốc mừng duyên em, hăm bốn hăm lăm rồi còn gì?
Thuỷ giãy nây nẩy như đỉa phải vôi:
– Em ấy à? Em chẳng biết đâu! Người ta còn đi, em cũng còn đi. Đất nước đang còn chiến tranh mà!
Mấy tiếng cuối em trề môi đay đả. Tôi bật cười nhận ra ở Thuỷ một lối nói khác lạ, mang nhiều âm hưởng miền ngoài, khác hẳn ngày đầu tôi gặp. Trong câu nói pha lẫn chút hờn dịu ngọt ấy, tôi hiểu Thuỷ nhắc đến ai.
Nhưng tôi không thể làm dịu nỗi hờn ấy được. Nên tôi nhắc Thuỷ:
– Quan tâm đeo đuổi có mục đích là một thái độ đúng. Nhưng không nên vì những cái xa vời mà sao lãng những gì gần gũi. Xung quanh em bây giờ có nhiều người tốt muốn giúp đỡ em. Anh nghĩ, không nên quên chức
năng cao cả của nửa phần nhân loại!
Tôi không ngờ, cô gái cũng không chịu nhân nhượng:
– Vâng! (bây giờ Thuỷ đã nói “vâng” rất thoải mái). Nhưng chức năng
ấy có bị hạn chế về không gian và thời gian đâu anh!
Chao ôi! Lúc ấy Thuỷ nhìn thẳng vào mắt tôi, một cái nhìn rất khó tả,
hình như có hai đốm lửa sáng ở bên trong những đồng tử huyền bí kia!
Quả là Thuỷ không chịu “xuống thang” trong trận tuyến tình cảm này.
Buộc lòng tôi phải dùng “quyền phủ quyết” mà tôi tự dành cho mình:
– Khổ quá nói mãi! Mà anh thì sắp sửa đến giờ lên đường rồi đây này!
Sổ tay của anh đây, ghi cho anh mấy chữ. Cho anh gửi lời thăm Tổ đài của em. Thưa giùm với má là anh vội không viết thư được. Em có chiếc ảnh nào
đấy không?
Bây giờ, Thuỷ lại buồn xịu xuống:
– Dạ không; em chỉ định đi chụp X quang để kiểm tra lại chỗ tấy lên và để đơn vị xác định thương tật, mang thứ ấy đi làm gì? Từ hôm qua đến
nay, em chưa hết sửng sốt về cuộc gặp gỡ kỳ lạ này!
Kể ra, cuộc gặp gỡ tưởng như vô lý ấy dễ dàng bị những ai thích li kỳ gán cho cái nguồn gốc thần bí. Để xem Thuỷ cắt nghĩa thế nào, tôi hỏi:
– Thuỷ có tin rằng ông bà tạo hoá đã ban cho mình cái cơ may này không?
Thuỷ hơi chau mày, tư lự: “Em không tin, nhưng thú thiệt là em không hiểu! Chỉ cần em đến phòng xét nghiệm sớm hay muộn vài tiếng
đồng hồ là không gặp anh!
Vừa lúc ấy, chị Hà đã nhanh tay dọn một mâm cơm bưng lên. Đến cửa, chị cười sởi lởi:
– Thôi hai em… Đi đâu thì cũng phải ăn cái đã (rồi quay lại nói với
tôi) gặp bữa, em ở chơi ăn cơm rau với chị. Thuỷ đã kể về em cho chị nghe
rồi. Kẻ đầu trời, người cuối đất, chiến tranh thì chị em mình mới gặp nhau.
Em biết tục trong này rồi, đã mời là không được chối!
Biết không thể khước từ, tôi đành ngoan ngoãn ngồi xuống ghế. Lâu
lắm tôi mới lại được ăn bữa cơm gia đình thế này. Cơm gạo bao lâu ngày
nở như nẻ hoa. Thức ăn có bát canh cà, đĩa rau lang luộc và bát thịt hộp
chưng nóng. Với hoàn cảnh chiến trường, ăn thế coi là ăn cỗ rồi. Chị Hà
nhắc tôi: “Đau ốm ở Trường Sơn lấy cơm làm thuốc, em ráng ăn cho
khoẻ”.
Tôi nói thật với chị là tôi đang phải ăn kiêng muối. Chị ngước mắt lên trần nhà một lát rồi bảo:
– Chị đã tính trước điều đó nên sắp thức ăn có hai phần mặn lạt([9]) vả lại, chức phận của thận ở em đã phục hồi. Quả là em có phước lớn. Đó cũng là thành công về đề tài điều trị nạn nhân chất độc hoá học Mỹ của Bệnh viện ta đấy.
Tôi cảm động nhìn chị, nhìn Thuỷ, nghẹn ngào không sao nuốt được. Mấy hôm nay, quân ta vào như nước chảy, tăng pháo rậm rịch khắp ngả đường. Vậy mà tôi lại phải “về vườn”.
Thật là ngổn ngang trăm mối! Nỗi buồn của tôi dường như lan cả sang Thuỷ. Em chỉ ăn chừng chừng rồi chống đũa, chốc chốc lại gắp thức ăn vào bát cho tôi, em giục:
– Ô kìa! Ăn đi chứ anh, kẻo mai mốt xa rồi đâu còn được ăn cơm cùng mâm với em nữa!
Nghe Thuỷ nói mà lòng tôi nghẹn lại. Chao ôi! Những tấm lòng đồng đội. Đạn bom, gian khổ càng làm cho người ta lớn lao hơn! Ai dám bảo người con gái mảnh mai, đa sầu đa cảm ấy đã từng lăn lộn khắp chiến trường khu Năm gian khổ, bàn tay gõ ma-níp đã thành chai!
Một hồi còi ô tô dóng dả. Phía ấy anh em thương bệnh binh đang đợi tôi. Tôi đứng dậy chào chị Hà, nhưng chị Hà đã nhanh chân lánh ra rừng, nhường cho tôi và Thuỷ khoảng lặng quý giá ấy. Tôi mạnh bạo bước đến, vòng tay ôm chặt lấy Thuỷ. Mùi da thịt con gái khiến tôi ngây dại, đứng như trời trồng. Rồi chợt bừng tỉnh khi có tiếng quát: “Cậu Phú đâu, có đi không thì bảo?”. Tôi bước lại chỗ đặt ba-lô. Thuỷ nhanh tay mang giúp ba-lô cho tôi ra bến xe, bên bờ suối. Khi ô tô nổ máy chạy rồi, Thuỷ vẫn còn đứng lại trông theo, bàn tay phải cầm chiếc mũ vải mềm vẫy vẫy. Mớ tóc em xanh dày, mới gội còn buông thả hong khô. Gió mạnh thổi xổ bung mái tóc, bay bay dồn lên ngực. Ôi cái khoảng đầy sinh lực của mùa xuân mơ ước!
Bất giác tôi nhớ đến con sông Trà trong xanh ngời ngời chảy giữa đôi bờ cát trắng ngần, đời đời thuỷ chung ôm ấp quê hương./.
TNP.
[1] Thổ: Bãi đất
(2) Lẹ: Nhẹ nhàng, nhanh nhẹn.
(3) Hòn Tròn: Núi Tròn (thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) một hòn núi cao độc lập giữa đồng bằng. Địch cắm chốt ở đây để kiểm soát vùng Tư Nghĩa- Sơn Tịnh (Quảng Ngãi)- Thế ri = thế kia.
(4) Ghè: Chum vại bằng xi măng hoặc sành sứ
(9) Bờ xe: Một loại guồng nước
(10) Chuồng Cọp rằn : Chỉ nơi huấn luyện biệt kích của Mỹ- ngụy
(11) Trỏng: Trong ấy
(13) Kẹo gương: Đặc sản của Quảng Ngãi
(14) Đã: Thỏa mãn, đầy đủ
(15) Búng báng: Cây đao rừng, chặt lấy chồi ngọn để nấu ăn
(16) Đầu trâu: Một loại ra-gô-nô phát điện, dùng cho máy thông tin 15W
(17) Đối với thông tin báo vụ, phát tín hiệu được 120 phát/phút là kiện tướng