Vì con thuyền của Noah xuôi dòng
(Nelly Sachs)

Nhà hai mẹ con nằm chênh vênh trên con dốc cao nhất thành phố. Bên cạnh là nhà thờ xây dựng năm 1935, phá hủy hoàn toàn năm 1967, năm 1997 giáo xứ thành phố mới có điều kiện xây lại. Cạnh nhà thờ là nhà một nhà thơ. Nhà thơ có vợ theo đạo, bản thân thì không. Làm thơ từ hồi về hưu, đã có bảy tập thơ in chung, tập nhiều nhất được in năm bài kèm ảnh chân dung và ba dòng lí lịch, không được đồng nhuận bút nào, phải bỏ tiền ra mua năm cuốn, giá 120 nghìn/cuốn, người in tám bài phải mua tám cuốn, in riêng thì chưa.

Lần được in năm bài, vui quá, nhà thơ cắn răng lừa vợ lấy tiền nộp điện nước mua thêm năm tập nữa. Tổng cộng ông có mười tập thơ mới cáu cạnh, chữ in rõ ràng, giấy thơm nức. Nhà thơ muốn mọi người biết mình là nhà thơ. Khệ nệ mang bảy tập thơ mới cứng, nặng hơn kilôgam mỗi tập đến cơ quan cũ: Hội nông – lâm – ngư nghiệp của tỉnh, nơi ông gắn bó mấy chục năm, từ ngày còn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ. Bảo vệ cơ quan buổi sáng thường điểm tâm kèm mấy li rượu, say rúc đi tìm chỗ ngủ. Nhà thơ tự tin, phấn khởi đi lên tầng hai, vào thẳng phòng chủ tịch. Vừa nhìn thấy ông cùng thơ lễ mễ trong bị cói chủ tịch thoáng chau mày, miễn cưỡng đứng dậy bắt tay.
– Chào bác, lâu rồi mới thấy bác ghé chơi. Bác đợi cháu…

Nhà thơ nhận ra thái độ khó chịu của người đối diện nhưng độ lượng bỏ qua. Chấp thế gian làm gì. Chấp giống người ngu muội tâm hồn khô cằn sỏi đá làm gì. Chủ tịch vội vàng sang phòng bên gọi kế toán sang.

– Cụ bán thơ. Quý hóa quá. Em xuất hai trăm nghìn mua thơ ủng hộ cụ.

Nhà thơ vui quá, hóa ra thơ đúng là thành phẩm trí tuệ của loài người như tivi vẫn nói. Cuống cuồng, ông rút vội hai tập thơ trong bị ra định kí tặng. Tính ra vẫn lỗ 40 nghìn, nhưng có hề gì, quan trọng ông đã gặp được người có tâm hồn đồng điệu.

– Thôi, cụ không phải kí đâu. Coi như chúng cháu đã mua nhưng cụ cứ mang về. Để cũng có ai đọc đâu. Phí ra.

Chưng hửng. Đang từ thiên đường nhà thơ rơi tọt xuống địa ngục. Lập bập. Không nhận tiền, không chào, nhà thơ lầm lũi ngược ra khỏi phòng. Đi đến cuối hành lang mà tiếng của bà kế toán vẫn văng vẳng. “Đám thứ ba sáu đến bán thơ trong tháng này rồi đấy. Chả còn khoản nào quyết toán ngoài khoản giấy vệ sinh. Cũng may không phải mua nữa. Thơ với chả thẩn.” “Khéo phải làm biển ở đây không mua – bán – cho – tặng thơ may ra mới đỡ khổ.” Thơ thật dễ làm người ta xa nhau. Tình cảm đồng nghiệp, đồng chí, bạn bè bao năm cũng có thể vì thơ mà hết. Từ ấy nhà thơ không còn ý định tặng thơ ai nữa. Nhất là khi về vợ ông bắt nhịn tiền mua báo Văn nghệ nửa năm để bù vào tiền mua thơ.
*
*     *
Ngày ngày, nhà thơ cần mẫn bước một đi xuống chân dốc và ì ạch bước một leo lên. Chẳng phải lúc nào ông cũng đi xuống để gặp mấy ông bạn cùng câu lạc bộ thơ uống nước chè loãng, đọc thơ, nghe thơ hay ra bưu điện mua báo. Ông đi theo thói quen. Thận trọng, bước một, nhìn xe về số vù lên thật nhanh và hãm phanh lăn xuống từ từ. Thứ hai cho đến chủ nhật. Xuân kéo hết đông. Nắng tãi qua mưa. Ngày nào cũng thế. Nhà thơ nhắc nhở cho phố nhỏ cuộc sống vẫn đang diễn ra.
Câu chuyện tôi đang kể ra đây chẳng liên quan gì mấy đến nhà thơ. Ông không phải nhân vật chính. Tôi đang kể về căn nhà nằm vênh trên con dốc cao nhất thành phố. Nhà có hai mẹ con. Người con quá lứa nhỡ thì gần bốn mươi chưa lấy chồng. Cô thích làm bánh. Mà sắp trung thu rồi nên cô làm bánh trung thu. Bánh cô làm ngon không? Tôi chưa ăn. Bạn cũng thế. Nhưng cứ giả dụ bánh cô làm ngon lắm. Vậy thì đã sao? Một cô gái làm bánh rất ngon, gần bốn mươi, quá lứa nhỡ thì có gì hấp dẫn? Thực là cũng chẳng có gì. Ngoài làm bánh cô còn đi dạy thêm. Vài đứa lớp ba, vài đứa lớp tám, chín, một đứa lớp mười một mà vẫn đánh vần. Vậy đã đủ hết tuần. Thỉnh thoảng buồn buồn cô đi siêu thị. Mua xà phòng, dầu gội đầu, sữa rửa mặt, bông ngoáy tai, ít đùi gà cùng bao tử cá ba sa, nếu ít người đợi mua bánh mì cô sẽ mua thêm bánh mì. Bao tử cá ba sa cô xào sả ớt ăn cùng cơm nóng hoặc bánh mì nếu có. Đùi gà cô tẩm bột rán mỗi lần hai cái. Thường mẹ cô ăn nửa cái còn cô ăn một cái rưỡi. Việc ăn uống cũng không phải là việc chính ở đây.

Nhà thơ ghét ăn cá và thịt gà, chỉ thích thịt lợn rim nước mắm thật mặn. Nhiều khi bà vợ kho nhạt quá ông cau mày, lắc đầu, đặt đũa xuống đứng dậy ra ngoài sân nhìn xuống thành phố phía dưới. Cái đói làm cho thành phố phía dưới huyền ảo, lung linh hơn. Một vài cánh mây trắng muốt nháng qua trước mặt. Ông ước mình là mây bay. Bay mãi về phía dòng sông thơ ấu nơi ông đã cất tiếng khóc chào đời. Ở đó không có tục chôn nhau thai mà nhau thai được thả xuống dòng sông trôi về phía biển. Đứa trẻ sinh ra đã là con thủy thần. Thủy thần. Ông giật mình, trong truyện cổ tích thủy thần là Thủy Tinh, vậy mà giờ ông sống chót vót trên đỉnh đồi cao thế này có khác gì con cháu của Sơn Tinh đâu. Sơn thần. Ông bỏ dòng sông tuổi thơ từ năm mười hai tuổi. Bãi bờ lau ngút ngàn hút mắt. Dưới lòng sông là bãi cọc ngầm cùng xác tàu chiến. Xác người bị cá và bùn đáy sông gột sạch sành sanh từ đời nảo đời nào. Dòng sông vẫn thế, nhau thai trôi dập dờn đỏ lợ phù sa. Ngày ông bỏ sông đi mẹ ông cho ăn một con cá nướng với hai quả cà khú, chẳng có cơm, rau. Cá cháy nghẹt lại nơi họng đắng nghét. Mùi thum thủm của hai quả cà vẫn theo ông đến giờ. Nhưng phải có gì khác nữa ở lần bỏ đi đó chứ? Ông muốn trở về lần nữa để xem năm mười hai tuổi ông có bỏ quên gì không?

– Thịt kho lại rồi, vào ăn cho xong đi.

Bà vợ khó chịu đổ vào nồi một phần ba chai nước mắm cốt. Mùi nước mắm sôi phong tỏa cả phố. Thịt rim thành muối. Nhà thơ không thấy đói. Cái đói làm cho người trí thức hèn và nhục đi. Phải vượt lên tất cả mọi tầm thường của vật chất. Mà sao ông không mơ được giải Nobel văn chương cho bằng bạn bằng bè? Từ trước cách mạng tháng Tám anh văn sĩ Hộ của Nam Cao chẳng mơ rồi còn gì. Ừ, ông thấy đau, thấy hèn và tủi. Gần bảy mươi rồi mới thấy hèn và tủi kể cũng là bi kịch. Nếu nhận ra sớm hơn biết đâu cuộc đời chả đưa ông sang một ngã rẽ khác. Vinh quang hơn. Và nhục nhã hơn cuộc sống hiện tại với lương hưu hai triệu hai một tháng. Lương. Không có nó khéo ông chết mất. Nhà thơ thở dài với cái ý nghĩ nổi loạn bất thành của mình. Ông chầm chậm vào nhà, mâm cơm còn nguyên không đậy lồng bàn, bát thịt kho lõng bõng nước mắm ngả màu nâu cánh gián, bát cơm ông mới xều hai xều nằm cạnh bát canh rau đay mùng tơi nguội ngắt.

– May nhà này trên cao không có ruồi.

– Ruồi bọ gì. Ăn nhanh đi còn dọn. Chỉ cạnh khóe là không ai bằng.

Nhà thơ cầm bát cơm lên cắm cúi ăn cho hết bát. Ông biết nếu cố đôi co thì người chịu thua thiệt vẫn là ông. Vợ ông không làm thơ hay viết văn nhưng bà có cách ví von gắn với các loài động vật rất hay, mà thường là loài bốn chân giải đen, kiêng ăn vào đầu tháng. Kinh nghiệm ví von này xuất phát từ thời làm ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Nơi lấy “Phục vụ kiểu mẫu” làm tôn chỉ làm việc. Nhưng rốt chẳng ai biết phục vụ kiểu mẫu cuối cùng là cái gì.
*
*     *
Cái phố nhỏ trên dốc cao nhằm đúng ngày rằm trung thu thì nhốn nháo. Hàng phố đột ngột nhận hai tin, một lành, một dữ. Người lớn xôn xao. Trẻ con háo hức vì trung thu được rước đèn lồng Trung Quốc có nhạc ỉ eo từ đỉnh dốc xuống. Viết về nó vài dòng chắc cũng không hại gì đến khoảng thời gian rảnh rỗi của bạn.

Nhà thơ bỏ nhà đi vào tối mười bốn. Trăng mười bốn tròn lắm. Chú Cuội ngồi ngó xuống trần gian nơi chú ở từ ngày xưa. Giờ có cho chú xuống lại dưới trần chú cũng chẳng biết chơi với ai. Trăng từ bao đời vẫn cứ tròn rồi méo, méo lại tròn. Chú chẳng buồn vì mình cô đơn nơi đây. Cô đơn mãi thành quen, đâm nghiện. Nghiện cô đơn đích thị nhà thơ. Khéo dưới trần gian chú thành nhà thơ nổi tiếng có sách bán chạy hàng mấy chục nghìn bản một lần, tái bản ngay sau ngày phát hành, độc giả đứng xếp hàng dài chục cây số xin chữ kí rồi cũng nên.

Chú Cuội trải chiếu xuống khoảng đất phẳng gốc đa, thở dài xong ngủ.

Nhà thơ lần mò xuống dốc, vẫy taxi, cho ra bến xe X ngay, càng nhanh càng tốt.

Lái xe taxi tên Trần Nhã Tượng, tạm trú tại số nhà 20, ngõ 6, đường K, phường Vải Cắt. Cao 1m7, nặng 60kg, tóc nhuộm vàng, rẽ ngôi giữa, đeo kính đen, mặc áo sơ mi trắng, quần âu, đi dép xỏ ngón xanh dương. Học đại học mĩ thuật năm hai thì bỏ không rõ lí do, độc thân, có quan hệ mờ ám với gái ăn sương. Biển số xe Tượng lái là 18H.0988. Hãng taxi Cáo Trắng. Logo công ti là hình hai con cáo đang hôn nhau biểu hiện cho sự thân mật, nhiệt tình của hãng xe đối với khách hàng.

Người lái xe taxi là người liên quan đầu tiên đến vụ mất tích bí ẩn của nhà thơ.

minh hoa 05 2016b
Minh họa: Lê Anh Vân
Nhà thơ đã đi đâu? Không ai biết. Khi đi ông mang theo gì? Hiện tất cả đều là những lời phỏng đoán không căn cứ. Người thì bảo ông có vợ cả ở quê, nay già gom hết tiền bạc của cải của vợ lẽ ở phố về quê sống cho thanh thản. Người thì bảo ông nuôi bồ dưới trường cao đẳng văn hóa của tỉnh, nay năm cuối cô bồ cố ý bòn rút cho kiệt nên rủ ông trốn vào Nam. Người bảo ông có con riêng thời chiến tranh chống Mĩ, nay nó đón ông đi du lịch châu Âu. Nhưng du lịch châu Âu thì cứ đàng hoàng mà đi chứ sao phải dấm dúi. Ừ, mà có bồ dưới trường văn hóa thì người ta đã đồn ầm lên rồi, có phải cái bánh, cái kẹo đâu mà giấu được. Kể cả có vợ cả ở quê thì dễ vợ lẽ ông ấy để yên. Bà ấy chả tìm bằng được, xé tan xác chấm mắm nhai sống. Từ cái hồi làm mậu dịch bà đã nổi tiếng chua ngoa không ai bằng. Một mình dám đứng ra chửi nhau với ba mụ sồn sồn buôn chuyến từ Móng Cái về. Cái gì che đi thì bà cho lên mồm phun ra, kết hợp với những bài chửi truyền thống.

… Mày đi đằng đông bà gông bà cùm. Mày đi đằng nam bà giam bà giữ. Mày đi đằng tây bà vây bà bắt. Mày đi đằng bắc bà dắt mày về…

Vậy mà ông vẫn đi thoát khi bà đang còn mải xem phim Cô dâu tám tuổi, khi Anandi đang khóc ở tập hai trăm lẻ mấy. Bà cũng khóc theo Anandi. Ông mặc pyjamas màu cháo lòng đi đi lại lại trong sân như tập thể dục. Vừa đi vừa lén nhìn vào nhà như kẻ trộm. Anandi vẫn khóc, bà nội Anandi vẫn mắng té tát, anh chị em cô dì chú bác vây quanh hai người. Ống kính máy quay lia rõ từng khuôn mặt. Nếu mặt vợ ông xuất hiện trên màn hình kia cũng chẳng lấy gì làm bất ngờ. Nhà thơ khẽ mở cổng, nhấc túi bóng đen vùi trong thùng rác mang đi. Bên trong là quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng cùng tiền tháng lương vừa lĩnh lúc chiều. Đi xuống dốc ông thấy thân mình như đang bay lên ở quãng cao, xa lắm. Đằng trước là con sông tuổi thơ cùng bờ lau xanh ngút mắt. Lần đầu tiên của cuộc đời người làm thơ ông cảm thấy mình thật gần với Chúa, người sáng tạo. Giờ mỗi vần thơ gieo xuống là một hàng châu ngọc đi vào lịch sử văn học thế giới.
Xuống gần hết dốc ông gặp cô gái ế dạy học, làm bánh nhà cùng phố. Cô e lệ gật đầu chào ông. Gái bốn mươi nhưng cái e lệ vẫn còn đẹp lắm. Má lúm đồng tiền, cười chúm chím, đưa tay lên vuốt tóc mái xòa xuống cài vào mang tai. Ông gật đầu chào lại. Chào xong, ông thấy sờ sợ, nhỡ ra cô ta lên dốc gặp vợ ông đi xuống khéo chuyến bỏ trốn thành công toi. Vội vàng ông vẫy chiếc taxi vừa nhao đến trong sự chưng hửng của hai người ở lại.

Hai người ở lại
Một là cô gái sống cùng mẹ trên căn nhà chênh vênh như ta đã biết. Vậy người còn lại là ai? Việc này liên quan đến tin lành cả xóm xôn xao mấy hôm rồi. Bà cô bốn mươi của xóm có người yêu. Con nhà gia giáo hẳn hoi, đi xe SH màu mận chín, tóc vuốt keo ngược về đằng sau lộ trán bóng láng, đeo kính trắng, mặc sơ mi dài tay tím than, quần bò xanh, giày đen. Thường hẹn ở dưới chân dốc rồi đưa nhau đi đâu không rõ.

Trông ngấm ngầm mà cũng ra trò.

Mấy anh choai choai của xóm giờ bắt đầu nhìn cô với con mắt khác. Họ thấy cái răng khểnh kia có duyên đến lạ. Vòng một, vòng ba cũng đầy đặn, cuốn hút như hoa hậu Mai Phương Thúy chứ kém gì. Vài anh tiêng tiếc, giá chấp nhận làm phi công biết đâu chả được lái máy bay Airbus Z40 lượn vòng quanh ngọn đồi cao nhất thành phố. Giờ thì muộn mất rồi. Mấy anh ham cờ bạc càng tiếc tợn, bà cô ông mãnh thiêng lắm, xin số nào được số đó, nhiều chỗ người ta còn lập miếu thờ chứ ít à. Cả cái phố trên dốc cao này còn mỗi một bà có thể thành bà cô nay cũng đi lấy chồng nốt. Đời cơ bản là buồn. Cả đám rủ nhau nhậu. Tiễn một người sắp đi lấy chồng là cái cớ nhân văn nhất trong tháng. Năm lít rượu trắng, xoài xanh, mấy quả bòng, gói ngô rang, họ gọi tên cô khi nâng chén lên, gọi khi đặt chén xuống, gọi khi ê a hát, gọi khi bắt đầu nôn thốc nôn tháo và lảo đảo đi tìm nơi giải quyết nỗi buồn.
*
*    *
Nhà thơ đến bến xe X vào quầy vé hỏi nhận được câu trả lời cấm cẳn của chị bán vé tóc nhuộm đỏ, răng vẩu, môi đỏ chót đang giũa móng tay: “Không có xe, chuyến sớm nhất năm giờ sáng mai.” Nhà thơ buồn bã tìm một chỗ ngả lưng trong nhà chờ. Bên ngoài là bóng tối hành hương qua các ngả. Nhà văn Nga Lev Tolstoy cũng chết cóng trong một nhà ga. Lần tìm giấy bút trong túi bóng đen bên mình để viết con chữ đầu tiên, con chữ tử tế không hô hào xông pha, không đấu tranh giai cấp, không yêu đương sướt mướt, không thấm nhuần tinh thần đủ kiểu trong cuộc đời một nhà thơ phố lẻ. Và ơn trời ông bỗng nghĩ đến cô gái hàng xóm gặp lúc tối. Giờ cô ta làm gì? Liệu cái anh chàng đi cùng có phải người yêu cô ta? Nếu vậy thì tốt quá, một đám cưới diễn ra trên đỉnh ngọn trời, cô dâu chú rể trong nhà thờ đẹp tinh khôi, thuần khiết. Lúc ấy mình đứng từ trong nhà nhìn ra, chếch về phía phải là ngôi nhà lợp ngói chơ vơ của hai mẹ con. Khung cảnh thật đẹp, xen vào là sự buồn man mác khó tả. Tuổi thanh xuân đã qua chẳng trở lại. Hồi trẻ mình chẳng mơ có một đám cưới trong nhà thờ với chuông giáo đường, các dãy ghế băng dài, cha xứ hỏi Con có đồng ý lấy… làm vợ hay không? Dù có ốm đau bệnh tật, nghèo khổ, quan tâm cô ấy suốt cuộc đời. Nếu quay ngược thời gian trở lại nhà thơ hẳn sẽ nói không nếu cô dâu là bà vợ bây giờ. Còn nữa, suốt cuộc đời là cụm từ mang tính đày đọa thít chặt các chân trời bay, lời tuyên án chung thân không có ngày ra, viên đạn bọc đường bắn đi sáu bảy chục năm mới đến đích, kẻ đồng lõa của sự phiền muộn, âu lo… Sự tức giận chớm ùa đến, nếu để nó chế ngự thì cảm xúc thi ca đang trào dâng cũng sẽ tan biến như bọt biển.

Nhà có hai mẹ con và nhà thơ cùng phố

Nhà thơ viết câu đầu tiên. Câu thứ hai không tự động nhảy ra như lí thuyết mọi sự tự kéo nhau đến. Thơ bỏ rơi nhà thơ. Bà vợ bỏ bả cho thơ chết ngoẻo. Giá ông không nghĩ đến bà thì đã có bài thơ hay. Câu thứ hai, thứ ba, thứ n, theo hình ảnh bà vợ nhảy xuống đáy mồ. Ông cất giấy bút đi, thắt chặt, luồn cổ tay qua quai túi ôm vào lòng, cảnh giác không lúc nào thừa, tuổi già sức yếu nhỡ ra thằng trộm cướp nào không có lương tâm đi qua nhìn thấy giật, chạy vụt đi thì có giời đuổi. Công đoạn cảnh giác đã xong, nhà thơ nhìn ra bốn xung quanh tìm cảm hứng. Cảm hứng và cảnh giác là đôi bạn thân luôn đi cùng nhau.

Có hai người đàn bà đang rì rầm nói chuyện trong góc, một người mặc áo thổ cẩm như người dân tộc, người kia mặc áo lao động cũ. Cạnh đó đứa trẻ gối lên hộp đánh giày co ro ngủ. Người bảo vệ gà gật trên băng ghế ngoài. Chị bán vé chấm chấm vào màn hình điện thoại như đếm tiền trong ngân hàng, chốc chốc lại ngẩng lên. Lâu lâu mới có xe miền trong xuất bến, khách vào bến đa số lên thẳng xe trả tiền chứ không mua vé tại quầy.

Càng khuya thiêu thân càng bay vào nhiều, chạt cả mấy bóng đèn. Muỗi từ mương nước phía trước thấy hơi người bay tấp đến. Nhà thơ là con mồi béo ngậy cho muỗi. Áo rộng thùng thình, chân đi dép tổ ong màu trắng, chỗ nào cũng là món ăn ngon lành cả. Nhà thơ khổ sở gãi chân, tay, lưng, bụng, gãi cổ, gãi mặt… Đập chết vài con, tưởng yên, nào ngờ những con khác thấy mùi máu, thấy đồng đội hi sinh càng vây lấy tợn, quyết tiêu diệt bằng được kẻ thù hiểm ác. Nhà thơ bắt đầu hối hận. Bãi lau ngút ngàn giờ cũng không che được hiện thực phũ phàng đang phải đối mặt. Rất hiện thực, nhà thơ nghĩ đến việc quay về. Nhưng nhỡ ra bà ấy hỏi đi đâu thì sao? Nhà thơ khí khái vốn không quen nói dối. Nếu nói thật chấp nhận việc nhiếc móc nhiều năm nữa. Ông có thể hình dung ra tạm một số câu nhẹ nhàng nhất: Có giỏi sao không đi luôn đi. Kỉ niệm với chả hồi ức, mài ra mà ăn được đấy chắc. Hay là có con nào hơn con này thì cứ nói, đây chẳng cấm, báu bở lắm chắc. Bao nhiêu năm đi làm không sao, nay già bỗng đốc chứng làm thơ rồi vào hội văn nghệ. Hội với chả hè, toàn một lũ dở hơi với nhau. Nào, nói đi, con này không đáng để nhà thơ lớn ban cho vài lời hả…

Không thể chịu nhục nhã mãi được. Không thể về. Nhà thơ vẫy chiếc xe đầu tiên xuất bến. Xe mười sáu chỗ, không dừng, vẫy thế nào cũng không dừng. Cứ từ từ quay đầu, chầm chậm tiến, đến cổng bấm còi inh ỏi ra hiệu cho bốt trực mở cổng. Nhà thơ lao ra vỗ mạnh vào cửa xe. Cửa mở. Cái đầu trọc lốc cùng thân hình xăm trổ rồng phượng ngó ra.

– Đ… mẹ, xe đến nghĩa địa đấy, lão đi không?

– Bao tiền một vé?

Nhà thơ quả quyết. Chết xuống địa ngục một lần biết đâu chả viết được trường ca để đời như Thần khúc của Dante.

– Vô giá. Thôi đi mày. Mẹ kiếp, đời lắm người điên thế.
*
*     *
Tối mười bốn trong căn nhà nằm chênh vênh trên dốc có cuộc hỏi cung.

Ở giữa là bàn uống nước phủ kính loang vũng nước hai đầu; trên có hai chiếc chén hoa hồng mất quai, đóng cặn; ấm mất vòi; móc chìa khóa logo Chelsea; gạt tàn thuốc lá hình cô gái khỏa thân sáng bóng; cốc nhựa màu xanh đựng nước vối lưng lửng; giẻ lau bàn cắt từ tay áo hoa cũ; bàn tay nhăn nheo của người đàn bà sáu mươi cụp vào, duỗi ra. Bóng đèn từ góc phòng thả chập chờn vàng vọt. Tường quét ve vàng loang lổ vết đen. Bóng người loang một góc rộng phủ về lối xuống bếp. Tivi đang phát chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc ở mấy huyện vùng giáp biên. Ngoài đường vắng hoe, thi thoảng có chiếc xe máy rồ ga vọt qua. Hương ngọc lan thoang thoảng. Tiếng chuông nhà thờ ngân lên thánh thót rồi đột ngột chìm hẫng giữa không trung. Tiếng động bị màn đêm thu lấy đựng trong chiếc túi lớn của mình mang đi cả. Những người dưới phố lên đọc kinh đã về từ trước đó cả tiếng. Họ không đi ngang nhà, họ đi lối tắt xiên ra giữa phố.

– Thằng đi cùng mày tối nay là ai?

– Bạn con.

– Bạn kiểu gì? Mày không cẩn thận nó lừa cho trắng mắt ra thì khổ. Gần nửa cuộc đời giữ gìn chứ ít gì. Mà thằng đó công ăn việc làm thế nào? Nhà ở đâu? Gia đình cơ bản không? Hơn kém mày bao nhiêu tuổi?

– Mẹ hỏi như thẩm vấn tội phạm.

– Chả tội phạm. Mày không thấy báo, đài, tivi đưa nào cướp, giết, hiếp đầy ra đấy hả. Có ngày nào là thế giới yên ả đâu. Đến chúa trời cũng bó tay đi ngủ rồi. Làm thân con gái thì phải biết giữ gìn. Của mình mình giữ chứ mong ai giữ cho. Cái thân già này gần đất xa trời rồi, chẳng còn sống mãi được. Thằng bố mày…

Đột nhiên bà im lặng. Lần nào nhắc đến chồng của bà, bố của con gái bà cũng đều im lặng. Quá khứ đè nặng lên các quãng sống đều đều. Dù cố quên thì quá khứ vẫn đấy, chỉ chờ cơ hội lập tức ùa về chiếm giữ các giác quan. Ngày chồng bỏ đi cũng vào mùa thu thế này. Hoa sữa lúc ấy chưa đủ nhiều để phủ vây các tuyến phố, trở thành nỗi ám ảnh của các dãy nhà, ca thán của các tờ báo lá cải lẫn lá khoai lang. Dốc nhà thờ còn đường đất chưa đổ bê tông, có cây hoa sữa thâm thấp nở nhiều hoa ở lưng chừng. Trong ánh tù mù của buổi sáng sớm bà không đuổi kịp được bố của con gái bà. Ngã dúi dụi, mồm miệng đầy đất cát. Hoa sữa vẫn tỏa hương thoang thoảng. Bóng người lờ mờ xa ngái chỉ còn là vệt đen sẫm phía trước. Bà gắng nhổm dậy lao theo. Chân dốc chẳng có ai ngoài bà cùng gió heo may. Tóc lòa xòa trước mặt, gió hiu hiu, nước mắt ứa ra hòa cùng với gió. Đứng mãi mỏi chân bà lên dốc cùng gió. Ngang qua cây hoa sữa kiễng chân vặt một chùm hoa.

– Mẹ thì lúc nào cũng chỉ giữ gìn.

Cô gái bỏ vào phòng nằm đắp chăn, tắt điện vờ ngủ. Nhà có hai mẹ con. Bà mẹ không phải là nhân vật chính của câu chuyện này. Vậy nhân vật chính câu chuyện tôi đang kể là ai? Nhà thơ, không phải. Bà vợ, không phải. Mẹ cô gái, cũng không. Chỉ còn cô gái. Cô gần bốn mươi tuổi, mọi người đồn cô đã có người yêu. Mà nào đâu có phải. Cô thở dài thườn thượt, mơ màng nhuộm màu buồn lên ánh trăng qua song cửa len vào. Cái anh chàng mà mọi người vẫn tưởng là người yêu cô thực ra đến mời đám cưới. Sự hiện diện của bạn là niềm vinh hạnh của gia đình chúng tôi. Anh ta bảo học cùng cô cấp hai, ngồi cùng bàn, vẫn hay chép toán của cô. Cô chưa bao giờ giỏi toán, cũng chẳng mấy khi ngồi cùng bàn với con trai. Trong ngăn trí nhớ không có cái tên nào như tên anh ta. Cậu phải nhớ ra tớ là ai mới được. Thật lòng cô chẳng nhớ. Anh ta đến gặp cô ba lần, mời đi uống nước, đưa ba thiệp mời và sẵn sàng đến tiếp nếu cô chưa hoàn thành việc nhớ ra tớ là ai mới được. Ba lần uống nước anh đều giành trả tiền, mười lăm nghìn một cốc màu đá, tổng cộng anh ta trả chín mươi nghìn cho sáu cốc của anh ta lẫn cô. Cô vẫn thật tâm không thể nhớ, nhưng ở lần gặp thứ ba vào tối mười bốn cô nói có: Mình nhớ ra chút rồi. Nhất định đến dự đám cưới. Còn mười tám người nữa chưa nhớ ra anh ta là ai khi đã qua lần uống nước thứ tư, tám người trong số đó không có thiện chí đi uống nước cùng nữa. Chả trách họ được, quá khứ rất lạ, với người này thì quan trọng, người kia thì là thứ bỏ đi, như những giấc mơ của đàn kiến lửa. Anh ta hài lòng bắt tay cô thật chặt bảo nhất định sẽ đợi để giới thiệu cô với vợ sắp cưới. Một cô gái tuyệt vời. Gặp cậu sẽ thích ngay cho xem.

Càng khuya sương xuống càng nhiều, cái lạnh ùa vào chiếm giữ căn phòng. Cô nhoài người khép cửa sổ lại. Phòng ngoài mẹ vẫn ngồi gặm nhấm kỉ niệm về bố. Giấc mơ của đàn kiến lửa kéo cô vào giấc ngủ của chính cô. Trong mơ cô là cô dâu mặc váy cưới trắng, xếp tầng đứng trong nhà thờ, anh bạn cấp hai không nhớ ra là chú rể. Nếu cô không nhìn xuống dưới người dự lễ thì tốt biết mấy. Nhưng cô đã nhìn xuống, phía dưới là những con kiến xếp hàng nối nhau kéo đến cửa nhà thờ, ra cả ngoài sân. Nhìn sang, anh bạn cũng hóa kiến. Giật mình tỉnh giấc. Giờ thì cô đã nhớ anh bạn cấp hai kia chính xác là ai. Anh ta từng làm thơ tỏ tình với cô, thật thế, thơ lục bát na ná của Nguyễn Bính và Nguyễn Duy. Cô có quyền lựa chọn, cô không thể đi dự đám cưới một kẻ mới nứt mắt đã ti toe biến thơ thành công cụ để tán tỉnh và chiếm hữu.
*
*     *
Cô gái cũng không phải nhân vật chính của câu chuyện.

Chỉ còn người lái taxi tên Trần Nhã Tượng chưa có hành động gì để chứng tỏ mình xứng đáng có mặt trong câu chuyện này. Anh nói với tôi anh chẳng cần chứng minh gì cả. Chính anh đưa nhà thơ từ bến xe về chân dốc nhà thờ, nhờ người bán nước dắt lên bàn giao cho bà vợ không lấy tiền xe. Ông ta lang thang ở bến xe X mấy ngày, mắt thẫn thờ gặp ai cũng hỏi Ông bà, cô chú, anh chị, các cháu đi đâu đấy? Có biết dòng sông tuổi thơ của tôi ở đâu không? Nếu biết vui lòng chỉ. Tôi có tiền đây, xin biếu cả. Mấy thằng mất dạy dẫn ông ra mương nước, vừa vạch quần đái vừa chỉ xuống bảo: Sông của ông đấy. Không phải. Nhà thơ hét lên, nhìn vào mấy chiếc xe đang rời bến như còn đợi chuyến xe dành riêng cho mình về lại dòng sông ấu thơ, với cỏ lau, cá nướng, cà khú.

Với cả ngày xửa ngày xưa…

Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 3/2016
Đ.P

Nguồn: Vannghequandoi