Câu chuyện thơ cũ (thơ truyền thống) và thơ mới (thơ hiện đại) đã không còn xa lạ. Trái lại, nó đã được bàn thảo khá nhiều trong một thời gian dài khoảng gần hai phần ba thế kỷ nay.

I. Mở đầu

Câu chuyện thơ cũ (thơ truyền thống) và thơ mới (thơ hiện đại) đã không còn xa lạ. Trái lại, nó đã được bàn thảo khá nhiều trong một thời gian dài khoảng gần hai phần ba thế kỷ nay.

Nhưng phải đến cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, khi thơ Việt đã bắt đầu hình thành một diện mạo mới, tạo nên sự phong phú, đa dạng về cả hình thức, thể loại, giọng điệu, ngôn ngữ, hình tượng, và ở một chừng mực nhất định còn có sự đổi mới về cảm quan thế giới và hệ hình thẩm mỹ, thì khi ấy, vấn đề cách tân, đổi mới thơ mới được đặt ra róng riết về khía cạnh lý luận và học thuật cũng như trong đời sống thi ca nước nhà.

Thi ca Việt kể từ khi mở cánh cửa ra thế giới bên ngoài, vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX với Phong trào Thơ Mới, các nhà thơ Tây học đã chủ động mở ra một thời kỳ mới cho thi ca Việt hiện đại, tạo nên một diện mạo mới cho thơ cũng là sự đoạn tuyệt với thơ Việt truyền thống cổ điển. Các tài năng thi ca như: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Phạm Huy Thông, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê… là minh chứng sinh động nhất cho sự ảnh hưởng về tinh thần dân chủ của văn minh tư sản phương Tây.

Sau Cách mạng tháng Tám, 1945 là thời kỳ thơ ca chống Pháp, kéo dài đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX và cho đến tận hôm nay, thơ Việt vẫn song song tồn tại các khuynh hướng: thơ truyền thống cách mạng, thơ cách tân trên cơ sở truyền thống và thơ cách tân theo hướng tiếp thu và du nhập các trào lưu, trường phái thơ phương Tây hiện đại. Những cái tên như: Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Trần Dần, Hữu Loan, Nguyên Ngọc, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Hoàng Trung Thông, Vũ Cao, Thanh Tâm Tuyền, Lê Đạt,… là những đại diện tiêu biểu nhất cho diễn trình đổi mới thơ ở thời kỳ này.

Vì thời lượng có hạn nên trong bài viết này chúng tôi tạm không bàn đến khuynh hướng thơ truyền thống cách mạng, mà chỉ bàn đến hai khuynh hướng cách tân như vừa nói ở trên.

II. Khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống từ đổi mới đến nay.

Đổi mới thơ ca truyền thống, từ anh hùng ca chiến trận và anh hùng ca trong lao động sản xuất mang đậm chất sử thi và lãng mạn chuyển sang khuynh hướng tự sự trữ tình thế sự thời hậu chiến, mà đại diện là các tên tuổi như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhuận Minh, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Hữu Quý, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Việt Chiến,… đều đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng công chúng mến mộ thơ ca cả nước từ nhiều năm nay và đã từng đoạt nhiều giải thưởng của các Hội Văn học- Nghệ thuật.

II.1. Trong Thương lượng với thời gian, nhà thơ Hữu Thỉnh đã sớm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng, sang thế kỷ mới cũng là lúc người ta cần phải có cách nhìn mới trước thời cuộc và trong thi ca với bao đổi thay, nhiều khi trái chiều, cùng sự trớ trêu khiến người ta không thể nào hình dung trước được: Sang thế kỷ với con tàu quá rộng/ Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang/ Tay vun cây và bão dập mùa màng/ Sông ôm sóng cả bên bồi bên lở/ Thương cảm, phản thùng, khoan dung, thớ lợ/ Vé trên tay thanh thản bước lên tàu/ Kẻ chậm chân có thể là mây nõn/ Mải ngu ngơ với chim mới ra ràng/ Kẻ chậm chân có thể là ông nữa/ Trái tim cồng kềnh thơ phú đa mang (Sang thế kỷ). Sang thế kỷ mới là: …Va quệt và xây xát/ Nhân tình lầm lũi đi (Thấy). Ở vào cái thời mà: Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng/ Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc/ Bao nhiêu kỳ quan che không kín những gì lầm lạc/ Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người (Ngẫu cảm), thì chắc chắn rằng thơ không thể không đổi mới.

Nhưng thật trớ trêu, sự đời không phải lúc nào cũng chiều theo ước vọng của con người, nhất là đối với những nhà thơ không bao giờ chịu khuất phục trước thời cuộc đổi thay. Ngay từ cuối những năm 80, nhà thơ Hữu Thỉnh đã linh cảm được điều ấy: …Mỗi lần sau đám tang/ Lòng ai cũng héo/ Dạ ai cũng sầu/ Tôi cứ tưởng không ai còn xấu nữa/ Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ/ Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế/ Giếng nước than lắm kẻ chao chân/ Khu vườn than có những con sên ngấp nghé lên trời/ Qua mùa hoa thì bướm cũng bay đi/ Tôi ngồi buồn như lá sen rách… (Nghe tiếng cuốc kêu).

Giọng thơ vần vè, câu thơ nà nuột mang chất anh hùng ca chiến trận là những điều ta thường thấy ở những tập thơ trước của ông, nay đã được thay bằng cách nói đầy suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm, đôi khi chát chúa, nhói đau trước thời cuộc đang đổi thay từng ngày:… Tôi cố lách qua cặn lắng của đời mình/ Dưới đáy cốc của hy vọng (Cặn lắng). Qua Thượng lượng với thời gian nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho ta thấy sự nỗ lực cá nhân trong việc tìm tòi, cách tân thi pháp theo cách riêng của mình trong dòng chảy của thơ Việt đương đại: Buổi sáng lo kiếm sống/ Buổi chiều tìm công danh/ Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa/ Tỉnh thức/ Những hàng cây bật khóc. (Thương lượng với thời gian).

II.2. Trần Nhuận Minh trong 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh lại chiêm nghiệm cuộc đời từ gốc cơ bản của phồn sinh, khởi xuất là sự tách chia lưỡng cực theo giống đực và giống cái. Với ông, sự chiêm nghiệm ấy càng sâu sắc hơn mang tính tổng kết nghiệm sinh cá nhân, từ đó mở rộng ra những vấn đề của đất nước, dân tộc. Những nghịch lý muôn thưở của cuộc sống được ông nhìn nhận ở nhiều chiều kích đối nghịch giữa cái có lý và phi lý, thật và giả, thực và ảo, nhân tính và bất nhân,… một cách sắc lẹm, khiến người đọc phải quặn đau và mất ngủ: Chỉ cần đoàn kết, chẳng cần tài năng/ Cây cỏ thu mình trong hàng rào danh dự/…/ Bông hoa không thể nở ở ngoài tường…

Khi thói đời lắm đổi thay, tình người tráo trở, thì hỡi ôi tài năng, thơ phú phỏng có ích gì. Hạng trung thần đến như Bao Công cũng trở nên lạ hoắc với đàn chó dữ canh nhà, vì chúng nào đâu có phân biệt được trắng đen, phải trái. Sinh ra chó để mà sủa. Chó khôn thấy chủ thì mừng. Còn chó dại cắn luôn cả chủ không chừng. Họa phúc đâu khôn lường: Không tài năng nào yên ổn ở Quê hương/ Trẻ con bây giờ/ Cũng chẳng còn nói thật/…/ Cái trông thấy cũng có khi không thật/ Bao Công về thăm lại làng mình/ Chó vẫn cắn râm ran…

Ấy cũng là lúc ông ngộ ra rằng: Kẻ khôn ngoan thường dấu điều mình nói/ Ý nghĩ ở đằng đông/ Miệng nói ở đằng tây/…/ Giấu mưu toan dưới những cốc rượu đầy/…/ Ta già rồi/ Chẳng biết giấu vào đâu/ Nỗi ngu dại/ Học từ thời Tốt Đẹp/ Nén hương tắt mình chưa trọn kiếp/ Cầm chân hương đi đến cuối cuộc đời…

Còn đây lại là một thực tế nhãn tiền nhức buốt tâm can của bất cứ ai không thể quên được ông cha, tổ tiên, nguồn cội. Chỉ thương cho cánh cò đơn côi loay hoay tìm chỗ đậu. Nhưng còn đâu hỡi cò? Những cái đầu phi nhân tính không chỉ cướp đi giòng giống, tổ tiên mà còn cướp đi chỗ ẩn náu cuối cùng của những sinh linh bé nhỏ như chú cò:Tổ tiên đã chết ở đây/ Những gò đống cỏ xanh/ Nay đã ủi đi rồi/ San sát vũ trường/ sân gôn/ quán nhậu/ Còn sót lại một cánh cò trắng mong manh/ Thấp thoáng bay/ Trong ráng đỏ chiều hôm/ không tìm ra chỗ đậu…

Muốn đất nước bình yên, tổ quốc khỏi lầm than, thì trong những trường hợp nhất định, cần thiết phải có không chỉ một anh hùng, mà nhiều anh hùng. Oái oăm là, có những thời điểm lẽ ra không cần lắm anh hùng đến thế, nhưng vì những cái đầu chưa bao giờ chịu hạ nhiệt: Có lắm anh hùng, đất nước bình yên/ là một điều vĩ đại/ Không cần có lắm anh hùng, đất nước vẫn bình yên,/ còn vĩ đại hơn nhiều.

Dẫu biết rằng, quy luật của muôn đời tồn tại là cạnh tranh, nhưng người thơ vẫn cứ day dứt mãi: Con người lớn lên/ Từ các cuộc tranh giành/ Và cái ác thấm dần vào trong máu/…/ Những hận thù hôn nhân, điền thổ/ Vẫn ngấm ngầm sau bao luỹ tre xanh/ Có cơn mưa/ Chết cháy cả lúa đồng/ Lời ngon ngọt mà thân người đổ gẫy…

Có thể nói những câu thơ hào sảng, nhưng đầy tính chất chiêm nghiệm đến bất ngờ, thật hiếm hoi và đáng quí biết nhường nào: Bạn thấy chăng/ Hàng triệu triệu Người/ Lần lượt lao vào lửa đạn/ Cho Tổ Quốc/ Sáng bừng tên tuổi/ Rồi để lại những nấm mồ vô danh/ Trắng đến tận chân trời… Hào sảng đấy, mà cũng xót xa đấy. Hẳn là cái sự trắng đến tận chân trời của những nấm mồ vô danh kia, mấy ai không biết.

Ở đây, dường như ngôn ngữ văn bản thơ theo trật tự logic thông thường đã trở nên bất lực và vô nghĩa, nhường chỗ cho cái phi lý, trật tự siêu ngôn ngữ và cái vô thức tung hoành.

II.3. Có thể nói Nguyễn Việt Chiến là một trong số không nhiều các nhà thơ đương đại háo hức lên con tàu tìm bến đỗ mới cho thơ Việt: Thưa mẹ/ hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu/ trong con vẫn còn một chuyến tầu/ ba mươi ba năm trước chưa trở về/… / phải chăng vì thế/ những câu thơ bây giờ/ vẫn phải lên đường/ làm một cuộc ra đi… (Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ).

Ông coi diễn trình đổi mới thi ca Việt như những chuyến tầu lao mãi về phía trước không ngừng nghỉ. Chuyến du hành ấy chẳng bao giờ là sớm và cũng chẳng bao giờ là muộn. Chỉ có điều, không thể không ra đi để tìm bến đỗ mới cho thơ. Đối với ông, những gì mà thơ ca Việt đã làm được dường như đều đã cũ mèm: Tôi đi qua/ bóng một sân ga/ chẳng con tem nào đưa tôi về địa chỉ yêu dấu / chẳng câu thơ nào cõng tôi về tuổi thơ cũ/ chẳng ánh sáng nào giúp tôi thoát khỏi những ám ảnh / chẳng con đường nào nâng tôi lên qua những dằn vặt / chẳng máy giặt nào giặt hộ tôi những đau khổ / chẳng máy điều hòa nào có thể cứu nổi một sa mạc cũ/ đang phổng phao lớn dần những đói khát trong tôi… (Để nhớ về em)

Bài thơ chỉ có 19 đơn vị câu, mà có tới 13 lần ông nhắc tới từ  với nhiều sắc thái tâm trạng khác nhau. Như vậy đủ biết nhu cầu đổi mới thơ trong ông róng riết biết nhường nào. Thơ truyền thống đã cũ, nhưng thơ cách tân lại đang bị lãng quên. Một thực tế thật khó chối bỏ được, dù đấy là một nghịch lý: Các nhà thơ đương đại và tôi/ đang bị thời gian lãng quên/ từng người một/ từng ngày một/ từng câu thơ một/ khi làm xiếc trên sợi dây ngôn ngữ/ chúng tôi/ bắt chước thiên nhiên/ gieo một tiếng thở dài/ vào cái cây bóng tối/…/ sự lãng quên vô tình hoặc cố ý/ đang dập tắt tất cả/ cả sự yên ổn trong tâm hồn và mỗi câu thơ. (Thơ đang bị lãng quên).

Khách quan mà nói, thơ Nguyễn Việt Chiến là sự pha trộn của cả ba khuynh hướng thơ đương đại: khuynh hướng truyền thống cách mạng, khuynh hướng cách tân trên cơ sở truyền thống và khuynh hướng cách tân ảnh hưởng thơ của các trường phái từ các nước phương Tây. Nhưng sự thành công của Nguyễn Việt Chiến chính lại là những bài thơ thuộc khuynh hướng truyền thồng cách mạng.

III. Khuynh hướng cách tân trên cơ sở du nhập các trào lưu, trường phái thơ phương Tây

Đại diện cho khuynh hướng này có Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa, Nhịp điệu châu thổ mới; Nguyễn Linh Khiếu với các tập Chùm thơ tiên cảmMùa thiêng và Hoa linh; Nguyễn Bình Phương với Lam chướng, Khách của trần gian, Buổi câu hờ hững; Nguyễn Lương Ngọc với Từ nước, Ngày sinh lại, Lời trong lời; Dương Kiều Minh với Củi lửaDâng mẹNhững thời đại thanh xuânTựa cửaTôi ngắm mãi những ngày thu tậnKhúc chuyển mùa; Mai Văn Phấn với Bầu trời không mái che; Inrasara với Tháp nắng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng tư, Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức; Vi Thùy Linh với KhátLinh; Phan Huyền Thư với Nằm nghiêng; Trương Đăng Dung với Những kỷ niệm tưởng tượng; Đỗ Doãn Phương với Hoan ca; Đinh Thị  Như Thúy với Ngày linh hương nở sáng,

III.1. Nếu chỉ xét ở góc độ thành công, có thể xem Nguyễn Quang Thiều là một trong số những người đi đầu trong diễn trình trong đổi mới thơ Việt đương đại và sớm được khẳng định. Ngay tập thơ đầu tay Sự mất ngủ của lửa của ông vừa ra đời đã nhận được Giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1992. Và trong một chừng mực nào đấy, ông đã tạo nên sự ảnh hưởng nhất định trên thi đàn Việt với hàng loạt các cây bút trẻ sau này chịu ảnh hưởng thơ ông khá rõ nét, như Phan Thị Vàng Anh, Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Quyến, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương,… Không những thế nhiều người còn tôn vinh ông như là sư phụ, người khai phá ra một khuynh hướng thơ mới trong đời sống thi ca nước nhà từ sau thời kỳ đổi mới đến nay.

Trong bài Bản thông cáo, ông đã không ngần ngại công phá vào thành trì của lối thơ truyền thống hoa mỹ, mang đầy tính chất tụng ca sáo rỗng, một thứ hàng lỗi mốt, không hợp thời, nhưng vẫn cố tình tô son trát phấn bằng hình thức bên ngoài, hoặc như một loại hàng giả được bọc trong những bao bì lòe loẹt của ngôn từ: Trong nghi lễ của ngôn ngữ/ được trang hoàng lộng lẫy/ giống sự lòe loẹt/ trong bức tranh dân gian của một nghệ sỹ mù…

Theo Nguyễn Quang Thiều, con người có hàng trăm ngàn căn bệnh khác nhau, rất đáng sợ, nhưng đối với thơ ca có hai căn bệnh đáng sợ nhất là sự tha thứ và ngợi ca vô lối. Làm như vậy là con người đang tự lừa dối chính mình: Chúng ta giành nhau làm kẻ lưu manh/ Thực tế chúng ta đều vô cùng ngờ nghệch/ Chúng ta dễ dàng tha thứ cho nhau/ Bởi chúng ta không dám kết tội/ Chúng ta ngợi ca nhau/ Bởi chúng ta không tìm được/ Những ngôn từ để tố cáo bản thân/…/ Chúng ta rót rượu tràn chén mà không hề biết/ Và cũng không hề biết/ Sự lừa dối rót đầy chúng ta. (Bức thư đề ngày 25 tháng 12)

Nguyễn Quang Thiều tuyên chiến với khuynh hướng thơ cũ, thứ thơ không bao giờ dám bắt tận tay, day tận trán cái hiện thực đời sống được làm nên bằng sự hiển hách và những chiến công của ngày hôm qua, cái mà hiện tại rất khó để cân, đong, đo, đếm được. Cũng vì thế chúng đầy rẫy những bất trắc, sự mù mờ mà ông cho rằng đấy là một thói quen tồi tệ nhất là dùng thời quá khứ (Giọng của H). Nó không còn lý do tồn tại ở thời hiện đại, nên buộc phải trốn vào những chiếc mặt nạ, làm chúng ta đau đớn nhất: Và trên những ô kính mờ bụi của ngôi nhà, đôi lúc/ Treo đầy những mặt nạ biết nói/ Đấy là điều chúng ta đau đớn/ Bởi chúng không làm thế nào để thay đổi những âm tiết… (Danh phận)

Bộ mặt của thơ cũ mà người ta quen gọi là thơ truyền thống, trong ý nghĩa của sự đối lập với thơ cách tân, đã được Nguyễn Quang Thiều vẽ nên thật sự gớm ghiếc và đáng kinh sợ biết nhường nào. Dẫu biết rằng người ta không thể tự tay vặn ngược bánh xe lịch sử của sự phát triển thi ca, thế nhưng trớ trêu là các nhà cách tân vẫn không sao quẳng truyền thống ra ngoài cuộc chơi được, mà vẫn phải sống chung với nó, như người ta vẫn phải sống chung với ruồi và với nhiều thứ khác nữa.

Tuy nhiên, với tư cách là một chủ thể sáng tạo thi ca, Nguyễn Quang Thiều vẫn ngày đêm khắc khoải đi tìm cho mình một miền đất hứa nào đấy, những mong ở đấy ông hoàn toàn được tự do, thỏa chí sáng tạo mà không bị bất cứ một trở lực nào.

III.2. Có thể nói, ngay từ khi cầm bút, Nguyễn Bình Phương không cần mất quá nhiều công sức cho việc tìm đường, thậm chí có thể bỏ qua khuynh hướng thơ truyền thống hay truyền thống cách tân như một số người từng làm.

Có lẽ Nguyễn Bình Phương là người duy nhất trong số các nhà thơ hiện đại Việt Nam đã từng đặt ra và tìm hướng giải quyết về mối quan hệ giữa con người tự nhiệm – công chức và con người tự do- nghệ sĩ từ rất sớm. Điều ấy cho thấy một thực tế là ở Việt Nam rất hiếm có nhà thơ chuyên nghiệp, mà chủ yếu vẫn là những công chức- nghệ sĩ:Này tôi/ Một khuôn mặt công chức/ đứng nhìn/ những cuộc họp rạc rài/ tiêu ma bao ý tưởng… (Bài thơ cũ). Điều này chúng ta chỉ có thể bắt gặp trong thơ Việt thời kỳ Trung đại sau khi đã chán cảnh quan trường, không ít người vẫn còn day dứt về thân phận công chức và nghệ sĩ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ,…

Nguyễn Bình Phương là một trong số ít các nhà thơ đương đại sử dụng nhiều từ láy: Lạ lùng ơi lạ lùng/ Vườn  có xanh như ngọc/ Ngọc còn xanh quái đản như trời/ Em kiêu hãnh làm tôi mệt mỏi/ Tháng Chín mắt nâu nhìn chiều vời vợi/ May áo màu rêu em mặc tới mùa thu/ Những khuôn mặt đảo điên mơ màng ngủ/ Giấc ngủ như là con đường xa/ Hoa đã nở trên tay người lạ/ Vệt sáng qua sông thoang thoảng hương nhài/ Lạ lùng ơi lạ lùng không dừng lại/ Yêu em có nghĩa là yêu mây xa/ Nghĩa là yêu chiếc khăn màu cỏ úa/ Với bao nhiêu ký ức chẳng phai tàn/ Em nhìn tôi nhìn sông Hồng chìm đắm/ Không ai chèo đò cho tình yêu qua sông/ Lạ lùng ơi lạ lùng nổi sóng/ Sóng đưa hai ta trôi dạt về đâu… (Than thở)

Việc sử dụng nhiều từ láy trong thơ của Nguyễn Bình Phương cho thấy thái độ ngập ngừng, lúng túng của chủ thể sáng tạo trong việc lựa chọn khuynh hướng thơ và lựa chọn tư cách cá nhân: công chức hay nghệ sĩ. Vì thế mà thơ Nguyễn Bình Phương vừa mới lạ về hình ảnh, bất ngờ trong liên tưởng, sắp xếp, tự nhiên về giọng điệu, vừa gần với ngôn ngữ sinh hoạt đời thường của con người, nên không quá khó hiểu. Đặc biệt Nguyễn Bình Phương đã đưa vào trong các thi phẩm của mình nhiều từ láy khá lạ đối với không ít người: quật quã, rạc rài, rườm rườm, ngun ngún, ngơ ngất, rờ rỡ, nhấm nhẳng, ngần ngật, than van, quầng quã, tạt nhạt, tung tóa,…

Cùng với việc sử dụng nhiều từ láy và những từ láy mới lạ tạo nên một sắc thái riêng cho thơ ông khó trộn lẫn với những người thơ khác. Điều ấy cần ghi nhận như là một sự đóng góp cá nhân của nhà thơ vào tiến trình đổi mới thi ca Việt đương đại và cũng phần nào nói lên khuynh hướng cách tân thơ mang đậm chất Nguyễn Bình Phương, mà không dễ gì ai cũng có thể làm được.

III.3. Nguyễn Linh Khiếu là một trong số những nhà thơ đi tiên phong trong diễn trình đổi mới thơ Việt từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và xuất hiện cùng thời với nhiều nhà thơ cùng thế hệ. Các tập Chùm thơ tiên cảm (1991),Mùa thiêng (1995) và Hoa linh (2000) đã minh chứng cho điều đó.

Ở Nguyễn Linh Khiếu có sự độc đáo riêng mà người khác không có. Quán xuyến hầu khắp các tập thơ của ông là một khát vọng phồn sinh róng riết và thâm hậu. Đến mức, dường như nhu cầu phồn sinh thường trực trong ông cũng sục sôi không kém nhu cầu tồn tại về khía cạnh bản thể. Trong tư cách là nhà thơ cách tân, với Nguyễn Linh Khiếu, tồn tại bản thể cũng đồng nghĩa với tồn tại phồn sinh. Sẽ chẳng bao giờ có tồn tại bản thể nếu như bản thể ấy không đích thực phồn sinh, tức là tồn tại trong tư cách vận động và phát triển, chứ không phải tồn tại trong tư thế đứng im, chết cứng. Cũng giống như các nhà thơ thuộc khuynh hướng này, người đọc trước hết cần phải có một cảm quan thẩm mỹ khác, không giống như khi đọc thơ truyền thống hay thơ cách tân trên cơ sở truyền thống khi tiếp cận trực tiếp với văn bản thơ. Dẫu rằng thể loại hay khuynh hướng thơ nào cũng đều là nghệ thuật ngôn từ, nhưng với mỗi trào lưu, khuynh hướng và từng cá nhân nhà thơ đều có cách riêng của mình trong việc khám phá thế giới vô cùng tận và chuyển tải cách nhìn về nó bằng các hệ hình thẩm mỹ khác nhau, thông qua hệ thống hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu, cách tổ chức câu thơ, cách đặt tên từng bài, tập thơ với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh và độc đáo. Thậm chí cả cách ngắt câu, xuống dòng, dùng các dấu chấm (.), dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;), dấu hỏi (?), dấu cảm (!), dấu ba chấm (…), việc sử dụng từ láy, từ ghép, từ điệp, cách phân chia khúc thức, trường đoạn, chương hồi,… của Nguyễn Linh Khiếu cũng chẳng giống ai: em quý phái em đài các em xa hoa em yểu điệu em kiều diễm em lộng lẫy em khoan thai em nồng nàn em khoan dung em nhân hậu… (Lá non mùa Hà Nội). Và: lá non là thông điệp phồn sinh trên đất đai màu mỡ mùa màng cấy cày vun trồng chăm bón gặt hái châu thổ lúa nước của chúng mình… (Lá non mùa Hà Nội).

III.4. Đối với Dương Kiều Minh cảm thức thời gian là sợi dây xuyên suốt thơ ông. Theo ông, thời gian là tất cả: sướng, khổ, vui, buồn, hạnh phúc, bất hạnh,… đều được đo bằng đại lượng thời gian. Ngay cả ý nghĩa của cuộc đời này cũng được đo bằng thời gian. Dương Kiều Minh được ghi nhận như một trong những nhà thơ có nhiều đóng góp trong quá trình cách tân thơ Việt từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước.

Bài Vừa giấc mơ dịu dàng đậu xuống của Dương Kiều Minh được viết vào ngày 24- 8- 2011, tức là cách ngày ông ra đi 28- 3- 2012, đúng 7 tháng 4 ngày. Ông đã khai triển thi pháp một cách bài bản, nhưng không kém phần táo bạo và đã đem lại hiệu quả khả quan cả về mặt ý tưởng lẫn giá trị thẩm mỹ cho thi phẩm:… Mẹ ạ,/ giấc mơ con đã đủ đầy cơn gió lành đồng nội/ mương nước ngập tràn cánh đồng đổ ải/ những đám mây đã đợi con thênh thang trời rộng/ những đám mây đã chở con qua dâu bể cuộc đời/con nhận thấy giấc mơ dịu dàng vừa đậu xuống/ đồng loạt vươn bông tiểu li lan/ theo bài ca dài bước chân trẻ thơ vang vang đầu thu con đường sương khói./ Ồ, trên tán khóm đại hồng môn còn để lại vệt mưa đêm trước.

Bài thơ viết về một mùa thu trong giấc mơ dịu dàng, hay nói cách khác đây là một mùa thu vừa thực lại vừa ảo, có những cơn mưa đêm bất chợt để lại những giọt nước trên khóm lá, với những bàn chân trẻ thơ đón chào một ngày mới đang đến. Chính lúc này nhà thơ thấy mình như trở về ngày thơ dại, lon ton những bước chân chạy ùa tìm gặp mẹ nơi chín suối trong tiếng chuông của những bông tiểu li lan nhỏ xíu, khóm đại hồng môn cùng những đám mây lang thang bay về phía cánh đồng nơi mẹ yên nằm.

Thật nhẹ nhàng, không ồn ào, không có những từ, những câu gây cảm giác mạnh, trái lại rất gần gũi thân quen, đặc biệt là đối với những ai đã sinh ra và có quãng đời tuổi thơ gắn bó với vùng quê trung du nghèo, mới cảm nhận hết được nỗi niềm của Dương Kiều Minh khi viết những câu thơ này.

Bài thơ mới và lạ về ý tưởng, cảm quan về con người, cuộc đời và thế giới tự nhiên. Nó là chiếc cầu, kẻ mang trên mình thông điệp nối đôi bờ giữa hai thế giới hư và thực, sống và chết, giữa cái hữu hạn của đời người với cái vô hạn của đất trời, vũ trụ.

Có thể coi đây là một trong những bài thơ viết về mẹ và mùa thu hay nhất của Dương Kiều Minh. Bài thơ đã đạt đến độ chín về cảm xúc, chiều sâu về suy tưởng, lung linh về hình ảnh, ngôn từ. Để có thể nói ra được điều ấy bằng một bài thơ như thế, không phải ai cũng làm được như Dương Kiều Minh.

III.5. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc là người hiếm hoi trong làng thi ca Việt đương đại dám đem cả đời mình đánh cược cho sự đổi mới thi ca như một cuộc chơi đầy phiêu lưu, mạo hiểm, nhưng dù sao ông cũng đã thắng, chí ít là về một phương diện nào đấy của thơ.

Nhưng cần khẳng định một cách chắc chắn rằng, Nguyễn Lương Ngọc không phải là người đầu tiên khởi xướng cách tân thi pháp thơ Việt hiện đại. Điều đáng ghi nhận ở Nguyễn Lương Ngọc không phải là ông đã làm được những gì trong diễn trình vận động cho sự đổi mới thi pháp thơ, mà chính là một tinh thần dũng cảm, thái độ nghiêm túc và một bầu nhiệt huyết tràn đầy trong sự nỗ lực của diễn trình ấy. Có lẽ ở giai đoạn từ sau 1986 đến nay, ít thấy ai dám đem đời mình ra đánh cược với thơ như Nguyễn Lương Ngọc, khi ông dám tuyên bố:… anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu… (Hội họa lập thể). Chính ông nghĩ và tin rằng: Những quy tắc lên men/ Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật/ Có gì không ổn/ Có gì như bệnh tật/ Khi mồ hôi vã ê a thiên chức nghệ sĩ/ Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ/ Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ/ Đã cho anh chiếc lăng kính này đây… (Hội họa lập thể).

Đối với ông, thơ ca của giai đoạn trước đấy, đến giờ chỉ là những khuôn mẫu hay qui tắc lên men chỉ có thể tạo ra những thứ giống như sự thật, chứ nhất quyết không phải là sự thật, thế thì buộc phải đập vỡ nó ra mà làm lại, còn để làm gì. Ông dứt khoát rằng: những con đã sinh ra thì đã chết/ những con chưa chết thì chưa sinh ra… (Gọi hạc).

Như vậy, Nguyễn Lương Ngọc đã ý thức một cách rõ ràng việc cần thiết phải tạo ra cho thế hệ mình một sân chơi thi ca hoàn toàn mới so với sân thơ truyền thống mà ông coi là những cái đã mốc meo, lên men, giả dối, không còn thích hợp với tâm thế của thi ca cũng như của công chúng thời đại mới. Vì lẽ đó mà ông luôn cảm thấy: Cuộc sống lạnh lẽo sao/ Cuộc chết ấm áp sao/ Em mỉm cười từ đâu/ đá Bay-on chao chat/ Đăm đắm nhìn từ đâu/ Sương Tây Hồ ngột ngạt/ Yêu không thể giải thích/ Chen chúc hoa lên tịch mịch/ Yêu không thể giải thoát… (Lời hát).

Dưới con mắt của Nguyễn Lương Ngọc, nền thi ca Việt đương đại giống như một đàn chim, trong đấy hạc trắng được coi là chúa tể, tượng trưng cho đức tính dũng mãnh và cao sang của những nhà thơ tiên phong trong công cuộc phong hóa thi ca nước nhà. Nhưng than ôi!… Ta hãy đọc trọn vẹn một trong những bài thơ hay nhất của ông,Gọi hạc để kiểm chứng điều ấy: Con cắt trắng/ xếp cánh/ khi gặp con khướu vàng/ Con khướu vàng/ khép mỏ/ khi gặp con hạc đỏ/ Con hạc đỏ/ nức nở/ nhìn con hạc trắng/ Hạc trắng!/ Hạc trắng!/ những con đã sinh ra thì đã chết/ những con chưa chết thì chưa sinh ra.

IV. Tạm kết

Dù cách tân theo khuynh hướng nào cũng đáng trân trọng và tôi đều đánh giá cao những nỗ lực cá nhân về ý tưởng, cảm quan thế giới, quan niệm thẩm mỹ, ngôn ngữ thể hiện và giọng điệu mới của thơ ca thời hậu chiến và đổi mới đất nước.

Hy vọng rằng tới đây, sẽ có nhiều những gương mặt thơ đổi mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ của đại bộ phận công chúng hôm nay và sẽ có nhiều hơn nữa những cuộc thảo luận về đề tài đầy thú vị và hấp dẫn này, ngõ hầu làm phong phú thêm diện mạo thơ Việt đương đại trong xu hướng hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng như hiện nay./.


Đỗ Ngọc Yên- Tham luận tại Hội thảo văn học 30 năm đổi mới

Nguồn Vanvn