Đây là lúc để dẹp sự xấu hổ sang một bên và ăn mừng hai “kiệt tác” của nhân loại trong năm 2012 – một năm tuyệt vời của văn hóa và nghệ thuật: ca khúc gây sốt Gangnam Style và tiểu thuyết “người lớn” Fifty Shades of Grey.

Đó là ý kiến của nhà báo Boris Johnson của tờ Telegraph.

Khi các nhà nghiên cứu lịch sử nền văn hóa nhìn lại năm 2012, họ sẽ nhận xét đây là một năm nghệ thuật phát triển rực rỡ ở nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, với riêng nước Anh, về mỹ thuật, trong ngày Đại lễ Kim cương (60 năm trị vì) của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, kiệt tác nghệ thuật “London – sông Thames trong Ngày của Thị trưởng 1752” của danh họa người Ý Canaletto được đưa trở về London sau 260 năm kể từ khi tác phẩm ra đời.

Trong năm qua, người Anh cũng có lễ khai mạc, bế mạc Olympic London hồi tháng 7 đậm chất văn hóa, trong đó có một lễ hội lửa ở công trình kiến trúc nổi tiếng của nước Anh – vòng tròn đá Stonehenge. Về văn học, giải Booker chứng kiến sự lên ngôi của một cuốn tiểu thuyết lịch sử đặc sắc – Bring Up the Bodies của nhà văn Hilary Mantel. Về âm nhạc và điện ảnh, Adele dù đang nghỉ ngơi vẫn phát hành ca khúc mới Skyfall – nhạc chủ đề trong bộ phim cùng tên – phần mới nhất và hay nhất của loạt phim James Bond.


Tranh biếm họa Psy với điệu nhảy ngựa trứ danh trong Gangnam Style

Nhưng để được nhắc đến như những sản phẩm văn hóa đại chúng thực sự có ảnh hưởng toàn cầu trong năm 2012, không tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao nào có thể sánh được với một video nhạc và một cuốn tiểu thuyết, đều với chất lượng nghệ thuật trung bình: Gangnam StyleFifty Shades of Grey (tiểu thuyết này ra mắt năm 2011 nhưng sức ảnh hưởng vẫn lan sang toàn bộ năm 2012).

Trong hai tác phẩm đó, tác phẩm nào thực sự thay đổi thế giới trong năm 2012? Cả hai, nếu nhìn vào bề mặt, có rất nhiều điểm chung. Cả hai đều được phổ biến qua internet. E.L. James bán tiểu thuyết Fifty Shades of Grey của mình dưới dạng sách điện tử qua mạng trước khi tác phẩm được NXB Random House ký hợp đồng in sách vì bán quá chạy.

Còn Psy, rapper người Hàn Quốc, đã có một năm thành công không thể tin nổi khi video Gangnam Style ùn ùn thẳng tiến trên con đường cán mốc 1 tỷ lượt xem trên YouTube. Kéo theo đó là hàng loạt video bắt chước và hàng loạt giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ của Hàn Quốc lẫn thế giới tìm đến với Psy.

Cả hai sản phẩm văn hóa đại chúng này đều mang lại một bài học quan trọng về quyền lực thực sự chứ không còn là “ảo” của mạng xã hội. Cả hai đều có vô số sản phẩm bắt chước ăn theo và có ảnh hưởng hầu như toàn diện đến các lĩnh vực khác trong xã hội. Mặc dù, ở Việt Nam, tiểu thuyết Fifty Shades of Grey vẫn chưa phát hành bản dịch.

1 tỷ lượt xem Gangnam Style và sự ngẫu nhiên

Thành công của Gangnam Style (điều khiến không ít người ngơ ngác) nói lên điều gì về nhân loại năm 2012? Không gì cả, theo nhà báo Tom Chivers của Telegraph.

Có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng, Gangnam Style không phải giai điệu bắt tai nhất thế giới, cũng không phải video nhạc vui nhộn nhất thế giới, chẳng là gì cả. Tác phẩm này hấp dẫn về giai điệu, nội dung và hình thức thể hiện ở một mức độ nào đó, chỉ thế thôi.


Và bìa tiểu thuyết Fifty Shades of Grey

Vậy thì, bài học văn hóa nào từ Gangnam Style?

Chẳng có gì cả. Chúng ta chẳng học được gì từ Gangnam Style cả. Hoặc, có lẽ một điều duy nhất: thế giới này là nơi trú ngụ tuyệt vời của từ “ngẫu nhiên”. Mọi thứ trong cuộc đời này phụ thuộc vào nó, ngẫu nhiên. Chẳng có một quy luật nào ở Gangnam Style cả. Muốn phát triển cả một dòng nhạc dựa trên thành công của nó cũng thật khó khăn, hoặc không tưởng.

Có hai việc chúng ta không nhất thiết phải làm. Thứ nhất, tuyên ngôn to tát về bộ mặt văn hóa của nhân loại trong năm 2012 qua sự lên ngôi của những sản phẩm văn hóa như Gangnam Style. Thứ hai, phán xét cả loài người vì gu nghe nhạc tệ hại (hoặc đọc sách với Fifty Shades of Grey).

Chúng ta chỉ cần phải chấp nhận rằng đôi khi có những thứ không đặc sắc lắm lại có được sự nổi tiếng khó tin. Đó là khi sự ngẫu nhiên đang thể hiện tác động của nó, chúng ta chẳng thể thay đổi được gì, mặc dù đó là cả một sự xấu hổ, cho nhân loại.

Có rơi vào “cái cống của lịch sử”?

Cả Fifty Shades of Grey lẫn Gangnam Style đều tiết lộ những thứ chúng ta chưa từng nghĩ đến, hoặc nghĩ đến nhưng cố lờ đi, về thế giới. Với Fifty Shades, đàn ông có chút kinh ngạc. Rất nhiều phụ nữ đã đọc cuốn sách, một tiểu thuyết khiêu dâm, họ công khai điều đó trên các mạng xã hội. Và họ không đọc với cảm giác lén lút, tội lỗi. Có thể những gì diễn ra trong cuốn sách là điều họ cần.

Có lẽ trích bình luận của một độc giả trên Telegraph là tạm ổn: “Cả hai tác phẩm này đều cho ta cái nhìn tổng quát về xã hội. Nhưng không may là, những gì chúng phản ánh đều thật đáng chán. Mọi người như những con cừu. Cũ kỹ, gặp nhau ở một mẫu số chung thấp nhất. Hoàn toàn rác rưởi. Thời đại chúng ta thật ít những tác phẩm như trường ca The Messiah hay Chiến tranh và hòa bình. Những thứ rác rưởi sẽ bị lãng quên và biến mất trong cái cống của lịch sử”.

Nguồn: Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version