Bức thư thứ nhất:

THƯ GỬI MỘT CÔ GÁI ĐANG PR CHO NHAN SẮC CỦA MÌNH

Em thân mến.

Năm nay em chưa tròn 20 tuổi. Nghĩa là em được sinh ra vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, một thế kỷ đầy huyền tích, mang trên mình những vết thương đẫm máu, tự xoa dịu bằng những công trình vĩ đại của nền văn minh công nghiệp, súng đạn, đường bay trên vũ trụ, và rồi được kết thúc bằng sự bùng nổ kỳ vĩ của internet. Nghĩa là em, ngoài cái tên cha mẹ đặt, còn được gọi bằng tên chung của thế hệ mình: cô gái 9X.

Tôi nhìn thấy em đi trên đường, sáng hôm nay. Em lướt trên phố thật tuyệt mỹ. Ai cũng ngoái lại nhìn cô gái 9X mặc áo hai dây màu trắng, váy ngắn màu đen, được quây hững hờ một tấm áo chống nắng quanh hai đầu gối (chỉ che đầu gối thôi, còn hai đùi thon và bắp chân trần được thả sức dưới nắng). Phía trên chẳng che gì cả, dĩ nhiên. Vì em đang rất đẹp ở lứa tuổi 9X của mình.

Em đi chiếc xe Dylan màu trắng sữa, đeo kính Mango gọng tím trầm, vai khoác cái xắc màu đỏ tía được khẳng định đẳng cấp New Yord and Company hay Nine West (thương hiệu thời trang hàng đầu của Mỹ, giá cả bình dân, khi qua Việt Nam, trở thành thương hiệu được giới ăn chơi ưa chuộng, chỉ khoảng hơn triệu hay gần ba triệu ở những “siêu cấp” Vincom, Parkson… ).

Trời bỗng đổ mưa. Cơn bão đang tiến dần từ biển Đông vào, đem theo những cơn mưa bóng bất ngờ, những vầng bụi bẩn và gió lộng. Tôi và em cùng táp xe lên hè phố, cùng loay hoay tìm áo mưa. Nhưng tôi nhầm. Em không tìm áo mưa. Em lấy chiếc di động to bản, mác cái di động này tôi không sành lắm, chỉ loáng nhìn ra nó thường được đặt ở vị trí đặc biệt của các cửa hàng di động lớn.

Lẽ ra tôi đã không mấy chú ý đến em, cô gái 9X. Xin lỗi em, tôi đã vô tình can dự vào cuộc chạy đua sắc đẹp bắt đầu từ chiếc điện thoại di động của em. Chỉ vì tôi vừa là nhà văn, lại đồng thời là nhà báo. Tôi cách đây nhiều năm, cũng gương mặt trong sáng thánh thiện như em, cũng nhiều giấc mơ và nhiều niềm tin. Nhưng những năm xưa, tuổi em bây giờ, chúng tôi phải chui xuống hầm tránh bom Mỹ để học những bài học của người Việt.

Em giờ đã có giấc mơ của mình, bằng chất giọng lả lướt và khàn khàn (hình như vì hay thức đêm, hình như hay đi nhảy và uống rượu ở bar đêm):

“Anh Ph. đấy à? Chó chết. May quá, suýt mất mẹ nó chai Chivas. Hóa ra con NH đoạt hậu. Con P. được khán giả bình chọn lại không được lọt vào top 10. Mấy đứa nhóm em thua em hết. Em cá là con P. sẽ không bao giờ đoạt hậu mà. Nhưng em suýt mất chai Chivas vì em khăng khăng con P. sẽ lọt được vào top 10. Lũ bạn em sợ thua không cá. May quá. Mai tập ở sàn Đ à? Thôi, đừng tập ở đấy nữa. Mốc meo. Lên thượng tòa N đi. Trên đấy chả thằng cha con mẹ nào mò được. Nốc cả vốc “xỉn” lắc cả đêm cũng chả có ma nào mò lên đâu. Anh phải gặp bằng được lão tổng tờ G cho em đấy”

“Sao? Cuộc thi lần này không cho báo chí tiếp xúc nhiều với thì sinh à? Chó chết. Sao em bảo con P. không đoạt được hậu à? Anh thử IQ của em đấy à? Vì em thấy anh bảo con P. non nớt trường thi trường đời lắm còn gì. Anh bảo nó không chịu anh còn gì. Nếu nó chịu thì bét cũng ẵm giải nụ. Cứ giả vờ. Sao định dạy bảo con P. lại giấu nghề cô em này thế?”

Mưa vẫn rơi ào ào, gõ như thốc vào màng tai. Hóa ra chúng ta đang cùng đứng dưới một mái hiên bằng tôn màu. Mái hiên này thật rực rỡ, nhất là vào ban đêm khi tôi đi ngang qua. Đèn rực rỡ và những vầng sáng thêm bí ẩn vì màu sắc của đèn, của tôn màu, và của những cô gái chàng trai thị thành ra vào cái cửa màu che khuất sự bí ẩn của một quán karaoke. Giờ có mưa, lại vào ban ngày, nên quán khép cửa kín mít. Mưa gõ khiến tôi hiểu ra, đây chỉ là mái tôn rất mỏng, được khoác lên màu sắc rực rỡ, và chỉ rực rỡ khi được tô điểm.

Cái giọng khàn của một đứa trẻ già của em lại vang lên, tha thiết:

“Anh… anh giúp em với nhé. Em sẽ không cho lên cân nữa. Giờ em đang nhịn ăn để vòng 2 đủ chuẩn 59. Lúc nào mà em chả đeo cái đai cho săn bụng. Em đang cố gắng làm giảm bụng chân. Anh nhớ chưa, em cao mét bảy mốt đấy nhớ”

“Có anh nhà báo em quen ở báo T. cũng định viết bài về em. Ơ, thì viết về việc em đi giới thiệu sản phẩm cho hãng xe E. Nhưng em không cho, em muốn anh lo cho em vụ này cho thật bài bản. Em làm người mẫu, xứng đáng viết quá rồi còn gì. Từ đây đến khi thi khu vực, anh bố trí cho khoảng chục tờ báo giấy với cho tung lên các báo mạng, một số blog, viết về công việc của em, nói kheo khéo về số đo chuẩn và gương mặt khả ái của em, lo gì không thành công?”

“Chó chết”. Em cười với cái di động, nụ cười còn quá ư trong trẻo. Nhưng giọng nói, than ôi, như một mụ nạ dòng đầy kinh nghiệm. “Chó chết. Anh thì thiếu gì em. Cần thì cũng xong. Nhưng em phải bảo toàn nhan sắc, ít nhất là từ đây đến khi cuộc thi tới diễn ra”.

“À, em hỏi lại vụ báo chí tí. Thế họ bảo lần này không cho báo giới tiếp xúc lăng xê người đẹp như mọi bận à? Ngu thế? Thằng nào nghĩ ra trò này thế? Mấy thằng bắt chước cuộc thi hoa hậu người Việt ở nước ngoài à? Nhưng không sao. Càng kín càng bí ẩn càng có cách để tuyên truyền hợp tình hợp lý. Sao? Anh mà cũng phải hỏi em cơ à? Anh đầy mình kinh nghiệm bầu sô hoa với nụ. Sao không thử nghiên cứu cái bọn bán hàng đa cấp xem? Thành công bất ngờ, cấp số nhân đấy. Bọn đấy toàn dùng phương pháp rỉ tai từng người…”.

Mưa đã thôi rơi. Tôi vuốt những giọt nước mưa vô hình trên mặt.

Em, cô gái 9X, cái đùi thon nõn vắt lên yên xe không cần che cái áo chống nắng nữa. Em mãn nguyện, mặt tươi rói như tiểu thiên thần. Hàng phố ai ai đi qua cũng nhìn cô gái phô nửa mình trần sau cơn mưa. Ôi sao mà đẹp và tươi nguyên đến thế? Trẻ trung và mãn nguyện với những gì trời phú cho nhan sắc của mình đến thế?

Nhưng mà tôi thì cứ đần người ra với cái áo mưa vo trên tay.

Tôi nhớ cái năm ấy, khi tôi đi sơ tán về một làng trung du có những đồi cọ xanh mát. Những thửa ruộng chạy dài tít tắp và có từng thửa từng thửa cao thấp, mọi người bảo tôi đó là ruộng bậc thang. Hôm đó chúng tôi vừa tan trường thì trời mưa. Đành chạy trong cơn mưa để về. Trong màn mưa nhẹ rơi, tôi nhìn thấy ở một thửa ruộng thấp, có một đôi anh chị đang tát nước. Trời mưa thế mà họ vẫn bình thản tát nước từ ruộng thấp lên ruộng cao. Cả hai đều bị nước mưa dính bết quần áo. Nhưng tôi cứ nhớ mãi chị. Cái áo cánh nâu ôm khít người chị nổi rõ đôi núm vú nhú như hai trái cau nhỏ xinh. Chị vén ống quần lụa phíp màu đen lên cao, để lộ ra hai bắp đùi trắng nõn nà. Ôi chao, người đâu mà xinh mà đẹp đến thế? Mà mưa sao khéo thế, để chị chẳng thể bị ai trách rằng đã cố tình để lộ ra cơ thể con gái đương thì. Đến tôi là đứa con nít nhỏ xíu còn mê huống chi cái anh kia, nước mưa chảy ròng trên mặt vẫn cười tươi khoe hàm răng trắng đều với chị. Có lẽ anh đang lấy lòng chị chăng. Đẹp thế, ai mà chả muốn lấy lòng cái đẹp?

Sau này tôi có viết truyện ngắn Lúa hát. Cảm hứng của tôi về nhân vật cô gái rời khỏi ngôi nhà tranh lên thành phố mua muối về để bón cho lúa là cảm hứng từ những hình ảnh đẹp lưu giữ từ thủa ấu thơ đi sơ tán về những cô gái nông thôn bình dị mà đẹp lung linh.

Trong truyện ngắn Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí, tôi lý giải bằng chất giọng u-mua về cái đẹp thế này:

“Trời phân định rạch ròi ra cái đẹp là để chúng sinh biết đã đẹp thì chớ chứa đựng quân tử. Đẹp là để cho chúng ta ngưỡng mộ, ngắm nhìn. Không phải để cho chúng ta dựa vào. Quân tử là để cho chúng ta dựa vào, không phải để cho thiên hạ chiêm ngưỡng ngắm nhìn”. “Bác thử nghĩ mà xem, cái hiền tài nằm trong cái lốt liễu yếu đào tơ kia, nằm trong cái lốt đẹp như thế kia, thử hỏi sao cháu lại không phải tốn công?”

Khi tôi viết đoạn ấy, tôi nhớ cái hình ảnh năm xưa, người con gái tát nước dưới mưa, hai ống quần đen bằng lụa phíp vo lên cao, để lộ cái đẹp như nhiên dưới bầu trời sũng nước…

Em, cô gái 9X của tôi ơi. Nếu em là hoa hậu, em có hàng ngày mang thông điệp hòa bình đến mọi nhà? Em có đưa tay cứu độ bao nhiêu em bé lang thang không cha mẹ, bao nhiêu em bé sinh ra không được làm người, sống dật dờ trong nỗi đau chất độc da cam? Em có mang sắc đẹp hòa giải cơn hận thù khủng bố? Em có mang những bông hoa tặng những người mẹ và những người cha không được phong anh hùng, sống trong nỗi mỏi mòn hy vọng những người con mất tích trong chiến trận biết đâu một ngày trở về, và nỗi chờ đợi thao thức như những vì sao? Em có là người ôm hoa và cờ đỏ sao vàng chờ đợi những chàng trai như Đỗ Bảo Châu trở về bước xuống sân bay? Và em sẽ chăm sóc, sẽ bón từng thìa cháo, muỗng canh cho những cô bác thương binh đang sống nốt những tháng ngày dài ở trại Thuận Thành…?

Em sinh ra để làm đẹp cho đời. Em mới chỉ là một nụ hoa mới hé nở. Em cứ đi xe Dylan, cứ nhảy vũ điệu tuổi trẻ. Cứ tự tin với các nhà báo, để họ viết về em, một cô gái đẹp nỗ lực lao động và nỗ lực sống.

Nhưng mong em sẽ khoe sắc đẹp của mình trên mảnh đất tuyệt đẹp và thánh thiện này, bằng chính sự thánh thiện của sắc đẹp.


23.8.2010

Mùa vu lan báo hiếu

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà


Bức thư thứ hai:

THƯ CỦA MỘT CÔ GÁI ĐANG PR CHO NHAN SẮC CỦA MÌNH GỬI MỘT BÀ NHÀ VĂN NỔI TIẾNG

Thưa bà.

Tôi thật vinh hạnh được bà để mắt tới. Vì bà là một nhà văn nổi tiếng. Vừa nãy tôi thử gõ vào google.vn tên bà, thấy cả đống kết quả, chứng tỏ thiên hạ Việt quá quan tâm đến nhà văn.

Thư bà gửi cho tôi – đúng là gửi cho tôi, vì cái ngày hai ba tháng tám hôm đó – “mùa vu lan báo hiếu” – tôi đi trên đường phố Thái Hà bằng con xe Dylan mượn của phụ huynh, tôi đeo kính Mango gọng tím vừa được bà chị yêu kính của tôi thải hồi, và đúng là vai có khoác cái xắc màu đỏ tía, cái xắc này tôi buôn bán trên mạng, họ mới gửi từ Mỹ về giá rẻ bất ngờ vào mùa sale hàng, mua có hơn bảy trăm ngàn lại bán đi ngay chiều hôm đó lãi ba trăm. Mà cái kính gọng tím tôi cũng sắp câu được một con bạn mua với giá khá hời.

Nhưng những điều đó không quan trọng. Quan trọng tôi đúng là một cô gái đang tìm cách quảng bá PR cho nhan sắc của mình, một cách bài bản.

Tôi đang PR cho nhan sắc của mình, thưa bà!

Tại sao tôi lại không thể nhỉ? Bà có biết thế nào là hoa hậu không? Tôi tin bà không bao giờ hiểu nổi, dù có trong mơ. Vì nhìn ảnh bà, khá đẹp, nhưng không phải là nét đẹp của bông hoa huyền; mà là nét đẹp của một tảng đá xám.

Xét về mặt nhân cách thì bà là người nghe trộm chuyện của người khác, xâm phạm nhân quyền của người khác. Mà nghe như thế thì hiểu làm sao được phía đằng bên kia ai nói cái gì. Bà không biết người đối thoại với tôi béo hay gầy, cao hay lùn, đẹp trai hay dơ dáy. Không biết thì sẽ không bao giờ hiểu được một nửa cuộc thoại. Bà càng không bao giờ hiểu nổi một cen-ti-met vòng eo đã tiêu tốn của tôi hàng chục triệu. Hàng chục triệu cho mỗi một thứ cần phải đạt được trên cơ thể mình. Vậy nhưng phụ huynh của tôi, cũng như bà, lại cứ xây những lâu đài cát. Những lâu đài kiểu cát cháy, cát trắng, cát đỏ hết năm này qua năm khác khiến chúng tôi phát ớn vì sự giả dối đến tận cùng sâu thẳm. Vì thế chúng tôi bai bai phụ huynh vào những đêm dài, cùng nhau nhảy nhót và lắc, lắc và tìm lại cảm giác thật nhất đến tận cùng sâu thẳm.

Nay tôi phân tích ra cho bà hiểu thế hệ chúng tôi còn khốn khó hơn thế hệ của bà rất nhiều, và ngày càng khốn khó, gian nan. Thời của bà tuy phải chui dưới hầm vừa tránh bom vừa học, nhưng mà là học thật, dạy thật. Vì theo suy xét của chúng tôi, nếu thầy cô của bà không dạy thật thì chỉ còn nước bị đẩy ra mặt trận. Thời nay, chúng tôi không được học thật, vì nếu thầy cô của chúng tôi dạy thật, lấy đâu ra việc cần phải học thêm dạy thêm? Thời của bà làm gì cũng dễ nổi. Viết một bài thơ được đăng báo là cả xứ biết. Giờ bao nhiêu bạn bè tôi viết cả đống thơ, có thể được đăng báo, rồi tự đăng lên blog của mình (nghe có vẻ được thoải mái), nhưng chẳng ma nào biết. Thế thì chúng nó phải tự truyền thông (tự PR hay tự quảng cáo), truyền thông bằng cách giang tay dạng chân ra (tức là lại phải dùng thân hình) chụp ảnh đăng báo trả lời phỏng vấn (đặt hàng nhà báo).

Bà kể về cơn mưa miền trung du thời thơ ấu, với chị gái quê có bắp chân trắng nõn, có bộ ngực chũm cau bết mưa. Bà có dừng lại hỏi chị gái ấy đã từng bao giờ biết chăm sóc trẻ con hoang không cha mẹ, trẻ con dị dạng vì cha mẹ bị lậu giang mai không có thuốc chữa? Đã từng biết thế nào là thương binh mất chân tay, la hét gào thét trong đêm dài? Bà còn là cô bé con nên thấy chị gái ấy đẹp, mà không thấy chị gái rõ ra là đồ lẳng lơ. Mưa như thế thì xắn quần phỏng có ích gì mà cũng cứ xắn? Lại là thứ lụa phíp chắc phải cố tình vo chặt lắm mới không thể tuột xuống.

Giờ tôi mặc áo hai dây, đi trong nắng rực rỡ, tôi ngẩng cao đầu không ưu không phiền. Tôi gọi cho ông bầu lò đào tạo các người mẫu. Ông ấy muốn tự tay lựa chọn và đào tạo các người đẹp. Nếu bà thấy ông ấy làm việc quên mình ra sao, bà sẽ nhìn chúng tôi bằng con mắt của thời đại hôm nay. Ông ấy không bao giờ tha thứ cho sự ủy mị, xót thương; không tha thứ việc lùi bước; không thích nhan sắc không được chỉnh trang. Vẻ đẹp tự nhiên không có mặt trên những sàn diễn, bởi dưới ánh đèn màu, vẻ đẹp tự nhiên nhợt nhạt và yếu đuối. Vẻ đẹp của thế hệ chúng tôi là vẻ đẹp phải tự mình giành giật lấy. Nếu không nó sẽ mất hút trên những con đường cao tốc, chìm lút trong khói xăng và bụi mù mịt, chết yểu trong những căn nhà ống được cưỡng ép khí lạnh bởi những cục điều hòa nóng giãy bên ngoài khiến cả thành phố lên cơn co giật vào mùa hè, và xám ngoẹt vào mùa đông.

Đọc thư bà, tôi thấy thương thay cho những thế hệ các nhà tri thức nông dân hay tiểu thị dân đã chết, đang chết và sắp chết. Họ không hiểu thời nay đã có biết bao nhiêu kiểu quảng cáo bản thân đang phát triển mà chúng tôi, may thay, dù sinh ra ở thế kỷ 20 vẫn kịp nắm bắt và thực hành trong thế kỷ 21. Bà có biết cái con suýt hoa hậu N bị tước giải được khán giả yêu thích vì chót dùng dao kéo chỉnh sửa tí chút gương mặt của mình? Cái con bé đó, đôi người thương cho nó đang yên đang lành đi thi thố làm gì để bị vạch mặt ăn gian sắc đẹp, rồi ra không biết có còn mặt mũi nào mà sống yên thân không? Hỡi ôi, đáng thương thay cho những người đi thương xót. Họ công kích cánh báo chí hiểm ác không tình người (vâng, báo chí là cái cũng thường có đặc thù này), đã phơi bày việc dùng dao kéo của một cô bé chân dài vô tội. Họ, những người tốt bụng hay thích thương xót (hình như bà nghiêng về phe này thì phải?), những tưởng nó sẽ thân bại danh liệt ư? Con bé N đó, xin tiết lộ cho bà biết (đặng có thêm chút tư liệu mà cày tiểu thuyết), hiện đang đắt sô các đại gia nhất trong tốp 5 em, vì sự hiện đại và phóng khoáng, vì nó gãi đúng chỗ ngứa của các đại gia. Nó tận hưởng sự xót thương của đàn ông đại gia, họ đổ xô đến xót thương cho nó ngày mỗi nhiều. Nó không bị áp lực phải lên sàn thi hoa hậu, nên nó không mất thời gian tập luyện, không bị cưỡng ép mình. Nó xả thoải mái bản thân. Nó tự do nhất như chưa bao giờ được tự do. Bà đã thấy là nó tự PR bản thân tuyệt vời đến thế nào chưa? Chỉ một đường sửa của dao kéo, nó chẳng tốn công như tôi mà vẫn kiếm bộn tiền.

Còn điều này nữa thưa bà: đúng là thiên hạ vẫn kháo nhau nhà văn nói láo, tôi thử tra trên mạng, thấy tuổi bà chưa cao như bà nói. Nghĩa là khi bà phải chui xuống hầm tránh bom Mỹ thì bà mới có hơn chục tuổi, chứ chưa thể bằng tuổi tôi bây giờ.

Ha ha.

Nghĩa là bà đang ghen, ghen với nhan sắc và tuổi trẻ của tôi.

Nhưng tôi rất lo trong số các đại gia đến với chúng tôi, sẽ có người được gọi là chồng bà. Vì vậy với niềm yêu kính một tài năng, tôi mong rằng bà sẽ không bao giờ có một ông chồng đại gia.

Tuy nhiên, hơn ai hết tôi biết rằng mình thật may mắn hơn chúng bạn vì đã được một nhà văn để mắt tới. Chúng nó thường comments vào các blog của các nhà văn để chửi bới họ hoặc cùng họ chửi bới các nhà văn khác, chỉ vì tôi biết chúng nó ghen tị cả đời với họ. Chúng nó khoái được làm quen với những nhà văn hơn cả nỗi khát vọng được các đại gia để mắt tới. Thậm chí đôi lúc chính tôi cũng thích thử để được thành nhà văn. Nhà văn là loại người luôn được phép PR cho mình một cách rầm rộ nhất, mà vẫn được xã hội chấp nhận như là một việc chân chính phải làm vì sự thỏa mãn trí tò mò của xã hội.

Vâng, tôi biết, nhà văn là niềm tự hào nhất của một dân tộc trọng thơ ca.

Mặc dù vậy, thưa bà, ngày nay thước đo phẩm giá con người không còn là những lời lẽ được sắp xếp khéo léo tạo nên cái gọi là những bài thơ, những tác phẩm văn học, hay những cử chỉ thánh thiện được tôn vinh trong cộng đồng. Mà là những đồng kim tiền. Muốn có cử chỉ đẹp cần phải xuống tiền. Đi bất cứ đâu tiền cũng là phép đo duy nhất. Ngay cả những người chết, người ta cũng đặt những đồng kim tiền xuống mộ đặng giúp người chết có tiền mà đi đò qua sông Đoạn Hà. Thử hỏi nếu không có chút xu lẻ, ví như những người ăn mày mà chết, thì họ làm cách nào mà vượt sông để sang bờ bên kia sau khi uống nước quên? Vậy thì họ sẽ phải suốt mấy tầng kiếp lang thang bên bờ bên này của con sông mờ mịt ấy. Và vì thế chúng tôi không bao giờ cho phép mình không có chút đồng xu trong túi. Ngay cả khi bạn rủ đi ăn ốc, cũng bằng mọi giá moi tiền bạn, huống chi là các đại gia cứ thích dùng chúng tôi làm con mồi câu những dự án lớn nhỏ.

Một pháp sư nói với tôi rằng, chúng ta đang tồn tại trong thế giới kim tiền. Không có tiền đừng nói chuyện “đưa tay cứu độ bao nhiêu em bé lang thang không cha mẹ, bao nhiêu em bé sinh ra không được làm người, sống dật dờ trong nỗi đau chất độc da cam”. Nói gì đến chuyện “mang những bông hoa tặng những người mẹ và những người cha không được phong anh hùng…”. Rồi “bón từng thìa cháo, muỗng canh cho những cô bác thương binh đang sống nốt những tháng ngày dài…”.

Ô hô, thưa bà, bà thật lãng mạn. Thật vĩ đại. Cũng thật đáng thương.

Và cuối cùng, xin nói thật, bà thật là ngu.

Chào bà.


Ngày 29.8.2010

Hà Nội, tháng mưa ngâu

Một người đẹp đang PR cho nhan sắc của mình

 

 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà