Trong “Ba ngôi của người”, Nguyễn Việt Hà dùng những từ như “vô đạo”, “ít học” để nói về Hà Nội, nhưng ẩn sau trang viết là đau đáu tâm sự về phố cổ.

Tên sách: Ba ngôi của người

Tác giả: Nguyễn Việt Hà

Nhà xuất bản Trẻ

Câu chuyện Ba ngôi của người được Nguyễn Việt Hà dựng qua lời kể của ba nhân vật người cha, người con và người cậu. Nhân vật người con tên thân mật là Kun – một họa sĩ thông minh và có tài năng thiên bẩm. Người cha được gọi là “trung niên” – một tay buôn giàu có. Bên cạnh cha, con, là cậu Quang Anh (không biết có phải thánh thần hay không), nhưng là một nhân vật có cá tính đặc biệt.

Sách “Ba ngôi của người”.

Giữa một Hà Nội trong quá trình đổi thay, chân dung mỗi nhân vật hiện ra. Họ sinh ra ở mảnh đất được gọi là nghìn năm văn hiến, lớn lên nơi đây, và dường như mọi biến cố, tâm lý đều có một phần nguyên do từ không gian, nếp sống của vùng địa lý này.

Nếu như Kun sinh ra trong hiểu lầm, đau khổ thì lại lớn lên, trưởng thành thành một nghệ sĩ trong sáng. Khi tranh cậu “bán một mớ có thể mua được nửa căn chung cư” thì Kun đi tìm cha, đưa ông về Hà Nội và mong muốn hàn gắn tình cảm cha mẹ. Trong tình yêu với cô bạn gái Mộc Miên hay quan điểm về nghệ thuật, Kun luôn nhiệt thành, có cái nhìn “lành” về cuộc đời.

Cha của Kun là một người bí ẩn. Ông được biết tới với cái tên “trung niên”, có khả năng đặc biệt là nhớ về những kiếp luân sinh trước đây của mình. Đó có thể là ông hàng thịt chó tình cờ chứng kiến lễ rửa tội đầu tiên trên đất Thăng Long đời Hậu Lê, hay là nhà tu hành khi quân Tây Sơn tràn ra phía Bắc. Ở thì hiện tại, ông là một trung niên, buôn bán thành đạt, nhưng số phận nổi trôi. Dù ở kiếp nào, người đàn ông ấy vẫn là một người Hà Nội, chứng kiến những sự việc xảy ra nơi đây, và dù có Nam tiến hay biến mất, cuối cùng ông cũng trở lại mảnh đất văn vật này.

Nhân vật thứ ba kể chuyện là cậu Quang Anh – người cậu thân thiết của Kun. Sinh ra là con của vị Thứ trưởng, gia đình sống trong biệt thự Pháp cổ, nơi anh ta cho là con phố đẹp nhất Hà Nội. Anh du học ở Mỹ, về nước trở thành một nhà tài phiệt, vừa có nhiều tiền nhờ mua bán các doanh nghiệp, vừa có tri thức lại có chút hiểu đời. Cách sống của Quang Anh có chút gì cao ngạo, tâm hồn lại nhạy cảm, tinh tế theo cốt cách một kẻ sĩ, dù anh ta luôn tỏ vẻ khinh bạc chửi đời.

Bên cạnh ba nhân vật chính đều là nam, Ba ngôi của người cũng dựng lên chân dung những nhân vật phụ, là ba nhân vật nữ điển hình cho những kiểu người dễ thấy trong xã hội đương thời. Mẹ Kun tiêu biểu cho mẫu phụ nữ của phố tháo vát. Bà tuy là thiên kim tiểu thư con của Thứ trưởng nhưng tính tình quyết liệt, dám từ bỏ danh vọng theo người yêu, và cũng dám từ bỏ tình yêu khi bị phản bội để vật lộn kiếm nhiều tiền nuôi con. Còn Mộc Miên – người yêu một thời của Kun – giống như nhiều cô gái đẹp khác, ham vật chất, ham trở thành người phố cổ mà bỏ người yêu để đến với gã con buôn ít học, có thể mua điện thoại, túi hiệu cho mình. Hạnh là điển hình cho mẫu phụ nữ cam chịu, khéo léo, tu chí học hành, giàu đức hy sinh. Cô là em họ Quang Anh, yêu chàng ban đầu bởi sự hàm ơn, trách nhiệm; cuối cùng không thể vượt qua luân thường đạo lý phải đi nước ngoài và có cuộc sống buồn tẻ với người chồng Thụy Sĩ.

Khi xây dựng nhân vật là các thị dân Hà Nội, Nguyễn Việt Hà cũng dựng lên chân dung mảnh đất nghìn năm văn hiến trong thời hiện tại. Anh viết về một Hà Nội xấu xí và dùng những nhận xét toàn cảnh: “Nhà nghỉ nhiều nhan nhản đã làm cho Hà Nội trở nên một con đĩ thập thành”; “Còn Hà Nội bây giờ thì buồn quá, nó không quá nghèo nhưng vô đạo và ít học”; hay “Thành phố đang loay hoay tha hóa”. Về con người Hà Nội, tác giả cũng mượn lời nhân vật mà nói: “Một thế hệ rỗng tuếch vô đạo không lý tưởng, nhỏ dãi nhảy chồm chồm trước tiện nghi vật chất” hay gọi giới trẻ là “Bọn tin tin đầu đất nông nổi của ngày hôm nay…”

Tuy vậy, Ba ngôi của người cũng giúp độc giả khám phá những góc đẹp nao lòng của Hà Nội. Một góc Hồ Tây được miêu tả: “… lần nào cũng ở cái bar tầng 14 khách sạn Sheroton. Viu tuyệt vời, thăm thẳm rộng rãi, những hôm trời trong thấy cả xam xám nhấp nhô nét núi Ba Vì. Hồ Tây thanh thản có màu nước biển dịu dàng vô cùng… Và chỉ cần hoàng hôn muộn dầm trong mưa tím là chợt nhiên mặt hồ bỗng rùng mình thành trong veo lãng mạn”. Hay một đoạn giao mùa đầy sức gợi: “Hà Nội tàn thu, mưa bụi mịn giăng, phảng phất có gió Đông Bắc rét đầu mùa. Một nghìn năm trước nó đã vậy và một nghìn năm sau cũng sẽ vậy”.

Không chỉ nói về Hà Nội đẹp trong thời gian, không gian, Nguyễn Việt Hà miêu tả những người Hà Nội đẹp từ thú ăn chơi, cốt cách. Nhân vật người cha của Ngọc Cầm được gọi là một người Hà Nội sắp tuyệt chủng: “Nhà nó ở cuối phố Lý Thường Kiệt, hai tầng xập xệ xây từ thời Pháp thuộc, có một vườn nhỏ hoang phế tiêu tao rất Hà Nội. Hàng tỷ lần người ta đến xin thuê mở cửa hàng, bố nó đều khinh bạc từ chối. Bố nó tóc muối tiêu gầy gò đẹp trai, đọc tiểu thuyết Pháp bản gốc, ăn rau muống luộc thì cũng bắt xếp ra đĩa, đầu ra đầu, đuôi ra đuôi. Một sự cầu kỳ thành thực tự nhiên rất Hà Nội nên không làm người khác thấy chướng”. Sự cầu kỳ trong nết ăn uống, thưởng thức được nhắc tới qua những lần độc ẩm, đối ẩm, song ẩm của Quang Anh: “Cái Cầm và cậu Quang Anh cùng hút xì gà loại điếu nhỏ để trong hộp gỗ hoa văn chìm có đồng hồ đo độ ẩm… Những buổi ấy để được gu, cậu Quang Anh toàn kêu hai chai cognac. Hai chai đúp Napoleon đít lõm xanh đục với vài lát pho mát kèm một đĩa lớn salad hoa quả…”.

Trong Ba ngôi của người, tác giả là người dẫn chuyện tài tình. Anh gọi tên các nhân vật lịch sử, cùng những người đương thời bằng những liên tưởng, dẫn dắt. Bởi thế, trong tác phẩm ta thấy có cả Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly, thấy những nhà cách mạng như Nguyễn Thái Học, Lê Thanh Nghị… lại thấy cả văn nghệ sĩ đương thời như Lê Thiết Cương… cùng xuất hiện mà không hề gượng ép. Nhiều đoạn trong sách có thể cắt ra thành những đoạn như tản văn luận về phố, về dân phố cổ và tỉnh lẻ, về rượu, về nghệ thuật, tôn giáo…

Đọc Ba ngôi của người, bên cạnh khám phá nội dung, thưởng thức cách dẫn dắt, miêu tả của tác phẩm, độc giả luôn dõi theo từng câu chữ trực diện hay gián tiếp nói về Hà Nội. Và dù là những từ xấu xí với cái nhìn bi quan về thủ đô, hay những đoạn miêu tả đẹp về không gian, con người đất Tràng An, vẫn luôn thấy một tấm lòng “xót xa yêu Hà Nội” của Nguyễn Việt Hà, như lời nhân vật Tôi nói trong tiểu thuyết.

Lam Thu

Nguồn: vnexpress.net

Exit mobile version