Nhà thơ Bùi Kim Anh

Nàng đáng yêu lắm. Trong những nữ sĩ, nàng xinh đẹp và có “cái giọng Huế nghe một lần để thương”. Nó ngọt ngào, mềm mại như nàng vậy. Mượn nhà thơ Xuân Diệu cụm từ “ngây ngây thơ thơ” trong cảm xúc của tôi để nói về nàng – nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Mỗi lần từ Huế ra Hà Nội nàng thường gọi các bạn để thông báo. Khi thì nhóm bạn chúng tôi lên nhà của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, khi ở nhà của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cùng nhau gặp gỡ vui vẻ. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạluôn được chị em yêu mến. Mỹ Dạ có tài có duyên nữa khi xem bói chén. Tay nàng cứ đưa chiếc chén nhẹ nhàng rồi dừng lại và nói. Mọi người hồi hộp theo dõi và chăm chú nghe. Đúng hay sai không biết. Tin hay không không biết. Chúng tôi cứ như một bày trẻ đam mê trong một trò chơi thần bí dưới bàn tay Mỹ Dạ.

 

Tác giả chụp ảnh kỷ niệm cùng vợ chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và các văn nghệ sĩ

Ra Hà Nội nhiều lần đi họp nhưng Dạ chẳng bao giờ nhớ đường vì đi đâu cũng có bạn bè đưa đón. Lam Luyến hay đón Dạ về nhà mình ngủ rồi tụ tập bạn bè. Nhà thơ Nguyễn Đức Quang thì chị Mỹ Dạ cần đi đâu là đưa đi ngay. Tôi lúc ấy đi chiếc xe ga bé tẹo cũng hay đưa đón Dạ. Nàng hình như sợ hay buồn không biết, chứ không thích ngủ một mình nơi khách sạn. Có lần nàng rủ tôi ngủ lại ở đó cùng nàng. Hai đứa cứ chuyện trò cả đêm. Dạ thích và bạn bè cũng thích rủ Dạ về nhà mình ngủ. Nào chị Thanh Nhàn, Lam Luyến… và tôi nữa. Chúng tôi còn cùng nhau đi may áo. Mỹ Dạ chọn vải và hai đứa may giống nhau. Nàng hay mặc bộ váy áo tha thướt và áo thường hay cài nhiều khuy. Dạ tặng tôi một bộ váy áo kiểu ấy màu ghi. Vẫn giữ đây và lâu rồi không mặc nữa, nhiều tuổi rồi không mặc nữa.

Rồi Mỹ Dạ từ Hà Nội về Huế chúng tôi lại kéo nhau đi tiễn bạn. Buồn cười lắm mà bây giờ nghĩ, chẳng ai được các bạn yêu chiều như Mỹ Dạ. Lại cùng nhau ra sân ga dù tối muộn, dù rét lạnh, vào ngồi bên nhau chờ tàu chạy vẫy như tiễn người đi nước ngoài hay đâu xa lắm.

Anh Tường (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là chồng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ-BT) tai biến nằm ở Hà Nội chị em đến thăm. Anh đỡ bệnh về Huế, chúng tôi lại tiện ai vào cũng đến thăm. Lần ấy vợ chồng nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch dẫn tôi tới. Mỹ Dạ vui lắm. Nàng vừa đi vừa hát khi mang xuống cho tôi chiếc đĩa có những ca khúc của nàng…

 

Cuốn Tuyển tập Lâm Thị Mỹ Dạ

 

Mỹ Dạ đi từng bước theo tay dắt cùng các bạn văn qua khách sạn để ăn trưa. Nhà thơ Đức Quang hiền hậu, chu đáo hay đèo chị Mỹ Dạ đi thăm bè bạn mỗi lần ra Hà Nội đi sau dặn tiếp – chị dắt chị Dạ cho em nhé. Nàng ngồi ăn nhỏ nhẹ bên cạnh Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga. Hai bạn gắp thức ăn, xé thịt gà cho Dạ. Nhà thơ Mai Linh đến chào chị Dạ và mời cơm. Thế là đúng trưa ngày 21/12/2012 – ngày dự đoán là tận thế có Năm nữ sĩ trên con thuyền “tận thế” ấy lên báo Điện tử Tổ Quốc mà Mai Linh làm Tổng Biên tập. Cuộc gặp gỡ âu cũng duyên tình…Dịp Kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2012), Nguyễn Bính Hồng Cầu nhiệt tình, nhanh nhẹn đã đưa Mỹ Dạ cùng ra Hà Nội (gia đình nhà thơ đã chuyển hẳn vào định cư tại TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm 2012). Biết tin Lâm Thị Mỹ Dạ yếu mà không hình dung nổi yếu thế nào. Nhà thơ nổi tiếng, người bạn gái xinh đẹp, mũm mĩm, chau chuốt bây giờ thế này sao? Nàng thơ đi chậm chạp với bó hoa trên tay, ngơ ngác chắc chưa rõ tiếp theo thế nào trên sân khấu. Thói quen mặc bộ váy đã thay bằng bộ quần áo gọn gàng. Mới gặp chưa bao xa bạn đã thế này ư?

Khi Hồng Cầu đi họp bên Hội Nhà văn đã đưa Dạ sang nhà tôi – nhà gần Hội mà. Ngồi nhớ tên các bạn, Mỹ Dạ kêu gọi nào Sửu, Hằng, Hồng Ngát… và các bạn đều vội đến thăm ngay. Các bạn lại tiếp nhau đón Dạ về nhà chơi – nào Hoàng Việt Hằng, Đoàn Thị Lam Luyến, nào Nguyễn Thi Ngọc Hà, Phạm Hồ Thu.

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu muốn đi về quê Nam Định thắp hương cho bố – cố nhà thơ Nguyễn Bính. Con trai tôi là fan hâm mộ thơ của Cụ, thuộc nhiều thơ Nguyễn Bính, đã đưa mẹ và các cô Hồng Cầu, Dư Thị Hoàn và Mỹ Dạ đi. Lên xe một quãng Dạ kêu đau bụng. Dư Thị Hoàn lo xoa cho bạn. Quay về Dạ kêu đau đầu. Mấy chị em lo quá chỉ mong mọi sự yên bình với Dạ. Cô xuống xe đi dép sai bên, con trai vừa nhắc vừa chỉnh dép cho cô Dạ. Con trai cũng lo lắng lắm vì thấy cô yếu. Về đến nhà cháu thở phào, nói nhỏ với mẹ: “con căng thẳng quá mẹ ạ”.

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu về Sài Gòn gọi ngay điện thoại ra báo – Bình an chị ạ. Hồng Cầu thật chu đáo, ân tình.

Và rồi thật buồn khi biết tin bệnh của Lâm Thị Mỹ Dạ đã nặng thêm. Biết rằng người ta mỗi người một mệnh, về già mỗi người một bệnh mà bè bạn ai cũng quặn lòng…

Tổ Quốc

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài