Không lựa chọn truyện ngắn hay tiểu thuyết, Lê Minh Hà đã kể câu chuyện về Hà Nội bằng những tản văn đầy tình cảm mà cũng lắm thâm trầm, trong “Thương thế ngày xưa”.
“Thương thế, ngày xưa…” gồm 19 tản văn của nhà văn Lê Minh Hà về những món ngon của Hà Nội trong kí ức của tác giả từ thời thơ bé, về một Hà Nội phố những năm 60-70 của thế kỉ trước với “Những phố vắng từ ngày xưa, như những dòng sông đổ tới.
Phố của hoa sấu êm ái một sắc xanh vàng, phố của những bầy chim se sẻ, phố của xe bò kéo than khổ ải, phố của những xe đẩy đồng dạng cửa hàng mậu dịch một thời. Xe hàng giải khát thành cao, còn thêm vạch trắng, cái ô màu sắc ít nhiều phơi phới. Xe rau cỏ chỉ một màu xanh lá sẫm sứt sẹo, ô màu xanh công nhân”…
“Thương thế ngày xưa” của Lê Minh Hà.
Nhớ về Hà Nội, người ta vẫn thường nhớ đến cốm. Với một người sành ăn và tinh tế như Thạch Lam thì đó là một thứ cốm óng chuốt, xanh óng như ngọc thạch mà ông đã âu yếm gọi là “một thứ quà của lúa non”.
Trái ngược với cảm nhận của cây bút Tự Lực văn đoàn cách đây nửa thế kỷ, Lê Minh Hà lại nhớ về cốm cháy. “Thì cũng là thứ cuối chảo. Cốm xào đường làm bánh. Những hạt non nhất, mềm nhất thường bị cháy, và trở thành thứ cốm tôi kể ở đây. Nhà hàng cũng để lại dùng trong nhà. Nguội rồi, cháy cốm trở thành cứng, dai, dẻo và ngọt sắc, đôi miếng còn hơi đăng đắng”. Loại cốm thứ phẩm ấy cũng có một thứ uống kèm rất hợp, đó là chè cám. Đó là thứ chè cuối chảo, vụn như bột, uống hơi đắng và có khi còn ngửi thấy mùi khét. Hai thứ tưởng chừng khiếm khuyết đó đã bổ sung cho nhau thật khéo léo. Hay đó chỉ là cái cánh đẻ những người lạc quan tự động viên mình vượt qua thời buổi thiếu thốn.
“Hà Nội nấu canh riêu cua có khác. Phải có cà chua, quả dọc hay ba quả sấu, quả thanh trà, bằng không thì vài miếng tai chua khô. Phải có hành hoa, rau ngổ. Màu cua phải gợi ra trước rồi chưng lên, đợi canh chín mới đổ vào, nổi sao huy hoàng. Canh ấy, thêm rau muống chẻ kèm kinh giới, húng Láng, dăm lá tía tô, vài ba lát hoa chuối xắt mỏng có viền tim tím, quả ớt tươi ăn với bún Trôi, cả nhà quây quần vào chiều hè”.
Chỉ đơn giản thế thôi mà sao người ta đi xa lại nhớ da diết. Món ăn giản dị ấy đã trở thành ký ức, một thứ ký ức nửa gần gũi, nửa xa xôi mà ta không thể tìm thấy nơi xứ người.
Những “miếng ngon Hà Nội” trong kí ức của Lê Minh Hà toàn là những món ăn giản dị. Hết chè cám và cốm cháy cô lại nhắc tới riêu cua. Riêu cua của người Hà thành cũng khác lắm, cầu kì và chau chuốt dẫu chỉ là món ăn thường ngày.
Cách đây ba bốn chục năm, Hà Nội với thôn quê chắc cũng chưa khác nhau nhiều lắm. Có lẽ vậy nên tuổi thơ của một cô bé Hà thành như Lê Minh Hà cũng in đậm cái vị ngọt dân dã của kẹo kéo như bao đứa trẻ nhà quê.
Nhắc đến kẹo kéo, nhà văn nhắc tới một bản hòa âm của hương vị. “Kẹo kéo Hà Nội thơm đằm mùi bột nếp rang, ngọt vừa đến độ, không lơ tơ mơ như mạch nha, cũng không ngọt sắc thít cổ, dai và dẻo, và giòn nữa, vì là trong một thanh kẹo ngắn dài to nhỏ khác nhau thế nào cũng phồng lên một hai đốt, trong có nhân lạc rất bùi”. Vị ngọt dân dã đong đầy hồn quên ấy, giờ đây người ta phải mỏi mắt mà tìm kiếm mới có thể thấy ở phố phường Hà Nội.
19 tản văn, là mười chín câu chuyện của Hà Nội một thời còn gian khó mà nhà văn Lê Minh muốn chia sẻ cùng bạn đọc. Nhẩn nha, chậm rãi mà đầy tình cảm, chị đã tái hiện lại một cách thật sống động những hồi ức một thời son trẻ của mình.
Trong văn của Lê Minh Hà vừa có nét trẻ trung hồn nhiên của những cô gái tuổi đôi mươi, vừa có cái thâm trầm của một người từng trải. Tất cả những điều ấy tạo nên một văn phong đa dạng đầy hóm hỉnh. Xa Hà Nội hơn 20 năm là từng đó thời gian nhà văn ôm ấp nỗi nhớ về Hà Nội. Với Lê Minh Hà, nơi đây không chỉ là một mảnh đất, một vùng quê, dường như chị đã cất giữ cả một phần tâm hồn mình cùng Hà Nội.
Sinh năm 1962, Lê Minh Hà đã gắn bó cùng Hà Nội suốt những năm tháng khó khăn mà đáng nhớ của thành phố này. Cái nhìn của chị về Hà Nội là cái nhìn có sự giao thoa giữa hoài niệm và hiện đại. Hà Nội hiện ra như một thành phố trẻ năng động nhưng vẫn ôm áp trong mình những giá trị xưa cũ. Cái chất hoài cổ trong tản văn của Lê Minh Hà là nỗi nhớ nhung và tiếc nuối của một người hiểu và yêu Hà Nội.
Năm 1994, chị cùng chồng sang định cư tại Đức, hơn 20 năm xa Hà Nội, nhà văn đã dồn biết bao thương nhớ quê hương, nhớ thành phố ngàn năm này qua nhiều tác phẩm như các tập tản văn: Còn nhớ nhau không,Chơi nhiều hết mệt, nhiều truyện ngắn như Trăng góa, Gió biếc, Những giọt trầm, Sâm cầm, Cổ tích viết lại và 2 tiểu thuyết: Phố vẫn gió, Gió từ thời khuất mặt.
Theo Quỳnh Anh – Thời nay