Trong sáng tác của một số cây bút hiện nay, Hà Nội không còn là bối cảnh, mà trở thành một “nhân vật” xuyên suốt tác phẩm.
Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến, tụ hội tinh hoa là nơi khơi nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân, nghệ sĩ. Ngay cả trong văn học nghệ thuật hiện đại, Hà Nội đã quá đỗi lãng mạn trong các trang viết của Tô Hoài, Vũ Bằng, hay qua các ca khúc của Đoàn Chuẩn, tranh Bùi Xuân Phái.
Người ta tự hỏi, còn gì về mảnh đất này mà các nhà văn có thể chạm tới, đào sâu, khai thác? Vậy mà Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý viết bao nhiêu trang sách dường như chỉ để nói về một nhân vật duy nhất: Hà Nội.
Ba nhà văn với các sáng tác gắn chặt với Hà Nội: Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Việt Hà
Nguyễn Việt Hà – gương mặt nổi bật của văn xuôi đương đại Việt Nam – với các tiểu thuyết được nhiều người biết tới như Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn, Ba ngôi của người… Đọc tên tác phẩm sẽ khó có thể thấy một sự liên hệ nào với Hà Nội. Nhưng chỉ cần lật trang bìa để bước vào trang sách, chân dung Hà Nội dần hiện ra.
Đó là một Hà Nội của đương thời với sự nhộm nhoạm, dù không thiếu thốn vật chất nhưng dường như đang loay hoay đi tìm giá trị tinh thần. Nguyễn Việt Hà viết: “Hà Nội bây giờ thì buồn quá, nó không quá nghèo nhưng vô đạo và ít học”, “Thành phố đang loay hoay tha hóa”.
Một số tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Việt Hà
Không chỉ viết về Hà Nội đương thời, Nguyễn Việt Hà dựng cả Hà Nội 600 năm qua trong Ba ngôi của người. Thông qua 10 kiếp luân sinh của nhân vật, tiểu thuyết đưa tới cảm thức về những sóng lớp phế hưng của đất kinh kỳ.
Không chỉ viết về những xấu xí của Hà Nội, những khung cảnh, con người, nếp sinh hoạt đẹp của đất này cũng được nhà văn Nguyễn Việt Hà miêu tả. “Khi nhớ, lẽ thường người ta vẫn nhớ về những gì đẹp đẽ. Để rồi, con người ta đâu dễ tránh khỏi những cảm thức xót xa khi những điều tốt đẹp đó không còn trong hiện tại. Bởi vậy, diễn ngôn của tôi có phần cay đắng, chua ngoa” – Nguyễn Việt Hà lý giải.
Ba trong số những đầu sách về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý
Hà Nội dường như có một hấp lực lớn với Nguyễn Trương Quý. Cây bút này được định danh bởi những bài tản văn viết về Hà Nội. Những bài viết, những cuốn sách của anh đọc lên đã dẫn người đọc tới thẳng vùng đô thị có tên Hà Nội.
Các từ khóa, như “phở”, “phố”, “người Hà Nội” vốn là đặc trưng của mảnh đất này xuất hiện ngay trên tên sách của anh như: Ăn phở rất khó thấy ngon, Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống, Còn ai hát về Hà Nội…
Sau “phở” của Nguyễn Tuân, “phố” của Bùi Xuân Phái và cả “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, thì Nguyễn Trương Quý còn viết gì về Hà Nội? Ấy vậy mà anh viết nhiều, thậm chí khảo sâu vào mặt đương thời của những chuyện muôn năm cũ ấy.
Bởi vậy, trong Ăn phở rất khó thấy ngon, người đọc tìm được một Hà Nội của dân công sở. Ở Tự nhiên như người Hà Nội, tác giả đưa tới những không gian đặc trưng về Hà Nội hiện nay như phố cổ, Hồ Gươm, văn hóa công viên ở Hà Nội, chợ ở Hà Nội, hoặc đưa ra cái nhìn bao quát về Hà Nội qua điểm nhìn các đô thị vệ tinh…
Ở cuốn Mỗi góc phố một người đang sống, Trương Quý dựng lại chân dung những con người Hà Nội. Xét cho cùng, Hà Nội là một vùng địa lý sẽ chẳng khác biệt với những đô thị khác nếu thiếu đi những thực thể đang sống trong không gian ấy. Trang viết về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý là con người bình dị với khuôn mặt, lời ăn tiếng nói, lối giao tiếp…
Với Hà Nội, Nguyễn Trương Quý góp phần khiến độc giả có một nhận thức khác về tản văn – thể loại lâu nay vẫn được coi là món ăn nhanh của văn chương. Trong các tản văn của mình, tác giả không chỉ đưa người đọc đi theo dòng cảm xúc của mình về Hà Nội.
Trang viết của anh đầy ắp thông tin, như những khảo cứu nhỏ về những phở, những phố, những người… Bởi vậy, đọc tản văn của Trương Quý là một sự khám phá về Hà Nội đương thời trong đối sánh với lịch sử của nó.
Một số tác phẩm của Đỗ Phấn
Cũng viết về Hà Nội, nhưng khối tác phẩm của nhà văn, họa sĩ Đỗ Phấn lại dựng lên Hà Nội xưa với ăm ắp nhớ thương. Vốn là một họa sĩ, từ cầm cọ sang cầm bút, Đỗ Phấn được mệnh danh là người “vẽ Hà Nội qua con chữ” bằng gần 20 đầu sách.
Hầu hết tác phẩm Đỗ Phấn, từ tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết đều hiển hiện một Hà Nội đăm đắm tình yêu xưa, với những vẻ đẹp trước đây, và tiếng thở dài chua xót của một người bất đắc dĩ phải làm nhân chứng cho sự đổi thay xấu xí của sự vật, con người Hà Nội.
Ở Dằng dặc triền sông mưa, Hà Nội – mảnh đất chôn nhau cắt rốn của nhà văn – được kể lại với những điều xưa cũ. Đó là một câu chuyện sống động, đầy ắp chi tiết, trìu mến và dịu dàng về tuổi thơ của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên gắn với Hà Nội qua những năm chiến tranh phá hoại, đi sơ tán rồi trở về.
Trong các tiểu thuyết, từ Vắng mặt, Chảy qua bóng tối, Rừng người, Rụng xuống ngày hư ảo, Rong chơi miền ký ức… đều có bóng dáng của “nhân vật” Hà Nội. Tác phẩm của ông dựng nên từ cái nền các sự kiện đời sống hàng ngày, những thị dân vô danh trên bản đồ đô thị. Sau những câu chuyện đương thời ấy, là sự tiếc nuối về Hà Nội xưa cũ với những nếp sinh hoạt, thú ăn chơi, con người nho nhã, tinh tế.
Đỗ Phấn từng nói, ông có viết bao nhiêu cuốn sách, cũng đều như chỉ viết một cuốn về Hà Nội. Và Hà Nội trong một cuốn sách lớn đó, là một không gian đô thị với hai mảng khó có thể tách bạch, một nơi giữ lại những gì trong trẻo, đẹp đẽ của xưa kia, và một nơi đang vươn vào đời sống hiện đại nhiều xô bồ, danh lợi của hiện tại.
Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý là ba trong số nhiều cây bút đang viết về Hà Nội hiện nay. Nhà văn Nguyễn Việt Hà có lần nói: “Hà Nội chẳng của riêng ai. Nhưng trong từng người, Hà Nội lại có từng ý riêng, cách nhìn và tình cảm riêng với mảnh đất này”. Trang viết của ba cây bút như một cách nhìn riêng, phản ánh, lý giải đồng thời thể hiện tình cảm của họ về một Hà Nội của đương thời.
Nguồn: Zing. vn
Đăng lại từ Văn học quê nhà
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài