Phố Khâm Thiên năm 1973  /// Ảnh: Gunter Mosle

Phố Khâm Thiên năm 1973 – Ảnh: Gunter Mosle

KT là viết tắt của Khâm Thiên. Thời Pháp thuộc, các ông trốn nhà, giấu vợ rủ nhau ra Khâm Thiên hát cô đầu, hút thuốc phiện hay nhảy đầm thường nói là ‘đi KT’.

“Nhiều tiền ra Khâm Thiên”

Đầu năm 1920, khi các nhà hát ca trù (hay ả đào, cô đầu) ở ấp Thái Hà bị Trần Văn Tiến, con trai trùm du côn Trần Vương đến quấy phá, khách ngại không dám vào nên một số nhà hát lên Khâm Thiên thuê nhà, nhờ Cửu Khê che chở. Cửu Khê là dân anh chị có nhiều đất cần bán và nhà cho thuê. Thời gian này, phố mới hình thành, nhà thưa, dân vắng. Lập tức Cửu Khê nhận lời ngay vì có quán cô đầu ắt đám khách giàu có sẽ đến, phố đông lên đất sẽ có giá.

Khâm Thiên khi đó thuộc tỉnh Hà Đông, do vậy không theo luật lệ của cảnh sát Hà Nội nên các nhà hát thoải mái trống phách tới sáng. Sự phồn thịnh của Khâm Thiên bắt đầu từ năm 1930 kéo dài đến năm 1945 nhờ hát cô đầu và tiệm nhảy. Việc làm ăn phát đạt đến mức hễ có ngôi nhà nào mới xây lập tức có người đến thuê với giá cao. Những chủ ít vốn không chịu nổi tiền nhà ngày càng tăng buộc phải đi xa hơn, xuống Ngã Tư Sở, đường Tàu Bay, Vạn Thái (phố Bạch Mai)…

Đầu những năm 1930, khách hát là tổng lý, lái buôn, lái xe các tỉnh về thì đến năm 1935 chỉ còn khách sang. Vì thế mới có câu: “Nhiều tiền ra Khâm Thiên/Ít tiền ra Vạn Thái/Ngứa dái ra Ngã Tư Sở”. Bày trí các nhà hát thường theo hai kiểu: có tràng kỷ, sập gụ, tủ chè hay theo lối mới là sa lông nhưng không thể thiếu sập để khách nằm hút thuốc phiện. Thời kỳ đầu, khách chuộng con hát hay, thạo tay phách, nhưng lối sống Tây đánh bật kiểu truyền thống, nhiều nhà thay đổi để chiều khách. Khi có khách thích cô đầu biết hát thì họ đi “mượn”. Nhà Kỳ Văn và Trường Bẩy có nhiều đào hát lành nghề, họ dạy cho các cô hát lối cổ. Trong số nhà hát theo lối truyền thống có quán bà Năm, tụ hội nhiều cô có giọng hay. Đây là nơi nhà văn Nguyễn Tuân thường đến. Nhà hát theo lối mới sang nhất phố, lúc nào cũng đông khách là của cô Đốc Sao. Chồng cô Đốc là bác sĩ người Hoa tên Lưu Nam Sao, vì thế người ta gọi là cô Đốc Sao. Nhà hát Đốc Sao chuyên chọn gái quê nghèo tầm tuổi 15 – 16 trông xinh xắn, hay mắt rồi thuê thầy dạy vài bài, dăm ba câu tiếng Pháp. Đốc Sao cũng huấn luyện các cô biết uốn éo, liếc mắt, lại cho dùng phấn sáp của Pháp, tơ lụa tốt. Con hát nhà Đốc Sao có kỷ luật, cấm không nói chuyện riêng và cười với nhau trước mặt khách. Ban ngày ra phố có xe tay của nhà chủ đưa đi, vừa để kiểm soát vừa làm sang.

Giá một chầu hát ở những nhà hát sang năm 1936 – 1940 khoảng 20 đồng, thêm rượu Tây, thuốc phiện hộp, gọi ăn đêm thì một cuộc chơi tốn bạc trăm trong khi lương tri huyện tập sự là 80 đồng. Các cô đầu Khâm Thiên đẹp nổi tiếng có Hải, Xuyến, Sâm “già”… còn cô Hồ được ví là “liêu trai” KT. Khâm Thiên không chỉ là nơi tập trung nhiều nhà hát mà còn là nơi có nhiều sàn nhảy như: Du Hí trường, Nữ Thần, Cảnh Tiên, Cảnh Chùa… cùng hai nhà chuyên dạy gái nhảy. Năm 1938, đốc lý Hà Nội Henri Virgitti đã nhận xét:“Khâm Thiên là một xóm ăn chơi nhất, hiện đại nhất và đắt khách nhất. Đó là một xóm giàu có nhất trong khu vực này. Trên một đoạn phố không đầy 800 m mà có tới 40 nhà hát với trên 200 con hát, thêm 5 tiệm khiêu vũ với khoảng dăm chục gái nhảy và có hai nhà săm cho thuê buồng. Các chủ xuất thân từ cô đầu, nhân tình của các quan lại An Nam cao cấp”.
Hà Nội có phố KT - ảnh 1

Hát cô đầu Ảnh: T.L

Cái nôi của văn nghệ Hà Nội

Trong bài Xóm Khâm Thiên: Cái nôi của văn nghệ Hà Nội ba chục năm về trước của nhà văn Vũ Bằng đăng trên một tờ báo ở Sài Gòn năm 1973 có đoạn: “Thực tình đến bây giờ (năm 1973) cố moi trí nhớ tôi cũng chưa thấy nhà văn, nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu”. Các văn nghệ sĩ hội họp uống rượu, ngâm thơ, đánh một khẩu trống để thưởng một câu hay, một tiếng đàn khéo bấm, hay một giọng ca buông bắt thật tài tình. Đôi khi tức cảnh, họ tạo nên những câu, bài hát nói hay những vần thơ bát cú, lục bát thật hay. Nhà văn đã không ngần ngại khi gọi phố cô đầu Khâm Thiên là Cái nôi của văn nghệ Hà Nội. Các nhà văn, nhà báo: Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chi, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Văn Phụng, Hy Sinh, Vũ Liên, Ngô Tất Tố… lúc làm cho các báo Việt Nữ, Công Dân, Vịt Đực mỗi khi bàn về số báo ra kỳ tới vẫn thường hội ý và kẻ ma-két ở nhà hát vào đêm khuya, lúc im ắng tiếng đàn giọng ca.

Khâm Thiên không chỉ là chốn chơi mà nó gợi cảm hứng cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ. Trong tiểu luận Ca trù Thăng Long – Hà Nội: Những diễn biến trong tiến trình lịch sử, nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh viết: “Những bài viết sâu sắc với những từ ngữ đẹp đẽ nhất dùng để miêu tả ngợi ca nghệ thuật ca trù của Phạm Quỳnh, Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây. Nhạc của Nguyễn Văn Thương, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ đây. Bản dịch Tương tiến tửu của Đái Đức Tuấn, tác phẩm Con voi già của vua Hàm Nghi của Lưu Trọng Lư đều bắt đầu viết ở đây trong những cơn cao hứng”. Đối với Nguyễn Tuân, ca trù có vị trí đặc biệt trong tâm hồn ông. Thuở nhỏ ông theo cha đi “đập trống” ở Hàng Giấy khi phố này tập trung nhiều quán ca trù (giá thuê nhà ở đây quá cao nên các nhà hát đã chuyển xuống ấp Thái Hà), lớn lên ông tự ra Khâm Thiên. Ca trù ám ảnh và xuất hiện trong nhiều truyện như: Chiếc lư đồng mắt cua, Đới roi, Chùa đàn… đầy đau đớn, khắc khoải của nhà văn mà Tố Hữu gọi là “Thợ kim hoàn của chữ”. Trần Huyền Trân sống ở ngõ Cống Trắng đã tặng Quách Thị Hồ những câu não lòng “Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca/Mênh mông trời đất vẫn không nhà/Người ơi mưa đấy?Hay sênh phách/Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa…”. Đề tài hiện đại rất hiếm thấy trong tranh dân gian Đông Hồ, và có nghệ nhân nào đó chắc đi hát ở Khâm Thiên vào sàn nhảy để rồi vẽ bức Nhảy đầm, rất hài hước và hóm hỉnh. Họa sĩ Cát Tường khi sáng tạo ra áo dài Le Mur đã mang đến Khâm Thiên nhờ cô đầu mặc thử. Từ đây những mẫu áo dài tân thời này mới lan ra khắp Hà Nội.

Sau 1954, ca trù bị hiểu sai, cô đầu bị dư luận buộc tội là hạng người bỏ đi. Các nhà hát phố Khâm Thiên bị đóng cửa. Dấu tích một chốn chơi nổi tiếng cách nay gần 100 năm chẳng còn gì, chỉ là con phố lem nhem đông đúc và kẹt xe.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến – Thanh niên