Nhà văn Đỗ Bích Thúy sinh năm 1975 ở Hà Giang

Hiện đang làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, ở Hà Nội.

Đỗ Bích Thúy đã giành nhiều giải thưởng văn học như: Giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999; giải Nhất tiểu thuyết Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013; giải Nhất Văn học nghệ thuật thủ đô năm 2014; Giải Nhì Cuộc thi viết “Quân đội anh hùng, quốc phòng vững mạnh” năm 2019.

Một số truyện ngắn của chị cũng được chuyển thể thành phim như: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” chuyển thể thành phim điện ảnh “Chuyện của Pao” (đạo diễn Ngô Quang Hải) – đạt giải Cánh diều Vàng năm 2005. Truyện ngắn “Lặng yên dưới vực sâu” chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên, phát sóng trên truyền hình năm 2017.

Hơn 20 năm cầm bút, Thượng tá, nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 23 cuốn sách, gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi… chủ yếu về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:

Văn của Đỗ Bích Thúy tựa những viên thạch anh chứa đủ sắc màu trầm tích. Có cảm giác, nếu không có đóng góp từ những trang viết của Thúy, vẻ đẹp và bi kịch của những con người và cuộc sống nơi những triền núi cao – trong văn chương Việt – sẽ thiếu khuyết những văn từ riêng biệt; mà như chị bộc bạch: giải mã những uẩn khúc, thắt nút và tháo gỡ các bi kịch, không bỏ sót những tình huống dị biệt, hiếm có…

KHÓ CHO

Truyện ngắn. Đỗ Bích Thuý

Hầu Mí Quả rời khỏi Há Khó Cho đã ba năm.

Há Khó Cho trong ba năm ấy hầu như không thay đổi. Vẫn những nếp nhà cũ kĩ, cỏ mọc trên mái. Những con bò mùa đông gầy gò vì thiếu thức ăn, đứng co ro bên cạnh đống củi đang ngun ngún cháy.

Hỏi đi xa có nhớ Há Khó Cho không? Nhớ chứ! Hỏi có thương mẹ già không? Thương chứ! Hỏi sao bây giờ mới quay về? Vì thấy mỏi chân rồi. Và vì vết thương trong lòng cũng liền lại rồi. Thực ra, lâu lâu Quả cũng về một lần, nhưng thăm mẹ hôm trước hôm sau đi luôn.

Lần này thì về hẳn. Là Quả nói.

Quả nói thế mẹ biết thế. Một hôm nào đấy, Quả tự dưng lại bỏ đi tiếp, mẹ cũng chỉ biết tựa lưng ở cổng nhìn theo.

Lần này Quả về, mang theo một bò một bê. Là nói vui thế, thực ra Quả mang vợ về. Vợ lại đang có chửa. Không biết con trai hay con gái, nhưng mẹ mừng lắm. Tự dưng có cả con dâu mới, cả cháu mới. Lại nghĩ, có vợ có con rồi thì Quả sẽ không đi đâu nữa, từ nay sẽ ở nhà chăm lo nhà cửa ruộng nương. Nghĩ thế, liền quyết định mổ mấy con dê lợn làm cỗ cúng tổ tiên, mời bà con đến ăn uống hai ba ngày. Rượu rót tràn từ trong bếp ra ngoài sân.

Vợ Quả là người Hoàng Su Phì. Bố vợ Quả có một  xưởng mộc to. Quả quen biết vợ lúc đến đấy xin làm thuê. Làm thuê một năm thì thành con rể. Ở rể luôn nhà vợ. Giờ, Quả nói, về rồi sẽ mở một xưởng mộc. Ai ai cũng có thể đến gặp Quả, nói một câu là xong hết mọi thứ đồ gỗ trong nhà.

Trong bữa cơm mừng vợ chồng Quả về nhà, ai cũng nói Quả trông thế mà giỏi, dám nghĩ việc lớn. Không giống đám trai ở Há Khó Cho, chỉ biết lấy vợ, ngày ngày túm đuôi bò đi cày, phiên chợ thì uống say. Không có gì nhỉ? À, không có ý chí. Đúng. Chẳng có ý chí gì cả. Người nói câu ấy là ông chú của Quả. Ông ấy là cán bộ xã nên cũng biết ăn nói.

Quả, mặt đỏ như mặt trời, cầm chai rượu đi hết mâm này sang mâm khác, bao nhiêu lời khen nhận hết, cất vào tai. Hàm răng trắng to như răng bò nhe hết cả ra.

Há Khó Cho! Quả luôn nghĩ đến ngày này. Quay về với Há Khó Cho. Già đi ở Há Khó Cho. Chết được vùi dưới đá Há Khó Cho…

*

Con gà đã nằm yên trong chậu. Quả đổ nước sôi vào, vặt lông cho thật sạch.

Ngày nào cũng vặt lông gà. Chán thật là chán. Mẹ Quả nói phải cho con dâu ăn tốt, mẹ khoẻ con khoẻ sau này mới đỡ vất vả. Con dâu được thể, suốt ngày ăn với ngủ. Sao người đang có chửa lại ngủ nhiều thế không biết. Hầu như cả ngày lúc nào cũng ngủ. Ngủ dậy lại ăn. Ăn xong bụng đã to càng to thêm, không muốn đi lại đụng chân đụng tay vào đâu hết, ngủ tiếp.

Nhất định phải đẻ một đứa con trai.

Tại sao nhỉ?

À, mẹ bảo một người đàn ông phải có ba đời đằng sau là con trai thì mới được lên trời. Đại khái là có ít nhất một đứa cháu trai gọi bằng cụ thờ cúng tổ tiên, thần linh thì mới lên trời được. Thế nên nếu Quả không có con trai thì ông nội của Quả sẽ không được lên trời.

Thế nhỡ lần này không đẻ được một thằng Hầu Mí mà lại đẻ ra một đứa gái Hầu Thị thì sao?

Thì đẻ tiếp chứ sao. Đẻ đến lúc có một thằng Hầu Mí chui ra thì thôi.

Lúc nói câu ấy mặt mẹ chẳng có gì là sốt ruột cả. Cứ bình thường như không. Dù sao thì mẹ cũng đã làm xong việc rồi, tức là đẻ ra được một thằng Hầu Mí rồi. Việc lớn cả đời đã làm xong. Còn lại, những việc khác thì Quả, vợ Quả phải đi mà lo.

Quả tỉ mẩn nhổ từng cái lông con gà.

Từ bé đến lớn, Quả đã nhổ lông không biết bao nhiêu con gà.

Việc đầu tiên mà mẹ muốn Quả làm giúp mẹ lúc mới năm sáu tuổi chính là vặt lông gà. Mẹ cắt tiết gà bằng một cái cật tre bé tí. Gần đầy một bát tiết. Rồi sau đấy mẹ giao con gà cho Quả. Quả đã ngồi hết một buổi chiều mới vặt xong lông con gà ấy. Một con gà trống vừa to vừa nặng vừa hôi. Lúc Quả nhổ hết những cái lông cuối cùng xung quanh mắt con gà thì trời đã tối mịt. Quả không bao giờ quên con gà ấy. Con gà đã chơi với Quả suốt từ lúc nó bắt đầu tập gáy. Quả không có anh không có em. Quả chỉ có mỗi con gà là bạn. Con gà với bộ lông đỏ rực như lửa, pha thêm bao nhiêu màu sắc. Hôm ấy nhà có khách, hai khách liền, mẹ quyết mổ con gà của Quả. Quả xin thế nào mẹ cũng không nghe. Mẹ nói, con gà ấy nuôi lâu, già quá rồi, phải thịt không thì không ăn nổi nó nữa. Mẹ còn nói, con gà là con gà, nuôi để thịt chứ không phải để chơi.

Thế là mẹ xiên cái cật tre vào cổ con gà. Con gà rất khỏe nhưng mẹ không cần ai giúp. Mẹ xiên thẳng cái cật tre vào cổ nó, tiết chảy ra đầy một bát.

Quả vừa vặt lông gà vừa khóc. Mà không dám khóc to. Sợ mẹ biết lại ăn đòn. Mẹ nói, trên đời mẹ ghét nhất là đàn ông khóc. Đã sinh ra làm đàn ông thì đừng bao giờ khóc. Khó khăn hay đau khổ, cấm không được khóc. Nước mắt như lưỡi dao, sẽ làm người ta gãy gục như một cái cây bị chặt.

Quả nhớ lời mẹ, nhưng nước mắt vẫn cứ chảy ra. Nước mắt thấm ướt hết một đoạn ống quần.

Quả nhổ những cái lông ở cánh trước. Vặt xong lông cánh thì vặt lông đuôi. Rồi vặt lên lưng, sườn… Bao nhiêu cái lông gà rơi ra là bấy nhiêu giọt nước mắt trẻ con ngấm vào ống quần. Quả nghẹn giọng thì thầm: Gà, tao xin lỗi mày. Tao xin lỗi mày, gà ơi. Tao xin lỗi mày. Quả nói câu xin lỗi không biết bao nhiêu lần. Nhưng đằng nào thì con gà cũng đã chết, và bị luộc chín, rồi chặt ra, bày lên mâm. Khách còn vừa ăn vừa khen thịt gà ngon. Như mọi khi, mẹ phần cho Quả cái đùi. Nhưng lần này Quả không ăn được. Quả ôm bụng chạy ra ngoài, nôn ồng ộc bên cạnh bể nước. Từ đấy, mãi mãi Quả không bao giờ động đến một miếng thịt gà nào.

Sau thì Quả mới biết đấy là cách mẹ dạy dỗ Quả. Mẹ thấy Quả là con trai mà hay khóc, ít bạn, có thể suốt ngày lẩn thẩn nói chuyện với một con gà, sợ Quả hỏng mất người. Thật thế. Mẹ sợ Quả hỏng mất người. Mẹ cũng sợ Quả giống bố, sau này hễ đi ra khỏi nhà, ai giữ chân là quên đường quay về. Nên mẹ càng lúc càng khó tính với Quả. Bố Quả không giống những người đàn ông khác. Cả đời bố chỉ giỏi một việc duy nhất là làm một ông thợ bạc. Nhà có cái gì hỏng đừng bao giờ chờ bố sửa. Thậm chí vác cày lên nương bố cũng chịu. Đàn ông mà như thế mới buồn cười. Nói chẳng ai tin, nhưng việc gì trong nhà cũng đến tay mẹ hết. Bố chỉ ngồi cả ngày bên cạnh cái lò đắp sát tường bếp, giữa đống đồ nghề to nhỏ hàng mấy chục món. Trời mưa cũng như trời nắng, rét buốt tuyết rơi cũng như ấm áp hoa nở, từ sáng đến tối bố chỉ ngồi đúng góc ấy. Tiếng bễ thổi phì phò, tiếng gõ, đập kì cạch không dừng, nhưng ông thợ bạc thì cả ngày không mấy khi mở mồm.

Mẹ không muốn Quả theo nghề bố, dù nó kiếm tiền cũng tốt. Mẹ muốn  Quả lớn nhanh, trở thành một thằng trai Mông mạnh mẽ, giỏi giang việc nhà, nhất là không sợ hãi những thứ vớ vẩn như là làm thịt một con gà. Quả có trở thành một thằng trai không bao giờ sợ hãi không? Không. Quả không được như thế. Quả sợ hãi đủ thứ, nên mới phải ôm nỗi buồn đau trong lòng và rời khỏi Há Khó Cho.

Quả đang làm thịt gà thì mẹ đi ra. Mẹ cùng với Quả vặt lông, tuốt da chân, tuốt mỏ.

– Mẹ… có chuyện gì muốn nói à?

Quả dừng tay nhìn mẹ. Mẹ ngẩng đầu lên nhưng không nhìn Quả mà nhìn vào trong nhà.

– Mẹ… làm ma khô cho bố chưa?

Mẹ lắc đầu, im lặng.

– Ối… vẫn chưa làm hay sao?

Mẹ Quả lắc đầu. Lại cắm cúi làm lông gà.

Con gà đã sạch lắm rồi mà mẹ vẫn vặt vặt rồi lại kì kì lên da nó. Mấy sợi lông tơ bé tí xíu từ đâu lại dựng lên.

– Sao mẹ lại không làm cho bố? Bảo chậm một năm thôi mà. Hoá ra nợ đến tận bây giờ?

Mẹ gật, cằm tì trên đầu gối.

Quả ngần ngừ:

– Thế… có cháu nội xong thì cho con làm nhé?

Mẹ chống gối đứng dậy, không trả lời.

Tất nhiên mẹ sẽ không trả lời. Vẫn thế. Cái gì không thích nói thì sẽ im lặng.

Đến bây giờ thì Quả hiểu rằng, thật khó để tha thứ cho một sự phản bội. Cũng giống như Quả vậy. Người yêu bỏ Quả đi lấy chồng chỉ trong một cái chớp mắt, còn không thèm nói xem vì sao. Quả đã cố tha thứ nhưng thật là khó khăn.

*

Đám tang của bố mấy năm trước, rất đông. Mấy ngày liền, ngày nào cũng có người đến chật nhà. Ngày nào mấy bà già nấu bếp cũng đau gẫy cả lưng. Họ Hầu là họ lớn, đông anh em họ hàng. Đông nên nhà nào cũng phải chia nhau ra đi nơi khác làm ăn sinh sống. Sang Đồng Văn, xuống Yên Minh, Quản Bạ, sang cả Bảo Lâm, Bảo Lạc, Cao Bằng. Hễ có đám cưới đám ma mới về. Đám cưới bận quá, xa quá thì vắng cũng được, nhưng đám ma thì bận thế nào xa đến đâu cũng phải về. Khi về viếng đám ma thì dắt theo một con dê, cắp nách một đôi gà, ít thì cũng mang theo bao gạo. Cả một khoảng vườn rau bị lũ dê lợn dẫm bẹp nát.

Ngày nào cũng mổ một hai con gì đấy. Củi chất như núi góc sân mà nhoáng một cái đã hết. Mâm bát cứ vừa rửa xong chưa kịp khô lại dọn ra.

Ông bố này của Quả, cuối cùng trước khi chết thì cũng về nhà.

Về nhà mới chết, hay là về nhà để chết, hay là không còn chỗ nào khác đáng để nằm xuống hơn ngôi nhà này, không biết nữa.

Khi người ta khiêng về thì ông đã không còn mở miệng được nữa. Người gầy, mỏng, khô như miếng vỏ cây. Từ lúc về cho đến lúc đi trạm xá, bệnh viện, rồi trạm xá, bệnh viện trả về, chỉ nằm ngửa, mắt nhìn lên trên mái nhà. Mái nhà có mấy viên ngói vỡ sau một trận mưa đá, để lại một lỗ thủng, nhìn thấy trời trắng trắng.

Cứ nằm ngửa và nhìn lên cái lỗ thủng như thế cho đến lúc thở một hơi cuối cùng, nhắm mắt, rời đi.

Mẹ Quả ngồi bên cạnh giường, nhìn ông rời đi, nói khẽ:

– Thế là xong rồi.

Nói thế, đứng dậy vén cái chăn cho gọn rồi đi ra ngoài sân. Ông chú vừa đến, dắt theo thằng cháu nội mới ba bốn tuổi. Mẹ Quả dừng lại.

Ông chú:

– Thế nào rồi chị dâu?

Mẹ Quả ngoái đầu nhìn vào trong nhà một cái, quay ra bảo:

– Chú vào đi.

Nói xong thì đi ra thu quần áo phơi ở cuối sân. Trời sắp mưa, phải thu quần áo vào. Thế thôi.

Hầu Mí Chơ, ông già được gọi là chồng này, đã không ăn cơm nhà mấy năm rồi. Chính xác là hai năm, hai tháng, bốn ngày. Giờ muốn về nhà chết. Được thôi. Đây vẫn là nhà ông ấy, sống hay chết thì vẫn thuộc về.

Mẹ thu quần áo xong, cứ ôm đống quần áo đứng ở dưới cái sào dài, sát gốc cây lê. Cứ đứng như bị trồng xuống đất. Cái lưng đã bắt đầu còng. Chẳng mấy chốc sẽ nhìn đất nhiều hơn nhìn trời. Chẳng mấy chốc thì cũng đi theo Hầu Mí Chơ  kia thôi.

Quả đi lấy thuốc cho bố, về đến cổng thì thấy mẹ đang ôm đống quần áo đứng dưới gốc lê. Nhìn vẻ mặt mẹ thì biết là túi thuốc đang cầm trong tay chẳng để làm gì nữa rồi.

Dù thế nào, tự dưng vẫn nhói lên một cái như là ai xiên cái gì vào. Dù thế nào, có bố trên đời vẫn tốt hơn.

Quả quay ra khép lại hai cánh cổng. Trên thanh gỗ dùng để gài cổng, vì là thanh gỗ gài cổng của một ông thợ bạc, nên nó còn được chạm một quả anh túc. Quả anh túc ngày nào cũng có người sờ tay vào nên nó sáng bóng lên. Lúc nào trông nó cũng như sắp nứt ra vì no nhựa.

Trời tối, đến giờ khâm liệm rồi. Ông thầy khèn cất lên một khúc nhạc:

Gầu li dâu chết đi ra

Ông ma cửa chính giang tay ngăn

Gầu li dâu những lối đi

Ông ma cửa chính về nói

Gầu li dâu ngươi là người trần gian

Ngươi chết ra đi làm gì?

Gầu li dâu sẽ nói

Ta là người trần gian

Ngã một thôi dậy không thành người

Ngã một trận đuổi không kịp bạn

Ông ma cửa chính mới tha

Gầu li dâu mới có đường chính đi ra…

Gầu li dâu là người đã chết. Còn sống thì mỗi người một tên, chết thì ai cũng được gọi là gầu li dâu. Chết thì chẳng khác gì nhau. Người giàu người nghèo, người tốt người xấu… như nhau cả. Đều là gầu li dâu cả. Đều phải từ bỏ cuộc sống dù nó đang vui vẻ hay buồn phiền.

Đã có lúc rất giận bố còn bây giờ Quả lại thấy nhớ bố.

Bố đang nằm ở kia, như miếng vỏ cây. Mỏng như miếng vỏ cây, im lặng như miếng vỏ cây. Quả nhớ những lúc vui vẻ bên cạnh bố. Lạ thế, bây giờ Quả lại chỉ nhớ những ngày tháng vui vẻ. Quả không nhớ, cũng không muốn nhớ những giọt nước mắt chảy bộp bộp xuống tro bếp của mẹ. 

Ngày ấy, cuối cùng, Say đã quyết định lấy chồng, gần như cùng lúc với việc bố Quả ra đi. Quả cảm thấy mình bị đánh gục, không có cách nào đứng dậy nổi. Quả để lại phía sau tất cả mọi thứ, cả người mẹ già lưng đã còng tóc đã bạc, mờ mắt nhìn theo. Quả đi thẳng theo con đường mòn về phía trước. Từ đấy dẫn ra quốc lộ. Quả sẽ vẫy cái xe khách đầu tiên mà Quả nhìn thấy. Từ từ, Quả lẫn vào trong sương mù. Quả ngoái lại, không còn thấy mẹ đâu. Mẹ đã ở sau màn sương. Như thế là mẹ cũng không nhìn thấy Quả nữa.

Lúc ấy, tự dưng hai chân Quả chùng lại. Hai đầu gối muốn rời ra.

Quả nhớ mẹ. Mẹ đã ở sau lưng Quả rồi. Tự dưng Quả nhớ mẹ đến thế. Ruột gan Quả quặn lại vì nhớ. Quả đã ở bên mẹ hai mươi năm. Quả đã làm mẹ buồn nhiều hơn vui. Chưa lúc nào mẹ hết lo cho Quả. Mẹ chỉ mong Quả sớm lấy vợ, đẻ hai ba bốn đứa con. Người mẹ Mông nào cũng chỉ mong có thế thôi. Vậy mà Quả chẳng lấy vợ cũng chẳng có con, Quả còn bỏ mẹ lại để mà đi nữa.

Quả muốn quay về.

Quả muốn về với mẹ.

Quả nhớ lời mẹ : Không về, mẹ chết không nhắm mắt được.

Nước mắt bắt đầu chảy ra trên mặt Quả. Quả không buồn lau, kệ cho nó chảy.

Quả đứng lẫn trong sương. Màn sương dày đến nỗi có thể đưa tay ra mà bốc từng nắm. Màn sương như có từ hàng trăm năm, nặng nề vây kín Quả.

Nhưng Quả không thể quay về. Quả muốn quên sạch những thứ cần phải quên.

Trong ngày sắp đưa tang bố, Quả đang sửa lại mấy viên đá lát đường ngoài cổng thì nhận ra có một người đi đến, nhìn mặt lạ lạ, không phải người ở Há Khó Cho. Người ấy xách theo hai con gà trống, đặt ở cổng rồi vội vàng quay lưng đi như chạy. Quả đuổi theo:

– Cô à! Cô gì à!

Người ấy không quay lại, người thì bé nhưng đi nhanh lắm. Đang đông khách nên Quả dừng lại.

Sau đám tang, hai con gà vẫn nằm trong lồng, ở dưới gốc cây mận. Quả nói với mẹ, mẹ bảo thả chúng nó đi. Thả thì thả. Nhưng mà hai con gà không chịu đi, đóng cổng không cho vào thì đập cánh bay lên đậu trên bờ rào. 

Cả mẹ và Quả đều biết đấy là ai, tại sao đến, đến lại không vào, rồi để lại hai con gà.

*

Trời tự dưng đổ mưa.

Chẳng mấy khi có mưa to thế này vào mùa xuân.

Vẫn rét. Chăn bông chưa cất đi cái nào.

Mưa không đi nương được, Quả ngồi vào chỗ của bố, mở các hộp gỗ ra. Lần cuối cùng đi ra khỏi nhà bố không mang theo đồ nghề, thế nên tất cả vẫn còn ở đây. Quả lấy con dao gập trong túi áo ra. Nó là con dao bố tặng năm Quả mười sáu tuổi. Một con dao bằng bạc, bé tí, có thể gập lưỡi dao và nhét vừa khít vào cái khe ở giữa chuôi dao bằng gỗ. Đấy là con dao duy nhất bố đã từng làm, có thể cất vào trong túi áo mà không sợ nó xiên vào người. Vì nó bằng bạc nên cũng không dùng vào việc gì nhiều, để chơi là chính. Khi bố đưa con dao cho Quả, bố nói:

– Cái này không phải để dùng, mang theo người tránh gió thôi.

Quả đã cười mãi. Dao mà không để dùng thì làm ra làm gì? Đánh một chiếc vòng đeo vào tay là xong mà.

Bố bảo, đàn ông phải có dao bên người. Sau này, đừng có giống bố, bắt người đàn bà của mình phải dùng dao thay mình.

Nói xong thì im lặng rất lâu.

Quả vừa đánh bóng con dao vừa nghĩ, sau này, nếu như Quả có một thằng Hầu Mí, thì sẽ đưa con dao này cho nó. Rồi nó lại đưa cho con trai nó, cháu trai nó… Món đồ bạc cuối cùng mà ông Hầu Mí Chơ đã làm trước khi rời khỏi nhà.

Mẹ mang cái áo cũ với hộp kim chỉ ra ngồi cạnh, liếc Quả, nói một câu:

– Cũng biết giữ đồ nhỉ!

Quả ngẩng lên nhìn thì mẹ đã cắm cúi khâu như chưa hề nói gì.

Mặt mẹ không buồn không vui, những nếp nhăn mỗi ngày một sâu xuống. Tai mẹ vẫn đeo đôi hoa tai bạc bà nội để lại cho, chính là đôi hoa tai ông Hầu Mí Chơ đánh. Đeo lâu, hoa tai nặng, nó kéo hai cái tai của bà dài xuống.

Quả nói:

– Mẹ tháo hoa tai con đánh cho nó bóng.

Mẹ không trả lời cũng không tháo hoa tai.

Thực ra Quả đã từng nhìn thấy nửa đêm mẹ không ngủ, vẫn còn ngồi bên bếp lò và đánh bóng đôi hoa tai ấy. Ở trên tai mẹ lúc nào nó cũng sáng loáng.

Quả thở dài.

Nếu mà người ta không phải nhớ ai, không phải buồn hay giận ai, nhất là cái người mà mình yêu thương thì chắc là dễ sống lắm.

Quả vẫn cắm cúi đánh bóng con dao, nói khẽ:

– Xem ngày làm ma khô mẹ nhỉ?

Mẹ đứng dậy. Đi một bước, dừng lại:

– Mày tự đi mà lo.

– Có cho họ về không?

– Kệ mày…

Giọng mẹ thoảng như một ngọn khói, nhưng Quả lại thấy một cục gì trĩu nặng vừa rơi ra khỏi mẹ. Quả thấy thương mẹ quá. Thả được cái cục trĩu nặng này biết đâu lưng mẹ đỡ còng.

Quả đứng vụt dậy, chạy sang nhà ông chú. Quả phải nói với ông cái điều mà cả dòng họ Hầu Mí mong chờ nhưng chưa một ai dám mở miệng nói với chị dâu. Đấy là làm ma khô cho ông Hầu Mí Chơ, để ông ấy được về với tổ tiên.

Há Khó Cho, cuối cùng, chỉ là nơi ở tạm mà thôi.