Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

 

GYEONGJU, NHỮNG GIẤC MƠ ĐẠI ĐỒNG

 

Đoàn nhà văn Việt Nam chụp cùng dịch giả Ha Jea Hong (đứng giữa, cao nhất)

1.

Sau khi về nước, nhiều lúc nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sao khi đoàn nhà văn Việt Nam đặt chân xuống sân bay Incheon sau chặng bay gần 5 tiếng, khi cả đoàn cùng thi nhau chụp hình lưu niệm để đưa lên facebook hoặc gửi về, thì hình mình nom đã rạng rỡ và tươi rói hơn hẳn mấy ngày trước, như được tắm một thứ ánh sáng và không gian khác biệt, đẹp và trong lành.

Khi dịch giả Ha Jea Hong cười nhăn nhăn đuôi con mắt bắt tay từng nhà văn Việt Nam vừa làm xong nhập cảnh, liền thấy sự ấm áp thân tình mà bấy lâu chỉ được like hay comment với nhau qua lớp lớp không gian. Ha Jea Hong là dịch giả Việt – Hàn số Một (theo đánh giá của các nhà văn Hàn Quốc). Năm 2005, tôi cùng nhà thơ Khánh Chi sang Hàn theo Chương trình giao lưu văn hóa do Viện Dịch thuật Hàn Quốc mời các nhà văn khu vực, và học tiếng Hàn tại trường Korea University. Hai chị em đã đến dự đám cưới của Ha Jea Hong. Một trải nghiệm vô cùng thú vị. 13 năm sau gặp lại. Hai chị em quá vui.

Sân bay Quốc tế Incheon cách trung tâm Seoul 52 km về phía Tây. Nhưng chúng tôi lên xe là để đi Gyeongju, một chặng đường dài gần 400 cây số với những trải nghiệm mới trên đường đi. Gyeongju có núi rừng, vụng biển… là thành phố hơn một ngàn năm tuổi, lưu giữ những vật báu của triều đại Silla (còn gọi là triều đại Tân La), một triều đại kéo dài lâu nhất trong lịch sử các triều đại vua chúa Châu Á. Một triều đại có cả lăng tẩm của một vị vua được táng sâu dưới lòng biển.

Người lái xe du lịch lặng lẽ đón đoàn, nhẫn nại xách từng chiếc valy nặng trịch vì sách, đặt ngay ngắn vào gầm xe. Suốt cả quãng thời gian đưa đoàn đi khắp nơi trong lịch trình 6 ngày, anh cứ nhẫn nại như vậy. Cho đến khi gần chia tay, chúng tôi mới biết anh chính là ông chủ của một công ty du lịch có tiếng ở Gyeongju, và chính vì yêu Việt Nam mà tự mình lái xe đưa đón đoàn.

Đường vào thành phố, hai bên là những hàng cây xanh mới được quấn lớp vải quanh thân cây. Thật thú vị khi nghe ông Park Ri-Won giám đốc nhà lưu niệm Dongin – Mokwol, người đón đoàn giải thích: Chúng tôi mặc áo cho cây vì mùa đông sắp về.

Mặc váy áo cho cây

Trên fb, tôi nhắn cho bạn bè (qua trang fb Cầm Kỳ):

Cảm ơn bạn bè đã hỏi thăm rất nhiệt thành.

Đoàn nhà văn VN, do nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN làm Truỏng đoàn, sang dự Hội thảo giao lưu văn học Việt Nam – Hàn Quốc. Đoàn đã đến thành phố cố cung Gyeongju vào 15h chiều nay (13h giờ VN). Chương trình giao lưu hội thảo kín thời gian trong cả tuần.

Do đi đường không có mạng, điện thoại hết pin nên chưa thể trả lời bạn bè. Chúc tất cả chúng ta bình an hạnh phúc.

 

2.

Gyeongju nói riêng và Hàn Quốc nói chung lưu giữ những di tích cổ rất công phu, bài bản. Về tâm linh có thể cảm nhận là rất linh ứng. Cố đô Gyeongju là thành phố xếp hạng đầu về sở hữu lượng bảo vật lớn nhất Hàn Quốc.

Gyeongju quá đẹp, quá thanh bình. Một thành phố cổ lưu giữ phong cảnh thiên nhiên trong vắt, có thung lũng và những thảm cỏ, có vụng biển và những tảng đá xù xì góc cạnh, neo cạnh đô thị, xen giữa những vạt lúa vàng óng. Và xen giữa những bóng hình người nông dân Hàn là những lăng mộ cổ của các vị vua Silla, to như quả đồi nhỏ. Những lăng mộ này đem lại cảm giác gần gũi ấm cúng, không xây cất rườm rà, chỉ có đất và cỏ được đắp quá đẹp. Các bạn Hàn cho biết cố đô Gyeongju có tới 155 ngôi mộ của các vị vua. Khi khai quật để lưu giữ tại Bảo tàng, có 6 ngôi mộ còn nguyên cả vương miện.

Không biết bằng cách nào mà thời xưa người ta có thể làm được điều kỳ diệu táng hẳn một ngôi mộ một vị vua dưới đáy biển? Điều đó có ý nghĩa gì? Cho đến khi rời Gyeongju, tôi vẫn chưa được nhà văn Hàn nào giải thích. Có lẽ cũng nên có những bí ẩn trong cuộc sống hiện đại này.

Đoàn nhà văn được đi thăm khá nhiều điểm đặc biệt như chùa Bulguksa, Nhà lưu niệm Dongni-Mogwol, Hang động Seokguram, Lăng vua Gyereung, Bảo tàng Gyeongju…

Chùa Bulguksa hay còn gọi là Phật Quốc Tự, được xem là một trong ba ngôi chùa đẹp nhất xứ kim chi, tọa lạc ở lưng chừng một sườn núi. Ngôi chùa này được xếp hạng danh lam thắng cảnh và lịch sử số Một của Hàn Quốc và rất linh thiêng.

Chùa cổ Bulguksa được khởi công xây dựng từ những năm 528 vào thời vương triều Silla, do hoàng hậu Beopheung khởi xướng nhưng phải đến năm 774 ngôi chùa mới chính thức được hoàn thiện. Ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc độc đáo, với các vật liệu chủ yếu từ đá, gỗ, thêm vào đó Bulguksa còn được tô điểm bởi những họa tiết hoa sen, trời mây, chim thú với màu ngũ sắc đặc trưng. Mặt phía trước chùa là hai bậc thang đá còn nguyên vẹn, dẫn đến hai điện thờ chính. Một điện thờ Đức Thích Ca Mâu Ni, điện kia thờ Đức A Di Đà.

Cầu cổng chùa được thiết kế lắp ghép bằng những phiến đá. Kỹ thuật ghép kỳ ảo giống như thành nhà Hồ của Việt Nam, không có bất cứ một chất liệu gắn nào, chỉ là cách xếp đặt các phiến đá tạo nên cầu cổng chùa bền vững ngàn đời.

Chúng tôi đã uống nước chảy từ núi xuống một giếng cổ. Đứng dưới mái vòm nhà chùa với những tấm sớ cầu bình an may mắn hạnh phúc của hàng trăm gia đình được buộc lên sau khi làm lễ tại chùa. Có ai gán tội cho những người vợ đã buộc những lá sớ cầu hạnh phúc kia, rằng họ đã bỏ bùa cho chồng để chồng “u mê” sống cùng họ, để cùng họ đi hết chặng đời gian nan mà ấm áp không nhỉ?

Nhà lưu niệm nhà văn Dongni và nhà thơ Mokwol đối diện với chùa Phật Quốc Tự. Đây là hai nhà văn, thơ lớn của Hàn Quốc quê tại Gyeongju. Như một bảo tàng thu nhỏ. Và đây chính là nơi khởi tạo Hội lưu niệm Dongni và Mogwol, nơi tổ chức Hội thảo.

Vào ngày 5 tháng 10, Gyeongju mưa dầm dề cả ngày. Nhiệt độ xuống thấp nhất là 8 độ. Chúng tôi đi thăm Bảo tàng. Quá nhiều điều bí ẩn hấp dẫn còn lưu lại của một triều đại Silla huyền bí. Với những cổ vật được trưng bày nơi đây, lí giải vì sao Silla là triều đại dài nhất trong lịch sử vua chúa châu Á.

Chúng tôi đến thăm căn nhà nơi nhà thơ Park Mokwol (1915-1978) sinh ra và sống trọn tuổi ấu thơ. Căn nhà và khu vườn đẹp như trong giấc mơ giản dị của bất cứ nhà văn nào. Giếng nước vẫn trong veo bên cạnh con suối nhỏ. Phía trên vườn là hoa và những luống hành đang xanh. Tựa như bước chân nhà thơ đang đạp lên đất vườn tưới những giọt nước trong veo ấy, chứ không phải là ngoài trời mưa đang rả rích…

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà tại vườn ngôi nhà của nhà thơ Park Mokwol 

3.

Đoàn nhà văn Việt Nam được các nhà văn nhà thơ và thành phố Gyeongju đón tiếp khá trang trọng và nồng ấm. Cứ như chúng tôi đang được trở về ngôi nhà chung.

Hội thảo văn học Việt – Hàn năm 2018 với chủ đề: Văn học Việt Nam, văn học Hàn Quốc hướng tới sự thịnh vượng đất nước và hòa bình thế giới là sáng kiến của Hội lưu niệm Dongni và Mogwol, và đã tổ chức được đều đặn hàng năm.

Từ phải qua: nv Võ Thị Xuân Hà, nv Thùy Dương, nv Y Ban cùng nv Hàn Quốc

Thị trưởng Gyeongju và các vị lãnh đạo thành phố cùng rất nhiều nhà văn nhà thơ Hàn Quốc tham dự. Sự lịch lãm về văn hóa, sự tôn trọng đất nước Việt Nam và trân trọng bạn nghề được thể hiện qua nhiều hành động cử chỉ của các đại biểu phía bạn, thể hiện qua việc họ kiên trì ngồi đến phút cuối buổi Hội thảo, khi các bản tham luận của cả hai phía được trình bày kín thời gian, kéo qua trưa mới tạm nghỉ ăn trưa, chiều tiếp tục kín hội trường cho tới khi tất cả đại biểu cùng lên xe đi dự đêm hòa nhạc chào mừng Lễ hội văn hóa Shilla (diễn ra mỗi năm 1 lần vào dịp này).

Đêm khai mạc Lễ hội văn hóa Silla là một đêm ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi nhà văn Việt Nam. Chúng tôi được bước lên một cây cầu cổ đặc biệt sau nhiều năm được trùng tu, năm nay mở lại. Theo sử sách đây là cây cầu cổ dành cho các quan đi vào chầu vua.

Nhà văn Bang Hyeon Seok, ngài Chủ tịch Nhà lưu niệm Dongni-Mogwol, dịch giả Ha Je Hong, và Ngọc Tuyền cô bé phiên dịch của Việt Nam bận rộn nhiệt thành mời chúng tôi thưởng thức các loại trà và bánh đặc trưng của xứ sở kim chi

Nhà văn Bang Hyeon Seok và nhà thơ Trần Đăng Khoa

Khai mạc lễ hội là ngài Thị trưởng thành phố trong bộ triều phục cổ dành cho quan hàng đệ nhất. Đoàn nhà văn Việt Nam bước qua cánh cửa của hành lang vương triều, bước ra khán đài và cúi chào đông đảo khán giả dự Lễ hội.

Ngài Thị trưởng

Đêm đặc biệt đó, chúng tôi chịu cái lạnh xuống 4 độ để nghe và xem say sưa một vở ca kịch mà các nghệ sĩ Hàn Quốc diễn, như chìm đắm thực sự vào câu chuyện tình bi thương của một nàng công chúa và một đạo sư. Dù không kịp nghe dịch lời của những ca từ, nhưng các nghệ sĩ Hàn hát hay quá, diễn sâu quá, dường như mọi ngôn từ và khoảng cách đều không còn sự cách biệt.

Lâu lắm rồi, tôi mới được xem một vở kịch kì lạ đến thế. Lạnh ngấm từng mao mạch cơ thể. Nhưng những vẻ đẹp liêu trai trên sân khấu, những lời ca bi ai trầm hùng và thanh thoát của bạn, nhắc nhớ tôi rằng Việt Nam mình vẫn còn tiềm ẩn khá nhiều vỉa tầng văn hóa chưa được khai phá, chưa được nâng tầm như bạn.

 

– Hà Nội, tháng 12/2018 –

Bài in số tết 2019, báo Thời Nay (Nhân dân)