Ông Nguyễn Hải Tùng (Út Nghệ), thân phụ nhà văn Bích Ngân (Phó Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ – TP HCM) đã từ trần hồi 8h45’ ngày 31.3.2012 tại TP Cà Mau. Lễ viếng bắt đầu từ 20h ngày 31.3.2012; Lễ truy điệu lúc 6h sáng ngày 3.4.2012, an táng tại nghĩa trang TP Cà Mau.

Tonvinhvanhoadoc.vn xin chia buồn với nhà văn Bích Ngân cùng gia đình, và xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thanh về ông Nguyễn Hải Tùng (bài viết mới đăng trên Tạp chí Nhà văn số tháng 4.2012)


NGUYỄN HẢI TÙNG SỐNG VÀ VIẾT

Bút ký

1

Đang lúc ông Nguyễn Hải Tùng (Út Nghệ) lâm bệnh nặng, nhiều lúc chìm sâu trong cơn hôn mê, mỗi lần nhận tin qua số máy điện thoại của Bích Ngân, con gái lớn của ông, tôi không khỏi hồi hộp, lo lắng: Tin lành hay tin dữ đây? Biết ông chưa sao, nghĩa là chưa hóa ra người thiên cổ, tôi mừng. Nhưng thật tình tôi không thoát khỏi tâm trạng lo lắng, hồi hộp, nặng nề đan xen biết bao điều hy vọng ông bình phục, sớm bình phục, sống vui vẻ tuổi già.

Sinh năm 1933. Quê quán Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Hồi chưa có bút danh Nguyễn Hải Tùng, bí danh Út Nghệ, cả quãng đời niên thiếu, ông được nhiều người biết đến, thân thiện, bằng cái tên khai sinh: Trịnh Hồng Phương.

Mới lên tám tháng tuổi, Phương mồ côi mẹ. Bà ngoại cưu mang, mớm cơm giã mịn vỗ về đứa cháu nhỏ. Nhà ông bà ngoại ở Tân Phước, xã Tân Thuận nơi tôm cá lội thành bầy, chim chóc bay thành đàn thời khai mở đất Đầm Dơi. Vượt cao lên sau nhà ông bà ngoại là đám cau lắt lay, mát rợi bốn mùa. Năm mươi mười hai tuổi, Phương giúp bà trèo cau hái trái. Phương trèo từng cây một, tuột xuống. Bà ngoại vịn gió đánh đu từ cây này sang cây khác cho rơi xuống đất những quày cau nặng trịch. Phương còn biết phụ chèo chống cùng ông ngoại vớt cây dà, cây dẹt do đất lở trôi nổi ngoài vàm biển mang về làm gỗ cất nhà; theo người bà con lên tận Giá Rai thụt ống hơi lò rèn, làm quen tiếng búa đập sắt chát chúa chế ra dao rựa, phảng phung diệt cỏ…

Chín năm kháng Pháp, làng Tân Thuận là nơi đặt cơ quan Chi hội  Văn nghệ Nam bộ, Đài phát thanh Nam bộ, Tòa soạn Báo Cứu quốc, nhà in Trần Bình Trọng thuộc Sở giáo dục… Đặc biệt ở nơi xa xôi, cách trở này có Trại thiếu nhi Huỳnh Phan Hộ dạy Văn hóa, Văn nghệ, tập hợp nhiều cốt cán thanh thiếu niên trong vùng. Tên họ Trịnh Hồng Phương sớm nằm trong Danh sách học sinh được Trại thiếu nhi tuyển chọn. Bà ngoại chần chừ, lo xa. “Mầy chịu đi thiệt hở Phương? Chỗ lạ nước lạ cái, ngủ nghê, cơm canh, chơi giỡn không được như ở nhà đâu nghe, chịu nổi không, con?!”. Bà gạn. Ông phán một câu chắc cú: “Muốn đi, ông ngoại cho đi ngay. Đi học, đi làm Cách mạng chớ đi đâu mà sợ. Nhưng Phương nè, tránh đốn củi ba năm đem thiêu một giờ đó nghe, con!?”.

Thế rồi chưa đầy mười con nước lớn, nước ròng, cau mùa tới lứa chưa ai leo  hái, với món quà hai cắc bạc của bà, chiếc nóp làm mùng, cái cặp đan bằng cỏ lác của cậu Sáu, cậu Út, Phương đi mút mùa: Mãn lớp, Phương đầu quân vào Sở Xã hội – Thương binh đóng mị trên Đồng Tháp. Từ Đồng Tháp, thể theo nguyện vọng cá nhân muốn đi học thêm, Phương được chuyển công tác về văn phòng Ty giáo dục Bạc Liêu, vừa học, vừa làm…

Khởi đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “… Nghe tôi đang hoạt động Đoàn Thanh niên, lập Đoàn Văn công tại quê nhà, anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp lúc bấy giờ làm Phó Bí thư Thị ủy Bạc Liêu cử Trần Huỳnh tới gặp tôi tại nhà ngoại dò xét tôi còn “mun”như hồi trước nữa không? Quả là sau khi Trần Huỳnh đi ít hôm, tôi nhận Quyết định của Tỉnh ủy điều đi công tác nội thành…”. (Nguyễn Hải Tùng kể). Từ đó, Trịnh Hồng Phương có mật danh Hia Lến hoạt động nội thành Bạc Liêu.

Hia Lến được bố trí ở tạm trên gác xép nghe ra-diô, in ấn truyền đơn, tài liệu mật. Ăn uống có người từ tầng trệt bưng bê tới chỗ, nhiều lúc mắc tiểu, Hia Lến nhắm mắt tiểu vào keo, chai, nhờ người nhà chuyển xuống tầng trệt. Nhiều lần Hia Lến rời gác xép cùng bạn đồng đội chui vào rạp Chung Bá rải truyền đơn trong lúc rạp hát chật người bị giặc thúc ép tới nghe Ngô Đình Thục, Trần Lệ Xuân thuyết trình chống Cộng… Lại trở về gác xép sống và làm việc. Gian khổ, nguy hiểm rình rập Hia Lến từng ngày, từng giờ. Những ngày ấy rồi cũng trôi qua… Phương được chuyển công tác về Tân Phước, quê ngoại.


2

Ông bà ngoại đã già. Cau già. Nhiều thân cau ngã đổ do miểng bom miểng đạn phạt ngang cùng lúc xóm Tràm Thùng, Đầu Trâu, Tân Đức nín thở đương đầu với những cuộc càn quét cướp của giết người của giặc. Nhiều thân cau lụ khụ vượt cao lên ngó trật ót. Mây trắng nhẩn nha bay ngang trời. Cau đứng sững sờ, lắt lay, ở lại. Hương cau thơm ngan ngát. Hoa rụng trắng bến sông, trắng thềm. Một thời tuổi trẻ Trịnh Hồng Phương nắm níu, thao thiết với Tân Phước, quê ngoại. Tân Phước buồn. Tân Phước đổi thay nhiều quá. Trại Thiếu nhi đã đổi thành Trường. Đứa bé ham học đàn, học hát, viết văn hồi mấy năm về trước nay đang dốc công lập lại Đoàn Văn công, vừa hoạt động Đoàn Thanh niên, lấy bí danh Út Nghệ.

Út Nghệ! Cái tên đối với lớp đàn em chúng tôi nghe thân quen, nghĩa tình làm sao! Vốn năng nổ, cười hiền, tính tình vui vẻ, ấy vậy mà có lần anh em trong Đoàn buộc Út đóng vai Ba Gật (vai phản diện, cầu an bảo mạng).  Trời đất! Thế này là tự biên tự diễn rồi. Út không khỏi bối rối. Nhưng thiếu người lên sàn diễn lúc bấy giờ biết làm sao hơn? Đành vậy. Khổ nỗi, chỉnh trang cái mũi khoằm khoặm, hâm hâm, cái mắt hơi xếch, ma mảnh, bụng phệ… dễ thôi. Đằng này, đòi hỏi diễn viên diễn đạt nội tâm sâu kín của một nhân vật Ba Gật nắng bề nào che bề nấy, a dua, quả là một việc khó ơi là khó! Út không nản. Lân la tìm gặp vài nhân vật cầu an trong xóm ấp, Út khai thác nhân vật Ba Gật ngoài đời. Thế rồi đêm Văn công Tân Thuận phục vụ cho huyện có vở ca vũ kịch “Ba Gật” do Út sáng tác và sắm vai chính được đông đảo khán giả nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng.

Tiếng tăm nổi như cồn. Đoàn Văn công Tân Thuận sau không lâu nở ra thành đoàn Văn công huyện Ngọc Hiển. Út Nghệ được điều động thẳng lên tỉnh nhận việc. Ở cánh rừng đước Đồng Ông Nghệ, Út chép tin đọc chậm, viết giấy sáp trên bảng kẽm, in ấn kéo mực bằng quai guốc, bẹ chuối, phát hành báo “Hòa bình, Thống nhứt”, và tập tễnh viết báo, viết văn…

Xa ông bà ngoại, xa Tân Phước, Út có nhiều nơi nương tựa, gởi gấm trong dân. Giặc rấp ranh tát hết nước, bắt cá. Luật 10 – 59, chúng lê máy chém khắp nơi hành quyết, trả thù những người kháng chiến cũ. Căn cứ địa Cách mạng Đồng Ông Nghệ được dân Hàm Rồng chở che. Ra tới mí rừng Đồng Ông Nghệ gặp ngay ngọn rạch Cái Trăng uốn khúc. Dân Cái Trăng, Hàm Rồng, phóng khoáng, nghĩa tình. Chưa mút xóm Cái Trăng, Út thường lui tới nhà ba chị em Sáu Nhàn, Năm Thu, Tư Mãnh. Đặc biệt với Phạm Thị Mãnh – Tư Mãnh – tóc dài, giỏi dắn, biết hát biết đàn, Út thương. Qua nhiều lần trò chuyện, tìm hiểu nhau dưới ánh trăng tại xóm Cái Trăng, được tập thể cơ quan, gia đình đôi bên cho phép, Út Nghệ, Tư Mãnh thành vợ thành chồng.

Phận gái khăn gói theo chồng. Mùa sa mưa, Đồng Ông Nghệ với những bữa ăn kham khổ: Lá nụ áo luộc chắm nước muối kho. Con chù ụ họ hàng con ba khía khi bò, búa xua, lổm nhổm, khi ngồi yên trông buồn rũ rượi, buồn đứng tim, đem rang mặn làm thức ăn trong lúc bà mang thai đứa con đầu lòng. Thèm chua, bà ngồi ăn trái xoài chua loe chua loét khen ngon khen ngọt khiến ông nhìn ứa nước mắt. Không yên. Nhà in dời khỏi Đồng Ông Nghệ, bà theo ông xuống tận xóm Bù Mắc muỗi nhiều như vãi trấu, ngủ mùng tập thể vì nhà in gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn lúc bấy giờ.

Đầu những năm 70, giặc gom dân lập ấp “chiến lược”. Bom tấn. Pháo bầy… Thương chồng, bà về Tân Phước chăm sóc ông bà ngoại chồng. Nhà ngoại biến thành túp lều trên nền đất nhẩm dấu đạn bom. Đám cau già lụ khụ, lắt lay – một mảnh hồn quê tan tác. Không gạo. Không tiền. Bà chạy vạy đầu tắt mặt tối. Thấy bà khổ, có người bà con đứng ra gánh phần phụng dưỡng ông bà ngoại. Được mấy khi rảnh rang, bà xoay qua gặt mướn. Lúa chín so le, nơi  vàng, nơi xanh, nơi kĩu kịt tay liềm và có khoảnh mới chín cong trái me, chủ cần gặt gấp để tránh một trận giặc “đổ giò” bằng máy bay lên thẳng. Thời nhiên người làm thuê gặt mướn như bà được trọng dụng. Năm ấy bà gặt tối mũi tối mắt. Mót lúa đã đời. Chỉ cộng lại hai khoản tiền dự phòng nuôi con lên đến hai mươi lăm ngàn đồng, bằng đàn ông thu nhập sáu tháng đi biển. Lớn quá, lớn so với thời gian năm lần bảy lượt di dời chỗ ở, chèo nước ngược, dựng chòi, đào hầm chìm hầm nổi kéo dài mấy năm bà không có cách nào làm ra tiền.

Ngồi đếm xấp tiền kiếm được, mặt bà rạng ra. Tóc xổ hết ra. Đuôi tóc dài chấm tới thắt lưng y chang cô Tư Mãnh hồn nhiên, tươi tắn hồi còn ở xóm Cái Trăng đàn hát với chúng bạn. Kéo đuôi tóc ngược ra phía trước, giật mình, mắt bà hoa lên vì bởi tóc không còn óng mượt, suôn sẻ; tóc lỗ chỗ chấm đen, chấm vàng; tóc khét nắng! Thêm mấy đầu ngón tay lóng ca lóng cóng, đau buốt, khi lướt lên phím đàn măng-đô-lin. Nhớ hết nốt rê, mi, pha, sol, nhưng cớ sao khi bà gảy đàn, thùng đàn phát ra thứ tạp âm nghe lạ òm. Tập lại. Liên tiếp tập lại… Rồi sau đó, bà thường đàn hát hơn, ít bỏ hội họp, sinh hoạt Đảng, Đoàn, sống tiếp cuộc sống đảm đang, vượt qua thử thách khó khăn, gian khổ, nguy hiểm tột cùng để chồng yên tâm công tác…

“Tôi thật có lỗi với những người gần gũi ruột thịt của tôi, vợ tôi, các con tôi, cha mẹ tôi, cha mẹ vợ tôi, ông bà ngoại và cô bác anh em họ ngoại, nội tôi – những người mà nếu như không có họ, có lẽ tôi khó có được sự đóng góp trọn vẹn cho lý tưởng cao đẹp mà mình theo đuổi suốt cuộc đời; tôi chưa kịp viết, dù chỉ một dòng về họ”. (Nguyễn Hải Tùng tự bạch).

Không phải chỉ tới lúc ngả bệnh ông Tùng mới viết ra những dòng này, mà từ rất lâu, hồi còn đương chức trong chiến tranh lẫn thời bình, ông đã từng chiêm nghiệm, thao thức, san sẻ với vợ con, với những người thân ông vừa kể đến. Thực sự, ông đã sống hết mình vì họ.


3

Tham gia Cách mạng từ hồi còn rất trẻ như tôi đã đề cập trong phần đầu bài viết này, năm 1960, Nguyễn Hải Tùng đã là cán bộ chủ chốt trên lĩnh vực Văn hóa, Tư tưởng: Trưởng đoàn Văn công tỉnh Cà Mau – đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1960). Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (1963). Chủ tịch Hội VHNT tỉnh (Khóa I, 1964). Sau đó do yêu cầu công tác, ông được rút lên khu Tây Nam bộ làm Ủy viên Ban Tuyên huấn kiêm Phó Tiểu ban Văn nghệ (1969). Lúc được điều động trở về Cà Mau (sau 30/4/1975), Nguyễn Hải Tùng kinh qua một số chức vụ: Tỉnh ủy viên, Trưởng Ty Thông tin, Văn hóa tỉnh Minh Hải (1976). Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Minh Hải (1987)…

Ngoài công việc quản lý, lãnh đạo chung, đặc biệt trên  lĩnh vực quản lý VHNT – Văn Nghệ sĩ – Nguyễn Hải Tùng đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, tác động bổ ích đến nhiều người, trong đó có tôi.

Tôi được quen thân với ông từ những năm sáu mươi, thời tôi từ cơ quan báo Cà Mau chuyển sang Tạp chí Lúa Vàng do ông làm Trưởng Tiểu ban Văn nghệ tỉnh, phụ trách. Cơ quan nghèo, thiếu thốn, xài chung một chiếc máy đánh chữ sét gỉ, thiếu thốn đủ thứ, lấy đâu ra chiếc xuồng phân phát cho một nhân viên chân ướt chân ráo chuyển về cơ quan mới như tôi? Tôi quá giang xuồng của cư dân xuống huyện, ban đêm, phải qua Đầm Thị Tường rộng rinh, mênh mông sóng nước. Mủi lòng, không nói, rồi không lâu, tôi quên bẵng chuyện cũ. Nhưng khi đó, ông Tùng vẫn nhớ. “Chú có giận anh Út không? Chuyện thiếu chiếc xuồng ba lá phân cho chú. Giận  thì Út chịu. Cơ quan có ba chiếc xuồng, bung bể nát một vì bom, hai chiếc cho bốn người đi công tác chiến trường. Bó tay…”. Ông Tùng nhắc lại, cười hiền, một tay vỗ nhẹ lên vai tôi…

Thời bình, nhớ có lúc ông Tùng thôi việc ở UBND tỉnh do tới tuổi hưu về làm Tổng biên tập báo Ảnh Đất Mũi, một lần tôi bắt gặp ông cỡi chiếc xe hon-đa chạy chậm rì thiếu điều trông thấy từng cây căm xe bóng hới, không quên nghiêng người chào bạn bè ngồi uống cà-phê trên vỉa hè. (Khác xa một người đàn ông luống tuổi có dáng người cao lớn, điềm đạm trước đây mấy năm ngồi trên chiếc xe đạp mỏng mảnh, chông chênh, giơ một bàn tay ngang trán chào người quen trên đường ông Tùng đi làm). Đó là một lần duy nhất tôi bắt gặp ông Tùng cỡi xe máy. Nhưng rồi sau đó không lâu, ông phải tự gác xe vì chứng bệnh tim mạch không cho phép ông đi làm bằng xe máy lẫn xe đạp.

Nhắc ra vài kỷ niệm nhỏ giữa tôi và ông Nguyễn Hải Tùng để thưa thiệt rằng, hiện giờ, và theo tôi nghĩ còn lâu chưa chắc có một chương trình giảng dạy quy cũ về công tác quản lý VHNT. Nơi nào có cách quản lý tốt đều biết rút ra từ hoạt động thực tiễn. Đó là những tố chất người quản lý VHNT cần phải có: Kiến thức chuyên môn. Có sức chịu đựng. Bản lĩnh. Biết quí trọng, san sẻ từng trang viết, công trình của mỗi cá nhân Văn Nghệ sĩ; sống hết mình vì họ. Chăm chút xây dựng mối đoàn kết trong cơ quan, trong giới. Tránh thêu dệt cá nhân. Sống đẹp. Sống kẻ sĩ…

Với Nguyễn Hải Tùng, dưới cái nhìn của người trong cuộc, trong giới như tôi, hội đủ tố chất người làm công tác quản lý VHNT. Thật vậy, (cân nhắc thật kỹ), với thời gian khá dài làm công tác quản lý VHNT, từ mười chín hai mươi hạt mầm trước năm 1975, đến nay, tỉnh cực Nam Tổ quốc – nơi xa những trung tâm Văn hóa lớn của cả nước – có trên 150 Hội viên chuyên ngành VHNT Trung ương. Chưa kể con người gắn bó với đời sống VHNT đang phát triển, trải dài trên vùng sông nước ĐBSCL.

Và nếu nhận dạng rộng thêm về đời sống Văn hóa, Tư tưởng, Báo chí, ngoài việc hình thành Đoàn Văn công tỉnh, Nguyễn Hải Tùng có công lớn trong việc  gầy dựng, phát triển Cơ quan ngôn luận của giới VHNT Cà Mau – Tạp chí Lúa Vàng – tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Cà Mau qua trên 50 năm tồn tại, phát triển; có những đóng góp quan trọng, hiệu quả vào việc gầy dựng, phát triển ngành Văn hóa – Thông tin tỉnh, khu vực, Báo Cà Mau, Báo Ảnh Đất Mũi và đặc biệt với mối quan hệ Hợp tác, Liên kết truyền thống bền vững giữa các Hội VHNT – ĐBSCL từ năm 1985 đến nay…


4

Nhìn từ góc độ sáng tác, phải thừa nhận rằng sáng tác là công việc phụ, công việc tay trái của ông. Do ham muốn viết, cộng với sự cố gắng, nhiệt tình: cặm cụi viết, cặm cụi hội họp, cặm cụi làm việc, nâng niu chuyện mới nghe mới thấy, giở lại chuyện xửa chuyện xưa, cười hiền, rưng rưng sắp khóc; không dừng, không biết mệt mõi, viết chậm nhưng viết đều, Nguyễn Hải Tùng đã làm ra được nhiều tác phẩm, công trình báo chí, VHNT đáng được ghi nhận.

Nhận dạng khái quát: Chiếm gần một nửa trong số lượng công trình tác phẩm của Nguyễn Hải Tùng là mảng văn nghị luận – những bài báo ngắn – những mẩu ghi chép ngắn: Sống vì lẽ phải tình thương – 17 mùa Xuân – Trở lại cội nguồn… (Đó là những tên sách gồm nhiều bài viết mang hơi hướng nghị luận đã tới tay đông đảo công chúng bạn đọc). Với những trang viết trải lòng, trải tình, hướng con người vì nghĩa tình, sống có trách nhiệm khiến những bài viết của ông có người, có văn, gây xúc động trong lòng đông đảo bạn đọc.

Ngoài ra, phải kể đến Ký văn học, đặc biệt mảng Hồi ký Cách mạng, với vốn sống của người trong cuộc, Nguyễn Hải Tùng đã gop nhặt, chọn ra, giới thiệu cho chúng ta nhiều tư liệu quí trong kháng chiến chống Pháp chống Mỹ cứu nước.

“U Minh – Chiếc nôi của Ngành in”: Ít ai ngờ rằng kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), ở Khu Tây Nam bộ, máy in được đưa đi cất giấu và hoạt động trong vạt rừng U Minh thâm u, kỳ vĩ: “Từ xóm Đá Bạc vào đó mất nửa ngày vì phải vẹt dớn, dây choại, vừa đi mở đường mới, vừa khỏa lấp lối đi để không bị lộ bí mật. Anh Tư Nghiệp, Sáu Cần, Út Tài, Hai Dũng ở trong cái chòi lợp bằng vỏ tràm, nép dưới tàn cây mốp, đêm đêm in báo tới khuya, buông ra bụng đói cồn cào phải lục cơm nguội; khi lạnh chỉ đốt lửa hơ cho bớt run…”. (Ngày ấy đã lùi xa – NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh – Trang 208).

“Một thời đáng nhớ”: Ngổn ngang,  trải dài sự trăn trở, níu giữ, xẻ chia những hoài niệm. Lấp lánh chuỗi chuyện đời, chuyện kháng chiến, có cả chuyện riêng tư sâu lắng đan xen vô vàn điều tốt đẹp, tươi mới diễn ra chung quanh mình. Và càng đằm sâu trong gian khổ, nguy hiểm, mất mát… nổi lên lòng tốt của con người, tình người! “Dân công đẩy xuồng theo kinh Lễ Quyền, nước chỉ sát mắt cá để chở xác Mười Hoa và tôi bị thương về trạm Quân y dã chiến đóng ở Lung Nhà Thể. Xuồng đi trong tầm hoạt động của trực thăng bắn yểm trợ bộ binh. Nó bay sát cánh đồng. Tôi sợ nó bắn nên kêu cháu Hồng Nhiên (nữ phóng viên Báo Cà Mau lúc bấy giờ) chạy kiếm chỗ núp tránh  máy bay, Hồng Nhiên nói như muốn khóc: “Con đâu nỡ bỏ chú nằm đây chết…”. Xuồng ghé lại trạm chuyển chiến thương, tôi thấy Sáu Kiên (anh ruột Mười Hoa) lội xuống lung, giở mặt Mười Hoa , ghé môi hôn lên má em gái, không nói ra lời…”. (Ngày ấy đã lùi xa – NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh – Trang 306, 307).

Thêm nữa, “Giáp Nước – Chiếc nôi của Tạp chí Lúa Vàng”: Lưu giữ một vùng quê cưu mang, nuôi dưỡng hạt mầm Văn hóa, Báo chí thời khởi đầu cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. “In báo giữa rừng”: Góp thêm chuyện đầu hôm sớm mai về Ngành in trong chiến tranh – môt bức tranh sinh động về những sinh hoạt bình thường nhưng phi thường của con người trong thử thách ác liệt. “Trở lại cội nguồn”: Một bài báo ngắn. Một chuyến về quê bình thường: Quê ngoại. Tuổi thơ. Những người thân, những bạn bè đồng đội còn, mất? Đến một bến tàu Đầm Dơi, nhiều kỷ niệm một thời mưa bom bão đạn… đã làm lớn lên biết bao nhân cách, tâm hồn con người! “Nhớ anh Sáu Nghệ: Viết về một người bạn cùng công tác chung – một ông anh Sáu Nghệ hề hà, dễ cảm. Sáu Nghệ hoạt động Cách mạng nổi tiếng trong vùng nhưng cuộc đời riêng tư của Sáu Nghệ An Giang cứ sao ba chìm bảy nổi, nghe xa xót: Đứa con gái thứ hai đèo đứa con nhỏ trên chiếc xe đạp từ bên nhà chồng chạy lộc cà lộc cộc về thăm ông bà ngoại, không may, bị tai nạn giao thông, chết giữa đường. Kế đó, đứa con gái út bỏ học Đại học do hoàn cảnh gia đình nghèo, thiếu thốn, cộng với cha lâm bệnh nặng… Phận người!…

Dõi theo công việc sáng tác, tiếp xúc với nhiều bài viết của Nguyễn Hải Tùng, chúng ta dễ nhận ra mảng văn xuôi của ông khá dày dặn, có số lượng lẫn chất lượng.

Về Thơ: Công việc làm Thơ, giống như viết văn xuôi, vẫn là công việc tay trái của Nguyễn Hải Tùng. Thơ vui. Thơ kháng chiến. Thơ viết ra từ cảm xúc, chảy theo  dòng cảm xúc. Tôi không hiểu nhiều về Thơ nên chỉ ghi nhận Thơ của ông mộc mạc, dân dã, có phần chân phương nhưng dễ thương (trái với Thơ nhàn nhạt, khẩu hiệu, gượng ép, lấp la lấp lánh ngôn từ, khó hiểu…). Thơ Nguyễn Hải Tùng có nhiều bài bạn đọc thuộc nằm lòng. Bài Thơ “Từ trái tim em”của ông viết về nữ Anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Kỷ là một thí dụ: “… Từ trái tim em bừng tiếng nổ/ Cuối trời Tổ quốc lửa dâng cao/ Từ trái tim em nung thép đỏ/ Chảy vào mạch sống vạn đời sau!”…

Tất cả những vấn đề kể trên, Nguyễn Hải Tùng đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của Cách mạng, đặc biệt trên lĩnh vực quản lý văn hóa, báo chí, VHNT. Ngoài ra, những bài báo, những mẩu ghi chép, Ký văn học và Thơ của ông, âm thầm vun quén, gầy dựng không ngừng nghỉ vào việc hình thành mảng VHNT địa phương mang màu sắc Nam bộ, và chính mảng VHNT ấy hòa quyện, bổ sung một cách sang trọng vào dòng VHNT Cách mạng chung của cả nước ta .

Cà Mau, 9/2011

Nguyễn Thanh

Nguồn: Tạp chí Nhà văn.

Exit mobile version