Cứ nuôi, đứa thứ 11 chết, vẫn ao ước đứa thứ 12 sẽ sống sót và thoát khỏi oan nghiệt.

Tuổi ngoại lục tuần, từ phong thái đĩnh đạc đến gương mặt khá phong trần, thoạt nhìn người ta dễ nghĩ đó là một trí thức Tây học thì đúng hơn, nhưng ít ai ngờ anh Đỗ Đức Địu (thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình – ảnh) mới chỉ học hết lớp 7 trường làng. Thời kỳ cả non sông quật cường đánh Mỹ – ngụy, năm 1972, chiến tranh đang kỳ ác liệt nhất, theo lời hiệu triệu “tổng động viên”, anh Địu rời miền gió Lào cát trắng Quảng Bình, chia tay người vợ trẻ, theo đoàn tráng binh đi vệ quốc. Trắng rừng chất độc hóa học, cây cỏ, rừng già cháy trụi, chỉ lóp ngóp ít con người còn chống chọi nổi. Giải phóng miền Nam, trở về, hai vợ chồng nai lưng ra đẻ, đẻ đến 15 lần thì 12 lần tự tay anh phải bế con ra góc vườn cát trắng mà… chôn.

Có cháu sinh ra quái thai, hữu sinh vô dưỡng, có cháu lơn lớn trứng gà trứng vịt, anh chị tràn ngập hy vọng thì cũng là lúc cháu lăn ra chết. Có cháu đẹp ngời ngời, ba đứa liền cùng kháu, anh chị đặt tên lần lượt là Bình – Trị – Thiên quê mình. Vậy mà ít lâu sau, gần chục tuổi rồi, các cháu cũng chết dần chết mòn, chết hết cả. Bây giờ, từ lần chôn con thứ 12 đổ đi, anh chị đã đẻ thêm được 3 người con gái; rồi một cô lấy chồng, sinh ra thêm mấy người cháu cũng ngơ ngẩn, tật bệnh đầy mình nữa. Trong vườn nhà, 12 ngôi mộ của 12 đứa con thơ, trong nhà, con gái tật nguyền và cháu của anh Địu, có đứa lăn lộn vô tri vô giác, có đứa đôi lúc gào khóc, đôi lúc tỉnh táo trò chuyện với bố mẹ rất tử tế… cũng là điểm tựa để vợ chồng người cựu binh đánh Mỹ ấy có thể gượng cười đi qua bể khổ.

Ông Đỗ Đức Địu

1. Tôi đã đến thăm nhà anh Địu ở vùng cát trắng mấy lần. Lần này anh đi vắng, bởi phải bắt xe khách đưa con bé Hằng – đứa áp út (trong số 15 người con, 12 người đã chết) – ra ngoài Làng Hữu Nghị ngoài Hà Nội. Bố mẹ nó khổ quá nên người ta ưu ái cho con bé được ra chỗ tử tế ăn học, vui chơi. “Cả tỉnh có hai ba suất thôi đấy chú ạ”, con bé tự hào khoe. Hơn hai mươi tuổi, chân tay lẩy bẩy, đi lại khó khăn, gương mặt hơi biến dạng, đôi lúc ú ớ như con trẻ. Bé Hằng đã qua gần chục lần phẫu thuật để có thể sống sót như hôm nay. Có lần anh Địu đã cõng nó ra Hà Nội trong tuyệt vọng, các bệnh viện lớn nhất Hà Nội đều đã nhẵn mặt bố con anh. Nhiều bác sĩ lắc đầu bảo anh bế cháu về cho nó mồ yên mả đẹp.

Có lần, anh Địu sậm sịt khóc: “Tôi thú thật, đó là nỗi nhục lớn nhất của đời tôi, tôi đã tính bỏ cháu ở ngoài bệnh viện, cho xã hội tự chăm lo hoặc tự chôn cất cháu, chứ tôi kiệt sức rồi, tôi về đây. Tôi đã xách ba lô ra khỏi bệnh viện. Tôi dằn vặt, tôi khóc. Cuối cùng tôi quay lại với cháu!”. Anh xoa đầu cô con gái “nhí nhảnh” với thân hình bé tẹo ở tuổi ngoài 20 ấy. “Có một nhóm cựu binh Mỹ hối hận với quá khứ oanh tạc Việt Nam, họ đã tình nguyện đến tổ chức chữa trị để cứu cháu Hằng. Giờ nó tạm ổn”.

Tôi đưa hai bố con anh đi ăn ở một nhà hàng hạng trung. Con bé ăn ngon, rồi khúc khích cười bảo, “cháu chưa bao giờ có bữa tiệc tuyệt vời thế này, kể cả ăn cỗ ở quê cũng không bằng thế này, cháu sẽ mang một đĩa xôi gà về cho các bạn ở làng (Hữu Nghị). Các bạn bị bệnh la hét không ngủ được. Cháu không la hét, cháu chỉ… nhảy chồm chồm thôi”. Anh Địu nhìn con cười âu yếm, anh lén gạt nước mắt. “Tôi cũng rứa. Ở nhà, con bé út nó nằm rên, nó gào thét, không nói năng gì được, vợ tôi bón cơm cho nó hàng bữa, lúc nó “thấy tháng” (có kinh nguyệt), tôi lại phải đi lau rửa. Bữa, tôi chỉ ăn gói mì tôm. Có khi bón đút cho nó ăn xong, vợ chồng nhìn nhau chả ai muốn ăn cái gì nữa”. Chị gái nó đã lấy chồng, nó cũng vào diện bị chất độc hóa học phải điều trị, nhưng tôi không dám cho nó “vào”, để nó còn có cơ hội lấy chồng. Bây giờ nó đẻ con rồi, oan nghiệt thay, con nó cũng lại “dính” hậu quả của cái chất độc da cam quái ác đó, thứ chất bám đời tôi đã hơn bốn mươi năm rồi.

2. Trong cuộc gặp tháng 4.2015, chúng tôi xin phép tặng anh Địu ít tiền, anh nhận rồi ngồi bần thần. Vui, buồn dường như khó lộ trên gương mặt dày dạn trận mạc, lại kinh qua cả cái bể trầm luân khó hình dung bậc nhất của nhân gian kia. “Nhà báo cho tiền, lại làm tôi nhớ đến nhà báo Tân Linh (Báo Văn Hóa), nghe nói anh ấy đang mắc bệnh trọng mà tôi chưa thể đến thăm.

Lại nhớ anh Tâm Phùng (Báo Nông Nghiệp Việt Nam) cùng quê với tôi. Anh Linh kêu gọi các cựu binh Mỹ giúp đỡ cháu Hằng sống được làm người, dù tôi đã định bỏ cháu nằm chết trong bệnh viện mà trốn đi như một thằng bố hèn hạ. Anh Tâm Phùng cho 10 triệu đồng, tôi xây một cái lăng, chít lại các nấm mộ đàn con trong vườn, ở trảng cát sau nhà lại. Tôi ước ao có cái lăng từ lâu, vì quê tôi toàn đồi cát, cát bay lấp hết cả các nấm mộ, thỉnh thoảng lại phải đi bới tìm dấu tích của con. Có khi, ra vườn ra đồi, chả biết đứa nào nằm ở đâu mà thắp nhang. Tôi sợ, mai này tôi chết đi rồi, thì ai còn nhớ đến các cháu nữa, còn bới cát tìm các nấm đất nữa. Nay có lăng. 12 ngôi mộ, tôi đánh số từ 1 đến 12. Rồi gọi các cháu về thắp chung một bát nhang trong lăng. Cháu nào tôi cũng nhớ tên cả, nhưng mộ nào, số bao nhiêu là của cháu nào thì tôi phải giở sổ ra mới biết được. Tôi vẫn tính, thằng Bình, thằng Trị rồi con Thiên, nó năm nay mà còn thì đã bao nhiêu tuổi, sẽ mặc quần áo, đem sách vở gì đến lớp, hay chúng lấy vợ lấy chồng rồi có khoảng độ bao nhiêu con cháu….”.

3. Có lẽ, lịch sử thế giới này, không có cặp vợ chồng nào rơi vào nỗi đau đến quái dị như chuyện nhà anh Địu. 15 lần đẻ thì 12 lần tự tay chôn các con. Có tháng, anh làm 3 cái đám giỗ, giỗ 3 người con, “chúng” chết ở các năm khác nhau, nhưng lại trùng vào một tháng. Anh ghi chép cẩn thận, anh sống với người âm nhiều hơn với người dương. Nỗi đau kia thì khó có bút mực hay ngôn từ nào tả xiết, có thể nói, gia đình người cựu binh bị nhiễm chất độc da cam ấy đang giữ một “kỷ lục thế giới” buồn. Nhưng, chắc cũng như nhiều người, điều tôi thắc mắc lớn nhất ở đây là: Tại sao biết là đẻ không nuôi được, đẻ đến 11 đứa vẫn không nuôi được đứa nào, mà anh Địu vẫn bắt vợ “nai lưng” ra chửa đẻ. Như thế là tốt hay không tốt cho các sinh linh kia, tốt hay không tốt cho xã hội? Nỗi khát con của cặp vợ chồng đau khổ này thì đáng cảm thông, nhưng: Khi đó thì, xã hội, bà con, cán bộ ở đâu mà không chữa trị hoặc tư vấn cho vợ chồng anh, để trong vườn nhà anh không phải tội tình lưu giữ tới 12 ngôi mộ trẻ con đầy oan khiên như vậy nhỉ?

Có gặp và trực tiếp trò chuyện với gia đình anh Địu, thì mới ngã ngửa ra là tôi đã vì thương các con anh, để rồi trách oan anh. Anh Địu từng bị đồn thổi là gia đình bị ma ám, bởi bố anh chết trẻ, ông từng làm “thầy”, nên ai đó đã đồng loạt phao tin là đời anh bị ma quỷ hành hạ trở lại. Anh Địu suy nghĩ rất nhiều về việc ma quỷ trả thù kia. Anh lại tự nhủ, mình ăn ở tử tế, quỷ thần nào nỡ ám hại mãi như vậy? Anh cứ hy vọng: Kể cả, khi mình có bệnh tật gì kỳ lạ, kể cả do xác suất các cháu sinh ra có “lỗi” gì đó trong cơ thể, thì “trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch”, anh cứ tích cực đẻ thì sẽ đến lúc Trời ban cho anh chị một đứa con lành lặn. Để nương tựa lúc tuổi già, để nối dõi tông đường. Lúc đầu, con sinh ra kỳ dị chết yểu, đến lúc những đứa về sau, lúc nhỏ nó lại vẫn lành lặn, bi bô, yêu thương cha mẹ vài năm rồi mới chết.

Căn cứ vào các “tín hiệu khả quan” đó, anh chị mới lại càng hy vọng. Cứ nuôi, đứa thứ 11 chết, vẫn ao ước đứa thứ 12 sẽ sống sót và thoát khỏi oan nghiệt. “Chứ mãi đến năm 1994 – 1995 gì đó, thì người ta mới khám, mới tuyên bố tôi bị nhiễm chất độc da cam, sẽ để lại di họa cho con cháu. Sau đó 3 con tôi đều được đưa đi xét nghiệm và kết luận cụ thể. Bấy giờ tôi mới dừng đẻ, đẻ nữa thì có khác gì mình sinh con ra để giết con, như thế là có tội. Tôi nói thật, tôi đã bao lần đứng trước nghĩa trang của đàn con mình mà nói với các con: Bố từng nghĩ, bố có tội với các con. Nhưng, các con à, vì bố không biết nên bố không có tội. Mấy chục năm bố từ chiến trường về, có ai nói với bố là bố bị “da cam” đâu, bố là cựu binh, sinh hoạt ở địa phương đều, có ai nói gì, xã hội có nói gì đâu”. Anh Địu ngẩng khỏi cuộc độc thoại với đàn con đã khuất, anh bảo tôi: “Chú à, chứ nếu biết là mình bị “da cam” thì tôi đã không đẻ nhiều đến thế. Năm 1994, biết bệnh một cái, tôi đã “bảo”vợ thôi ngay!”.

Anh kể: “Tôi nghĩ là mình thèm có đứa con, cho nên bao nhiêu công việc của người phụ nữ tôi đều làm thay vợ hết. Vợ tôi rất nhiều bệnh, nhưng vẫn quyết tâm đẻ. Thế rồi, các cháu chết cả. Có những đứa chết trùng tháng (khác năm), có khi một tháng, tôi tổ chức đến 3 đám giỗ con. Có đứa hôm trước còn xách rổ bỏ rau giúp bố mẹ, mấy hôm sau đã chết rồi. Chết hết. Mỗi lần giỗ con, tôi tổ chức đồng hạng như nhau cả, thì cũng tiền vàng, quần áo giấy đem đi… đốt. Khi cúng tôi cũng đều có nhắn nhủ là các con cố gắng giúp đỡ nhau ở dưới ấy, rồi thông cảm cho ba má. Trên lăng tôi xây có trừ ra hai chỗ cho hai vợ chồng tôi. Tôi đánh dấu từ số 1 đến số 12, và còn thêm vài chỗ nữa cho những đứa con bệnh tật đang còn sống nữa. Từ cao đến thấp, từ lớn tuổi đến nhỏ tuổi, tôi xắp xếp rất thứ tự. Mỗi lần vợ đẻ, nuôi con là tôi sợ lắm, lo sợ đến rung cả người. Tôi cũng chạy cả thuốc thang nữa, cả âm dương gì tôi đều “đi” hết”.

4. Trước khi chia tay, tôi hỏi anh Địu, anh có nghèo quá không nhỉ? Anh điềm nhiên, tôi chả nghèo, cũng chả có gì để giàu có. Bữa đến ăn bát mì tôm cũng qua ngày. Nhà cũng có cả cái tủ lạnh, do các đồng chí của quân khu tặng gia đình cựu binh bị nhiễm chất độc hóa học “truyền sang” gần hai chục con cháu. Nó rất bé và rất cũ, nhưng nó rất mát vào mùa hè, để thuốc thang cho các cháu tàn tật. Nhà tôi còn có cả tivi, nó cũng rất bé và rất cũ, nhưng như thế là khá rồi, không nghèo đâu chú ạ. Tôi mười mấy năm qua còn làm cán bộ chữ thập đỏ, rồi cán bộ phụ trách mảng chất độc da cam ở xã, thấy bà con nhiều người còn khổ hơn tôi rứa. Quả thật, đi qua, đi đến tận cùng nỗi đau, đôi khi, người ta có thể gượng cười. Ngần ấy nỗi đau cũng đủ để anh “gượng cười” rồi.

Anh bảo, cuối cùng thì anh chị cũng đã có con cháu. Anh vẫn vò gương mặt già của mình và quỳ khóc bên 12 nấm mộ con trong các ngày giỗ kỵ, hoặc trong những đêm, bỗng dưng trăng thanh gió mát, thơ thẩn ra vườn… mộ. Anh khóc, con đừng trách cha, nếu cha biết cha bị chất độc hóa học thì cha đã không cùng mẹ đẻ nhiều đứa con đến thế. Nhưng biết đâu, vì cố đẻ đến đứa thứ 15, dẫu đau đớn tận cùng, thì trời mới cho bố mẹ được 3 người em út của các con như bây giờ. Nếu dừng lại ở lần sinh nở thứ 12 của mẹ, thì bố mẹ chỉ có 12 nấm mộ và hai góc đất xây khoanh chờ khi bố mẹ nhắm mắt xuôi tay thôi, đúng không các con?

Nỗi đau của vợ chồng anh Địu, có thể nói là một thứ gì đó giống như kỷ lục thế giới. Nhưng người cựu binh này chưa bao giờ thấy oán thán cuộc đời. Anh bảo, giặc nó tàn ác, mình đi cứu quê hương, mình vác súng lớn, khoác súng lục bảo vệ ông Chủ tịch Cuba Phiden đi thăm thành cổ Quảng Trị. Mình có làm gì sai đâu, chẳng may nhiễm chất độc hóa học của lũ cú diều xâm lăng thì phải chịu. Vinh quang thay là người lính đi đầu. Còn đau thương, chịu riết rồi bây giờ cũng có thể gượng cười với con cháu, nhắm mắt xuôi tay cũng chả ân hận gì.

Anh nói xong, những người bạn tôi ngồi bên cạnh cùng gạt nước mắt.

Theo Đỗ Doãn Hoàng – Lao động online