Cuộc đời thăng trầm nhiều góc khuất giúp nhà văn có thể mô tả sắc sảo những mảng lịch sử bị bỏ quên bằng những dòng văn vừa đậm màu cổ tích, vừa khắc nghiệt.
Günter Wilhelm Grass sinh năm 1927 ở ngoại ô thành Danzig (nay là Gdansk), có bố là người Đức, còn mẹ gốc Ba Lan. “Tôi cho rằng ngọn nguồn cảm hứng khiến tôi trở thành nhà văn là ở bối cảnh gia đình. Bố mẹ tôi sống bằng nghề bán rau quả, thuộc tầng lớp trung, hạ lưu. Cả nhà tôi sống thiếu thốn trong căn hộ gồm hai phòng nhỏ. Tôi phải chung phòng với chị gái và không có không gian riêng. Góc riêng tư duy nhất của tôi là ở phòng khách, chỗ cạnh giá sách nơi tôi cất vài thứ lặt vặt như màu nước. Thuở nhỏ, tôi thường phải tưởng tượng ra những thứ mình cần. Từ lúc rất bé, tôi phải học cách đọc sách giữa tiếng ồn. Tôi sợ hãi khi phải quay trở lại tuổi thơ của mình”, nhà văn từng nói về tuổi thơ trên The Paris Review.
Ông cũng cho biết, lúc nhỏ ông bịa chuyện siêu hạng và được mẹ khuyến khích còn bố rất bực mình, bởi bố muốn ông trở thành kỹ sư.
Nhà văn Günter Grass. |
Năm 10 tuổi, Günter gia nhập Hitler Cub (Đoàn thiếu nhi Đức Quốc xã) như nhiều trẻ em Đức thế hệ này. Và cũng như bao người lính khác, cậu bé Günter bị dẫn dắt và đặt niềm tin mãnh liệt vào một chiến thắng cuối cùng, mà sau này nhìn lại, bản thân ông cho rằng “chúng tôi bị mê hoặc và tin tưởng một cách ngu ngốc”.
Việc học hành của Grass kết thúc năm 15 tuổi. Cậu thiếu niên được mẹ nuông chiều xung phong vào đội Hitler Youth (Thanh niên Quốc xã) với mong mỏi được trở thành lính trận. Năm 1944, khi vừa sinh nhật tuổi 17, chàng trai mê vẽ, nghiện phim, thích đọc sách được tuyển mộ vào Lực lượng vũ trang Waffen SS – quân đoàn chủ đạo của Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Đức và là lực lượng chính thực hiện tội ác chiến tranh, trong đó có việc tàn sát người Do Thái.
60 năm sau khi Thế chiến II chấm dứt, nhà văn tiết lộ bí mật gây sốc trong hồi ký Bóc vỏ hành (Peel the Onion): “Hồi đó, tôi không hiểu biết, chỉ biết đi lính là để chiến đấu với quân địch. Tôi xung phong đi lính bởi muốn được xa nhà, muốn thoát khỏi cảm giác con nhà tầng lớp hạ lưu. Hai chữ SS thể hiện đẳng cấp đặc nhiệm tinh nhuệ”. Trong quân ngũ, Grass được huấn luyện làm xạ thủ xe bọc thép nhưng tuyên bố mình chưa từng bắn phát súng nào trong suốt thời gian phục vụ Phát xít. Đời quân ngũ ngắn ngủi, ông từng bị thương nhiều lần và cũng không ít lần chứng kiến đồng đội chết. Cuối cùng ông bị quân Đồng Minh bắt làm tù binh vào tháng 2/1945.
Sau Thế chiến, Grass có ý thức chính trị hơn. “Việc tuyên bố tôi vô thức trước Phát xít không thể che mờ sự thật rằng tôi cũng thuộc về cái hệ thống được tổ chức và triển khai để sát hại hàng triệu con người. Sau cuộc chiến, nỗi nhục trong tôi càng lớn dần. Tôi câm lặng về thứ mà tôi từng coi là một niềm kiêu hãnh ngu ngốc ngày trẻ. Nhưng nỗi phiền muộn còn đó, và không ai có thể làm nó vơi đi. Thậm chí tới ngày hôm nay, tôi vẫn cảm thấy mình có trách nhiệm và bị ám ảnh bởi nó. Tôi phải sống với ám ảnh tội lỗi này cho tới hết đời”, nhà văn từng thú nhận.
Ra tù, đói ăn như nhiều cựu tù binh khác, Grass làm đủ việc chân tay như đầu bếp hoặc phụ hầm mỏ. Trở về nhà, Grass cùng chị, cha và mẹ chật vật kiếm sống với đủ thứ việc, từ chạy chợ trời, buôn lậu hàng cấm tới bốc vác, làm bia mộ. Thời gian ngắn sau, Grass rời Danzig đến thành phố Düsseldorf đổ nát nước Đức, học việc ở xưởng điêu khắc, học viết thơ trở lại. Năm 1951, Grass “đi bụi” ở nhiều quốc gia như Pháp, Italy, Thụy Sỹ, sống như nghệ sĩ, tập tành viết văn, làm điêu khắc rồi lại trở về Đức đăng ký theo học Đại học Nghệ thật Berlin. Suốt thời gian nửa đầu thập niên 1950, những ý tưởng ám ảnh về một câu chuyện văn chương dần xuất hiện trong đầu chàng trai trẻ.
Tiểu thuyết “Cái trống thiếc” được dựng thành phim năm 1979. Phim chuyển thể giành giải Oscar và Cành Cọ Vàng ở LHP Cannes 1979.
Thành danh với “Cái trống thiếc”
Theo học điêu khắc nhưng ra trường, Günter Grass hoạt động tích cực trong “Nhóm 47” – một hội các nghệ sĩ đương đại trong đó có nhà văn Nobel Heinrich Boell. Được Heinrich Boell khuyến khích, Günter Grass rẽ hướng sáng tác văn thơ, sống tằn tiện cùng vợ bằng đồng lương ít ỏi từ nhà xuất bản, bắt tay viết tiểu thuyết đầu tay The Tin Drum (Cái trống thiếc) từ năm 1955. Xuất bản năm 1959, The Tin Drum lập tức gây sóng gió trên văn đàn văn học châu Âu như một cuốn tiểu thuyết mà giới trẻ lớn lên sau Thế chiến II mong chờ. Sự thành công của tiểu thuyết đẩy Günter Grass lên hàng nổi tiếng tầm cỡ thế giới.
Cuốn truyện xoay quanh một gia đình trung lưu Đức vào thời trước, trong và sau Thế chiến II, kể về cậu bé Oskar từ chối làm người lớn từ lúc ba tuổi bằng cách lao người xuống hầm nhà. Cậu bé người lùn có khả năng đặc biệt là gõ trống đồ chơi, có tiếng thét phá vỡ kính cách xa hàng km. Song hành với những trải nghiệm tình yêu nóng bỏng, Oskar tham qua quân đội Đức Quốc xã trong những chiến dịch đặc biệt, theo những cách đặc biệt. Sau chiến tranh, Oskar không còn lùn nữa nhưng trở thành gã gù bị nguyền rủa sống cực nhọc ở thành phố Danzig.
Đối lập với một số chi tiết bị cho là báng bổ và khiêu dâm, tiểu thuyết gây kinh ngạc bởi bút pháp hiện thực huyền ảo đậm phong vị châu Âu, với câu từ mang hình khối kiến trúc và điện ảnh rất đặc thù của Günter Grass. Tác phẩm được nhà văn khẳng định lấy cảm hứng từ truyện cổ Grimm và chất văn phiêu lưu giang hồ Tây Ban Nha, Ả-rập, những bộ phim giàu hình tượng của Akira Kurosawa. Đặc biệt, phong cách trộn chuyện chính trị, tính thần thoại và lối văn giàu trí tưởng tượng lại công phu kiểu nghệ thuật Baroque của ông được đánh giá gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của dòng văn hiện thực huyền ảo.
Về mặt nội dung và tư tưởng, Cái trống thiếc gây sốc với giới độc giả và phê bình khi là tác phẩm đầu tiên đề cập trực diện xã hội Đức thời Phát xít. Đây là phần lịch sử xấu xí mà không ít người Đức muốn quên đi. Với tiểu thuyết này và bộ đôi tiểu thuyết sau đó là Cat and Mouse (1961) và Dog Years (1963), tác giả được coi là một “lương tri chân thành” của nước Đức, một biểu tượng con người châu Âu.
Trong diễn văn công bố giải Nobel năm 1999 dành cho ông, Viện Hàn lâm Thụy Điển khẳng định: “Günter Grass là người đã đánh giá lịch sử đương đại bằng cách gợi nhớ diện mạo lịch sử bị lãng quên: Những nạn nhân, những kẻ thua cuộc và những lời dối trá mà người ta muốn quên đi bởi họ từng tin tưởng chúng. The Tin Drum là một trong những tác phẩm trường tồn của thế kỷ 20”.
Sau tác phẩm đầu tay thành danh, Günter Grass tiếp tục đi sâu khai thác chủ đề liên quan đến sự ảo tưởng của người Đức, những phần lịch sử không thể bỏ qua của nước Đức, châu Âu và nhân loại, những thách thức của con người hậu giai đoạn Phát xít. Theo The Guardian, bốn cuốn sách quan trọng của Günter Grass gồm The Tin Drum (1959), Cat and Mouse(1961), The Rat (1986) và Peeling the Onion (2006). Trong khi đó, Irish Times chia sẻ những tác phẩm chìa khóa của nhà văn gồm Bộ ba về Danzig (Bộ ba tiểu thuyết đầu tay viết về Danzig), Too Far Afield (1995), My Century (1999), Crabwalk (2002), và Peeling the Onion (2006). Càng về sau, tiểu thuyết của ông càng đậm chất chính trị và thậm chí bị giới phê bình Đức vận động những chiến dịch chỉ trích gay gắt, phản đối việc đặt tính chính trị lên trước phẩm chất văn chương.
Nói về kỹ thuật viết, nhà văn tiết lộ: “Với mỗi tiểu thuyết, tôi thường viết trong vài năm và chia ra làm ba lần. Lần đầu viết nháp nhanh, lần hai chuốt chi tiết và lần ba sửa lại thật chậm và rất gian khổ. Trước khi bắt tay vào một câu chuyện, tôi vạch khung nhân vật trước rồi sau đó đắp dần nhân vật theo câu chuyện. Tôi thường viết vào lúc 10 giờ sáng cho đến tối. Tôi không viết vào buổi tối. Mỗi ngày tôi viết khoảng năm đến bảy trang”.
Ngoài viết tiểu thuyết, Günter Grass làm thơ, vẽ tranh, thực hiện điêu khắc và tham gia sâu vào chính trường. “Tôi không nghĩ chính trị nên để cho các đảng phái giải quyết, như thế thì nguy hiểm lắm. Tôi cho rằng văn chương cũng có sức mạnh làm thay đổi, tùy mức độ đến đâu thôi. Cả nghiệp viết và nghiệp vẽ của tôi luôn liên quan một cách tự nhiên và lớn lao tới chính trị, dù tôi muốn hay không. Tôi cũng không thấy có lý do gì phải bỏ qua chính trị khi viết”, tác giả bày tỏ.
Ngoài làm văn, Günter Grass cũng say mê điêu khắc – ngành ông được đào tạo hàn lâm. |
Nhà văn tầm cỡ hay kẻ da dày?
Càng về sau này, Günter Grass càng không lạ lẫm với những chỉ trích của không ít công chúng và giới phê bình. Năm 1989, khi nước Đức thống nhất, ông đứng đầu trong số trí thức công khai phản đối Đông Đức và Tây Đức sáp nhập, cho rằng đó là động thái vội vã, làm mất đi văn hóa và lịch sử Đông Đức.
Günter Grass bị tổn hại hình ảnh nghiêm trọng khi ra mắt cuốn tự truyệnBóc vỏ hành (2006), trong đó công khai mình từng phục vụ quân Phát xít. Giới phê bình và người đọc khẳng định họ thấy thất vọng không phải bởi sự thật quá khứ mà thất vọng với hành động che giấu sự thật suốt 60 năm của nhà văn được mệnh danh là “lương tri nước Đức”. Năm 2012, ông ra mắt bài thơ What Must Be Said, động chạm tới nước Israel và bị Thủ tướng Benjamin Netanyahu chỉ trích.
“Tôi đã quen với chỉ trích. Tôi luôn phải đối diện với câu hỏi: Liệu tôi có nên dày da nữa không hay để mặc mình bị tổn thương vì chỉ trích. Tôi đã chọn để bản thân bị tổn thương, vì nếu da tôi dày lên, tôi sẽ không cảm nhận được nhiều thứ khác”, nhà văn nói.
Hôm 13/4, tác giả được đặt hàng loạt danh hiệu như “con sư tử” của nền văn học châu Âu hay “người vẽ lịch sử bằng bút pháp huyền hoặc” qua đời, để lại di sản văn chương đồ sộ sau cuộc sống đầy thăng trầm biến động.
Ông có bốn đời vợ và 17 người cháu nội. Nhà văn Mỹ – John Updike – từng đánh giá về Günter Grass: “Đây là tiểu thuyết gia dân dã tới nỗi ông không còn bận tâm đến tính văn chương mà chỉ đơn giản là bày ra cho người đọc những dòng suy nghĩ của bản thân bằng lời tâm huyết”. The Guardian trích dẫn một câu nói của Grass: “Cuộc đời đầy thỏa hiệp, nhưng nghệ thuật thì không”.
Theo Vũ Văn Việt (Vnexpress)