Giáo sư văn chương kiêm dịch giả Đức khẳng định cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh đặc sắc hơn tác phẩm kinh điển về chiến tranh của Erich Remarque.
Sang Việt Nam dự hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt lần thứ ba, giáo sư văn chương Đức Günter Giesenfeld chia sẻ về công việc dịch và giới thiệu văn chương Việt Nam sang tiếng Đức mà ông đã thực hiện trong gần 10 năm trở lại đây.
– Tiểu thuyết Việt Nam mới nhất ông dịch – “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh – sau đợt phát hành ở Đức tháng 6/2014 đã đứng đầu bảng xếp hạng 7 cuốn sách hư cấu xuất sắc quý I/2015 của Hiệp hội văn hóa Litprom. Ông có thể chia sẻ thêm về thông tin này.
– Cuốn Die Leiden des Krieges do chúng tôi thực hiện là bản dịch Nỗi buồn chiến tranh đầu tiên ở Đức. Litprom là Hiệp hội văn hóa châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin tại Đức, thuộc Bộ Ngoại giao Đức, hợp tác với nhiều cơ quan văn hóa khác như hội chợ sách Frankfurt hay đài truyền hình Arte.
Bốn lần mỗi năm, Litprom xếp hạng 7 đầu sách thế giới xuất sắc trong mục “Tiếp cận văn hóa thế giới”. Việc được xếp vào danh sách này giúp quảng bá lớn cho cuốn sách vì chỉ cần có tên ở đây, sách đã được coi là phải đọc.Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đứng đầu bảng mùa xuân 2015.
Sau gần nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam, giáo sư Günter Giesenfeld dịch và giới thiệu văn Việt sang Đức.
– Lý do gì khiến ông chọn dịch “Nỗi buồn chiến tranh”?
– Trên thế giới có một số tiểu thuyết kinh điển về chiến tranh. Một cuốn trong đó là Phía Tây không có gì lạ (All Quiet on the Western Front) của Erich Maria Remarque, nói về Thế chiến I.
Tôi cho rằng, tiểu thuyết của Bảo Ninh thậm chí hay hơn của Remarque. Bởi Phía Tây không có gì lạ là tiểu thuyết phản chiến, nhưng phản chiến theo nghĩa phản đối mọi cuộc chiến. Sự thực, có những cuộc chiến cần thiết để đấu tranh vì lợi ích sinh tồn của con người hơn những cuộc chiến khác, ví dụ chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong khi, quan điểm của Phía Tây không có gì lạ đưa ra rằng, mọi cuộc chiến đều tệ và cần phản đối. Tôi cho rằng góc nhìn này có phần hạn chế.
Nỗi buồn chiến tranh đặc sắc kép. Nó cùng lúc mô tả chân thực một cuộc chiến đặc biệt của Việt Nam, lại cho thấy bản chất của bạo lực nói chung. Khi anh đọc truyện, anh thậm chí không tìm nổi câu trả lời cho câu hỏi phe nào tốt, phe nào xấu. Bảo Ninh đứng trên tất cả để mô tả đầy đủ những hậu quả của bạo lực. Chiến trường, nơi người ta phải giết nhau để tự vệ, là nơi dạy con người giết nhau mà không hiểu vì sao phải sát hại đồng loại. Thậm chí chiến tranh làm ngay cả con người ở hậu phương tồi tệ về nhân cách (người yêu của nhân vật chính – Kiên – bị chính người phe anh cưỡng hiếp).
Hơn nữa, Nỗi buồn chiến tranh chân xác nhờ tuyến truyện tình yêu giữa nhân vật chính và bạn gái tên Phương – thứ rất cá nhân. Tôi ngưỡng mộ cách tác giả kết hợp lịch sử chiến tranh lẫn lịch sử tình yêu. Đặc biệt, tiểu thuyết này có một trường đoạn mà người ta phải gọi nó là trường đoạn kiệt tác của văn chương chiến tranh: Trường đoạn Kiên và Phương đi tàu lửa tới Vinh, tàu bị đánh bom, Phương bị cưỡng hiếp, rồi Kiên tưởng như lạc mất Phương, cuối cùng tìm thấy cô đang tắm dưới một cái hồ. Trường đoạn đó sâu sắc cả về nội dung lẫn đặc sắc về bối cảnh. Tuy viết rất nóng bút, nhưng Bảo Ninh lại rất tỉnh táo và kết truyện thông minh đúng chất văn chương hư cấu, làm cho truyện có bố cục chặt chẽ.
Tiểu thuyết của Bảo Ninh thuộc hàng kinh điển thế giới ở dòng văn chiến tranh.
– Lần đầu ông đọc tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” là khi nào?
– Lần đầu tôi nghe nói về sự tồn tại của cuốn sách này là khi nó đang bị cấm phát hành ở Việt Nam. Trong lần đến Việt Nam năm 1997, tôi được hàng rong trên phố chào mua tiểu thuyết bản tiếng Anh. Tôi nghĩ sao không ai đến bắt mấy người bán sách cấm này. Tôi nhặt cuốn sách lên, đọc qua, không có ấn tượng gì và tôi trả lại hàng rong.
Hơn 10 năm sau, khi chúng tôi tra tìm các sách văn chương ở Việt Nam để dịch thì gặp lại cuốn này. Rồi tôi xác định, trước hay sau trong đời, tôi sẽ phải dịch nó. Khi dự án dịch ngày càng khả thi, được sự đồng ý từ nhà xuất bản cũng như tác giả, lúc đó tôi đọc lại cuốn sách nhưng là bản tiếng Pháp, sát bản gốc của Bảo Ninh. Tôi nhận ra bản tiếng Anh phổ biến ở Việt Nam hồi 1990 mà tôi đã đọc khác rất xa bản gốc của Bảo Ninh. Bởi vì người dịch và xuất bản cuốn sách hồi đó là một nhà báo Australia, ông ấy đã thay đổi nhiều chi tiết để dễ tiếp cận độc giả phương Tây và Mỹ. Giờ những bản tiếng Anh của sách đã tốt hơn rồi.
“Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Phía Tây không có gì lạ” của Remarque.
– Ông có thể kể chi tiết quá trình chuyển ngữ “Nỗi buồn chiến tranh”?
– Đầu tiên, tôi dịch bản tiếng Pháp sang tiếng Đức, bởi tôi sử dụng Pháp ngữ tương đương tiếng mẹ đẻ. Sau khi có bản thảo đầu tiên bằng tiếng Đức, Marianne Ngo (vợ tôi) và dịch giả Nguyễn Ngọc Tân đối chiếu bản thảo Đức đó với tiểu thuyết gốc bằng tiếng Việt mà Bảo Ninh gửi cho chúng tôi, dịch tiếp cho sát bản tiếng Việt, ra được bản thảo thứ hai. Trong quá trình này, vợ tôi và Tân sử dụng từ điển tiếng Việt.
Bản thảo thứ hai không phải văn Đức, thậm chí có những chỗ tối nghĩa. Đến lượt tôi chuốt lại văn phong bản thảo thành văn Đức. Chúng tôi phải tranh luận với nhau để cho câu văn có hồn Đức mà vẫn sát nhất ý nghĩa tiếng Việt của tiểu thuyết Bảo Ninh. Trong bản dịch cuối cùng, chúng tôi có rất nhiều chú thích chi tiết.
– Ông gặp khó khăn gì khi dịch “Nỗi buồn chiến tranh” so với việc dịch “Tướng về hưu” (2009) của Nguyễn Huy Thiệp, hay “Những bi kịch nhỏ” (2011) của Lê Minh Khuê?
– Chúng tôi phải trả tiền bản quyền cho người Mỹ bởi vì Nỗi buồn chiến tranh đã được bán bản quyền dịch cho nhà xuất bản Mỹ.
Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết, các cuốn trước chúng tôi dịch đều là truyện ngắn. Tiểu thuyết có hành văn và diễn biến cốt truyện cũng như lượng nhân vật phức tạp hơn. Đặc biệt, Bảo Ninh chuyển đổi bối cảnh không gian và thời gian liên tiếp và đột ngột. Ngoài ra, ngữ pháp tiếng Việt cũng không dễ dịch sang tiếng Anh và Đức – hai ngôn ngữ có ngữ pháp rất rõ ràng và chặt chẽ về cấu trúc từ.
– Tiêu chí chọn lựa văn chương Việt để dịch sang tiếng Đức của ông là gì?
– Giá trị văn chương và tiềm năng phổ biến với người đọc Đức. Hơn 90%nhà thơ, nhà văn Việt Nam không được biết đến ở Đức. Tôi làm bạn với ông Nguyễn Đình Thi từ hồi Việt Nam còn chiến tranh. Sau đó, tôi tiếp cận dần với văn chương của các bạn. Tôi chủ yếu giới thiệu gương mặt các nhà văn hiện đại của Việt Nam từ sau chiến tranh: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê…
Là một giáo sư về văn chương nên tôi thẩm định được giá trị tác phẩm. Ví dụ, tôi thấy Bảo Ninh là một nhà văn hiện đại cổ điển, văn chương của Bảo Ninh mang tâm thức đặc trưng thế kỷ 20: Cách hành văn và mô tả phức tạp công phu, không gian và thời gian trong truyện được trộn lẫn và biến đổi rất lớn.
– Ai là nhà văn Việt Nam ông có ý định dịch tiếp?
– Chúng tôi đang tìm kiếm một tác giả nữ, và nhà xuất bản của chúng tôi muốn một gương mặt trẻ. Tôi đang đọc văn Nguyễn Ngọc Tư bằng tiếng Pháp. Cô ấy là người có tài mô tả những thứ rất nhỏ nhặt của cuộc sống đời thường. Văn của Nguyễn Ngọc Tư thường lặp lại một chủ đề: Cuộc sống và vấn đề của người dân nghèo bên dòng Mê Kông. Luôn là những phụ nữ cô đơn, những cậu trai mới lớn không muốn cưới vợ và họ rất rất nghèo. Những câu chuyện ấy luôn ngập tràn nước, những cánh đồng, khu chợ bản địa, làng nhỏ. Tuy vậy, vì quá bản địa, chi tiết trong văn Nguyễn Ngọc Tư có thể xa lạ với độc giả phương Tây.
Bởi không đọc được tiếng Việt nên chúng tôi khá gặp khó khăn khi tìm kiếm các tác giả khác của Việt Nam để dịch. Chúng tôi phải dựa vào những tiểu thuyết Việt Nam đã xuất bản sang tiếng Pháp hoặc Anh, hoặc nhờ bạn bè giới thiệu thẩm định. Tôi cũng đang cân nhắc các tác phẩm của Y Ban. Chắc chắn có nhiều gương mặt chúng tôi chưa được biết đến.
– Các tác phẩm tiếng Việt đã được dịch có lượng bán ra thế nào ở Đức?
– Tập Tướng về hưu gần như đã bán hết. Đó là một thành công với một cuốn sách như thế. Bởi văn chương Việt gần như không ai biết đến ở Đức đã đành, các sách chúng tôi dịch đều là bìa cứng, thiết kế công phu do đó đắt hơn sách bìa mềm. Chúng gần như là dạng sách lưu niệm, mà vẫn bán được. Một phần bởi hồi dịch xong, chúng tôi mời Nguyễn Huy Thiệp sang giao lưu quảng bá sách và được ông nhận lời.
– Đã nhiều lần tham dự các hội thảo văn chương Việt Nam, ông nghĩ sao về chúng, ví dụ như Hội thảo quốc tế Quảng bá văn Việt vừa qua?
– Tôi đã nói nhiều lần rồi, hội thảo văn học nên có nhiều bàn luận giữa các học giả hơn là chỉ một người đứng lên đọc tham luận rồi đi xuống.
Ngoài ra, hội thơ của các bạn ồn ào quá. Những áng thơ không phải để đọc giữa hội nghị hàng nghìn người. Các nhà thơ viết là đi vào tâm hồn bên trong. Đọc thầm và ngâm thơ càng có ý nghĩa trong những căn phòng nhỏ chứ không phải với loa thùng và âm nhạc lớn. Tôi không hiểu ý nghĩa những hội thơ ồn ào và hoành tráng đó.
Theo Vũ Văn Việt – Vnexpress.net