Bài viết cùng tên của Michel Foucault xuất hiện vào năm 1984 – hai trăm năm sau bản văn của Kant – cũng chỉ là một bài viết nhỏ (texte mineur), như Foucault gọi như vậy. Nhưng tác động triết lý khá quan trọng. Triết lý quả thực là những đối thoại triền miên, những tranh luận không ngừng.

Chỉ trong bài viết nhỏ này, ta thấy Foucault không những đối thoại với một triết gia của hai thế kỷ trước, ông còn nhằm tranh luận với những người đương thời. Chính trong khuôn khổ đó, tôi chỉ muốn gợi ý về một số điểm của bài viết này, chứ không nhằm phân tích rốt ráo, bởi công việc ấy sẽ đòi hỏi viết thành một quyển sách.

Những điểm chính để nói tới bao gồm:

Tại sao Foucault trở lại vấn đề của Kant?

Từ vấn đề này, Foucault muốn tranh luận với những triết gia đương đại nào?

Vấn đề của thời Khai sáng có quan hệ gì với thời đại chúng ta?

1. Tại sao Foucault trở lại vấn đề của Kant?

Kant đối với Foucault là một trong những nguồn tư tưởng đưa ông vào con đường nghiên cứu độc đáo của riêng ông. Mặc dầu trong khoảng thời gian dạy học 1952- 1953 công việc chủ yếu là tâm lý học, song chuyên đề luận án phụ ông chọn là dịch và giới thiệu tác phẩm Nhân học của Kant – ông đã học hỏi từ công trình này lối phân tích cấu trúc và phê phán với những ý niệm về quyền lực của tri thức và cảm thức, những vấn đề về cảm quan lạc thú chắc hẳn còn ảnh hưởng tới những công trình cuối đời của ông. Mặt khác ngay từ trình bày về chuyên đề này, ông đã sử dụng những từ như “khảo cổ luận văn bản của Kant”, khảo những “tầng địa chất” ở đáy tác phẩm là những nét tri thức trong những tác phẩm sau này (chính Foucault đã lấy lại từ “khảo cổ luận” mà Kant đã dùng trong một bài viết về lịch sử triết học khi coi lịch sử triết học đã lấy từ tự nhiên lý trí con người như một khảo cổ luận triết lý/ philosophische Archäologie). Trong luận án này, ông đã chỉ ra cái chết của thượng đế theo quan niệm của Nietzsche hàm ngụ cái chết của con người, ở đó sát nhân về mặt khảo cổ luận là kỳ công của những khoa học nhân văn thực thi cái lý luận tri thức của chúng. Cũng trong chiều hướng này, ở tác phẩm “Những từ ngữ và sự vật” Foucault tiếp tục khai triển phê bình luận của Kant khi ông nhận xét: “Phê bình này đánh dấu ngưỡng cửa vào hiện đại của chúng ta, nó tra hỏi biểu tượng không theo vận động vô hạn đi từ yếu tố đơn giản đến tất cả mọi tổ hợp khả hữu của nó, mà khởi từ những hạn chế hợp pháp của nó. Như vậy là lần đầu tiên nó chứng thực biến cố này của văn hóa châu Âu đồng thời với sự cáo chung của thế kỷ 18: việc rút lui của tri thức và tư tưởng khỏi không gian của biểu tượng” – là cơ sở của tổng hợp khả hữu của mọi biểu tượng, là điều kiện khả hữu của kinh nghiệm.

Bản văn “Khai sáng là gì?” ở vào giai đoạn cuối đời (1978-1984) của Foucault cùng với một số những bài thuyết trình khác dưới nhan đề “Phê phán và Khai sáng” in trong Tin tức của Hội Triết học Pháp (1990). “Phê phán là gì?” là bài thuyết trình tại Hội này vào năm 1978 như chính Foucault xác định trong lời cuối lý do tại sao ông không thể (hay dám) đặt cho bài nói chuyện của ông cái tên: “Khai sáng là gì?”, nhưng thực sự bài thuyết trình này có thể coi như lam bản ([1]) của bản văn tôi đã dịch và giới thiệu. Những ý tưởng cơ bản của Foucault trong khi khai quật lại kho tàng triết lý của Kant ở giai đoạn này có thể hiểu theo nhiều chiều hướng: do sự va chạm với Lý luận phê bình của trường phái Frankfurt đang gây ảnh hưởng mạnh trong Ðại học Mỹ, với những tên tuổi như Walter Benjamin, Jürgen Habermas vào lúc ông đang giảng dạy tại Berkeley, cho nên những vấn đề mới đặt ra ở bản văn 1984 là những phản bác phê phán trả lời Habermas (trong hai chương IX và X của “Diễn ngôn triết lý của Hiện đại” viết về ông) và chung quanh vấn đề Baudelaire của Benjamin; hoặc với tư cách một sử gia tư tưởng hơn là một triết gia, như chính Foucault khẳng định trong bài đọc trước Hội Triết học Pháp, điều đó có nghĩa là đứng về mặt phê phán nhận thức luận ở hai cơ sở khảo cổ và truyền hệ luận để tìm hiểu cái ông gọi là bản thể luận phê phán chính chúng ta – khởi từ triết học hiện đại nhằm trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?; hoặc mọi vấn đề sau cùng vẫn nằm trong truyền thống triết học Pháp là vấn đề đạo đức. Những luận điểm chính trong bản văn 1984 vẫn tìm thấy trong bài đọc 1978 như nghệ thuật cai trị con người, thái độ phê phán lý luận/ räsonieren, song lý luận như thế nào, quan hệ giữa thuần lý hóa với quyền lực, với chân lý, với chủ thể như thế nào; quan niệm tự trị đối với nhận thức ra sao, mối quan hệ giữa Khai sáng và thân phận ấu trĩ mà nhân loại vẫn còn trì trệ trong đó và trì trệ trong một đường lối có căn cứ, mà điển hình là hai hình thức quyền lực là chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa Stalin giống nhau như hai anh em.

Ở trong hai bản văn 1978 và 1984, Foucault lập lại một ý tưởng quan trọng của Kant về sự phân biệt giữa sử dụng riêng tư và sử dụng công cộng của lý trí, mà lý trí phải được tự do trong sử dụng công cộng. Thế nào là sử dụng công cộng? Không hạn chế, trên mọi phương tiện truyền thông (báo chí, xuất bản, nghiên cứu v.v.), kêu gọi tới lương tâm của con người.

2. Trở lại vấn đề của Kant, Foucault muốn tranh luận với những triết gia đương đại nào?

Bài đọc của Foucault lấy lại tựa đề “Khai sáng là gì?” của Kant và những nhà tư tưởng của thế kỷ 18 như Mendelssohn, Erhard, Hamann, Riem, Herder, Lessing, Schiller quả thực nhằm đối thoại với những người đương thời ở bên kia biên giới (Pháp/Ðức). Ngay từ bài đọc 1978, khi đề cập mối quan hệ giữa Khai sáng và Phê phán, ông đặt vấn đề liệu lý trí có trách nhiệm về quyền lực, về cai trị vượt quá giới hạn, và nghĩ là tương lai của vấn đề có những khác biệt giữa Pháp và Ðức. Khi nhận định: Aufklärung Đức và Haskala Do thái xem ra thuộc về cùng một lịch sử. Trong đoạn nói về Lessing và Mendelssohn, Foucault gián tiếp nói đến những điều đã được thảo luận trong Biện chứng của Khai sáng từ 1947 của Horkheimer và Adorno chung quanh vấn đề quyền lực trong nghiên cứu định chế. Cho nên trong phần mở đầu bản văn 1984, ông nói “bài viết này đã dụng tâm đưa vào trong lịch sử tư tưởng một vấn nạn mà triết học hiện đại đã không thể giải đáp, nhưng cũng không thể thoát ra khỏi, và dưới nhiều hình thức khác nhau, đã hai thế kỷ nay được lập lại, từ Hegel đến Horkheimer hay Habermas, ngang qua Nietzsche hay Max Weber”. Ðối tượng nói đến ở đây là trường phái Lý luận phê bình Frankfurt, mà đại biểu sau cùng là Jürgen Habermas.

Cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Foucault, Habermas và một số những đồng nghiệp khác dự trù diễn ra tại Mỹ vào năm 1984 đã không thực hiện được vì Foucault qua đời bất ngờ vào tháng Sáu 1984. Habermas buộc phải chú trọng đến những trào lưu tư tưởng đương đại từ Pháp ảnh hưởng vào Tây Ðức từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Những hợp tuyển của F.A. Kittler, của Peter Engelmann, những nghiên cứu của Peter Tepe, E.W.Orth… ghi nhận những trào lưu cấu trúc, hậu cấu trúc, hậu hiện đại, thuyết hủy tạo (Dekonstruktion) bắt đầu ngự trị diễn đàn tư tưởng. Habermas quan niệm những thảo luận về hậu lịch sử, hậu hiện đại, chống nhân bản là những toan tính phá hủy những nội dung có khả năng giải phóng chứa trong Khai sáng, một thách đố của xu hướng tân bảo thủ chống lại Khai sáng; ông gọi “Hiện đại – một công trình dự án chưa hoàn tất”. Mặc nhiên, ông coi Khai sáng đồng nhất với Hiện đại. Trong tác phẩm “Diễn ngôn triết lý của Hiện đại”, Habermas đã dành chương IX và X để phê bình Michel Foucault, khi phân chia tác phẩm của Foucault thành hai giai đoạn, những tác phẩm đầu tới “Những từ ngữ và sự vật” dựa trên cơ sở khảo cổ và truyền hệ luận là thái độ chống thông diễn luận, có tính cách phê phán những khoa học nhân văn, và những tác phẩm sau nhằm xây dựng một lý luận về quyền lực dựa trên lý luận của Nietzsche chứa những nan đề (aporie: vấn đề khó giải quyết) không thể giải quyết. Một trong những luận điểm Habermas phê phán lý luận quyền lực của Foucault có tính thiên hiện đại, tính tương đối trong những phân tích lịch sử. Habermas giải thích khái niệm lịch sử của Foucault là một bước khởi đi từ lý giải quá khứ bằng viễn cảnh của hiện tại. Quả thực trên cơ sở khảo cổ luận của nhận thức, Foucault nhằm biến những tư liệu nói của thông diễn luận thành những công trình câm lặng, giải phóng chúng khỏi văn mạch để có khả năng thể hiện trong mô tả cấu trúc, viễn cảnh của một nhà quan sát đứng ngoài để nghiên cứu những công trình khai quật, giống như giải thích truyền hệ của chúng là kết quả của những đấu tranh quyền lực để tồn tại. Truyền hệ luận ([2]) của Foucault là một đối nghịch với những lý giải mục đích luận, coi hiện tại như một sản phẩm lịch sử ngẫu nhiên, và coi ý nghĩa của những thời kỳ lịch sử quá khứ chỉ có vai trò trong nguồn những cấu trúc hiện đại của quyền lực. Phá hủy lịch sử truyền thống, những cái ông gọi là những liên tục giả trá, Foucault không quan niệm có những liên hợp mục đích luận, phân chia lịch sử thành những thời kỳ, mà chỉ có lịch sử như một dãy những hình thành diễn ngôn đa nguyên. Ðó là lý do ông viết tại sao người ta không thể xem hiện đại như một thái độ hơn là một thời kỳ lịch sử. Hiện đại theo ông bắt đầu từ ý niệm của Kant về con người ở trong một lưỡng luận, là sinh vật thượng đẳng vì đức tính thuần phục, mà cứu cánh cho phép y chiếm chỗ của thượng đế, những khả năng của lý trí con người bị hạn chế, song những hạn chế này không ngăn cản con người có tiến bộ trong tư tưởng đến vô cùng. Ðó cũng là lý giải của Foucault về Baudelaire, ngược với những điều Benjamin phân tích thơ Baudelaire, phản ánh sự sùng bái hàng hóa, hình ảnh kẻ rong chơi là điển hình của nhân loại tha hóa, Foucault viết: “hiện đại không phải là nhìn nhận và chấp nhận cái vận động thường cửu này.”

Bản văn 1984 vào dịp kỷ niệm 200 năm bài viết của Kant là tuyên ngôn để trả lời những phê phán mà ông gọi là “một thứ hăm dọa” (chantage) vì từ bản văn của Kant, ông nghĩ nó đã xác định một cách thế triết lý. Và ông viết tiếp: điều đó không có nghĩa là phải theo hay chống Khai sáng.

3. Vấn đề của thời Khai sáng có quan hệ gì với thời đại chúng ta?

Vậy vấn đề Khai sáng đặt ra với chúng ta là gì? Tại sao ngay từ mở đầu bản văn, Kant định nghĩa Khai sáng một cách hầu như tiêu cực: “Aufklärung ist der Ausgang des Menschen…” (“Khai sáng là lối thoát của con người…”), trong khi chính Kant cũng từng viết: “Die Maxime, jederzeit selbst zu denken, ist die Aufklärung” (“Hãy tư duy độc lập vào bất cứ thời điểm nào – đấy chính là phương châm của Khai sáng”)? Foucault lý giải Kant như một sử gia truyền hệ: “Il cherche une différence: quelle différence aujourd’hui introduit-il par rapport à hier?” (“Ông tìm kiếm một sự dị biệt: dị biệt nào hiện tại đưa ra đối với quá khứ?”). Cái mới trong bản văn của Kant là “ở vị trí bản lề của phản tỉnh phê phán và phản tỉnh về lịch sử… phản tỉnh về “ngày nay” như một khu biệt trong lịch sử và như một động lực cho nhiệm vụ triết lý đặc thù.”

Trở về với một bản văn hai trăm năm trước, nhưng thực sự vấn đề là thái độ của hiện đại. Foucault tìm ra cái đạo lý/êthos, trong đó Kant muốn chỉ ra: con người phải chịu trách nhiệm về tình trạng ấu trĩ của mình … chỉ có thể thoát ra bằng một biến đổi tự mình làm lấy cho mình. Cả hai điều kiện này vừa là đạo đức, vừa là chính trị. Lý trí phải được tự do trong sử dụng công cộng. Không phải mơ mộng tự do trống rỗng, mà phải có một thái độ thực nghiệm, như một thử nghiệm lịch sử – thực tiễn vượt qua những trói buộc hạn chế, như những con người tự do. Có như thế chúng ta mới trưởng thành.

Kỷ niệm hai trăm hai mươi năm một bản văn phải thể hiện bằng hành động thực tiễn trong hiện tại, tôi nghĩ như thế mới cảm nhận được cái ý nghĩa tinh túy của nó.

[1] Lam bản: lấy từ chữ ‘blue print’ để chỉ bản thiết kế, bản mẫu phác ra.

[2] Truyền hệ luận hay còn được dịch khác là Phả hệ luận – Chú thích của Tạp chí Nhà văn.

Nguồn: Vanvn.net