Trong vài ba chục năm gần đây việc phiên dịch, giới thiệu và vận dụng thi pháp học vào nghiên cứu văn học ở Việt Nam ngày càng được quan tâm và triển khai một cách sâu rộng. Nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu và luận văn từ bậc đại học tới sau đại học đã thấy xuất hiện thuật ngữ thi pháp cũng như việc vận dụng thao tác thi pháp học vào tìm hiểu các thể loại, trào lưu, tác gia, tác phẩm văn học tiêu biểu, rõ nhất với văn học trung đại và giai đoạn 1932-1945. Thực tế cho thấy, xét trong mặt bằng tư duy lí luận, khi mà các phương pháp nghiên cứu dừng lại khá lâu ở các bình diện “nhà văn và tác phẩm”, “gương mặt nhà văn”, “đời và thơ”, “văn học và hiện thực”… thì làn sóng nghiên cứu thi pháp quả đã góp phần tiếp thêm sinh khí cho đời sống học thuật.


Cho đến nay, thông qua các công trình dịch thuật và từ điển văn học, có thể nói giới nghiên cứu và bạn đọc rộng rãi đã nắm bắt được những vấn đề cơ bản nhất của thi pháp và thi pháp học. Theo quan sát của chúng tôi, một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực này là nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, – GS. TS. Trần Đình Sử. Ghi nhận những đóng góp của ông, nhiều đồng nghiệp và học trò thuộc nhiều thế hệ đã thực hiện công trình tập hợp Thi pháp học ở Việt Nam (Nhân 70 năm sinh GS. TS. Trần Đình Sử (NXB Giáo dục Việt Nam, H., 2010, 638 trang). Ngoài phần một Toàn cảnh thi pháp học có ý nghĩa khái quát của GS. Trần Đình Sử (tr.9-43), sách còn có hai phần: Tuyển chọn những công trình tiêu biểu (gồm 41 mục tiểu luận nghiên cứu tiêu biểu chuyên về thi pháp và những vấn đề liên quan của nhiều tác giả); Ấn tượng Trần Đình Sử (tập hợp 23 mục bài hồi ức, kỷ niệm, suy tư của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu, đồng nghiệp và học trò về GS. Trần Đình Sử). Nhìn rộng ra, đây chính là sự tri ân của học giới đối với nhà giáo, nhà lý luận, chuyên gia thi pháp Trần Đình Sử, đồng thời cũng là sự bác bỏ đích đáng tiếng nói lạc lõng, báo động giả về cái gọi là “loạn thi pháp”…

Không chỉ là người tham bác, góp phần giới thiệu lý luận thi pháp qua các nguồn tài liệu kinh điển của Nga, Trung Quốc, GS. Trần Đình Sử còn bỏ nhiều công sức cho việc áp dụng thi pháp học vào nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam. Khởi đầu từ tiểu luận Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du (Tạp chí Văn học, số 5-1981, tr.52-62), Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (Tạp chí Văn học, số 6-1983; tr.9-20) cùng nhiều công trình nghiên cứu khác, ông góp phần tạo dựng và phát triển chuyên ngành thi pháp văn học Việt Nam trong suốt hơn ba thập kỉ vừa qua. Trong vai trò người mở đường, ông đã dẫn giải và giúp học giới làm quen với hệ thống khái niệm, thuật ngữ thi học như thi pháp học cổ điển, thi pháp học hiện đại, cái nhìn nghệ thuật, điểm nhìn nghệ thuật, thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, tư duy nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật, quan niệm về con người, giọng điệu, hình thức mang tính quan niệm, hình tượng tác giả v.v…

Đi qua cả một chặng đường dài, GS. Trần Đình Sử đã có nhiều công trình dịch thuật, giới thiệu ở tầm mức khái quát cũng như đi sâu tìm hiểu từng phương diện thi pháp học với nhiều qui mô khác nhau như Thi pháp Đốtxtôiépxki (1985), Mấy vấn đề lý luận thi pháp tác giả của M. Bakhtin (1992), Giáo trình thi pháp học (1993), Những thế giới nghệ thuật thơ và Thi pháp thơ Tố Hữu (1995), Về thi pháp thơ Đường (biên soạn và dịch thuật, 1997), Dẫn luận thi pháp học (1998)… Xét về cách tiếp cận và phạm vi nghiên cứu có thể thấy rằng do bản thân đặc điểm nội dung đối tượng quy định nên tác giả thường dựa trên cơ sở nắm vững các thủ pháp, thao tác của thi pháp học đại cương mà tập trung khảo sát thi pháp học chuyên biệt (tức là thực hiện việc miêu tả tác phẩm văn học chủ yếu ở các phương diện ngữ âm, từ vựng và hình tượng nhằm xây dựng “mô hình” một hệ thống những thuộc tính có tác động thẩm mĩ của tác phẩm). Định hướng này thế hiện rõ khi tác gia nghiên cứu một số vấn đề thi pháp Truyện Kiều, một số phương diện thế giới nghệ thuật của nhà thơ và tác phẩm thơ, đặc điểm thi pháp thơ Mới và thơ Tố Hữu… Đây cũng chính là những công trình nghiên cứu cơ sở, những bước chuẩn bị công phu và chắc chắn để tiến tới bước tổng kết học thuật chuyên sâu trong Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1999) và tâm điểm là Thi pháp Truyện Kiều (2001). Đến nay, cả hai công trình tiêu biểu này đều đã được tập hợp trong bộ sách Trần Đình Sử – Tuyển tập, hai tập (Nguyễn Đăng Điệp tuyển chọn). NXB Giáo dục, H., 2005 (Tập I: 888 trang; Tập II: 932 trang)…

Trở lại công trình Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam (NXB Giáo dục, H., 1999, 444 trang), GS. Trần Đình Sử trong Phần thứ nhất – Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại đã nhấn mạnh lịch sử vấn đề, giới thiệu phạm vi cũng như các khía cạnh lý luận giao thoa với đề tài. Trên cơ sở nắm vững lý luận thi pháp và tìm hiểu kỹ các công trình nghiên cứu mẫu mực, kinh điển của nước ngoài cũng như thực tế lịch sử văn học dân tộc, ông xác định rõ: “Công trình này sở dĩ được gọi là Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam là bởi vì nó được gợi ý từ nhiều công trình nghiên cứu thi pháp văn học trung đại của các tác giả hiện đại nước ngoài, trước hết là các tác giả Nga” (tr.5); đồng thời nhấn mạnh các khía cạnh, mối quan hệ và quá trình phát triển “thi pháp học từ truyền thống tới hiện đại”, “thi pháp văn học trung đại trong thi pháp học hiện đại”, “vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam” và chỉ ra sự tương hợp của việc đặt các tác phẩm trung đại “trên các mẫu số chung để nhận ra cái khác biệt và cái độc đáo” tức là đặt trong tầm quan sát “thời gian lớn” của lịch sử văn học. Đồng thời với việc giới thuyết “xét riêng về hệ thống văn học thì có thể xem văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX thuộc phạm trù trung đại”, tác giả cũng rất chú ý đến bình diện lịch sử và mối quan hệ biện chứng khi đặt văn học dân tộc trong quá trình phát triển chung: “Xây dựng mô hình chung có tính nhân loại, tính đến đặc thù khu vực và dân tộc có thể cho phép nhìn nhận văn học dân tộc trong bối cảnh chung của nhân loại” (tr.5). Đây cũng là sự thận trọng cần thiết để tránh xu hướng hiện đại hóa văn học quá khứ hoặc rập khuôn máy móc mô hình lý luận văn học nước ngoài vào Việt Nam.

Từ việc giới thiệu kết quả nghiên cứu thi pháp văn học trung đại qua một số công trình tiêu biểu, GS. Trần Đình Sử cho thấy vấn đề thi pháp văn học trung đại đã được đặt ra chủ yếu trên bốn phương diện:

a) Quan niệm văn hóa thẩm mĩ, bao gồm quan niệm tổng quát về văn học, về tác giả, về thể loại, về ngôn ngữ nói chung.

b) Thể loại văn học với hệ thống đặc trưng trong loại hình của nó.

c) Hệ thống các thủ pháp, các phương pháp nghệ thuật thể hiện cho cách chiếm lĩnh, cảm nhận đời sống của con người trung đại.

d) Hệ thống từ chương học với các nguyên tắc sử dụng ngôn từ trên các cấp độ.

Đó cũng chính là những phương diện chủ yếu được tác giả coi là “sườn khái quát” để triển khai cụ thể ở Phần thứ hai – Một số vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, phần trọng tâm của tập sách (gồm 5 chương). Đúng như nhan đề sách “Mấy vấn đề…” có ý nghĩa khơi dẫn, khởi thảo cũng như cảm nhận chuẩn mực của tác giả rằng việc nghiên cứu thi pháp văn học trung đại “là một lĩnh vực hết sức khó khăn”, đòi hỏi phải có cách thức giải quyết hợp lí. Những khó khăn đặt ra không phải chỉ về lí thuyết, về tư liệu, về sự thâm nhập và khả năng phân tích tác phẩm mà còn bởi thách thức của bản thân các giai đoạn, các thể loại vừa không thuần nhất lại phát triển không đồng đều, không theo một quá trình liên tục. Trong khi đó yêu cầu khoa học đặt ra cho công trình là phải miêu tả tác phẩm văn học cá biệt cũng như cụm tác phẩm trong sáng tác của một nhà văn, một thể loại, một trào lưu, một giai đoạn và tiến tới bao quát, khái quát những đặc điểm thi pháp văn học của cả thời trung đại kéo dài tới suốt cả một thể kỷ. Đứng trước thực tế ấy, tác giả đã tập trung xem xét văn học trung đại Việt Nam như một hệ thống đặc thù của khái niệm văn học (văn, văn chương, văn nghệ và nghệ thuật ngôn từ…), hệ thống thể loại (theo kiểu văn tự Hán và Nôm, việc tiếp thu toàn diện hệ thống thể loại văn học chữ Hán của Trung Quốc và khả năng biến đổi – sáng tạo, chức năng thuần túy văn học và chức năng ngoài văn học…), điều đáng chú ý là ở phần viết này tác giả thường đặt đối tượng trong sự đối sánh, so sánh với văn học hiện đại và tương quan giao tiếp với văn học trung đại Trung Quốc để làm nổi bật các sắc thái văn học trung đại Việt Nam.

Với công trình Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, do nhiệm vụ cần hướng tới khái quát, tổng kết đặc điểm thi pháp văn học của cả một thời đại mà bên cạnh trọng tâm thi pháp học chuyên biệt, người viết gia tăng áp dụng thi pháp học lịch sử, chú trọng khảo sát sự phát sinh phát triển của các thể loại cũng như đi sâu tìm hiểu ranh giới phân chia phạm vi văn học và ngoài văn học với tất cả sự vận động và đổi thay của chúng. Tùy theo phạm vi và đặc điểm thể loại khác nhau mà tác giả triển khai áp dụng thi pháp học chuyên biệt để xác định kết cấu, tức là các tương quan của tất cả các yếu tố trong chỉnh thể nghệ thuật. Tinh thần chủ đạo của việc phân tích các phương tiện nghệ thuật nhằm xây dựng điểm nhìn nghệ thuật (cách hình dung về thế giới) có tác dụng quy định tất cả mọi điều cơ bản của cấu trúc tác phẩm. Quá trình phân tích này thường căn cứ trên ba phương diện chủ yếu là không gian nghệ thuật (điểm nhìn và trường nhìn), không gian ám ảnh, không gian ám ảnh, không gian có giới hạn hay đóng và mở…); thời gian nghệ thuật (tính tuần tự của văn bản, thời gian tâm lí và các biến thể nhịp điệu thời gian…); và cuối cùng là hình tượng tác giả (vai trò cá nhân sáng tạo của cái “tôi”, giọng điệu người trần thuật, người kể chuyện hoặc nhân vật trữ tình…). Có thể nói các phương diện trên đã được triển khai sâu sắc (và cũng đạt kết quả học thuật rõ nét nhất) qua ba chương; Các thể thơ trữ tình, Thể loại truyện chữ Hán, Diễn ca lịch sử và truyện thơ Nôm (Chương II, IV và V)…

Đi sâu xem xét các chương mục chủ đạo trong Phần thứ hai – Một số vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam sẽ thấy tác giả vận dụng khá linh hoạt lí thuyết thi pháp vào từng thực thể, từng đối tượng văn học. Có hai “điểm nhìn” thi pháp học được triển khai nương theo mức độ tính chất điển hình của tác phẩm văn học. Thứ nhất là “cái nhìn thể loại” nhằm khám phá những đặc điểm thi pháp của nhiều thể loại như ngâm khúc: “Ngâm khúc đã phát triển đến tột độ quan niệm tự tình của thơ trữ tình trung đại. Chính việc kể lể tình cảm mới tạo khả năng sáng tác được khúc ngâm dài mà không cần đến cốt truyện” (tr.53); hát nói: “Nếu như ngâm khúc thể hiện một con người cô đơn đau xót đi tìm những giá trị của mình đã bị mất mát thì thể thơ hát nói, một thể thông dụng trong ca trù, lại thể hiện một con người tài tử thoát vòng cương tỏa, thoát sáo, thoát tục lụy, danh lợi, nắm lấy phút giây hiện tại… Nhưng cái chính thơ hát nói là thể thơ điệu nói […], đánh dấu xu hướng mở rộng lĩnh vực của thơ sang địa hạt giọng điệu nói” (tr.183); tiểu thuyết chương hồi chữ Hán: “là thể loại văn học gắn liền với lịch sử, trực tiếp lấy lịch sử làm đề tài. Nó thể hiện nổi bật nhất tính chất văn sử bất phân đồng thời cũng thể hiện rõ chất văn học do chú trọng vào tính cách, chi tiết biểu hiện và hình thức tổ chức tác phẩm. Mặt khác, do gắn với lịch sử, số phận nhân vật ít khi có hậu, mà thường là bi kịch. Đây là đặc điểm quan trọng làm cho các tác phẩm văn học viết khác hẳn văn học truyền miệng dân gian” (tr.188-193); truyện diễn ca lịch sử: “Diễn ca lịch sử là một loại truyện vừa có tính chát sử vừa có tính chất văn học, được viết bằng văn vần […]. Thể thức này vừa giống với các tập sử ký, vừa giống với các tiểu thuyết diễn nghĩa, lại pha xen cả Hán lẫn Nôm, tác phẩm Nôm mà tên bằng chữ Hán, một bằng chứng của sáng tác song ngữ […]. Cái chính là nó kể lại lịch sử dân tộc bằng những hình tượng kì vĩ, bằng tưởng tượng táo bạo, bằng ngôn từ ngợi ca nhiệt tình, bằng lập trường dân tộc” (tr.366-367). Nói riêng ở truyện thơ Nôm, tác giả nêu rõ ý kiến phản biện với định hướng khái quát các đặc điểm thi pháp thể loại truyện Nôm theo quan điểm folklo học và đẩy mảng truyện Nôm sang địa hạt văn học dân gian, đồng thời biện luận cho một quan niệm có phần khác biệt – trong đó nhấn mạnh tư duy sáng tác làm truyện và phương thức lưu truyền bằng văn tự: “Truyện Nôm là sản phẩm sáng tạo kết hợp các cốt truyện có sẵn với khả năng tự sự của lục bát. Nó sáng tác để kể, nhưng cũng để xem… Truyện Nôm được sáng tác với ý thức làm truyện rõ ràng đã chứng tỏ tác giả bình dân muốn làm văn học viết. Xem trong truyện Nôm ta có thể tìm thấy nhiều câu tuy đưa đẩy, nhưng đã thể hiện ý thức sáng tác bằng văn tự, cho nên không thể nói giản đơn là sáng tác cốt để kể… Nó không đơn giản là đem truyện cổ tích kể lại bằng thể lục bát, mà là sáng tác thành một dung lượng mới… Ở truyện Nôm tác giả phải sáng tạo lời kể cố định, lời thoại cho nhân vật, lời than, lời bình cho mình… Theo chúng tôi truyện Nôm có một phạm vi tự sự, một “mức độ” cụ thể trong miêu tả sự việc, con người. Đó là chú ý miêu tả lời nói, ý chí, tâm trạng nhân vật. Dù chất lượng nghệ thuật cao thấp khác nhau, nhưng các yếu tố này không bao giờ thiếu” (tr.401-408), v.v… Thứ hai là việc lựa chọn đối tượng phù hợp để phân tích các phương diện biểu hiện nghệ thuật như “quan niệm về con người trong thơ”, chủ yếu là “sự vận động và phát triển của con người trong thơ trữ tình (với việc phân xuất đặc điểm theo các giai đoạn thể kỷ X – XIV, thế kỷ XV – hết thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX) và con người trong truyện thơ Nôm qua ba “chặng” hình thành và phát triển (con người trong truyện thơ Nôm kể bằng thất ngôn Đường luật, trong truyện thơ Nôm bình dân và trong truyện Nôm của văn nhân…); có khi phân tích bao quát “thời gian và không gian nghệ thuật trong thơ” theo các phương diện cảm nhận nghệ thuật cụ thể gồm thời gian nghệ thuật trong thơ (với việc xác định mô hình chung; xem xét các khía cạnh “thời gian vũ trụ bất biến” như vô thời gian trong thơ thiền, thời gian bất biến, tĩnh tại trong thơ nhà nho, thời gian lịch sử trong tương quan với thời gian vũ trụ và thời gian con người trong thơ ca…) và không gian nghệ thuật trong thơ (với việc khái quát những đặc điểm chung về cảm thụ không gian trong thơ trung đại, không gian nhàn tản thoát tục, không gian hoang dại tiêu điều biến dịch, không gian luân lạc trong thơ Nguyễn Du và các tác giả khác, không gian trần tục hóa trong thơ Hồ Xuân Hương và không gian thế tục hóa vào cuối thời trung đại…); hoặc có khi phân xuất chỉ tập trung khảo sát “thời gian trong truyện và tiểu thuyết” bao gồm thời gian trong truyện chữ Hán (với tính lịch sử ước lệ, thần thoại vĩnh hằng và truyện khép kín qua các tác phẩm chủ yếu như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Truyền kì mạn lục, Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tùy bút…) và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết chương hồi Việt Nam (với đặc điểm ưu tiên miêu tả sự kiện trong thời gian liên tục, sự hình thành công thức phục vụ cho phân tuyến trần thuật đứng từ một khoảng cách xa, đứng ngoài nhân vật điều khiển xâu chuỗi sự việc chứng tỏ một sự tiểu thuyết hóa lịch sử ở bình diện kết cấu sự kiện chứ chưa tiểu thuyết hóa ở khoảng cách trần thuật trong tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí; các sự kiện nhân quả lồng vào trong thứ tự thời gian, giữa các hồi có thời gian bỏ lửng hoặc thời gian xếp chồng nhưng về cơ bản không làm thay đổi hình thức liên tục, biên niên ở Nam triều công nghiệp diễn chí; có khi thời gian thứ tự truyền thuyết, thời gian trong truyện ghi theo sự kiện thuần túy, kể sự tích theo tuổi và theo năm, năm này kế tiếp theo sau năm khác như trong Tây Dương Gia Tô bí lục…).

Như vậy, xuất phát từ bản chất đối tượng tác phẩm mà nhà nghiên cứu khai thác nhiều hơn ở khía cạnh đặc điểm thể loại và thể văn (ngâm khúc, hát nói, diễn ca, lịch sử, phú và các thể văn Hán và Nôm trung đại) hay các phương diện quan niệm con người – thời gian và không gian nghệ thuật (ở các thể thơ trữ tình, thể loại truyện chữ Hán và truyện thơ Nôm). Điều này một mặt cho thấy sức mạnh của lý luận thi pháp tập trung chủ yếu ở việc áp dụng vào dòng văn học chủ lưu mà khó khai thác ở các thể loại và thể văn đường biên như chiếu, tấu, thư, văn tế, bi, tự…; mặt khác lại cho thấy tính chất phức tạp, khó đạt tới tính thống nhất trong quá trình tiếp cận, triển khai các vấn đề (chẳng hạn, bạn đọc còn mong có lời giải quan niệm nghệ thuật về con người và không gian trong truyện và tiểu thuyết trung đại, quan niệm về con người – thời gian và không gian trong diễn ca lịch sử, quan niệm về thời gian – không gian nghệ thuật trong truyện thơ Nôm)…

Trong công trình Thi pháp Truyện Kiều (2001, in trong Trần Đình Sử – Tuyển tập, Tập I. Sđd, tr.33-354), GS. Trần Đình Sử triển khai các vấn đề lý thuyết thi pháp vào nghiên cứu một tác phẩm cụ thể là kiệt tác Truyện Kiều. Qua chương một – Những chặng đường nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều, tác giả lược dẫn những cách thức và kết quả nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều trước đây (thường dừng lại ở những yếu tố, những tìm tòi riêng biệt, lẻ tẻ), từ đó nhấn mạnh tính mục đích “nhằm khám phá cho được hệ thống hình thức mang tính quan niệm của tác phẩm”… Ở năm chương tiếp theo, tác giả đi sâu khai thác các đặc điểm về cơ sở căn rễ văn hóa, về thế giới nghệ thuật Truyện Kiều (cách kể chuyện của Nguyễn Du, cái nhìn nghệ thuật về con người, hình tượng tác giả, không gian và thời gian nghệ thuật), về mô hình tự sự và ngôn ngữ nghệ thuật (hình thức tự sự, mô hình cốt truyện và thể loại, giọng điệu nghệ thuật cảm thương…) và chương cuối cùng là Sức sống Truyện Kiều nhằm nhấn mạnh giá trị tự thân của tác phẩm trong tương quan hệ thống thể loại truyện thơ Nôm, khả năng đúc kết các giá trị thẩm mỹ và mở ra những chân trời tiếp nhận Truyện Kiều khác nhau. Điều này thể hiện như một minh chứng rằng, với cùng một tác phẩm, khi nhà nghiên cứu thay đổi điểm nhìn gắn với những lý thuyết mới, phương pháp mới thì bản thân tác phẩm lại tiếp tục tỏa sáng, mở ra những chiều kích tư duy nghệ thuật mới mẻ. Bên cạnh các công trình nghiên cứu từ các phương pháp và điểm nhìn xã hội học, ngôn ngữ học, phong cách học, văn hóa học, so sánh, thể loại, loại hình, tiếp nhận, liên ngành…, phải ghi nhận và khẳng định việc GS. Trần Đình Sử vận dụng lý thuyết thi pháp vào nghiên cứu Truyện Kiều đã đưa đến những kết quả học thuật thực sự sáng rõ, trở thành bài tập mẫu cho nhiều công trình nghiên cứu văn học Việt Nam theo phương hướng thi pháp học.

Đồng hành và tiếp nối với GS.TS. Trần Đình Sử, trong khoảng hai chục năm nay ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu, chuyên luận, chuyên khảo bàn về thể loại, thể tài, thể văn, tác giả, tác phẩm đặt rõ vấn đề áp dụng thi pháp hay có kèm thêm thuật ngữ “thi pháp” (chẳng hạn: Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao (1992); của Nguyễn Thị Bích Hải, Thi pháp thơ Đường (1995); Lê Trường Phát, Thi pháp văn học dân gian (2000); Tất Thắng, Về thi pháp kịch (2000); Trần Đình Sử – Nguyễn Thanh Tú, Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan (2001); Nguyễn Huy Hoàng, Tìm hiểu thi pháp truyện ngắn Gogon (2001); Phạm Mạnh Hùng, Thi pháp hoàn cảnh trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao (2001); Trần Khánh Thành, Thi pháp thơ Huy Cận (2002); Đào Ngọc Chương, Thi pháp tiểu thuyết và sáng tác của E. Hemingwey (2003); Phan Thu Hiền, Thi pháp học cổ điển Ấn Độ (2006))…, hoặc có liên quan và giao thoa với một số phương diện căn cốt của thi pháp học (chẳng hạn: Phạm Thu Yến, Những thế giới nghệ thuật ca dao (1998); Vũ Văn Sĩ, Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt Nam 1945 – 1995 (1999); Nguyễn Đăng Điệp, Giọng điệu trong thơ trữ tình (2002); Lê Quang Hưng, Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu (2002); Hồ Thế Hà, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2004)) v.v…

Qua hơn bốn mươi năm gắn bó với công việc giới thiệu lý thuyết thi pháp, GS. Trần Đình Sử đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển lý luận và nghiên cứu khu vực văn học Việt Nam. Đây là những công trình khoa học thực sự chuyên sâu, không chỉ nhằm miêu tả, minh định các thực thể văn học khác nhau mà tập trung hướng tới giải quyết một vấn đề phức tạp rộng lớn hơn: đưa ra cách hình dung “điểm nhìn” bao quát những vấn đề thi pháp chung nhất, liên quan đến tất cả các vấn đề về thời đại, loại hình văn học, thể loại và thể văn khác biệt nhau. Có thể khẳng định GS. Trần Đình Sử đã góp phần đào tạo đội ngũ, nâng cấp mặt bằng nghiên cứu nói chung cũng như tạo lập điểm tựa, định hướng và gợi mở cho nhiều công trình tìm hiểu, nghiên cứu thi pháp văn học Việt Nam và văn học thế giới những năm tiếp theo.

Hà Nội, 2000 – tháng 3/2013

Nguồn: vanhocquenha.vn

Exit mobile version