Sinh năm 1949, Graham Swift lớn lên tại Croydon, London, Anh, theo học tại Đại học Cambridge và Đại học York. Ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay The Sweet Shop Owner (1980), tiếp đó là các tác phẩm Shuttlecock (1982) và Waterland (1983). Swift từng được tạp chí Granta bình chọn là một trong những nhà văn trẻ xuất sắc của Anh. Cuốn tiểu thuyết thứ sáu của ông Last Orders được trao giải Booker năm 1996. Dưới đây là cuộc trò chuyện ngắn của nhà văn với FT.
– Một độc giả lý tưởng của ông là người như thế nào?
– Là người hiểu rằng không có điều gì là hoàn hảo.
– Ông đang đọc cuốn sách gì?
– Nghe có vẻ khó tin nhưng đó là một bản Anna Karenina.
– Khi nào thì ông biết mình sẽ trở thành nhà văn?
– Tôi muốn làm nhà văn từ khi 10 tuổi. Nhưng tôi biết mình sẽ trở thành nhà văn vào tuổi 25 hoặc 26.
– Ông muốn viết được cuốn sách như cuốn sách nào?
– Tôi thích và ngưỡng mộ rất nhiều cuốn nhưng tôi không thích viết được như thế. Một nguyên nhân tạo nên thú vui của việc đọc sách là được bước vào một thế giới không phải do bạn tạo ra.
– Thói quen viết lách của ông hàng ngày như thế nào?
– Tôi dậy rất sớm rồi mang một tách cà phê đen đến bàn viết của mình.
– Ông ăn gì trong lúc viết?
– Thỉnh thoảng là một quả chuối.
Nhà văn Graham Swift.
– Loại nhạc nào giúp ông viết tốt?
– Tôi không nghe nhạc khi đang viết nhưng tôi cho rằng, văn chương và âm nhạc là những thứ không thể tách biệt. Bất cứ điều gì nào làm nên cấu trúc của một câu văn hay cấu trúc của một cuốn tiểu thuyết đều có yếu tố âm nhạc.
– Ông giải trí bằng cách nào?
– Tôi đi bộ.
– Điều kỳ quặc nhất ông từng làm để nghiên cứu tư liệu nhằm viết một cuốn sách là gì?
– Tôi là người rất thiếu kiên nhẫn trong việc nghiên cứu, thu thập tư liệu nên việc này dường như cũng rất xa lạ với tôi.
– Nhân vật văn học nào giống ông nhất?
– Tôi từng nói rằng, tôi thích trở thành bác sĩ Watson hơn là Sherlock Holmes. Với vai trò này, bạn được tham gia vào mọi cuộc phiêu lưu và được kể lại các câu chuyện.
– Nếu bị kẹt thang máy, ông muốn ở cùng ai?
– Cùng vợ tôi.
– Ông sợ cái gì nhất?
– Ôtô.
– Đâu là nơi ông thích nhất trên thế giới?
– Tôi sẽ không để cho cả thế giới biết đâu.
– Nếu được sở hữu một bức tranh, ông muốn sở hữu bức tranh nào?
– Một bức tĩnh vật của Jean-Baptiste-Siméon Chardin.
– Trở thành nhà văn có ý nghĩa như thế nào với ông?
– Được hưởng một đống của cải cùng những niềm vui và nỗi buồn khi làm cái công việc tôi vô cùng yêu thích.
H.T.
Nguồn: eVan.