Đệ nhất phu nhân Zimbabwe, Grace Mugabe (ảnh), được cho là đang hy vọng kế nhiệm phu quân của mình, ông Robert Mugabe, để trở thành Tổng thống Zimbabwe – nước sở hữu những đồng tiền có mệnh giá lớn nhất thế giới.

Nếu hai năm trước, bà Mugabe có ý định kế nhiệm chồng thì hầu hết người Zimbabwe sẽ cười nhạo. Nhưng giờ đây, mọi việc không như vậy nữa. Bà Mugabe, cựu nhân viên trong tổ đánh máy của tổng thống, hiện là thành viên của đảng lãnh đạo cầm quyền Zanu PF, Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ, và là cố vấn khôn ngoan cho cả chồng bà và hai Phó tổng thống Zimbabwe. Sự nhiệt tình chính trị của bà phục vụ cho hai mục đích: Làm “sứ thần” cho người chồng 91 tuổi ngày càng già yếu của mình, và đảm bảo rằng, khi nào chồng bà qua đời, bà sẽ trở thành một người không thể thiếu trong xã hội.

Từng được biết đến là fan cuồng mua sắm đồ hiệu Gucci, và là người “thế chỗ” cho người vợ cả nổi tiếng của ông Mugabe sau khi bà qua đời, Grace Mugabe, 49 tuổi, hiện đang là tâm điểm tranh cãi của các nhà phê bình chính trị. Một số người tin rằng, tham vọng của bà không nằm ở việc giành lấy chỗ đứng cao nhất, mà là duy trì vai trò của mình như một “Amai Mugabe”, hay “Mẹ Mugabe” – người đứng đầu của triều đại phải được bảo vệ và gìn giữ khi vị tổng thống già từ trần. Số khác lại cho rằng, tham vọng của bà không có giới hạn, và có thể kể cả việc thay chồng tiếp quản. “Mọi người thể hiện sự thông minh của mình qua nhiều cách khác nhau – không thể nghi ngờ được, bà ấy rất thông minh và đừng nên đánh giá thấp bà ấy” – một người bạn của đệ nhất phu nhân nói với tờ Telegraph. “Một nghìn người mẹ có thể trở thành CEO nhưng họ lại không có cơ hội. Nhưng bà Mugabe có cơ hội, và bà ấy có thể sẽ dùng nó”.

 

 

Grace Mugabe sinh ở Benoni, Nam Phi, một thị trấn khai thác mỏ ở phía đông Johannesburg. Grace kết hôn lần đầu với một phi công không quân, sau đó được phái đến Đại sứ quán Zimbabwe ở Trung Quốc và sớm lọt vào mắt xanh của Tổng thống sau khi được chọn vào làm thư ký riêng cho ông. Vợ cả ông Mugabe biết về mối tình của chồng mình với cô thư ký, thậm chí hai người còn có 2 con trước khi chính thức tổ chức đám cưới vào năm 1996 trong buổi hôn lễ có tới 40.000 người tham dự, trong đó có cả Tổng thống Nam Phi – Nelson Mandela.

Sau khi kết hôn, bà Grace từ chối hai dinh thự công đã cấp trước đó cho ông Mugabe và vợ cả, mà đòi xây một biệt thị riêng sang trọng ở ngoại ô Harare. Biệt thự được điều hành bằng quỹ của tổng thống và có hơn 80 nhân viên.

Căn biệt thự xa hoa này có bãi đỗ trực thăng, hồ nước, vườn thú hoang dã, được che chắn cẩn thận khỏi những ánh mắt soi mói của công chúng bằng một bức tường rào an ninh chắc chắn.

Đế chế tài sản của vợ chồng ông Mugabe được mở rộng sau khi chồng bà cho phép tịch thu một cách bạo lực trang trại của người da trắng hồi đầu thiên niên kỷ, và bà Mugabe tiếp quản một trang trại sữa. Tuy nhiên, “doanh nhân” Mugabe thất bại trong kinh doanh. Hai doanh nghiệp khai thác mỏ bạch kim và vàng đều phá sản, còn trang trại sữa cũng bị bán cho Nestle năm 2009.

Những nghĩa vụ tài chính của nhà Mugabe khiến dư luận đặt câu hỏi về sự quan tâm đột ngột của bà Grace trong chính trị. Mặc dù chồng bà luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất Châu Phi, nhưng sự quản lý yếu kém cùng với sự sụp đổ tài chính của Zimbabwe đã khiến phần lớn tài sản của gia đình tổng thống bị “bốc hơi”. Nếu việc này là đúng, thì bà Mugabe bằng mọi giá sẽ tạo dựng vai trò chính thức cho bản thân trước khi chồng bà rời chức tổng thống. Một bộ phim tài liệu đặc biệt phát sóng ở Nam Phi hồi tháng 6.2013 cho thấy bà Mugabe cố gắng tỏ rõ vai trò “quyền lực sau ngai vàng” của mình. Một năm sau đó, bà tuyên bố trở thành “tiến sĩ Grace Mugabe” chỉ trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành luận án ở trường đại học quốc gia, nơi chồng bà là phó chủ tịch. “Họ nói rằng, tôi muốn làm tổng thống” – bà cho biết tại một cuộc mít tinh được thiết kế để “gặp gỡ mọi người” – “Tại sao lại không chứ? Tôi không phải là người Zimbabwe à?”.

Viễn cảnh một người phụ nữ trở thành tổng thống ở một trong những quốc gia từng đẹp nhất Châu Phi có thể được xem là một đối trọng với hàng loạt những nhà lãnh đạo nam đã trải qua lịch sử khó khăn của lục địa đen này. Tuy nhiên, trẻ hơn chồng nhiều tuổi, bà Mugabe không chỉ thiếu danh tiếng và thành tích trong cuộc đấu tranh chống thực dân, mà bà còn thiếu nền tảng chính trị, thậm chí cả học vấn chính thống. Trong khi ông Mugabe có cách cư xử của một “quý ông người Anh”, thì bà Mugabe thì lại cư xử một cách xấc xược. Ngoài ra, bà còn được cho là có vấn đề về sức khỏe, vì nhiều lần biến mất khỏi công chúng khi đi chữa trị ở Châu Á.

Tuần này, ở thủ đô Harare, bà cùng lên bục diễn thuyết với hai Phó Tổng thống, hai người mà bà nói rằng, luôn tìm kiếm lời khuyên của bà. Bà cũng thể hiện lòng từ bi bằng việc đứng về phía những người bán rong luôn bị cảnh sát bắt bớ. Rất nhiều thứ có thể thay đổi trong chính trị, như bà Hillary Clinton, hiện cũng đang tranh cử tổng thống Mỹ. Ở Zimbabwe, hôm nay bà Mugabe là đệ nhất phu nhân, biết đâu ngày mai sẽ trở thành nữ tổng thống, ai mà biết điều gì sẽ xảy ra.

Theo Nhật Minh – Lao động cuối tuần (số 28 – 11/07/2015 – dịch từ Zimbabwean)

Exit mobile version