Mai Nam Thắng

1. Công cuộc đổi mới đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ nước ta tiếp nhận cởi mở hơn các xu hướng nghệ thuật, các lí thuyết mĩ học đang thịnh hành bên ngoài, mà “thời thượng” nhất là hậu hiện đại. Từ đó, hình thành sự biến đổi về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật của nhiều văn nghệ sĩ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử. Thực tiễn sáng tạo tác phẩm đề tài lịch sử ở nước ta không còn là sự diễn giải “sự thật lịch sử”. Nhiều vấn đề của lịch sử được “nhận thức lại” để tiếp cận gần hơn với bản chất của sự vật, sự việc. Nhiều nhân vật lịch sử được đánh giá lại công bằng và khách quan hơn. Khuynh hướng “giải thiêng”, “giễu nhại”, “giả lịch sử” không còn là điều cấm kị riết róng…

Tuy nhiên, mảng văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử thời kì Đổi mới cũng có không ít những tác phẩm đã gây nên những phản ứng trái chiều trong công chúng cũng như trong giới chuyên môn. Nói riêng trong lĩnh vực văn học, có những tác phẩm ngay từ khi mới ra đời đã vấp phải sự phản ứng khá gay gắt của đa phần công chúng, như một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp từ những năm đầu Đổi mới. Có những tác phẩm tỉ lệ dư luận khen chê là bằng nhau, như tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo. Có những tác phẩm đã được trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam từ gần chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được một bộ phận công chúng và giới phê bình thừa nhận, như tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân…

Những phản ứng trên đây chủ yếu xuất phát từ những xung đột muôn thuở của văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử, mà cốt tử là mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật. Những xung đột trong mối quan hệ này không chỉ có ở Việt Nam mà hầu như đời sống văn học, nghệ thuật của dân tộc nào cũng gặp phải. Hơn nữa, văn học, nghệ thuật Việt Nam về đề tài lịch sử chỉ mới hình thành từ khoảng cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, công chúng Việt Nam tiếp xúc với các khuynh hướng sáng tác về đề tài này chưa nhiều. Thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại về đề tài lịch sử trước đây thường là những tác phẩm viết theo chính sử, tạo nên thói quen bị chính sử chi phối trong tâm lí tiếp nhận. Một thời gian dài, văn học, nghệ thuật cách mạng đề cao chủ nghĩa hiện thực, những sáng tác văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử thường là tiếp tục cảm hứng tôn vinh, ngợi ca những tấm gương anh hùng yêu nước, thương dân, xả thân vì nghĩa lớn. Những anh hùng, nghĩa sĩ, danh nhân… thường được chú trọng miêu tả hành động anh hùng, nghĩa hiệp mà ít khai thác đời sống nội tâm, bản ngã, nhân tính… cũng như những sinh hoạt đời thường của họ. Đối với những nhân vật được coi là phản nghịch cũng vậy, chỉ quy kết một chiều theo quan điểm giai cấp và ý thức hệ, mà không xem xét toàn diện, không tìm thấy những nét nhân văn le lói, hiển lộ lúc này lúc khác trong đời sống tâm lí, tình cảm và cả những việc làm của họ. Thực tiễn ấy đã hình thành một nếp nghĩ, nếp cảm, thói quen tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử của phần đông công chúng thuộc nhiều thế hệ, trong đó có cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lí văn học, nghệ thuật ở các cấp.

Đồng thời, tâm lí người Việt vốn trọng tiền nhân, tôn thờ thần tượng, đặc biệt là đối với những vị anh hùng dân tộc có công lao với đất nước và những danh nhân văn hóa từng được định vị trong tâm thức cộng đồng là những người tài đức vẹn toàn, không có tì vết. Bởi vậy, những chi tiết hoặc nhân vật được hư cấu khác với chính sử hoặc không có trong chính sử ắt sẽ vấp phải sự phản ứng với cách gọi nôm na là “thêm thắt, bịa đặt”. Đặc biệt, tâm thức cộng đồng sẽ dị ứng tức thời với các khuynh hướng “giải thiêng”, “giễu nhại”, “hoài nghi lịch sử” đối với những nhân vật và vấn đề lịch sử mà họ tôn thờ lâu nay như một tín niệm; thậm chí những sáng tạo theo khuynh hướng này sẽ bị phê phán là xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ… cho dù đó là những sáng tạo tích cực, đúng ý nghĩa học thuật của khái niệm “giải thiêng”.

Mặt khác, cũng cần thấy rằng trong một số trường hợp, sự phản ứng của dư luận là chính đáng và cần thiết, khi mà nhà sáng tạo hoặc là do khiếm khuyết về các kiến thức lịch sử – văn hóa liên quan đến vấn đề lịch sử mà mình đang đề cập, hoặc là do non vụng tay nghề trong sáng tạo tác phẩm, hoặc là do những động cơ ngoài văn học, nghệ thuật, dẫn đến những lạm dụng, cực đoan, thái quá khi “giải thiêng” lịch sử. “Giải thiêng” là một khuynh hướng sáng tác của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, với mục đích là “hóa giải” những điều thiêng liêng, huyền bí của sự vật, sự việc, đưa sự vật, sự việc trở về với bản chất thật, với đời sống bình thường. Văn học, nghệ thuật “giải thiêng” là cách tái dựng hiện thực ở một góc độ khác, cởi bỏ tính trang nghiêm, linh thiêng của sự vật, sự việc vốn đã được mặc định từ bao đời nay, đưa tiền nhân về gần hơn với hậu thế, khai thác những khía cạnh con người đời thường của các thần tượng – vĩ nhân để hậu thế có cái nhìn toàn diện, biện chứng và dân chủ hơn về những thần tượng lịch sử. Đó chính là ý nghĩa nhân văn của cảm hứng “giải thiêng” mà một số tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử gần đây đã chạm tới. Trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, người anh hùng Nguyễn Huệ không chỉ là một danh tướng hào kiệt, võ công lẫy lừng, cầm quân thao lược… mà còn là một con người có những tình cảm bình thường, giản dị, yêu ghét rất đời thường và cũng có một mối tình thầm kín nơi thôn dã. Chính những chi tiết này càng tôn vinh giá trị của vị anh hùng dân tộc từng điều binh thần tốc đánh tan hai chục vạn quân xâm lược nhà Thanh. Hoàng thái hậu Ỷ Lan trong tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, ngoài tài năng quyền biến hai lần buông rèm nhiếp chính, góp phần làm nên những trang sử rực rỡ nhất của triều đại nhà Lý, thì cũng là một người đàn bà ghen tuông, đố kị rất “nữ nhi thường tình”. Danh tướng Trần Khánh Dư trong tiểu thuyết Sương mù tháng giêng của Uông Triều vừa là con người dũng mãnh trong chiến trận, khảng khái đến ngang tàng trong tính cách, vừa là một mẫu đàn ông đào hoa, đa tình, lại vừa là một con người mưu toan, vụ lợi trong cuộc sống. Sự “giải thiêng” ấy khiến hậu thế hiểu rõ hơn về Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một danh tướng khá “phức tạp”, “đa diện” của triều Trần. Trong một số tác phẩm văn học, nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như các tiểu thuyết Búp sen xanh của Sơn Tùng, Cha và con của Hồ Phương… và một số bộ phim như Vượt qua bến Thượng Hải, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Nhìn ra biển cả, Nhà tiên tri…, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng có cuộc sống bình dị, đôi khi giản đơn dân dã. Người cũng nói đùa, pha trò, tiếu lâm khi cần thiết. Tuổi trẻ của Người cũng có những mối tình thầm kín chưa kịp thổ lộ, hẹn hò… Và ngay cả trong những ngày hoạt động bí mật, cũng có những người phụ nữ cảm mến Người. Những chi tiết ấy chẳng những không tầm thường hóa lãnh tụ mà trái lại càng góp phần tôn vinh sự vĩ đại của Người.

2. Tuy nhiên, thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật gần đây có không ít tác phẩm đề tài lịch sử đã thiếu tôn trọng các giá trị lịch sử, làm méo mó các nhân cách lịch sử và sự thật lịch sử. Ở những tác phẩm ấy, cảm hứng “giải thiêng”, “giễu nhại” và hoài nghi lịch sử bị lạm dụng quá mức, bị đẩy đến cực đoan; nhiều tình tiết và nhân vật được hư cấu phi logic, thiếu cơ sở, thiếu nhân văn. Dĩ nhiên các nhân vật lịch sử, những anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa của dân tộc trước hết cũng là những con người bình thường, nhưng không thể tầm thường, thậm chí hèn hạ như có tác phẩm miêu tả Nguyễn Trãi là con người yếu đuối, nhu nhược, thỏa hiệp, gọi tướng giặc là “sư huynh”. Nghĩa quân Lam Sơn phần đông là những dân binh chân đất nhưng không thể là đội quân ô hợp, thô lỗ, ích kỉ, cuồng sát. Nguyễn Huệ – Quang Trung là anh hùng áo vải, xuất thân nông dân, nhưng không thể là kẻ vô học, một con người có đời thường mờ ám, đam mê sắc dục đến mức chết không nhắm được mắt, một tướng quân hiếu chiến tàn bạo…

Có hai xu hướng phổ biến của cảm hứng “giải thiêng” trong một số tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử bị dư luận phê phán. Một là, phóng đại, cường điệu quá mức một chi tiết sai lầm, hạn chế, khuyết điểm nào đó của đối tượng, miêu tả đó như là bản chất của đối tượng. Hai là, khai thác quá mức bản năng dục tính, biến đối tượng thành kẻ dâm ô, bệnh hoạn, thú tính. Không ít những trang viết, những cảnh diễn như vậy đã tự hạ thấp giá trị của tác phẩm và nhân cách của tác giả, trước khi tác giả mưu toan “giải thiêng” những nhân vật lịch sử khả kính.

Trong bầu không khí đổi mới và dưới ảnh hưởng của những lí thuyết nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại, “giải thiêng” lịch sử là một khuynh hướng sáng tạo văn học, nghệ thuật không thể kháng cự, khước từ. Thực tiễn nghệ thuật cũng cho thấy không ít sáng tạo theo khuynh hướng này đã mang lại những hiệu ứng thẩm mĩ mới mẻ, khác lạ. Nhưng làm cách nào để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tiêu cực của khuynh hướng “giải thiêng”? Làm sao để có một thái độ khách quan, đúng mực với các giá trị lịch sử, các nhân cách lịch sử và sự thật lịch sử khi “giải thiêng”? Đó là những thách thức lớn của văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử trong môi trường sáng tạo hiện nay. Soi chiếu lại quá khứ, hoài nghi lịch sử cũng là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì không thể chấp nhận lối bịa đặt phi khoa học, phản nhân tính, thóa mạ con người, bôi nhọ lịch sử, xúc phạm tiền nhân, dù là vô tình hay hữu ý.

3. Vậy, nhà sáng tạo làm thế nào để vượt qua được những thách thức nói trên? Theo ý kiến của một số tác giả đã có những thành công đáng kể trong sáng tạo đề tài lịch sử, thì điều tiên quyết là động cơ đến với đề tài lịch sử của họ. Nói cách khác, cảm hứng lịch sử là yếu tố đầu tiên bảo đảm cho thành công của những sáng tác về đề tài này. Ấy là khi người nghệ sĩ có nhu cầu tìm về nguồn cội, có nhu cầu khám phá những bước thăng trầm của lịch sử và tái hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật những vinh quang và cay đắng mà những tiền nhân trong lịch sử đã trải qua. Chính nhu cầu ấy là động lực truyền cảm hứng cho người nghệ sĩ sáng tạo. Cảm hứng ấy giúp người nghệ sĩ đủ tâm sức lặn ngụp vào quá khứ, lật tung mọi thứ lên mà soi chiếu tìm kiếm câu trả lời hữu ích cho đời sống hiện tại. Cảm hứng ấy có thể là tình yêu của người nghệ sĩ đối với một đề tài, một nhân vật lịch sử và tình yêu ấy giúp người nghệ sĩ có đủ sức dài, cảm hứng bền để cùng các nhân vật của mình đi đến cùng câu chuyện. Nếu Nguyễn Đình Thi không có một tình yêu thăm thẳm với Thăng Long – Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” như chính ông đã viết, không có một sự ngưỡng mộ sâu sắc với những nhân vật lịch sử như Lý Chiêu Hoàng, Nguyễn Trãi… thì thật khó có được những vở kịch trở thành kinh điển sân khấu như Rừng trúc và Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Nếu không cảm nhận đầy đủ số phận của dân tộc trong tình thế “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Hồ Chủ tịch) thì Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh khó lòng làm nên thành công của bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46. Bộ phim là thông điệp của một dân tộc yêu chuộng hòa bình buộc phải cầm súng kháng chiến vệ quốc. Có thể nói, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh đã sáng tạo Hà Nội mùa đông năm 46 với một cảm hứng lớn, mang tầm vóc thời đại. Tương tự như thế, công cuộc đổi mới đất nước đã khơi gợi cảm hứng cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tìm về lịch sử dân tộc và bắt gặp Hồ Quý Ly, một nhân vật rất phức tạp trong một giai đoạn đầy nguy biến của triều Trần. Và cảm hứng lịch sử kết hợp với khát vọng đổi mới của thời hiện tại đã giúp nhà văn soi rọi, làm sáng tỏ những uẩn khúc của quá khứ, phát hiện một Hồ Quý Ly “tàn bạo đến cùng cực, nhưng lại vĩ đại vô cùng”, một kẻ thoán nghịch nhưng cũng là một nhà canh tân hiếm có của đất nước.

Như vậy, có thể nói, động cơ sáng tạo và cảm hứng lịch sử là yếu tố quyết định tính chất “đại khí” hay “tiểu khí” của tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử. Nếu bỏ qua tinh thần thời đại, chỉ nhìn nhận sự vật, sự việc trong những góc độ hạn hẹp thì sẽ thấy việc nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng là thất đức, nội phản, hay việc dồn chồng ép vợ của Trần Thủ Độ là man rợ, loạn luân, và tác phẩm sáng tạo theo cảm hứng ấy sẽ chỉ là “tiểu khí”. Ngược lại, nếu nhìn thấy việc nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng là một sự hi sinh quyền lợi dòng tộc vì lợi ích đại cục của dân tộc, những mưu kế xảo thuật của Trần Thủ Độ chính là tầm nhìn và sự quyết đoán của một kẻ kinh bang tế thế, khai quốc công thần… thì những tác phẩm như kịch Rừng trúc và phim Thái sư Trần Thủ Độ là “đại khí”.

4. Động cơ sáng tạo và cảm hứng lịch sử thể hiện cái tâm của nhà sáng tạo. Nhưng để sản phẩm sáng tạo đạt tầm “đại khí” thì nhà sáng tạo còn phải có tầm, mà trước hết là kiến thức lịch sử, tri thức văn hóa và phương pháp khoa học khi lật xới, soi chiếu, minh định các vấn đề lịch sử. Tưởng tượng và hư cấu là thuộc tính đặc trưng của sáng tạo văn học, nghệ thuật, nhưng phải trên cơ sở những hiểu biết sâu sắc về các lĩnh vực liên quan đến vấn đề đang phản ánh, thể hiện. Nếu không, như triết gia Hi Lạp cổ đại Sokrates đã nói: “Trí tưởng tượng, riêng mình nó chỉ đẻ ra những quái vật”. Lại nhớ cách nay hơn hai chục năm, giáo sư sử học Trần Quốc Vượng khuyên các văn nghệ sĩ hãy “hư cấu táo bạo trên nền tảng hiểu biết sâu sắc lịch sử”. Và theo giáo sư Mai Quốc Liên thì “sự tưởng tượng là dựa trên sự hiểu biết chứ không phải múa gậy vườn hoang”. Có hiểu biết sâu sắc lịch sử thì mới tái hiện trung thực bối cảnh lịch sử cho tác phẩm, cho sự phát triển của tâm lí nhân vật và tình tiết câu chuyện mà tác giả đặt trong bối cảnh ấy.

Nhưng để làm được công việc tái hiện ấy, chỉ riêng kiến thức lịch sử là chưa đủ, bởi muốn nhận thức đúng bản chất sự vật, sự việc lịch sử đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực, phải có một cái “phông” văn hóa dày, rộng và vốn sống trải nghiệm phong phú. Viết tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh phải huy động biết bao tri thức về đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão… và biết bao tri thức sử học, triết học, văn hóa, tôn giáo… Những tri thức đó bồi đắp nên tầm vóc của tác phẩm. Được biết, để viết hai bộ tiểu thuyết Tám triều vua Lý và Bão táp triều Trần tổng cộng hơn 6.500 trang sách, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã phải vắng mặt trên văn đàn một thời gian khá dài để dồn tâm sức vào việc nghiên cứu, tìm hiểu những tài liệu liên quan đến hai triều đại này. Ông đọc từ chính sử đến dã sử, nghiên cứu lịch sử dân tộc và lịch sử các lân bang, tìm hiểu từ lời ăn, tiếng nói, lễ nghi, tôn giáo, phong tục, tập quán… đến phương thức sản xuất, tổ chức nhà nước, tổ chức quân đội, chế độ khoa cử, chính sách điền địa… Rồi ông đi điền dã về những địa phương còn lưu giữ dấu vết thời Trần và các nền văn hóa Chăm Pa, Chân Lạp, Trảo Oa… Trong bài viết Thử bàn về những điều cốt yếu trong sáng tác văn học đề tài lịch sử, khi nhận xét về một vài cuốn truyện đua đòi “giải thiêng”, ông cho rằng đó là những tác giả “do nhận thức thấp kém, gửi vào tác phẩm vài cái tứ được biểu hiện bằng lời nói một cách vụng về, cạnh khóe một cách sống sượng và ngộ nhận đó như là một thông điệp mang tầm tư tưởng, hoặc như là một thứ phản biện… Sự thất bại của một vài cuốn sách ngộ nhận là tiểu thuyết lịch sử, lỗi không thuộc về lịch sử mà thuộc về sự dốt nát của người viết. Và do không hiểu biết lịch sử, nên trong tác phẩm họ gửi đến độc giả là những thông điệp tù mù, bệnh hoạn, đôi khi phản lại lịch sử, bôi nhọ tổ tiên”.

5. Có tri thức lịch sử – văn hóa thì mới nhận thức và tái hiện đúng lịch sử, nhưng văn học, nghệ thuật tái hiện lịch sử bằng hình tượng nghệ thuật – sản phẩm của tưởng tượng và hư cấu. Đến đây lại đụng tới vấn đề muôn thuở là xung đột giữa sự thật lịch sử và hư cấu, tưởng tượng trong văn học, nghệ thuật. Để hạn chế xung đột này, phương châm xử lí tối ưu vẫn là phải tuân thủ nguyên tắc Chân – Thiện – Mĩ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật. “Chân” ở đây là phải tuyệt đối trung thành với sự thật lịch sử, phải đặt sự vật, sự việc trong bối cảnh lịch sử, nhưng đồng thời phải xem xét, kiến giải chúng bằng tinh thần nhân văn hiện đại. Khi nhà sáng tạo tôn trọng bối cảnh lịch sử, thì chân lí nghệ thuật mới thống nhất với chân lí đời sống, và những hư cấu nghệ thuật mới tương đồng với sự thật lịch sử, được công chúng hiện tại chấp nhận. Câu chuyện vua Quang Trung gửi cành đào Thăng Long về Phú Xuân tặng công chúa Ngọc Hân là một sáng tạo của nhà viết kịch Trúc Đường từ hơn nửa thế kỉ trước. Từ đó đến nay, chi tiết này được mặc nhiên thừa nhận như một sự kiện lịch sử. Đây quả là một hiện tượng thú vị của hư cấu nghệ thuật được lịch sử hóa, bởi chi tiết hư cấu đó chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn và hoàn toàn có thể xảy ra trong lịch sử. Trong bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh có một chiến sĩ tự vệ tên Lâm và người vợ trẻ sắp sinh con đầu lòng. Trong cái đêm mùa đông nghẹt thở trước ngày toàn quốc kháng chiến, Lâm vừa có nhiệm vụ chuyển bức thư của Hồ Chủ tịch đến tay Sainteny, lại vừa lo đưa vợ đến nhà hộ sinh trong cơn trở dạ. Đúng thời điểm chiến tranh khai hỏa thì vợ Lâm phải lên bàn mổ. Một bác sĩ người Pháp đã cứu vợ con anh trong ca đẻ khó, trong khi bên ngoài cuộc chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ phủ diễn ra hết sức quyết liệt, đồng đội của Lâm thương vong gần hết. Mặt trận Hà Nội vỡ, Lâm phải theo đơn vị rút lên chiến khu tham gia cuộc trường kì kháng chiến cứu nước, để lại vợ và con nhờ người bác sĩ Pháp giúp đỡ. Lâm là nhân vật hư cấu, liên quan đến hình tượng Bác Hồ và chuyện phim là một sự kiện lớn của lịch sử hiện đại, gần như là đương thời, nhưng nhân vật hư cấu này được tất thảy người xem thừa nhận và yêu quý, bởi đó là một hình tượng nghệ thuật chân thật, góp phần thể hiện tình thế căng thẳng, nghẹt thở của bối cảnh vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc. Đồng thời câu chuyện của Lâm cũng gửi một thông điệp thiện chí của nhân dân Việt Nam đang kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến nhân dân Pháp tiến bộ, yêu chuộng hòa bình.

Chân, Thiện, Mĩ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử còn bao gồm cả ý thức công dân về bản sắc dân tộc và cao hơn nữa là về vận mệnh dân tộc. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, công cuộc hội nhập quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa cùng với đời sống chính trị trong khu vực và trên thế giới đang đặt vấn đề bản sắc dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trước sự tồn vong. Tìm về với kí ức của dân tộc, đối thoại với tiền nhân đặng tìm ra lời giải đáp cho những vấn đề nóng bỏng của hiện tại và tương lai đất nước là thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ. Sáng tạo văn học, nghệ thuật đề tài lịch sử là lĩnh vực vô cùng khó khăn bởi chịu sự chi phối của nhiều tiêu chí khoa học, nghệ thuật và chịu sự xét nét thường trực của dư luận. “Giải thiêng” lịch sử là một thách thức lớn đối với văn nghệ sĩ trong không gian sáng tạo hiện đại và hậu hiện đại, bởi khuynh hướng này luôn đứng trước nguy cơ xung đột với tâm thức cộng đồng. Vượt qua được thử thách này là văn nghệ sĩ góp phần thiết thực vun bồi cho cuộc sống hiện tại tốt đẹp hơn. Và hơn thế là góp thêm một chỉ dấu hướng đạo trên con đường tiến tới tương lai của dân tộc.

Hà Nội, đầu thu 2017
M.N.T

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version