Vừa qua, tại Manzi Café, 14 phố Phan Huy Ích, Hà Nội, nữ sĩ Hàm Anh đã có buổi gặp gỡ, giao lưu ấm cúng và thân tình để giới thiệu, ra mắt tập thơ song ngữ “Gọi tháng Ba” của mình với phần chuyển ngữ tiếng Anh của dịch giả Trịnh Lữ.

Buổi gặp gỡ có sự hiện diện của giáo sư John Welfield (người hiệu đính bản dịch tiếng Anh “Calling my March”), Nguyễn Anh Vũ (Giám đốc Nhà xuất bản Văn học), nhà thơ – dịch giả Bằng Việt, nhà phê bình – dịch giả Phạm Vĩnh Cư, nhà phê bình – dịch giả Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ – dịch giả Thụy Anh, nhà phê bình Văn Giá, họa sỹ Lê Thiết Cương cùng đông đảo người yêu thơ.

HÀM ANH (THỤY OANH)
Tác giả Hàm Anh tại buổi ra mắt sách (Ảnh: Thụy Oanh)

Đọc “Gọi tháng Ba”, các nhà chuyên môn đã không ngại ngần hào phóng dành cho tập thơ này những lời tán thưởng, khen ngợi. “Người làm thơ này có vẻ đã may mắn cảm nhận được cái cốt lõi của việc làm thơ: đặt tên cho muôn mặt của hiện hữu và khiến hiện hữu phải hiển lộ trong những cái tên ấy như chúng vốn thế, như con chữ rơi trong lòng rồi nảy nở tự nhiên trong đó, chứ không phải chỉ là việc bắt chữ phải chuyển tải nỗi lòng ấy” (dịch giả Trịnh Lữ). “Thơ Hàm Anh có thể gọi là thơ duy tình. Cảm xúc rất mạnh và ngập tràn nhưng cái cách biểu lộ bằng ngôn từ thì lại cực kỳ tiết chế, kiệm lời khiến cảm xúc ấy cứ lắng sâu mãi dù bài thơ đã dừng lại. Đọc xong bài thứ nhất mà chưa nỡ đọc sang bài thứ hai ngay bởi dư âm của bài trước còn vướng vít, quyến luyến” (nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ). “Gọi tháng Ba với gần 50 bài thơ nhỏ nhắn, thiết tha và sáng trong với vẻ đẹp tối giản, lời thầm thì cất lên tự nhiên mà mãnh liệt ấy – như điều an ủi dịu dàng thanh sạch. “Hãy ĐỰNG tất cả trong chữ SỐNG, hãy hàm ơn vì đã có mặt trên đời này, dù chỉ để hiểu thật kỹ về nỗi buồn” – dường như tác giả tập thơ đã nhắc tôi như thế” (nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương). “Thơ Hàm Anh không ồn ã, không “lớn tiếng”, dù viết về những ngùn ngụt đớn đau, dù “trái tim đau như mắt vật tế thần”. Người đọc có thể cảm nhận như nhát cứa vào tim, sau mỗi chữ, nhưng đó là những đau đớn sinh ra từ tình yêu nên nó trầm lặng, tha thiết. Tiếng thủ thỉ chuyện trò ấy của Hàm Anh, dần dà đã là một giọng điệu ám ảnh” (PGS, TS. Nguyễn Phương Trang)…

Nhà thơ Hàm Anh tên khai sinh là Phan Thanh Thủy, sinh năm 1970 tại Hà Nội. Chị từng là sinh viên văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó được Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển chọn gửi sang học tại Trường Viết văn M. Gorki (Moskva). Các bản dịch thơ Anna Akhmatova của Hàm Anh từng đoạt giải B (không có giải A) cuộc thi dịch thuật do Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Văn nghệ tổ chức năm 1993 – 1994. Chị từng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ, và hiện đang công tác tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. 8 năm về trước, Hàm Anh đã từng xuất bản tập thơ “Màu tự nhiên” (2008).

Phát biểu tại buổi giao lưu, nhà thơ – dịch giả Bằng Việt cho rằng: “Gọi tháng Ba” là tập thơ xứng đáng được khen ngợi. Người đọc gặp trong đây cái chất giọng nữ tính trong trẻo, dịu dàng. Cách thơ này sẽ đứng được với thời gian bởi sự ổn định, chậm rãi, chất cổ điển. Rất nhiều những xao động nội tâm tinh tế, khẽ khàng được bộc lộ một cách sáng rõ, chân thành. Đây là bản lĩnh của một chủ thể dám trình hiện. Bài nào trong tập cũng mang hương vị, màu sắc riêng khác của thi sĩ”.

Nữ sĩ Hàm Anh tự bạch: “Gọi tháng Ba” của tôi rất thật. Nó thật với những giây phút giác ngộ. Nó cũng thật với những cảm xúc đau buồn, nuối tiếc, cô đơn, cay đắng. Nó không vờ vịt. Nó không cao giọng về bất cứ một điều gì. Bằng vào niềm tin và tình yêu với cái đẹp hằng tồn trong cuộc sống hữu hạn này, tôi muốn cất lên lời thầm kín, riêng tư, tha thiết nhất, gọi sự hồi sinh của mùa Xuân tự nhiên và chân thật cho đất trời, cho con người, cho tình yêu, thi ca và nghệ thuật. Như một linh hồn còn yếu đuối, thơ của tôi gần như là một thứ kinh kệ để tôi mang tôi về với bản thể của mình. Như một bạn đọc thơ tôi đã từng nói về “nỗi nhớ nhung bầu trời”.

 

Theo Hoàng Hoàng Phố – VNQĐ