Chuyên mục Truyện hay tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Hoàng Chính.

Gồm các truyện sau:

1. Nét vẽ vô hình của thằng bé mồ côi

2. Mùa Giáng sinh xưa tôi đã hứa

3. Gói quà không bao giờ mở ra

4. Ở một góc phố tôi đã quên tên

5. Vực sương mù

Nhà văn Hoàng Chính

Quê quán Hải Phòng. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn năm 1978.

Định cư tại Canada từ năm 1983.

Đã xuất bản một tập thơ và mười một tập văn xuôi trong số đó có truyện dài “Thư Tình Viết Muộn” in tại Việt Nam – Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2012, do nhà văn Tạ Duy Anh chịu trách nhiệm biên tập, nhà văn Võ Thị Xuân Hà trực tiếp biên tập.

Nhà văn Hoàng Chính là một trong hai dịch giả bộ truyện “Ngôi nhà nhỏ trong thảo nguyên”, NXB Kim Đồng

Cộng tác thường xuyên với nhiều tạp chí văn học ở hải ngoại.

Có kênh YouTube “Truyện Hoàng Chính”:

https://www.youtube.com/channel/UC4Pc1_2rl5zGA6SfJzMg6DQ/featured

gồm những truyện ngắn do chính tác giả diễn đọc.

Nhà văn hiện là thông dịch viên tòa án liên bang Canada

facebook: https://www.facebook.com/hoang.chinh.39

Gói Quà Không Bao Giờ Mở Ra

Truyện ngắn Hoàng Chính

Hôm trước dự báo thời tiết bảo đêm nay tuyết sẽ rơi liên tục đến sáng, đường phố sẽ có lớp tuyết dày đến 15 xăng ti mét. Tin dự báo thật chính xác. Tôi cố ngủ từ sáu giờ chiều. Đầu ép giữa hai lớp gối bông. Tiếng xe cộ dưới đường vẫn lọt vào giấc ngủ chập chờn. Mười một giờ ba mươi, tôi uể oải chống tay ngồi dậy. Ngủ từ sáu giờ chiều đến mười một rưỡi đêm kể ra cũng đủ. Đã lại khuya nữa. Năm lớp áo, ba lớp quần. Chân ba lớp bí tất. Đôi giầy tuyết quá khổ, để khi luồn bàn chân có ba lớp vớ dầy vào là vừa khít. Nhiệt độ sẽ tụt xuống thật thấp. Ti vi cảnh báo như thế. Hai mươi độ âm. Chiếc xe khậm khoặc mãi mới chịu nổ máy. Khói bay mù trời. Tuyết đang rơi. Từng mảng bông tuyết đậu xuống mặt, lạnh buốt. Tôi ngồi vào xe, chờ cho nóng máy. Tiếng nhạc Giáng sinh luồn lách trong lòng xe như những ngón tay cào cấu tảng không khí keo đặc.

Bốn bánh xe lê lết trên lớp tuyết dày. Xe đảo qua đảo lại. Vài chiếc xe xúc tuyết của thành phố rì rầm làm việc, đèn xanh trên nóc xe ném lên tuyết trắng chất màu biếc xanh của những bức tranh màu nước. Chiếc xe ì ạch chao đi trên đường phố vắng tanh. Đèn màu trang trí trên những cây Noel hai bên đường phố chớp tắt trong cái cái lẻ loi cô quạnh của đêm Bắc Mỹ.

Bọn đồng nghiệp đã có mặt trong bãi đậu xe trống trơn của siêu thị. Mười chồng báo. Mỗi chồng hai mươi lăm tờ bó chặt vào nhau. Cho thêm hai tờ phụ trội phòng hờ bị ướt hoặc đếm sót. Một thùng đựng bọc ny lông. Ba trăm bao ny lông phẩm chất tốt. Ngoài vỏ thùng in hàng chữ ấy. Miệng hít hà, tay run rẩy ký giấy đã nhận đủ. Tôi cố cười và cảm ơn. Sếp được gọi là “captain”. Tôi gọi hắn là tổ trưởng. Tay tổ trưởng có hàng râu mép cắt tỉa kỹ lưỡng. Tổ trưởng không cười. Đếm và giao hàng cho ba mươi mấy đứa trong cái lạnh cong người chả ai có thể cười mãi được. Nhưng gã cũng chúc một câu cụt ngủn. Have fun! Tôi lại cảm ơn và khệ nệ khiêng thùng bọc ny lông và đống báo về xe của mình.

Hai trăm năm chục khách hàng. Ấy là công việc của tôi mỗi ngày. Bắt đầu từ mười hai giờ đêm. Kết thúc trước bảy giờ sáng. Không thể trễ hơn. Không được phép trễ hơn. Bảy giờ sáng, khách thức dậy, pha ly cà phê, ra cửa lấy tờ báo vào đọc. Cà phê pha xong, mở cửa, cái lạnh ùa vào nhưng có tờ báo lòng sẽ ấm. Tuy nhiên nếu không có tờ báo, dù báo đến muộn hay báo bị kẻ nào đó lấy trộm, hoặc chó hàng xóm tha đi. Không cần biết. Lỗi của đứa giao báo. Khách hàng sẽ thất vọng. Mất toi một buổi sáng. Khách hàng sẽ gọi điện thoại đến văn phòng đại diện tờ báo trong thành phố. Sẽ truy ra địa chỉ ấy nằm trên tuyến đường của ai. Và cái đứa sơ sót hay muộn màng ấy sẽ bị trừ năm đồng bạc, đồng thời phải bỏ tiền ra mua tờ báo thất lạc, và giao tận tay khách hàng cùng với lời xin lỗi.

Vì vậy đứa giao báo nào cũng hối hả đốc thúc captain đếm cho nhanh. Tôi mở hai con mắt đến mức tối đa để dò dẫm lề đường. Tuyết phủ trắng từ bên này đến bên kia đường, đến tận bậc thềm những căn nhà hai bên con phố. Phải dọ dẫm để xe khỏi leo lên lề hoặc lủi xuống ống cống bên đường. Mùa hạ là mùa hạnh phúc. Vừa lái xe vừa nhanh tay cuộn tờ báo nhét vào bao ny lông, buộc túm lại ở đầu. Nhiều lúc còn đọc vội được cái tin in chữ lớn ở trang đầu. Hai trăm năm chục tờ. Quăng một đống trong lòng xe. Vừa vào bọc vừa lái xe, chiếc xe có lảo đảo ít nhiều nhưng vẫn chạy ngoan trên mặt đường. Một lần bị cảnh sát chặn lại. Người cảnh sát chắc không ưa những đứa uống rượu lái xe. Câu đầu tiên, “Này, đã uống mấy chai rồi?” May nhờ thùng bọc ny lông và đống báo ngổn ngang trong xe nên không bị biên phạt. Ấy là những ngày mùa hạ oi bức và phố phường quang đãng. Nhưng mùa đông, lại trong bão tuyết như thế này, chả biết có hoàn tất công việc trước bảy giờ không nữa. Mỗi tờ báo giao sau bảy giờ là năm đồng tiền phạt. Chỉ cần vài cú điện thoại than phiền của khách hàng là kể như hôm ấy đi làm không công.

Hai trăm năm chục tờ báo. Hai trăm năm chục khách hàng. Mười mấy con đường. Mười mấy khu phố. Nhà riêng. Nhà tầng. Nhà trệt. Nhà chung cư. Nhà có vườn. Nhà có hàng rào. Nhà này yêu cầu bỏ báo vào thùng thư. Nhà khác đòi bỏ báo ngay bậc thềm. Nhà khác nữa muốn tờ báo nằm giữa hai lớp cửa. Nhà khác nữa nữa đòi treo tờ báo trên cái nắm cửa. Thỉnh thoảng có nhà dễ dãi, dặn chỉ việc quăng tờ báo vào trước sân nhà. Phải như cuộc đời có đầy những con người dễ dãi (với đồng loại) như thế thì trái đất đã là một góc của thiên đàng. Mỗi lần ném tờ báo vào sân nhà ấy lại không thể không nghĩ đến điều ấy. Mọi chi tiết phải nhớ thật chính xác. Đặt tờ báo không đúng chỗ là lỗi lầm khó tha thứ. Mỗi tờ báo đến tay khách hàng, kẻ giao báo được trả mười xu. Mười xu hồi ấy còn có giá. Hai trăm năm chục khách hàng. Hai trăm năm chục tờ báo. Hai mươi lăm đồng mỗi ngày. Dạo ấy lương căn bản mới chỉ có năm đồng một giờ. Hai mươi lăm đồng mà chỉ làm từ mười hai giờ đêm đến bảy giờ sáng thì cũng đâu đến nỗi tệ. Ban ngày có thể lên thư viện, ôn bài thi, hy vọng trở về nghề cũ. Lũ bạn sang đây trước đã mở phòng mạch rộn cả lên rồi.

Trơn trượt mấy lần suýt lủi vào cột đèn rồi cũng đến được nơi hành nghề. Khách hàng thứ nhất đây rồi. Căn nhà thứ ba trong dãy nhà giàu. Lời dặn của khách hàng, “Cấm chạy xe lên sân cỏ.”  Ngừng xe, tắt đèn để khỏi làm phiền chủ nhà, lỡ họ còn thao thức, lấy một tờ báo, rón rén bước lên bậc thềm trơn trượt. Mở hộp thư, nhẹ nhàng luồn tờ báo đã gói kỹ trong bọc ny lông. Nhẹ nhàng đóng nắp hộp thư lại. Chui vào xe, chạy thêm một quãng. Vòng con ngõ uốn cong, dừng lại trước căn nhà lớn như dinh thự. Lại tắt đèn, không dám đóng cửa xe, sợ mở ra không được. Trời lạnh quá xe cũ hay bị như thế. Rụt rè bước lên thềm. Chợt kẻ nào đó vồ lấy mình. Một tiếng hộc cụt ngủn. Tim rớt ra ngoài lồng ngực. Lảo đảo suýt ngã. Con chó khổng lồ. Lần nào đến đây con chó khổng lồ ấy cũng vồ lấy mình như thế. Không một tiếng sủa, chỉ hơi thở nóng và tiếng hộc trong cổ họng. Nó chào đấy. Mình cứ nghĩ như thế, nhưng nó làm mình đứng tim. Có ngày lăn ra chết ngay trên bậc thềm này. Đã viết vài dòng nhắn với chủ nhà làm ơn giữ con chó trong nhà trong khoảng quá nửa đêm. Chủ nhà vẫn không nhớ. Thật chán!

Những khách hàng kế tiếp. Nhà cao, nhà thấp, nhà vừa. Mở cánh cổng nhét tờ báo vào hộp thư, nhẹ nhàng đóng cổng, chớ quên cái móc khóa cổng. Khu chung cư. Thang máy hư. Hì hạch leo thang bộ. Mỗi tầng lầu hai ba khách hàng. Cứ đặt tờ báo bên ngoài cánh cửa. Dễ dàng biết chừng nào. Xong dãy chung cư, tới khu nhà trệt. Tưởng chừng thở ra khói. Một căn nhà nọ có gài mảnh giấy bên khung cửa, To the paper-boy. Lạnh run những cũng mở ra đọc. Ánh nhá nhem của ngọn đèn đường soi chữ mờ chữ tỏ. Dòng chữ viết tay. “Có món quà nhỏ ở dưới tấm thảm chùi chân.” Nhét mảnh giấy vào túi, lật tấm thảm. Lắc nhẹ cho lớp tuyết đóng trên mặt thảm rụng xuống phơi ra tấm thảm chữ nhật màu nâu sậm. Một cái bao thư. Lại những chữ viết tay bên ngoài, To our paper-boy. Merry Christmas! Nhét vội vào túi áo mùa đông. Áo dày, người sù ra như con gấu Bắc Cực. Tay lạnh cóng, lọng cọng tìm miệng túi mãi không được. Lòng lao xao niềm vui. Quà Giáng sinh. Chắc là tiền. Ý nghĩ lan man. Có tiền mua quà cho thằng con trai chưa đầy một tuổi rồi. Mừng nhé!

Dự báo thời tiết nói không đúng. Tuyết nhiều thế này không thể là mười lăm xăng ti mét. Mỗi bước, chân lại lún tới đầu gối. Mỗi bước chân là một lần gắng sức nhổ bật rễ loài cổ thụ. Tuyết trinh nguyên. Chưa một vết chân người. Đêm mùa đông nào mình cũng là người đầu tiên đặt dấu chân trên tuyết. Rút chân lên để bước thêm bước nữa. Bỗng dưng những đầu ngón chân lạnh buốt. Cố rút được chân lên. Mũi giầy đã bung. Chiếc giầy há miệng như con cá ham miếng mồi to rồi không ngậm lại được. Ba lớp vớ dày mà buốt lạnh. Tim nhói lên trong lồng ngực. Làm cách nào đi tiếp đây. Bảy giờ sáng là hạn chót giao hàng. Báo đến muộn, cứ mỗi tờ phạt năm đồng. Nhìn quanh. Những ngôi nhà đóng cửa kín mít. Những hình người tuyết lơ láo dưới ánh đèn đường. Trắng và lạnh khắp chung quanh. Vào xe. Réo gọi tất cả mọi tế bào óc. Gõ cửa tất cả mọi ngăn của não bộ. Não bên phải, não bên trái. Chất xám, chất trắng, chất không trắng không xám. Kể cả những ngăn trí nhớ. Phải làm sao bây giờ. Còn một nửa số báo phải giao. Còn hơn một trăm khách hàng cần báo để đọc. Trước bảy giờ sáng. Không thể muộn hơn. Không được phép muộn hơn.

Tay đặt trên đống báo đã vào bọc nhựa. Chợt nghĩ ra. Những bọc ny lông đựng tờ báo. Những cái bọc dài vừa với chiều ngang của tờ báo cuộn lại. Nghĩ ra rồi. Luồn hai ba bọc vào nhau rồi chuồi chân giầy vào trong ba lớp bọc. Buộc túm lại thật chặt. Vậy là một chân giầy mùa đông, một chân bọc ny lông. Tiếp tục cho xong phần còn lại của lộ trình băng giá. Đã quá nửa đêm. Đường vắng. Chẳng sợ ai trông thấy. Lỡ có ai trông thấy chắc họ cũng chẳng cười.  

Leo một dốc đồi. Những bánh xe xoay tít mù. Tuyết tung tóe theo những vòng bánh xoay. Chiếc xe lắc lư chỉ chực xoay ngang. Ánh đèn vàng. Khu trường đại học. Chặng giữa của hành trình. Đành ngừng xe, ôm chồng báo trĩu nặng trên tay. ì ạch leo dốc. Con dốc này xanh biếc lá phong những ngày mùa hạ, đỏ rực những ngày mùa thu. Bây giờ tuyết đọng trên cành, biến những cành khô thành cây tuyết. Ngừng lại để thở. Áo dày mấy lớp nên không thể vạch cổ tay xem đồng hồ. Nhưng đoán cũng gần sáng. Mới được nửa đường. Phải xong trước bảy giờ. Bắt đầu là khu phòng trọ sinh viên. Ôm chồng báo trên tay. Khu đại học báo giao trong nhà. Không cần vào bọc. Bọn con trai còn thức. Ba bốn đứa con trai cười nói trong căn phòng vuông vức. Đặt tờ báo trước bậc thềm. Một cái đầu ngẩng lên. Một cái mặt non choẹt. Thanks, paper-boy. Trả lời, Không có chi. Lại còn thêm câu chúc Giáng Sinh. Chúc người, để mong lòng mình ấm lại.

Hai mươi mấy tờ trong dãy kế bên. Lại mắc tiểu. Trời lạnh, cứ mắc tiểu liền liền. Phải tìm nhà vệ sinh gấp. Rảo bước trên hành lang vắng. Cái bọc ny lông lép nhép từng bước chân. Vào nhà vệ sinh, đứng, run rẩy tháo hai ba lớp quần, vội vã làm công chuyện. Có tiếng chân lê dép loạt soạt bước vào nhà vệ sinh. Ghé mắt nhìn qua khe cửa phòng vệ sinh. Một con bé mắt nhắm mắt mở, choàng sơ sài chiếc khăn trên vai. Thân thể trắng hồng. Tiếng nước róc rách. Trong này hồi hộp, nín thở. Chờ. Tiếng kéo nước. Cái đầu tóc vàng óng, rối bù, loạt xoạt đi ra. Thiệt tình. Đâu biết đây là khu nữ sinh viên. Rón rén từng bước và lủi nhanh ra ngoài. Hú hồn.

Còn mấy tờ cho thư viện trường. Lại khúc đường vòng vo. Ngày nào đi qua đây cũng thấy lòng nao nao. Nhìn những người trẻ cắm cúi trên trang sách, nhớ mình cũng một thời. Cố lên, quá nửa đường rồi. Tự nhủ lòng như thế. Run bần bật. Lạnh hay nóng không còn biết nữa. Nhưng run. Không cưỡng lại được.  Hai bàn chân cứng như đá. Năm tờ báo cho thư viện. Phải giao tận bàn tiếp khách ở cửa vào. Cũng may hai lớp cửa đều tự động mở cho mình bước vào. Hai cô gái ngồi ở quầy. Chiếc đồng hồ gắn trên tường chỉ số ba. Gần sáng rồi. Thầm nghĩ. Một cô gái cắm cúi trước máy điện toán. Cô kia có một nụ cười. Và câu chào quen thuộc. Tôi chào lại và nhẹ nhàng đặt năm tờ báo lên mặt bàn. Ánh nhìn từ đôi mắt nâu quét xuống chiếc giầy bọc bao ny lông dưới chân tôi. Làm tôi lúng túng. Tôi muốn giấu bặt bàn chân nước đá ấy nhưng không biết vùi vào đâu. You want a coffee? Cô gái bỗng hỏi. Tôi đang khát nước cùng cực. Và tôi cũng thèm hết sức một ngụm cà phê nóng. Nhưng tôi không có thời giờ. Ba giờ sáng mới tới được đây đã là muộn lắm rồi. Nên tôi ngập ngừng. Cô gái đứng dậy, đưa lên một ngón tay, “Một phút thôi!” Và cô bước nhanh ra phía sau cánh cửa. Chưa đầy một phút cô bước ra, chiếc ly giấy trong tay. Sợi khói dài uốn éo trên miệng ly như chiếc khăn san trên cổ một nàng tiên trong cổ tích. Tôi đưa tay đón lấy và vụng về cảm ơn. Tôi sẽ vừa đi vừa uống. Tôi nói với cô gái như thế và vội vã quay lưng. Merry Christmas! Cô nói với theo. Đầu tôi gật vì tôi gật đầu hay vì cái lạnh làm co thắt bắp thịt vùng cổ tôi cũng không biết nữa. Mùi cà phê thơm ngát vùng không gian băng giá quanh tôi. Còn ba tờ báo nữa cho khu phòng nghiên cứu ở sau khúc đường cong là xong khu đại học. Tôi thận trọng từng bước trên lớp tuyết dầy. Và tôi thụt chân trong đống tuyết, lọt xuống một đường cống bên đường. Tôi ngã vật xuống, những tờ báo quăng đầy mặt tuyết. Và cà phê đen tung tóe trên nền trắng tinh khôi của mùa đông băng giá.

Hôm ấy mãi đến tám giờ sáng tôi mới giao xong số báo của mình. Suốt ngày tôi hồi hộp chờ cú điện thoại của captain chuyển lời trách móc của khách hàng, và thông báo số tiền bị trừ. Nhưng không có ai điện thoại để than phiền báo đến muộn. Và tôi nhớ mãi cô gái đã cho tôi ly cà phê mà tôi chưa kịp uống. Tôi chưa kịp chạm môi trên vành chiếc ly giấy và tôi cũng không nhớ mặt cô gái đã cho tôi ly cà phê hôm trước lễ Giáng Sinh năm ấy. Nhưng tôi tin đó là ly cà phê ngon nhất và thiếu nữ ấy là người đẹp nhất mà tôi có dịp gặp trên thế gian này.

Chỉ tiếc một điều là cái bao thư một khách hàng giấu dưới tấm thảm làm quà Giáng Sinh cho tôi đã rơi đâu mất. Vậy là không có quà cho thằng con trai chưa đầy một tuổi. Nhưng tôi ủi an tôi rằng chẳng phải câu chúc chưa kịp nghe bao giờ cũng là câu chúc hay nhất, và món quà không bao giờ mở ra luôn luôn là món quà quý nhất đó hay sao?

19 tháng 12, 2022