(tiểu thuyết Vân Khánh)
Trúc An
Câu chuyện không có gì mới nhưng lại có sức hấp dẫn như muôn đời vẫn thế, đó là chuyện tình tay ba. Câu chuyện có người vợ Hạnh Hoa, xinh đẹp, sinh ra đã ngậm thìa vàng, là thiên kim tiểu thư, chỉ quen ăn chơi, tiêu xài, đẻ ra đứa con thì có sẵn giúp việc. Trong đời có những việc lấy chồng, sinh con, làm ăn nghề nghiệp đều một tay sắp đặt của bố mẹ. Đây là kiểu nhân vật dường như sinh ra để ăn chơi bạt mạng, ghen chồng lồng lộn. Nếu ai đi tìm phẩm chất phụ nữ Việt Nam truyền thống trong hình tượng nhân vật Hạnh Hoa thì thật khó khăn.
Câu chuyện có nhân vật nữ Ngọc Ly làm con giáp thứ Mười Ba đầy tai tiếng. Tất nhiên Ngọc Ly đẹp, giỏi, thông minh, lạnh lùng, nhìn ngoài khó gần, bề trong giấu trái tim ấm áp. Tất nhiên trong đời này đàn ông dễ xiêu lòng vì mẫu người nữ như Ngọc Ly. Nhân vật này có sức thuyết phục và dễ dàng đánh gục tất cả người yêu, người ghét, cả nam lẫn nữ. Kiểu nhân vật như Ngọc Ly này dễ lấy được lòng yêu ở người thấu cảm, cho nên người đọc cũng dễ hiểu là Hải Phong đã có một mối tình mụ mị với con giáp thứ Mười Ba. Kiểu nhân vật như Ngọc Ly cũng dễ chuốc lấy lòng ghen tức đi kèm sự thâm thù, chả thế mà cả ban quản trị công ty vói những người như Lan Hương, Nguyễn Quân đã về hùa với nhau, bày mưu tính kế lấy công ty, đuổi Hải Phong và Ngọc Ly ra khỏi công ty. Cho dù Nguyễn Quân từng công khai theo đuổi Ngọc Ly, không được đã lên giọng thù hằn cho biết mặt.
Nhưng nhân vật khác như Nguyễn Quân, Lan Hương, người đàn bà bí ẩn, ông Tường, bà Tường đều có ảnh hưởng tác động đến bộ ba nhân vật trên kia, bằng một cuộc lừa gạt chiếm đoạt công ty bất động sản của Hải Phong. Trong cuộc chiến ấy, những mưu hèn kế bẩn được tung ra, ví dụ khi thì lợi dụng truyền thông, khi thì ăn cắp tài liệu, khi thì lén sử dụng thông tin và địa chỉ mail để đưa tin giả, khi thì lợi dụng bê bối gia đình làm giảm sút lòng tin khách hàng dẫn đến thất bại trong giao dịch kinh doanh. Những tình tiết lắt léo này chính là chỗ đẩy câu chuyện tình tay ba đến những mâu thuẫn căng thẳng đầy kịch tính.
Cách Vân Khánh tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện chính là tạo nút thắt tưởng như bế tắc. Đó là khi Hải Phong coi người tình Ngọc Ly là món quà vô giá duy nhất có giá trị mà anh có được trong đời, thì lại thấy vô vàn những thông tin có lợi cho đối thủ lan tràn trên mạng xã hội và các kênh truyền thông do Ngọc Ly gây ra. Hải Phong đã thất bại hoàn toàn, trong một phút trở về trắng tay: không gia đình, không tài sản, không tiền bạc, không nhà, không chốn dung thân? Vậy Hải Phong sẽ đứng dậy như thế nào, và “đông ấy hoa nở hoa lại tàn” sẽ cho ta biết những đáp số bí ẩn về nhân vật. Không có gì khác ngoài lòng kiên cường, kiên trì đi đến đích với lòng nhân hậu, bao dung, bình tĩnh và dấn thân vào bão. Tác giả đã để cho nhân vật Hải Phong nhắc đi nhắc lại, rằng khi có bão nếu ta chống lại nó ta sẽ bị quật ngã, nhưng nếu ta bình tĩnh đi vào tâm bão, ta nương theo nó biết đâu là sẽ thu về bộn những tôm cá. Phải chăng đó cũng là cách mà người viết quen ứng xử với những thăng trầm cuộc đời. Phải chăng đó chính là những giải pháp tích cực của con người hiện đại, của những người trẻ trong một thế giới phẳng.
Người trẻ cũng nhìn tình yêu vợ chồng một cách thực tế hơn, nghĩa là không thi vị hóa nó. Hạnh Hoa là bà chủ gia đình, xuất phát điểm thiên kim tiểu thư, có ba mẹ là bệ đỡ để cho chồng là Hải Phong thành công trên thương trường. Ai cũng nghĩ của chồng công vợ, nhưng Hạnh Hoa nông nổi tự mãn đã để mất tình yêu của Hải Phong, “mất chút tình cảm” của con gái vào tay người tình của chồng với lí lẽ đơn giản là trẻ con ai yêu nó thì nó yêu người ấy. Ngỡ tưởng sau cơn cuồng ghen thì con giáp thứ Mười Ba là kẻ thù không đội trời chung? Thế mà người đọc gặp một Hạnh Hoa lột xác hoàn toàn, học nấu ăn, học chăm con gái, học yêu lại từ đầu, học yêu lại cuộc đời đã mang đến cho Hạnh Hoa quá nhiều thứ mà cô lại bội bạc vói chính nó. Bông hoa đời đã nở lại với Hạnh Hoa như chính lý lẽ truyền thống gieo nhân nào gặp quả nấy. Vậy Hạnh Hoa có hạnh phúc không, đó lại là câu hỏi mà tác giả để ngỏ.
Theo lẽ thường, con giáp thứ Mười Ba thường bị lên án, những tưởng trong “Đông ấy hoa nở lại tàn” thì Ngọc Ly dường như nhận quá nhiều ưu ái của tác giả. Vân Khánh dụng công tỉa tót chăm chút cho nhân vật này nhiều nhất, đương nhiên. Nhân vật có vẻ phản diện, không theo truyền thống đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam, lại được nhà văn yêu chiều, hẳn là có lí do. Từ lối ngỏ đó, ta gặp hình ảnh người phụ nữ mới năng động, hiện đại, thông minh, tinh tế, tài giỏi, có học thức. Xuất phát điểm không bằng người, nhưng có khi chất và nỗ lực hơn người, cho nên được hái quả viên mãn, có tiền, có địa vị, có tình yêu. Đến đây thì sự hy sinh cho tình yêu, cho sự nghiệp lại là mô típ quen thuộc dẫn dắt quá trình phát triển tính cách nhân vật. Ngọc Ly chăm chỉ việc công ty, Ngọc Ly chăm sóc con gái Hải Phong như người mẹ thực thụ, sự hy sinh quá lớn lao mà chỉ có tình yêu làm bệ đỡ thì mới có thể làm được. Cứ ngỡ hoa nở vĩnh viễn thế mà lại tàn đi nhanh chóng bất ngờ, Ngọc Ly vẫn chăm sóc con gái người tình và ôm nỗi cô quạnh chờ đợi. Ngọc Ly sẽ chờ đợi tình yêu của mình đến bao giờ, tác giả không trả lời hộ độc giả, vì theo lẽ đời, tình yêu là thứ cảm xúc không thể nói trước. Vậy hoa nở mùa đông đã là bất thường, thì hoa tàn mùa đông đâu có gì đáng ngạc nhiên, như cuộc đới theo dòng chảy của nó mà bất tuân cảm xúc con người.
Một nhân vật nữa không được tác giả hé lộ ở tuyến đầu truyện, nhưng lại được người đọc nhớ, đó là người đàn bà Trùm khăn Bí ẩn. Bà ta bày mưu tính kế cho Nguyễn Quân từng đường đi nước bước để chiếm đoạt công ty của Hải Phong. Bà ta giúp Nguyễn Quân và phản bội người chồng đầu gối tay ấp hết lòng yêu. Bà ta đã thành công khi mang lại hầu hết tài sản của ông Tường về cho con trai và người tình là bác sĩ Tâm. Cuối tác phẩm bà ta mới lộ diện, đó là vợ ông Tường, người đàn bà tài giỏi, tự nguyện lui về sau giúp chồng làm nên sự nghiệp. Tuy lộ diện bộ mặt phản bội chồng nhưng vẫn được ông Tường tha thứ, ta có thể lý giải là do tình yêu bị chiếm đoạt sở hữu thì không bao giờ thuộc về mình trọn vẹn, phải chăng ông Tường vin vào đó để mà tha thứ cho sự phản bội của vợ. Phải chăng đó cũng là một góc nhìn khác lạ để tạo nên sự hấp dẫn của cuốn sách này.
Trong cuốn sách này còn một nhân vật đàn bà nữa là Lan Hương, cũng xinh đẹp, tài giỏi, đa mưu túc trí như đàn ông để đạt đỉnh cao danh vọng tiền tài, nhưng cuối cùng thì đã ngậm ngùi bỏ xứ ra đi. Kết cục này cũng không mới lạ, vẫn theo quan niệm gieo nhân nào gặp quả nấy, và người đọc có thể hài lòng với cách giải quyết này, vì nhân vật xứng đáng được hưởng như vậy.
Bao trùm lên các nhân vật nữ để chi phối họ chính là Hải Phong là mẫu người hoàn hảo cho lớp trẻ ngày nay. Hải Phong tuy xuất phát điểm nghèo khó, là người có nhiều nghị lực để làm giàu. Anh đẹp trai, tài giỏi, thông minh, giàu có, thành công vượt bậc. Hải Phong ở nhà có vợ đẹp kiểu thiên kim tiểu thư, ra ngoài nhiều cô gái mê, đi một bước rắc phong lưu đào hoa một bước. Khi Hải Phong chưa có sự nghiệp thì Hạnh Hoa và ông Tường xuất hiện để làm bệ đỡ. Khi Hải Phong gặp nguy cơ đổ vỡ công ty thì ông Tường xuất hiện hào phóng đưa tay ra ngăn gió bão. Khi Hải Phong bị rớt đáy tình yêu do sự phản bội của Hạnh Hoa thì có Ngọc Ly mang lại sự ấm áp. Người đọc ngờ rằng nhân vật Hải Phong chỉ như cái bẫy, hay như mạng nhện giăng mắc cho những tình tiết yêu đương tay ba tay tư tréo ngoe đan cài trong tác phẩm. Cho dù thế nào, thì nhân vật Hải Phong cũng làm tròn nhiệm vụ của một người đàn ông trải qua nhiều thăng trầm của tiền bạc và tình yêu, khi lên đỉnh khi rớt đáy như thị trường chứng khoán vậy, nghĩa là cũng có sự hấp dẫn riêng, làm nên chủ đề trọn vẹn của tác phẩm.
Khép lại cuốn sách ta sẽ phải ngẫm nghĩ về những khao khát ước muốn của con người, vậy thì tiền bạc địa vị và tình yêu, cái gì quan trọng hơn. Cái đó tùy vào người đọc sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng khi đọc “Đông ấy hoa nở lại tàn” của Vân Khánh.
Hồng Nhung đưa bài